Phân tích bi kịch của nhân vật Đan Thiềm (“Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”)
- Mở bài:
“Vũ Như Tô” là vở kịch lịch sử xuất sắc của Nguyễn Huy Tưởng và của nền kịch Việt Nam hiện đại. Tác phẩm được sáng tác vào năm 1941, dựa trên một sự kiện lịch sử xảy ra ở kinh thành Thăng Long vào thời hậu Lê. Trong đoạn trích, bên cạnh nhân vật Vũ Như Tô, một nghệ sĩ thiên tài, người xây dựng Cửu Trùng Đài, nhân vật Đan Thiềm cũng được khắc họa đậm nét. Bi kịch của nhân vật Đan Thiềm phát triển song song với bi kịch cuộc đời của Vũ Như Tô.
- Thân bài:
Trong tác phẩm nhân vât Đan Thiềm hiện lên chỉ là một nhân vật phụ nhưng góp phần tô đậm nhân vật Vũ Như Tô và làm rõ tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Nàng là người cung nữ say mê cái đẹp, trân trọng người tài; thấu hiểu lẽ đời nhưng gặp phải bi kịch. Bi kịch của nhân vật Đan Thiềm có phần khác biệt nhưng không kém đau đớn so với bi kịch Vũ Như Tô.
Nếu như Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ tài ba, một kiến trúc sư biết sáng tạo ra cái đẹp thì Đan Thiềm là người đam mê, trân trọng, nâng niu cái tài của Vũ Như Tô. Lúc đầu khi đưa ra ý tưởng xây dựng Cửu Trùng Đài vi không đủ kinh phí cũng như không muốn phụng sự cho hôn quân bạo chúa Lê Tương Dực nên Vũ Như Tô không quyết định xây dựng Cửu Trùng Đài. Nhưng rồi, Đan Thiềm xuất hiện: sắc đẹp, lời ngon tiếng ngọt và sự tôn kính của Đan Thiềm đã làm cho Vũ xiêu lòng và bằng lòng xây Cửu Đài.
Đan Thiềm là một người “biệt nhỡn liên tài” nên khuyên Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài để bảo vệ cái tài, cái đẹp. Vì mê đắm cái tài mà Đan Thiềm không quản ngại những điều thị phi, quên cả nguy hiểm của bản thân để bảo vệ Vũ Như Tô. Nhưng nàng không ngủ mê trong cõi mơ mông mà nàng là một người tỉnh táo, thức thời, hiểu đời và hiểu người. Đan Thiềm có thể quên mình để khích lệ, bảo vệ cái tài ấy, nhưng nàng luôn tỉnh táo, sáng suốt trong mọi trường hợp vì nàng hiểu người, hiểu đời hơn, thức thời, mềm mại và dễ thích ứng với hoàn cảnh hơn Vũ Như Tô.
Chính Đan Thiềm là người khuyên Vũ Như Tô ở lại để xây Cửu Trùng Đài ở hồi I nhưng khi có biến lại tìm mọi cách để thuyết phục ông trốn đi. Đan Thiềm hiểu được tình thế đang diễn ra nguy bách và Vũ Như Tô nếu không trốn tất yếu sẽ bị giết. Khi quân phiến loạn đốt phá. Lùng sục kẻ xây dựng Cửu Trùng Đài cho đó là “thủ phạm” thi Đan Thiềm mặt cắt không còn một hột máu hớt ha, hớt hải chạy đi tìm Vũ Như Tô. Nàng thiết tha van xin vị kiến trúc sư tài ba. “Ông phải trốn đi. Ông phải trốn đi… Trốn đi để chờ cơ hội khác. Đại sự hỏng rồi”. Khi tiếng quân ầm ầm, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng tù và in ỏi, tiếng ngựa hí nổi lên, khi quân nổi loạn truy tìm thủ phạm để giết, thì Đan Thiềm không lo cho tính mạng của mình mà mà chỉ lo cho Vũ Như Tô bị sát hại. Nàng đã hết lời van xin: “Tài kia không nên để uống. Ông có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai mà tô điểm nữa.”
Đan Thiềm thấu đáo về thời thế khôn khéo chỉ ra nguyên nhân : nhân dân và quan lại trong triều ai ai cũng cho Vũ Như Tô là thủ phạm. Bức tường thâm cao của cung vua phủ chúa không bó hẹp được tầm nhìn sâu sắc về thời thế của người cung nữ này. Nàng có cách ứng xử linh hoạt và uyển chuyển. Cả hai lời khuyên của nàng rất có ý nghĩa bởi nàng bảo vệ được cả cái đẹp và người tạo nên cái đẹp “khi trước trốn đi thì ông nguy, bây giờ trốn đi thì ông thoát chết”.
Hai lần nàng khuyên nhủ Vũ Như Tô đều hết sức sáng suốt, nhưng lần thứ nhất lời khuyên có hiệu lực; lần thứ hai thì không và bi kịch của Đan Thiềm chủ yếu gắn với thất bại này. Đan Thiềm găp phải bi kịch vỡ mộng.Nàng vốn là người cung nữ bị ruồng bỏ, ngót 20 năm bị giam lỏng, làm thị nữ hầu hạ cho vua và đám phi tần kém nàng về cả nhân sắc và tài năng. Thậm chí, nàng còn bị khinh miệt. Một con người hồng nhan bạc mệnh nhưng bi kịch lớn nhất của nàng là khổ lụy vì tài. Nàng luôn luôn lo lắng cho cái tài của Vũ Như Tô. Nàng ra sức van lơn khuyên Vũ Như Tô bỏ trốn. Nhưng đau đớn thay Vũ Như Tô vẫn quyết sống chết với Cửu Trùng Đài.
Khi quân khởi loạn đốt phá kinh thành, đập tan tành Cửu Trùng Đài nhưng bà ta vẫn còn quỳ lạy, van xin Ngô Hạch: “Tướng quân tha cho ông cả nước ta còn nhiều thợ tài để tô điểm”. Lửa đã cháy đến chân, đầu sắp lìa khỏi cổ, nhưng bà ta vẫn “lẩn thẩn”, u mê, van lạy: “Tướng quân hãy nghe tôi, đừng phạm tội ác. Đừng giết ông cả. Tôi xin chịu chết.” Đến lúc nhận ra cả việc đổi mạng sống của mình để cứu Vũ Như Tô cũng không được nữa thì Đan Thiềm đành buông lời vĩnh biệt tất cả “Đài lớn tan tành! Ông cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt. Đó cũng chính là vĩnh biệt mãi mãi Cửu Trùng Đài, vĩnh biệt một “giấc mộng lớn” trong máu và nước mắt.
Đan Thiềm quá thương, quá quý trọng cái tài của Vũ Như Tô, trước dư luận, trước những lời thị phi khen chê của đồng loại, Đan Thiềm vẫn bỏ ngoài tay tất cả. Thậm chí đến lúc đầu sắp lìa khỏi cổ vẫn u mê, lẩn thẩn. Và để rồi nàng nhận một cái chết thương tâm. Cái chết của Đan Thiềm là một bi kịch: bi kịch về tình thương và lẽ phải, bi kịch về nhận thức mơ hồ, bi kịch giữa nghệ thuật và tội ác. Đan Thiềm là người cung nữ tha thiết yêu cái đẹp và cảm mến người tài nhưng nàng đã gặp bi kịch không kém phần đau đớn so với Vũ Như Tô. Đan Thiềm phải chứng kiến cái tài, cái đẹp mà mình trân trọng bị hủy diệt. Yêu cái tài cái đẹp nhưng không bảo vệ được. Khích lệ cái tài, cái đẹp nhưng lại chứng kiến người tài bị giết.
Bằng một ngôn ngữ kịch có tính tổng hợp rất cao, nhất là trong hồi cuối Vũ Như Tô, nhà văn đã đồng thời khắc họa tính cách, miêu tả tâm trạng, dẫn dắt hành động, xung đột kịch rất thành công, tạo nên một bức tranh đời sống bi kịch rất hoành tráng trong nhịp điệu bão tố của nó.
Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật một cách chân thực, xúc động. Đặt nhân vật trong xung đột căng thẳng, giàu kịch tính, từ đó làm nổi bật chân dung nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật giàu tính cá thể : tha thiết, khẩn nài, van xin, thất vọng. Kết hợp với ngôn ngữ là hành động, cử chỉ, ngoại hình góp phần thể hiện tâm trạng nhân vật.
Nhân vật Đan Thiềm được đặt trong nhiều mối quan hệ \: với Vũ Như Tô tri kỉ, với cung nữ thì bị ghen ghét. Hình tượng nhân vật Đan Thiềm có vai trò thúc đẩy xung đột của vở kịch đi đến cao trào tăng thêm tính lôi cuốn, hấp dẫn cho vở kịch. Chính nàng là nhân tố quan trong làm nổi bật tài năng, khát vọng và bi kịch của Vũ Như Tô, giúp tác giả thể hiện tư tưởng chủ đạo của tác phẩm.
- Kết bài:
Như vậy, ở hồi cuối này qua việc miêu tả diễn biến tâm lý và bi kịch của nhân vật Đan Thiềm Nguyễn Huy Tưởng góp phần thể hiện tính cách bi kịch ở mỗi người cũng như những gì được xem là “đồng bệnh” “tri âm” (hay đồng điệu) ở họ. Chứng đồng bệnh ấy thức chất là sự đồng điệu trong mộng ước, đồng điệu trong nỗi đau, xuất phát từ sự ý thức sâu xa xuất phát từ bi kịch của tài và sắc.
- Phân tích nhân vật Đan Thiềm trong “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”
- Giá trị nhân văn của vở kịch “Vũ Như Tô&” của Nguyễn Huy Tưởng
- Phân tích bi kịch của Vũ Như Tô (“Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” – Nguyễn Huy Tưởng)
- Phân tích hành trình kiếm tìm lí tưởng của nhân vật Vũ Như Tô trong “Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài”