Truyện ngắn: Cá Nhỏ của tôi.

Cá Nhỏ của tôi.

“Tết này đã chuẩn bị, sắm sửa gì chưa ?” – Tôi hỏi trong tiếng gió ù ù.

“Có gì mà chuẩn bị với sắm sửa!”– Thằng Tuấn thở dài ngậm ngùi – “Nhà chẳng còn ai…”

Nói rồi mắt nó nhìn đăm đăm ra ngoài khơi. Từng con sóng bạc vỗ vào gành đá, con thuyền lắc lư. Biết vừa lỡ miệng, tôi hỏi vu vơ cho qua chuyện:

“Chừng nào mày trở lại Sài Gòn ?

“Cuối tháng ba tao vào Phan Thiết mấy ngày rồi lên Sài Gòn” – Tuấn khèo nhẹ mảng bèo vừa tấp vào bờ , đôi mắt rưng rưng – “Sắp tới lễ cầu ngư rồi !”.

Tôi nhìn ra phía cửa sông Đà Diễn, những con sóng chấp chới xô đập vào gành đá, bọt tung trắng xóa. Biển Tuy Hòa đầu tháng hai lồng lộng gió đông, gió nam, gió bắc. Ai đi xa cũng đều nhớ đến gió biển Tuy Hòa, nhớ gió cửa sông Đà Diễn. Gió giật tà áo bay phất phới, gió thúc vào mạn sườn tưng tức, gió đập thùm thụp ở sau lưng, gió dội vào mặt phừng phực, thốc vào tai ù ù, cay xè đôi mắt. Gió nồng nàn muối mặn và ngai ngái mùi biển khơi, vừa thân thiết như hơi thở vừa vọng về những thanh âm xa lạ của đại dương xa xôi, huyền bí.

– Chị này Hai tết này không về?

 – Chị không về được. Chị bận lo cho hai đứa nhỏ, thằng Hiển ốm yếu lắm. Anh Hai lại đi biển chưa về

Con gió bất chợt tạt qua mặt khiến tôi giật mình. Gió biển Tuy Hòa thật tinh quá, không thổi từ một hướng Gió thổi khắp mọi phía cứ như đùa giỡn với người, vừa gay gắt, cáu giận lại vừa rất tinh nghịch. Gió lộng từ dưới lên như mơn trớn vào chân, vào bụng. Gió dập từ trên phủ chụp xuống đầu hất tung mũ nón. Gió cuộn tròn xoay tít như muốn nhấc bổng người ta lên. Con thuyền neo ngoài xa lắc lư dữ dội như chừng muốn bức đứt đoạn dây thừng lao thẳng ra khơi.

Vậy là nó không vào Sài Gòn cùng tôi. Nó đi Phan Thiết. Nó sẽ ghé lại nhà chị nó. Má nó đã qua đời lúc nó mới hai tuổi, ba nó không trở về sau cơn bão năm kia. Năm nào, nó cũng đi hát bá trạo trong lễ cầu ngư để cầu linh hồn ba nó vượt sóng trở về. Nhà còn có mỗi hai chị em. Cuối năm ngoái, chị nó cũng theo chồng về ở hẳn trong Phan Thiết, bỏ mình nó bơ vơ. Anh rể cũng làm chài lưới, ngày đêm lênh đênh trên biển, cưỡi đầu sóng bạc tìm luồng cá chạy. Chị Hai buôn bán lặt vặt ở trên bờ, thấp thỏm chờ chồng về như má nó ngày xưa. Buồn quá, nó đóng cửa nhà, gửi chìa khóa cho chú Năm chăm lo hương khói cho ba má rồi nhảy xe vào Sài Gòn.

Đời dân cửu vạn, ăn sóng nói gió, sớm bờ tối biển, biết chừng nào mới hết nỗi lo âu. Chị nó cũng thương nó lắm nhưng biết làm thế nào được. Phận gái theo chồng, nay đây mai đó, đành ngậm ngùi, đắng cay nhìn đứa em ruột thịt bé bỏng tự bơi trong dòng đời chấp chới.

“Thế còn Khánh Linh, bao giờ nó đi ?” – Tôi quay lại – “Nó sẽ cùng đi với mày chứ ?”

