Cách viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát.

Bước 1: Đọc kỹ đề, nắm chắc yêu cầu của đề:

– Phạm vi yêu cầu: giới hạn bài nào? Của tác giả nào?

– Bài thơ viết về vấn đề gì? Cần nêu bật ýnghĩa gì?

– Độ dài của đoạn văn (5-7 câu, 7-10 câu, 150-200 chữ, 10 dòng,…)

– Nắm nội dung và nghệ thuật thể hiện ở tình cảm, cảm xúc, thể thơ, cách gieo vần, hình ảnh, giọng điệu, cách ngắt nhịp, các biện pháp tu từ….

– Xác định mục đích: Trình bày cảm nghĩ của em về cái hay về nội dung, đặc sắc về nghệ thuật, qua đó giúp người đọc cảm nhận tư tưởng, tình cảm của tác giả, thấy được tài năng, nghệ thuật và sáng tạo của nhà thơ. Qua đó bản thân rút ra những bài học có ý nghĩa trong cuộc sống.

Bước 2: Xác định cách viết đoạn văn:

– Đoạn diễn dịch.

– Đoạn quy nạp.

– Đoạn song hành.

– Đoạn móc xích.

– Đoạn tổng-phân-hợp.

Bước 3: Tìm ý và lập dàn ý

a. Tìm ý:

– Em có cảm xúc gì về bài thơ? Nội dung, yếu tố nghệ thuật nào làm em thích? Vì sao?

– Em cảm nhận được điều gì về tài năng và tấm lòng của tác giả?

– Bài thơ gợi lên trong em suy nghĩ và bài học gì?

b. Lập dàn ý:

– Mở đoạn:

+ Giới thiệu bài thơ, tác giả

+ Cảm xúc chung về bài thơ

Ví dụ:

Ca dao Việt Nam có rất nhiều bài nói về công ơn của cha mẹ, nhưng tôi cảm thấy yêu thích nhất là bài:

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

– Thân đoạn:

+ Chỉ ra cụ thể nội dung bài thơ mà em yêu thích? Vì sao?

Ví dụ: Về nội dung, bài thơ viết về đề tài gia đình quen thuộc….Nội dung bài thơ gợi cho em những kỉ niệm về ông, bà,…

+ Chỉ ra nét đặc sắc về nghệ thuật cụ thể của bài thơ mà em yêu thích? Vì sao?

Ví dụ: Về nghệ thuật sử dụng thể thơ lục bát quen thuộc, gần gũi, cách ngắt nhịp, gieo vần, sử dụng các biện pháp tu từ,…

Lưu ý: Khi trình bày có trích dẫn thơ làm minh chứng.

Ví dụ: Qua bài ca dao, tác giả dân gian đã khẳng định công ơn to lớn của đấng sinh thành, và qua đó khuyên nhủ con cái phải biết hiếu thảo với cha mẹ. Không chỉ nội dung ý nghĩa, mà nghệ thuật được sử dụng cũng khiến tôi cảm thấy ấn tượng. “Công cha” được so sánh với “núi Thái Sơn” – một ngọn núi có thật ở Trung Quốc. Đây là ngọn núi cao, có địa hình hiểm trở và từng trở thành cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn nhà thơ. Khi so sánh công ơn dưỡng dục của người cha với núi Thái Sơn, mỗi người mới hiểu hết được sự lớn lao của cha. Trên hành trình của sự trưởng thành, cha chính là người dạy dỗ con những điều hay lẽ phải, hướng con trở thành một người có đạo đức. Tiếp đến là “nghĩa mẹ” được so sánh với hình ảnh “nước trong nguồn chảy ra” – dòng nước mát mẻ và tinh khiết. Hình ảnh so sánh gợi nhắc về những hy sinh của mẹ. Người mẹ mang nặng đẻ đau suốt chín tháng mười ngày, sinh con ra và chăm sóc con từng miếng ăn giấc ngủ. Con lớn lên nhờ dòng sữa trong trẻo và ngọt ngào của mẹ. Ngay cả khi trưởng thành, dù có bất cứ khó khăn gì, đứa con vẫn đều tìm về bên mẹ để được vỗ về, yêu thương.

– Kết bài:

+ Khẳng định lại cảm xúc về bài thơ.

+ Nêu ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân.

Bước 4: Viết thành đoạn văn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang