Bí quyết viết đoạn văn nghị luận 200 chữ – chinh phục kì thi THPT

Bí quyết viết đoạn văn nghị luận 200 chữ – chinh phục kì thi THPT.

Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn qua những năm gần đây có kết cấu khá ổn định. Về cơ bản, đề được chia làm 2 phần:

– Phần I: Đọc – hiểu và trả lời câu hỏi (3 điểm)

  • Phần này, ngữ liệu sẽ bao gồm một đoạn văn hoặc đoạn thơ cùng với 4 câu hỏi nhỏ liên quan đến nó. Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ cấp độ nhận biết, thông hiểu cho đến vận dụng như: thể thơ, nội dung chính, đặt nhan đề, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, các hình thức thể hiện của văn bản,…
  • Trong 4 câu hỏi, có 1 câu tích hợp kiến thức Tiếng Việt như nhận diện được một số biện pháp tu từ quen thuộc như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, liệt kê, phép điệp,…và sau đó nêu tác dụng của nó.

– Phần II: Làm văn (7 điểm)

+ Phần này bao gồm 2 câu hỏi:

  • Viết bài nghị luận ngắn (khoảng 200 từ) về một hiện tượng xã hội hay một tư tưởng đạo lý (3 điểm)
  • Viết bài nghị luận văn học về các tác phẩm văn học (4 điểm)

Như vậy, về cơ bản, đoạn văn nghị luận 200 chữ thuộc phần II, cơ cấu điểm là 3/10. Trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn hiện nay, phần Nghị luận xã hội chỉ yêu cầu thí sinh tạo lập một đoạn văn có dung lượng vừa phải (200 chữ) về một vấn đề xã hội (tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng đời sống) được gợi ý ngay từ ngữ liệu của phần Đọc hiểu. Dẫu còn có nhiều quan điểm, nhiều tranh cãi khác nhau, song nó vẫn là một phần thi bắt buộc.

Để phần nào định hướng và giúp cho các em hình dung một con đường đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện trong việc tạo lập đoạn văn 200 chữ, học sinh đi vào trả lời năm câu hỏi sau đây:

+ Mở đoạn: Cuộc sống xung quanh em đang diễn ra thế nào? Mục đích của phần mở đầu này là giúp các học sinh khái quát được thực trạng cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình; biết quan tâm tới hoàn cảnh thực tế của xã hội nhằm giúp các em định hình, khái quát và giải thích được những ấn tượng chung: cuộc sống đang diễn ra tốt đẹp, thuận lợi hay khó khăn, thách thức; đơn giản, xuôi chiều hay bộn bề, phức tạp; vận hội, thời cơ hay thử thách, bon chen và đầy cám dỗ … và đi kèm theo đó là một vài câu lí giải ngắn gọn cho những nhận định ban đầu ấy.

+ Thân  đoạn 1: Trong bối cảnh ấy, mỗi con người cần hình thành cho mình những phẩm chất quan trọng nào?

Trên thực tế, vấn đề đặt ra ở câu hỏi này thông thường đã được gợi mở ngay từ chính mệnh đề của đề thi đưa ra để yêu cầu học sinh bàn luận. Bởi thế, giải quyết yêu cầu của câu hỏi này khá đơn giản. Các em chỉ cần lưu ý đến lời dẫn chuyển tiếp, liên kết, xâu chuỗi với những câu văn đầu đoạn và dẫn mệnh đề của đề thi vào một cách phù hợp là đã hình thành được phần tiếp theo của đoạn văn 200 chữ.

+ Thân đoạn 2: Em hiểu như thế nào về những phẩm chất mà mình đã lựa chọn?

Thực chất của câu hỏi này là yêu cầu học sinh có những sự hiểu biết nhất định về đời sống, lí giải được một cách cơ bản nhất nội hàm của phẩm chất được đưa ra bàn luận ở đề bài. Lẽ dĩ nhiên, đề thi có thể yêu cầu các em trình bày sự hiểu biết về một hiện tượng xã hội nhưng cách triển khai vẫn có thể đi theo một con đường chung như vậy.

Đây là câu hỏi bắt buộc các em phải đưa ra khái niệm, những biểu hiện cơ bản của khái niệm được lựa chọn (yêu cầu) bàn luận trong thực tiễn cuộc sống đang diễn ra nhằm định hướng cho vấn đề sẽ được đi sâu làm rõ ở những câu văn tiếp theo.

+ Thân đoạn 3: Những phẩm chất ấy đã mang lại những lợi ích nào cho xã hội và cuộc sống bản thân mỗi con người?

Đây là câu hỏi giúp các em lí giải được lí do về sự lựa chọn của chính bản thân; bước đầu hình thành cho mình những quan điểm sống đúng đắn, lành mạnh, tích cực và tiến bộ; biết cách cư xử, sống hài hòa với môi trường xung quanh. Những kiến giải đó phải được xây dựng thành những lập luận vững chắc, có tính thuyết phục cao.

Muốn vậy, ở câu hỏi này, học sinh bắt buộc phải có được những hiểu biết nhất định về thực tiễn của đời sống xã hội để có thể lấy được một vài dẫn chứng ngắn gọn, nhằm tăng sức thuyết phục cho lập luận mà mình đưa ra.

+ Thân đoạn 4: Thực tiễn đời sống xã hội và cuộc sống xung quanh em, con người (đặc biệt là giới trẻ) đã thực hiện tốt những phẩm chất ấy chưa?

Câu hỏi này hướng tới hình thành ở học sinh năng lực khái quát hóa đời sống xã hội, từ đó có được cho mình những quan điểm, chính kiến khách quan được xây dựng trên cơ sở thực tiễn chứ không phải là những nhận xét chủ quan, mang tính chất cảm tính, chung chung.

+ Kết đoạn: Em thấy mình cần phải làm gì để thực hiện tốt những phẩm chất ấy?

Phần kết đoạn đặt ra cho các học sinh nhu cầu bộc lộ tư duy phản biện, phê phán nhằm đi tới loại bỏ những quan niệm, những tư tưởng lệch lạc, sai trái … để từ đó hình thành cho bản thân thái độ, tư tưởng sống tích cực, lành mạnh, tiến bộ. Đây có lẽ cũng chính là mục tiêu cốt lõi của đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn hiện tại hướng tới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang