»» Nội dung bài viết:
Cách làm bài văn kể chuyện (Lớp 6).
I. Kể chuyện là gì?
Kể chuyện là bất kỳ sự tường thuật nào để kết nối các sự kiện, trình bày cho người đọc hoặc người nghe bằng một chuỗi câu viết hoặc nói, hoặc một chuỗi hình ảnh. Hiểu một cách đơn giản, kể chuyện là dùng lời nói, bài viết hoặc hình ảnh trình bày, tường thuật một sự kiện, sự việc về mọt hoặc một số đối tượng nào đó cho người nghe, người đọc hiểu về đối tượng đó. Từ đó giúp người đọc hiểu biết đời sống và tự mình rút ra một bài học về tư tưởng, tình cảm, đạo đức…
II. Những yêu cầu chính của bài văn kể chuyện
Phải có một câu chuyện để kể. Câu chuyện có thể đơn giản chỉ có một tình tiết, có thể phức tạp vứi nhiều tình tiết. Diễn biến câu chuyện phải tự nhiên, hợp lý, thú vị, hấp dẫn.
Chuyện phải có nhân vật (có thể là người, cũng có thể là loài vật hoặc vật vô tri). Tính cách nhân vận được bộc lộ trong quá trình diễn biến của câu chuyện, qua ngoại hình, hành động, cử chỉ, lời nói, ý nghĩ… của nhân vật.
Câu chuyện phải có kịch tính (tình huống), sự kiện và diễn biến theo thời gian hoặc không gian.
Câu chuyện có thể hoàn toàn có thật, có thể do hư cấu, tưởng tượng nhưng phải hợp lý, phản ánh sự thật của đời sống, phù hợp với qui luật của cuộc sống.
Từ câu chuyện phải toát ra một vấn đề bổ ích trong đời sống, giúp người đọc rút ra một đề nghị về cách sống, một bài học về tư tưởng, tình cảm…
Người viết không được tự mình xen vào câu chuyện, tự mình phát biểu cảm nghĩ trong khi kể (trừ những chuyện mà người viết cũng chính là một nhân vật) mà để cho câu chuyện tự nó nói lên.
III. Phương pháp tiến hành kể chuyện
a / Tìm ý:
Chuyện xảy ra trong trường hợp nào? Chuyện kể về ai? Nhân vật nào là chính? Tính cách, tâm lý các nhân vật đó như thế nào?
Vấn đề của câu chuyện là vấn đề gì? Vân đề đó có quan hệ như thế nào tới đời sống? Vấn đề đó sẽ được bộc lộ qua nhân vật nào, ở hành động nào của nhân vật, qua tình tiết nào của câu chuyện.
Chuyện có những tình tiết nào? Tình tiết nào là chính, là quyết định?
b/ Xây dựng tình huống:
Câu chuyện có hấp dẫn, lôi cuốn người đọc hay không là do tình huống truyện quyết định. Không có tình huống, câu chuyện trở nên đơn điệu, nhàm chán.
Tình huống truyện có thể là một sự kiện, một sự cố gây cấn, quyết liệt hoặc bất ngờ.
c/ Sắp xếp ý chính:
Bắt đầu như thế nào cho hấp dẫn? Nhân vật nào cần xuất hiện đầu tiên? Xuất hiện trong hoàn cảnh như thế nào? Cần giới thiệu gì ban đầu về nhân vật?
Diễn biến của câu chuyện lần lượt qua từng tình tiết và hành động của nhân vật. Phải lưu ý sự hợp lý trong trình tự các tình tiết, đồng thời coi trọng yếu tố bất ngờ, hấp dẫn của câu chuyện.
Kết thúc câu chuyện bằng tình tiết làm bộc lộ trọn vẹn vấn đề của câu chuyện.
d/ Diễn đạt thành bài văn:
Lời văn kể chuyện phải thay đổi cho phù hợp từng lúc kể, tả cảnh, tả người, diễn tả tâm trạng…
Ngoài lời người kể, trong chuyện kế còn có lời nhân vật. Lời nhân vật phải phù hợp với tính cách nhân vật và hoàn cảnh mà nhân vật đang sống.
* Lưu ý: Bài văn kể chuyện phải có bố cục rõ ràng, trật tự sự kiện, sự việc được sắp xếp hợp lí. Câu chuyện diễn ra tự nhiên, không bị tác động hoặc sắp xếp theo ý muốn chủ quan của người viết. trong bài văn kể chuyện, người viết có thể vận dụng nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau để làm câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn nhưng phải phù hợp với bối cảnh câu chuyện đang diễn ra nhằm gây được sự đồng cảm ở người đọc, người nghe.