Dẫn chứng là gì? Cách triển khai dẫn chứng trong bài văn nghị luận

dan-chung-la-gi-cach-trien-khai-dan-chung-trong-bai-van-nghi-luan

Dẫn chứng là gì? Cách triển khai dẫn chứng trong bài văn nghị luận

1. Dẫn chứng là gì?

Xét trong kết cấu đoạn văn, để có sự lập luận sâu sắc cần có hệ thống: luận điểm, luận cứ, luận chứng. Về dẫn chứng, đã có nhiều cách định nghĩa khác nhau về dẫn chứng có nhiều cách định nghĩa khác nhau:

– Trong công trình nghiên cứu Từ điển Hán Việt, Phan Văn Các đã định nghĩa luận chứng như sau:

+ Nghĩa 1: Là chứng cớ làm chỗ dựa cho lập luận (Luận chứng đầy đủ và chính xác).

+ Nghĩa 2: Sự chứng minh một phán đoán là đúng hay không, dựa trên phán đoán đã biết là đúng. (Bản luận chứng).

– Trong tài liệu Làm văn 12, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống đã định nghĩa:“Luận chứng là sự phối hợp, tổ chức các lí lẽ và dẫn chứng để thuyết minh cho luận điểm. Thực chất của luận chứng, là cách đưa luận cứ vào quĩ đạo lôgic để tạo thành sức thuyết phục cho luận điểm”.

– Từ điển Wiktionary định nghĩa về dẫn chứng:

+ Danh từ: Dẫn chứng là “Cái được đưa ra để chứng minh làm cơ sở cho điều nói ra, viết ra”

+ Động từ: Dẫn thí dụ, bằng cớ để chứng minh cho điều nói ra, viết ra là đúng, là có cơ sở. Dẫn chứng ra nhiều cứ liệu xác thực.

Như vậy, dẫn chứng là chứng cớ làm chỗ dựa vững chắc cho lập luận tăng thêm sức chính xác, thuyết phục cho luận cứ, luận điểm trong bài văn nghị luận. Luận chứng là cách gọi đầy đủ của dẫn chứng và sự phân tích, bình luận dẫn chứng trong bài văn nghị luận.

2. Dẫn chứng trong nghị luận văn học.

Dẫn chứng trong văn nghị luận văn học là những chứng cứ tạo nên tính thuyết phục cho bài văn nghị luận văn học. Trong bài văn nghị luận nói chung, luận chứng có thể là bằng chứng về số liệu, giấy tờ, bằng chứng…Trong nghị luận văn học, luận chứng có thể là: câu thơ, đoạn thơ, những nhận định, đánh giá của các tác giả, nhà lí luận phê bình…đối với các tác phẩm văn xuôi dẫn chứng có thể là: chi tiết, nhân vật (ngoại hình, lời nói, hành động, nội tâm) tình tiết, cốt truyện, hình ảnh, không gian, thời gian…

Dẫn chứng phân theo thể loại văn học bao gồm:

– Trữ tình: Dẫn chứng có thể là một bài thơ, đoạn thơ, hình ảnh, cấu tứ, nhịp điệu thơ.

– Tự sự: Đối với thể loại tự sự dẫn chứng có thể là nội dung tóm tắt, nhân vật (xuất thân, ngoại hình, lời nói, hành động, diễn biến tâm lí nhân vật) trong truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch. Những tình tiết truyện, chi tiết, hình ảnh, không gian, thời gian, diễn biến câu chuyện.

– Kịch: Dẫn chứng có thể là xung đột và cách giải quyết xung đột, hành động kịch, nhân vật kịch, ngôn ngữ kịch: Đối thoại, độc thoại bàng thoại.

Dẫn chứng theo yêu cầu của đề bài nghị luận văn học:

Trong một bài nghị luận văn học, sẽ có rất nhiều dẫn chứng. Dẫn theo công trình nghiên cứu Văn bồi dưỡng học sinh năng khiếu trung học cơ sở, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh và Phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống đã phân loại dẫn chứng thành hai loại: “dẫn chứng bắt buộc” và “dẫn chứng mở rộng”:

– “Dẫn chứng bắt buộc là dẫn chứng nằm trong phạm vi yêu cầu của đề về tư liệu” (Nguyễn Đăng Mạnh, 1998, tr.59)

– “Dẫn chứng mở rộng là loại dẫn chứng ngoài phạm vi trên do người viết tự viện dẫn ra để liên hệ, đối chiếu, so sánh nhằm làm sáng tỏ thêm ý đang được bàn bạc” (Nguyễn Đăng Mạnh, 1998, tr.59)

Ví dụ đề bài: Nhận định về thơ Tố Hữu, có ý kiến cho rằng: “Nổi lên trong thơ Tố Hữu như một thành công tuyệt đẹp là những sáng tác về Bác Hồ kính yêu”

– Dẫn chứng bắt buộc: Các tác phẩm thơ của Tố Hữu viết về chủ tịch Hồ Chí Minh: Bác ơi, Sáng tháng năm, Theo chân Bác, Cánh chim không mỏi, Hồ Chí Minh, Một khúc ca, Trưa tháng Tư, Sài Gòn…Có thể là một hoặc hai trong một số các sáng tác của Tố Hữu đề làm rõ vấn đề những sáng tác thành công về Hồ Chủ tịch kính yêu.

– Dẫn chứng mở rộng: Các tác phẩm viết về Bác Hồ của các tác giả khác. Có thể là: Bác Hồ – Người cho em tất cả của Hoàng Long, Hoàng Lân, Cháu nhớ Bác Hồ của Thanh Hải (8/1956), Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ (1951), Em gặp Bác Hồ của Trần Đăng Khoa, Bộ đội Ông Cụ của Nông Quốc Chấn…Trong quá trình làm bài, người viết có thể liên hệ một số vần thơ khác về Bác để mở rộng dẫn chứng, tạo độ sâu, độ rộng cho dẫn chứng trong lập luận.

Dẫn chứng mở rộng có thể ở nhiều cấp độ. Dẫn chứng bắt buộc là một đoạn thơ, một đoạn trích văn xuôi thì dẫn chứng mở rộng có thể là một tác phẩm thơ, một tác phẩm văn xuôi. Dẫn chứng bắt buộc là một tác phẩm văn học này thì dẫn chứng mở rộng có thể là tác phẩm khác của cùng nhà văn hoặc tác phẩm của nhà văn khác cùng đề tài, giai đoạn văn học. Ngoài ra dẫn chứng mở rộng có thể là các nhận định, quan niệm, ý kiến đánh giá của các nhà văn, nhà phê bình văn học.

Chúng ta đã phân loại dẫn chứng trong một bài văn nghị luận, cần đưa ra một nguyên tắc sử dụng. Như tên gọi của hai loại dẫn chứng “bắt buộc”- cần được ưu tiên, chú trọng, tập trung vào dẫn chứng bắt buộc để làm sáng tỏ vấn đề, mở rộng – để làm sáng tỏ thêm cho dẫn chứng bắt buộc. Để có một bài văn đúng cần khai thác tốt dẫn chứng bắt buộc nhưng để có một bài văn hay cần có thêm dẫn chứng mở rộng. Như đánh giá của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh trong Văn bồi dưỡng năng khiếu trung học cơ sở: “Dẫn chứng bắt buộc cho người đọc thấy bề sâu của người phân tích còn qua dẫn chứng mở rộng thấy được bề rộng trong tầm kiến thức văn của người ấy.” Trong thực tế, sẽ có một số dạng đề không giới hạn phạm vi đưa dẫn chứng, chính người viết cần tự đặt ra giới hạn về dẫn chứng văn học.

3. Phân tích dẫn chứng.

a. Thao tác phân tích dẫn chứng.

– Khái niệm: Phân tích là chia nhỏ đối tượng thành các yếu tố để xem xét một cách kĩ càng nội dung, hình thức và mối quan hệ bên trong cũng như bên ngoài của chúng.

– Mục đích: Làm rõ đặc điểm về nội dung, hình thức, cấu trúc và các mối quan hệ bên trong, bên ngoài của đối tượng (sự vật, hiện tượng)

– Yêu cầu:

+ Xác định vấn đề phân tích

+ Chia vấn đề thành những khía cạnh nhỏ

+ Khái quát tổng hợp, phân tích bao giờ cũng gắn với tổng hợp. Đó là bản chất của thao tác phân tích trong văn nghị luận

– Cách phân tích:

+ Các yếu tố, các phương tiện nội bộ tạo nên đối tượng và quan hệ giữa chúng với nhau

+ Quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng liên quan:

  • Nguyên nhân – kết quả
  • Kết quả– nguyên nhân

+ Thái độ, sự đánh giá của người phân tích đối với đối tượng được phân tích.

Thao tác lập luận phân tích nằm trong hệ thống các thao tác lập luận của văn bản nghị luận:

+ Thao tác lập luận giải thích, thao tác lập luận phân tích.

+Thao tác lập luận chứng minh, thao tác lập luận bình luận.

+Thao tác lập luận so sánh.

+Thao tác lập luận bác bỏ.

Trong quá trình làm văn, không thể tách rời các thao tác một cách rõ ràng. Như khi phân tích một dẫn chứng không chỉ đơn thuần dùng một thao tác lập luận phân tích mà song song đó người viết cần sử dụng thao tác bình luận, so sánh để đào sâu trong việc khai thác dẫn chứng.

Người viết phân tích dẫn chứng cần chia, tách đối tượng thành các yếu tố theo những tiêu chí, quan hệ nhất định (quan hệ giữa các yếu tố tạo nên đối tượng, quan hệ nhân quả, quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng có liên quan, quan hệ giữa người phân tích với đối tượng được phân tích…).

Phân tích cần đi sâu vào từng yếu tố, từng khía cạnh, song cần đặc biệt lưu ý đến quan hệ giữa chúng với nhau trong một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất.

Khi đã chia nhỏ vấn đề để làm rõ, người viết có thể sử dụng thao tác so sánh để làm sáng rõ đối tượng đang nghiên cứu trong tương quan với đối tượng khác. So sánh đúng làm cho bài văn nghị luận sáng rõ, cụ thể, sinh động và có sức thuyết phục. Khi so sánh phải đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí mới thấy sự giống nhau và khác nhau giữa chúng đồng thời phải nêu rõ ý kiến, quan điểm của người viết/nói.

b. Vai trò của việc phân tích dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học.

Trong bài nghị luận văn học dẫn chứng chiếm một vị trí rất quan trọng bởi lẽ, ông bà ta có câu: “Nói có mách, sách có chứng” quả nhiên như thế.

Thứ nhất chúng ta điểm qua vị trí của dẫn chứng trong bài văn nghị luận. Xét trong lập luận, một bài văn được cấu tạo có ba phần: mở bài, thân bài, kết bài. Trong đó phần thân bài được cấu tạo từ nhiều đoạn văn. Mỗi đoạn văn có một cấu trúc riêng, bỏ qua phần chuyển đoạn để tạo nên tính mạch lạc, tính liên kết cho bài văn, chúng tôi xét trong hệ thống lập luận gồm: luận điểm, luận cứ, luận chứng. Trong cấu trúc của một đoạn văn, có nhiều cách triển khai như sau: tổng – phân – hợp, quy nạp, diễn dịch, song hành, móc xích, nêu phản đề, so sánh, phân tích nhân quả, vấn đáp. Ứng với mỗi kiểu kết cấu đoạn văn khác nhau mà dẫn chứng sẽ được đặt ở một vị trí khác nhau. Trong giới hạn của đề tài này, chúng tôi sẽ đi sâu vào kiểu kết cấu phổ biến và có tính ứng dụng cao nhất: tổng – phân – hợp. Xét trong cấu trúc của kết cấu tổng – phân – hợp, thông thường dẫn chứng được đặt ở vị trí giữa hoặc gần cuối đoạn văn.

Thứ hai, vị trí – đánh giá một vị trí xứng đáng, tức ý nghĩa của dẫn chứng trong đoạn văn và bài văn nghị luận văn học. Có thể đánh giá luận chứng như một mảnh ghép đặc biệt trong bức tranh – đoạn văn. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của dẫn chứng bởi lẽ, khi người viết phân tích đề triển khai ý để hình thành hệ thống luận điểm. Vì một số lý do, đôi khi trong quá trình giảng dạy trên lớp thầy cô đã cung cấp các ý chính, những ý đó có thể trở thành các luận điểm. Tuy nhiên khó khăn là cách lập luận, đưa ra những luận cứ, luận chứng như thế nào để phù hợp? Trong khi đó dẫn chứng là cơ sở để tái hiện cho luận điểm và minh chứng cho những gì người viết đã trình bày trước.

Minh chứng xác thực – tạo nên tính thuyết phục cho bài văn nghị luận. Một trong những đặc trưng cơ bản nhất của văn nghị luận là thuyết phục người đọc, người nghe. Có như thế mới thấy dẫn chứng giữ một vị trí then chốt, là một tiêu chí đánh giá, để xác minh tính chính xác của lập luận mà người viết đưa ra. Luận cứ của lập luận phải chân thực, xác đáng và toàn diện. Mối quan hệ giữa luận điểm và luận cứ rất khăng khít, chặt chẽ: Luận điểm làm sáng rõ đứng được là dựa vào luận cứ, còn luận cứ, luận chứng nêu ra để phục vụ cho luận điểm. Trong nội bộ các luận cứ, lí lẽ và dẫn chứng cũng soi sáng cho nhau: lí lẽ tạo cho dẫn chứng khả năng thuyết minh cho luận điểm, còn dẫn chứng thực tế lại làm cho lí lẽ có nội dung, có sức nặng.

Thêm nữa việc chọn dẫn chứng là một tiêu chí đánh giá học sinh, đặc biệt là học sinh lớp chuyên, lớp chọn. Để có được tính thuyết phục một cách sâu sắc cần có một sự sắp xếp “có ý đồ”. Sự sắp xếp “có ý đồ” đó không phải bất kì một học sinh nào cũng làm được khi làm bài văn nghị luận văn học. Tìm được dẫn chứng đã là một bước khó nhưng hệ thống và sắp xếp lại là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là cách viết, bàn luận dẫn chứng ấy như thế nào để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận một cách thuyết phục. Từ đó, qua việc hình thành hệ thống dẫn chứng một cách lôgic, khoa học bàn luận dẫn chứng một cách sâu sắc là một tiêu chí để giáo viên đánh giá năng lực học sinh trong viết văn, và đó cũng là điều kiện cần của học sinh chọn, học sinh giỏi môn Văn cần trang bị cho mình.

Ngoài việc tạo nên tính chính xác, tính thuyết phục cho bài văn nghị luận văn học. Dẫn chứng còn tạo nên sự độc đáo, sức hấp dẫn cho bài văn nghị luận. Việc chọn lọc được dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, đa dạng tạo nên sự phong phú, đa dạng tạo điểm nhấn, tính thẩm mĩ cho bài văn nghị luận của học sinh.

Điểm qua vị trí, vai trò của dẫn chứng trong bài nghị luận văn học để chúng ta có một cái nhìn đầy đủ hơn về dẫn chứng. Dẫn chứng không đơn thuần là sự nhớ và chép lại một hai câu thơ hay một tình tiết truyện mà nó còn thể hiện tư duy lôgic, kiến thức, kĩ năng trong lập luận văn nghị luận văn học. Dẫn chứng còn là một tiêu chí để phân định, đánh giá năng lực của học sinh giỏi văn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.