Cố quẹt lửa châm điếu thuốc nhưng không được, thằng Tuấn lắc đầu: “Tao không biết. Chắc Khánh linh sẽ đi trước. Một công ty kinh doanh thủy sản vừa mới nhận nó, mức lương cao hơn, có phụ cấp thêm và có cả bữa cơm trưa đàng hoàng”.

Tôi không hỏi gì thêm nữa khi nhìn thấy ánh giọt nước mắt lăn dài trên má nó. Tôi nghĩ về Khánh Linh, nghĩ về Tiểu Ngư. Thằng Tuấn cùng tuổi tôi, còn Khánh Linh và Tiểu Ngư nhỏ hơn chúng tôi một tuổi. Bốn đứa chơi với nhau từ nhỏ, cùng lớn lên trên xóm biển nghèo này. Giờ mỗi đứa một nơi, từ bỏ cái nghèo, xa biệt quê hương đi tìm tương lai mới trên miền đất phương nam, vẫn luôn mang theo bên mình hình ảnh dòng sông, cửa biển và cái mùi muối mặn nồng gió biển quê hương. Mấy hôm trước, tôi có nhìn thấy Tiểu Ngư ở bến xe, chỉ nhìn từ xa vì lúc đó Tiểu Ngư đi đâu đó rất vội vã. Tốt nghiệp ngành nông lâm, Tiểu Ngư đang làm việc ở Đà Lạt, trong một nông trường lớn. Sinh viên mới ra trường, có việc làm ổn định là mừng rồi. Mấy hôm nay, không biết cô nàng đi đâu mà chẳng thấy sang nhà tôi chơi như mọi năm, cũng không thấy nhắn hỏi thăm tôi lấy một lời. Tôi hơi buồn buồn.

“Ngoài giêng, Cá Nhỏ – Tên thường gọi của Tiểu Ngư – sẽ chuyển vào làm ở Sài Gòn”.

“Cá Nhỏ làm gì trong đó ? Nó đang làm việc yên ổn ở Đà Lạt kia mà !” – Tôi vội cướp lời, dồn dập hỏi.

“Nó bỏ việc rồi, vào bán hoa tươi ở chợ Bà Chiểu. Có một bà cô họ hàng xa của nó bán rau ở đó, tìm được cho nó chỗ bán rồi. Tết này nó thử bán. Lấy hoa Đà Lạt xuống bán ở Sài Gòn lời lắm. Nó không muốn đi làm công cho người khác mãi. Nó muốn tự mình làm cái “khởi nghiệp” gì đó. Giờ bán nhỏ, mai mốt có tiền mở cửa hàng bán lớn, rồi ra làm chủ”.

Thì ra là thế. Hèn chi tôi không hề thấy mặt mũi nó đâu kể từ lúc ở bến xe. Chắc lúc đó, nó vội tìm xe vào Sài Gòn nên không trông thấy tôi.

“Sao Cá Nhỏ không nói gì với tao hết ?” – Tôi ngập ngừng hỏi.

“Nó vội lắm, có kịp làm gì đâu! Với lại, nó sợ mày cản không cho nó đi. Nó nói vào đó sẽ tìm mày nói chuyện sau” – Thằng Tuấn ngừng lại, thở dài – “Vừa từ Đà Lạt mang túi rau về nhà là nó chạy ngay ra bến xe cho kịp chuyến đi. May còn gặp tao ở nhà nó. Trưa mai, mày sang nhà tao lấy chùm hoa lan của Cá Nhỏ gửi tặng mày. Mấy ngày nay tao bận bịu quá !”.

Tôi “ừ” một tiếng rồi nhìn ra biển khơi mịt mù. Thằng Tuấn cũng lặng im. Hoàng hôn buông xuống khắp vũ trụ. Gió đã thôi dữ dội, sóng cũng thôi gào thét, chỉ còn nghe tiếng nhạn gọi nhau về tổ phía bờ nam. Ngoài khơi những ngọn đèn phao sáng lập lòe lúc hiện, lúc ẩn như lũ đom đóm ma, vẽ một đường sáng thẳng ngang biển trời. Tất cả chìm trong một trạng thái êm êm thật dễ chịu. Tôi bật lửa châm điếu thuốc, mỉm cười hình dung bóng dáng của Cá Nhỏ vai mang túi sách, miệng nở nụ cười thật tươi bên những đóa hoa Đà Lạt rực rỡ giữa Sài Gòn.

TVL.

1 bình luận trong “Truyện ngắn: Cá Nhỏ của tôi.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang