cac-phuong-thuc-bieu-dat-trinh-tu-lap-laun-trong-van-ban-16380-2

Các phương thức biểu đạt và trình tự lập luận trong văn bản

Các phương thức biểu đạt và trình tự lập luận trong văn bản

I. Các phương thức biểu đạt của văn bản:

1. Tự sự (hay Kể chuyện):

Tự sự là trình bày một chuỗi sự việc liên quan đến nhau (kể chuyện có nội dung), sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng có một kết thúc nhằm giải thích sự việc, tìm hiểu con người và thể hiện thái độ khen, chê đối với sự việc, sự kiện đó.

Ví dụ:

Một hôm, tôi bắt gặp nó nhào một thứ bột gì đó đen sì, trông rất sợ, thỉnh thoảng lại bôi ra cổ tay. Trời ạ, thì ra nó chế thuốc vẽ. Thảo nào các đít xoong chảo bị nó cạo trắng cả. Tôi quyết định bí mật theo dõi em gái tôi. Sau khi có vẻ đã hài lòng, nó lôi trong túi ra bốn lọ nhỏ, cái màu đỏ, cái màu vàng, cái màu xanh lục… đều do nó tự chế. Nó đưa mắt canh chừng rồi lại nhét tất cả vào túi sau khi cho màu đen nhọ nồi vào một cái lọ còn bỏ không. Xong, nó vui vẻ chạy đi làm những việc bố mẹ tôi phân công, vừa làm vừa hát, có vẻ vui lắm.

(Trích Bức tranh của em gái tôi – Đào Duy Anh)

2. Miêu tả:

Miêu tả có nghĩa là dùng các chi tiết, hình ảnh giúp người đọc hình dung được những đặc điếm nổi bật của một sự việc, sự vật, con người, …

Trông đoạn văn miêu tả thường có sử dụng nhiều lần các tính từ miêu tả, từ láy.

Ví dụ:

Càng đổ dần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá. Tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối – thứ âm thanh đơn điệu triền miên ấy ru ngủ thính giác, càng làm mòn mỏi và đuối dần đi tác dụng phân biệt của thị giác con người trước cái quang cảnh chỉ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu. 

(Sông nước Cà Mau – Đoàn Giỏi)

3. Biểu cảm:

Biểu cảm là trực tiếp hoặc gián tiếp bày tỏ tư tưởng, tình cảm, cảm xúc, thái độ và sự đánh giá của người nói (người viết) đối với đối tượng dược nói đến.

Ví dụ:

Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạhay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề quen biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin có thật. 

(Tôi đi học – Thanh Tịnh)

Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bấy giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc ? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.

(Trong lòng mẹ – Nguyên Hồng)

Vợ chàng quỷ quái tinh ma,
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.
Kiến bò miệng chén chưa lâu,
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”.

[…] Thoắt trông nàng đã chào thưa:
“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây! 
Đàn bà dễ có mấy tay, 
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan! 
Dễ dàng là thói hồng nhan, 
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều.” 

(Trích Truyện Kiều)

4. Thuyết minh:

Thuyết minh là trình bày, giới thiệu, giải thích,… nhằm làm rõ đặc điểm cơ bản của một sự vật, hiện tượng, cung cấp tri thức khách quan về đối tượng cho người đọc (người nghe) nắm bắt.

Ví dụ:

Saffron là một loại gia vị được sản xuất từ nhuỵ hoa của cây nghệ tây. Nghệ tây có thể phát triển cao đến 20–30 cm và cho ra đến bốn hoa; mỗi hoa gồm ba đầu nhụy màu đỏ thẫm rực rỡ – là phần ngoài cùng của lá noãn. Cùng với các vòi nhụy, hay phần thân mà nối các đầu nhụy với cây của chúng, đầu nhụy khô được sử dụng chủ yếu trong các món ăn khác nhau như là gia vị và chất tạo màu.

Saffron là một trong những loại gia vị đắt tiền nhất thế giới tính theo khối lượng, có nguồn gốc ở Hy Lạp hoặc Tây Nam Á  và lần đầu tiên được trồng ở Hy Lạp. Vì là thực vật vô tính đơn hình về mặt di truyền, nó đã từ từ sinh sôi gần như trên toàn lục địa Á – Âu và sau đó đã được đưa đến các khu vực Bắc Phi, Bắc Mỹ, và Châu Đại Dương. Nghệ tây là loại thực vật không rõ nguồn gốc trong tự nhiên, có khả năng là hậu duệ của Crocus cartwrightianus, có nguồn gốc ở Crete, C. thomasii và C. pallasii cũng có thể là tổ tiên khác của nó.

Ví dụ 2:

Người ta ghi nhận những hình thức ban đầu của chiếc kính đeo mắt như ngày nay đã xuất hiện từ năm 1260 tại Ý. Sáu năm sau, ông Rodger Becon người Italia đã bắt đầu biết dùng chiếc kính lúp để có thể nhìn rõ hơn các chữ cái trên trang sách. Với vai trò hỗ trợ việc nhìn và đọc của con người, kính đeo mắt sau đó được sử dụng rộng rãi ở châu Âu.  Tuy nhiên, lúc đó, kính đeo mắt chỉ là một vật cầm tay và sử dụng khi cần nhìn rõ cái gì đó.

(Thuyết minh kính đeo mắt)

5. Nghị luận:

Nghị luận là dùng lí lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ luận điểm nhằm thuyết phục người nghe, người đọc về một ý kiến, nhận định, tư tưởng, quan điểm nào đó.

Ví dụ:

Bây giờ xin nói về Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam. Phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này. Đúng, đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa! Tất nhiên những giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm của chúng ta thì có phần đã lỗi thời. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu cũng như nhiều bậc hiền triết ngày xưa ở phương Đông hoặc phương Tây, vẫn để lại cho đời sau những điều giáo huấn đáng quý trọng. Lại thêm Nguyễn Đình Chiểu suốt đời sống trong lòng của quần chúng nhân dân, giữa lúc nhân tình thế thái là sự mỉa mai đối với triết lí Khổng – Mạnh.

(Trích Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc – Phạm Văn Đồng)

6. Hành chính – công vụ:

Trình bày văn bản theo một số mục nhất định nhằm truyền đạt nội dung và yêu cầu của cấp trên hoặc bày tỏ những ý kiến, nguyện vọng của cá nhân hay tập thể tới các cơ quan, người có quyền hạn để giải quyết…

Ví dụ: nghị định, nghị quyết, thông báo, đơn xin thuyên chuyển công tác, đơn xin nghỉ việc, kiến nghị, bản tường trình,…

II. Các thao tác lập luận trong văn bản.

1. Thao tác lập luận phân tích.

Phân tích là chia tách đối tượng thành nhiều yếu tố nhờ để xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối quan hệ bên trong của sự vật, hiện tượng. Lập luận phân tích cũng luôn gắn với các thao tác tổng hợp, khái quát.

Ví dụ:

Nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn lặng lẽ Sa Pa

+ Hoàn cảnh sống và làm việc: một mình trên núi cao, quanh năm giữa cỏ cây và mây núi với công việc “đo gió, đo mưa, đo năng, tính mây, đo chân động mặt đất, báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đâu”. Công việc đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác và có tinh thân trách nhiệm cao.
+ Biết vượt qua hoàn cảnh cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình.
+ Ý thức về công việc và lòng yêu nghề (cảm thấy hạnh phúc khi việc làm của mình đã góp phần vào chiến thắng).
+ Suy nghĩ đúng đắn và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống con người (việc của cháu còn găn với công việc của bao anh em, đông chí dưới kia).
+ Anh còn có một nguồn vui: đọc sách (anh thấy như lúc nào cũng có người bạn để trò chuyện).
+ Anh tổ chức sắp xếp cuộc sống một mình ở trạm thật ngăn nắp, chủ động: trồng hoa, nuôi gà, đọc sách…
+ Có những nét tính cách và phẩm chất đáng mến: cởi mở, chân thành, quý trọng tình cảm của mọi người, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người, khiêm tôn, thành thực.

2. Thao tác lập luận giải thích.

Giải thích là làm rõ ý nghĩa của sự vật, hiện tượng, ý kiến… Có thể giải thích cơ sở (từ khó,khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng); giải thích nội dung, ý kiến, vấn đề…

Ví dụ:

Đoàn kết là gì?

Đoàn kết là kết thành một khối thống nhất, cùng làm việc vì mục đích chung. Tinh thần đoàn kết vốn là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Tinh thần ấy thể hiện qua sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau bằng những hành động cụ thể. Nhất là những khi gặp hoạn nạn, khó khăn.

Tương trợ là gì?

Tương trợ là sự thông cảm chia sẻ và có việc làm cụ thể giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Tương trợ còn là sự liên kết, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau tạo nên sức mạnh lớn hơn để hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người và làm nên sự nghiệp chung.

3. Thao tác lập luận chứng minh.

Chứng minh là đưa ra những cứ liệu, dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ, một ý kiến nào đó nhầm thuyết phục người đọc, người nghe tin tưởng vào vấn đề. Có thể đưa lí lẽ sau khi chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng; có thế thuyết minh trước và trích dẫn chứng sau. Khi cần thiết, phải phân tích dẫn chứng để lập luận chứng minh có sức thuyết phục hơn.

Ví dụ:

Nhận định:

Khi đánh giá một con người đừng nên quá chú trọng hình thức bên ngoài bởi cái đẹp thực sự, cái làm nên giá trị của con người chính là tài năng, đạo đức và lối sống của người đó chứ không nằm ở vẻ bề ngoài hào hoa, lịch lãm.

Chứng minh:

Có những con người mà trong lần đầu gặp gỡ, tâm hồn ta đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp bên ngoài vô cùng hấp dẫn, hào hoa, lịch lãm. Nhưng rồi khi có dịp tiếp xúc với những con người đó, ta ngỡ ngàng nhận ra đằng sau cái vẻ bề ngoài hào nhoáng, xinh đẹp ấy là một con người tầm thường, có một đời sống tâm hồn nhạt nhẽo, đơn điệu; một sự hiểu biết hạn hẹp, với những suy nghĩ toan tính vụn vặt, ích kỷ, nhỏ nhen.

Thậm chí cái vẻ bề ngoài “thơn thớt nói cười”, hiền lành tử tế đó là để ngụy tạo, lừa dối người khác. Họ dùng cái hình thức tử tế bề ngoài để che đậy những hành động sai trái bất lương của một kẻ có tâm địa tàn nhẫn, độc ác. Và khi nhận ra bản chất của con người đó thì trong mắt ta họ không còn đẹp nữa và dĩ nhiên họ không còn xứng đáng để ta tôn trọng.

Ngược lại, có những con người vẻ bề ngoài rất tầm thường, mộc mạc thậm chí thô lậu, xấu xí nhưng khi tiếp xúc với những con người đó, ta nhận ra trước mắt mình một con người có nhân cách cao đẹp, tâm hồn thánh thiện, một suối nguồn yêu thương, dào dạt tươi mát, một vốn sống phong phú. Chính họ đã dạy cho ta những điều hay lẽ phải, dạy ta cách làm người, dạy ta sống giản dị. Đối với chúng ta họ thật sự là những con người đẹp đáng để cho ta kính trọng, học hỏi.

4. Thao tác lập luận so sánh.

So sánh là đối chiếu hai hay nhiều sự vật, hiện tượng nhầm chỉ ra nét khác nhau (so sánh tương phản) hoặc giống nhau (so sánh tương đồng). So sánh có thể rút ra những nhận xét chính xác, làm nổi bật vẻ đẹp và đóng góp riêng của tác phẩm văn học….So sánh phải dựa trên cùng một tiêu chí, bình diện, tránh khập khiễng, thiên lệch.

Ví dụ:

Nếu chi tiết “cái lò gạch cũ” tạo nên kết cấu vòng tròn đầy buồn thảm cho “Chí Phèo” của Nam Cao, thì chi tiết lá cờ đỏ đã tạo nên kết thúc đầy lạc quan cho truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Chi tiết lá cờ đỏ sao vàng ở cuối truyện thật đột ngột, ngẫu nhiên mà cũng tất nhiên. Nó gắn với ý nghĩa sự chiến thắng của ánh sáng với bóng tối, của sự sống với cái chết. Nó là biểu tượng của cách mạng, của con đường tương lai tươi sáng mà nhà văn bằng tấm lòng nhân đạo cao cả đã soi đường chỉ lối cho nhân vật của mình.

5. Thao tác lập luận bác bỏ.

Bác bỏ là phê phán, phủ định một ý kiến, một quan điểm sai nào đó. Muốn ý kiến bác bỏ có sức thuyết phục, cần lập luận đầy đủ để chứng minh (sai chỗ nào? Vì sao?). Có thể bác bỏ luận điểm (dùng thực tế hoặc suy luận); bác bỏ luận cứ (sai lầm trong lí lẽ và dẫn chứng); bác bỏ lập luận (sự mâu thuần, không nhất quán…)

6. Thao tác lập luận bình luận.

Bình luận là bàn bạc và đánh giá về sự đúng – sai, hay – dở, lợi – hại của một ý kiến, chủ trương, sự việc, con người, tác phẩm… Muốn bình luận có hiệu quả cao, cần xác định đối tượng, giới thiệu, đề xuất ý kiến bình luận, vận dụng nhiều thao tác lập luận khác.

Ví dụ:

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là một nhận định hoàn toàn đúng đắn. Môi trường ở đây cần phải hiểu là môi trường tự nhiên và cả môi trường xã hội. Con người luôn làm chủ môi trường xung quanh và bắt môi trường phục vụ có lợi cho cuộc sống của mình. Chính con người đã cải tạo môi trường tự nhiên phù hợp với nhu câu đời sống và xay dựng môi trường xã hội theo những mục đích nhất định. Có thể nói môi trường sống là sản phẩm do chính con người tọa ra và làm chủ nó.

Thế nhưng, chính môi trường cũng có những tác động nhất định và quy định nhân cách, lối sống và đời sống con người. Dù là những cá thể tự do nhưng con người luôn phải tuân thủ những ràng buộc do môi trường đang sống tạo ra, từ đó hình thành những kĩ năng hoặc phẩm chất phù hợp với nó.

III. Trình tự lập luận trong văn bản:

1. Diễn dịch:

Đoạn văn diễn dịch là đoạn văn có câu chủ đề mang ý nghĩa khái quát đứng đầu đoạn, các câu còn lại triển khai cụ thế ý nghĩa của câu chủ đề làm rõ cho câu chủ đề.

Ví dụ:

Anh thanh niên là người rất yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc. Anh hiểu rằng, công việc mình làm tuy nhỏ bé nhưng liên quan đến công việc chung của đất nước, của mọi người. Làm việc một mình trên đỉnh núi cao, không có ai giám sát, thúc giục anh vẫn luôn tự giác, tận tụy. Suốt mấy năm ròng rã ghi và báo “ốp”đúng giờ. Phải ghi và báo về nhà trong mưa tuyết lạnh cóng, gió lớn và đêm tối lúc 1h sáng, anh vẫn không ngần ngại.

2. Quy nạp:

Đoạn văn quy nạp là đoạn văn trình bày đi từ các ý nhỏ đến ý lớn, từ ý chi tiết đến ý khái quát. Câu chủ đề nằm ở cuối đoạn.

Ví dụ:

Dù không xuất hiện trực tiếp trong truyện mà chỉ gián tiếp qua lời kể của anh thanh niên, song họ hiện lên với những nét tuyệt đẹp trong tâm hồn và cách sống. Họ là những người say mê công việc. Vì công việc làm giàu cho đất nước, họ sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc và tình cảm gia đình. Cuộc sống của họ lặng lẽ và nhân ái biết bao.

3. Song hành:

Không có câu chú đề. Có các câu triển khai nội dung song song nhau, không nội dung nào bao trùm lên nội dung nào. Mỗi câu trong đoạn văn nêu một khía cạnh, của chù đề đoạn văn, làm rõ nội dung đoạn văn.

4. Móc xích:

Là đoạn văn mà các ý gối đẩu, đan xen nhau và thể hiện cụ thể bằng việc lặp lại một vài từ ngữ đã có ơ câu trước và câu sau. Đoạn móc xích có thể có hoặc không có câu chủ đề.

5. Tống – phân – hợp:

Câu chủ đề nằm ở đầu và cuối đoạn

Ví dụ:

Phẩm giá con người là những viên đá quý, viên đá đó còn lấp lánh đẹp đẽ hơn nếu được lồng vào cái giá khiêm tốn. Để trở thành một người “như thể giếng nước” mỗi cá nhân cần chú tâm học tập, trau dồi kiến thức, luôn khiêm tốn; rèn luyện bản lĩnh vững vàng trước mọi thử thách, biến động của cuộc sống. Quan trọng nhất là cần chú ý đến giá trị đích thực, không nên chạy theo lối sống chuộng hình thức, thích thể hiện mình. Khiêm tốn chính là sức mạnh để thành công.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang