Nhạc sầu (Huy Cận) – Khúc ca tận thế

nhac-sau-huy-can

Nhạc sầu (Huy Cận) – Khúc ca tận thế

Năm 1995, Nhà thơ Huy Cận qua đời, cây đại thụ cuối cùng của phong trào Thơ mới đã ngã xuống để lại trong lòng người đọc bao niềm tiếc nhớ. Có thể nói, trong các nhà Thơ mới, Huy Cận là một người ít nói nhất. Tính ông trầm tĩnh, thích ưu tư và không muốn xen vào chuyện của thiên hạ.

Được nhà thơ Xuân Diệu dẫn dắt, Huy Cận đến với phong trào Thơ mới với tập Lửa thiêng lập tức gây tiếng vang mạnh mẽ. Thơ ông là tiếng lòng thiết tha gắn bó với quê hương đất nước, khao khát được hiến dâng tuổi trẻ và tài năng; nhưng khi vấp phải thực trạng xã hội, những kỳ vọng ấy đã tan vỡ hoàn toàn. Như nhiều nhà thơ lãng mạn khác, Huy Cận giai đoạn đầu ít thơ vui hơn thơ buồn. Luôn có một nỗi sầu trên từng trang thơ của ông, nhưng đó là biểu hiện sinh động của bi kịch tâm trạng; đáng được cảm thông, trân trọng.

Cảm thức vũ trụ là cảm hứng chủ đạo trong thơ Huy Cận. Đó là sự cô đơn của một tâm hồn tươi trẻ khao khát sống, khao khát hiến dâng nhưng thực tại quá phủ phàn. Ông tìm niềm vui trong mảnh vỡ muôn hình. Đôi khi thơ ông là tiếng kêu bế tắc trước cuộc đời. Nhạc sầu là lời ai điếu của một tâm hồn đã vơi cạn tận cùng nguồn sống.

Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường;
Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương.
Sương hay chính bụi phai tàn lả tả?

Từng tiếng lệ: ấy mộng sầu úa lá.
Chim vui đâu? Cây đã gẫy vài cành
Ôi chiều buồn! Sao nắng quá mong manh!
Môi tái nhạt nào cười mà héo vậy?

Cái bi ai ở nhạc sầu khác với cái bi ai trong Tràng giang thuở trước. Nếu ở Tràng giang, con người cảm thấy bất lực trước muôn trùng trời rộng sông dài thì nhạc sầu là cái bất lực từ trong sâu thẳm linh hồn. Nó đi vào chiều sâu vô tận của tâm thức, đạt đến bản thể hư vô

Một đám tang của người xấu số nào đó đi qua đường khiến cho nhà thơ sực tỉnh con mơ, trở về với thực tại. Khung cảnh buồn thảm dẫn đưa con người vào nỗi đau bất tận của trần thế trong cuộc sinh ly tử biệt trùng trùng. Phố đìu hiu, đường rét mướt, sương khói mơ hồ, cành cây gãy, nắng nhạt phai tất cả cùng làm nên một ngày tang tóc đáng sợ. “Ai chết đó?” nghe thê thiết ảo não vô biên. Ngỡ hồn mình cũng vừa mới ra đi theo tiếng nhạc sầu tang đưa dẫn.

Ai chết đó? Trục xoay và bánh đẩy,
Xe tang đi về tận thế giới nào?
Chiều đông tàn, lạnh xuống tự trời cao,
Không lửa ấm, chắc hồn buồn lắm đó.

Thê lương vậy mà ai đành lìa bỏ
Trần gian sao? Đây thành phố đang quen,
Nhưng chốc rồi nẻo vắng đã xa miền
Đường sá lạ thôi lạnh lùng biết mấy!

“Ai chết đó?” một lần nữa được lập lại như cố khắc sâu hình ảnh đám tang đi và tiếng kèn đưa tiễn. Thảng thốt trong một ngày đông rét mướt, Bao câu hỏi lạ lùng cứ vang lên: “về tận thế giới nào?, “trần gian sao?”mà không có câu trả lời. Sống là gian lao còn chết chắc gì đã ấm áp. Cả trần gian thê lương tang tóc thì cõi ma trơi chắc cũng lạnh lẽo không cùng. Xác người héo hắt rồi, linh hồn cũng tàn phai theo gió bụi hơi sương, trả lại cho trần gian nắm tro tàn đổ nát.

Và lo sợ người chết đơn côi, héo lạnh, Nhà thơ rầu rĩ van lơn:

Và ngựa ơi, đi nhịp đằm chớ nhảy
Kẻo thân đau, chưa quên nệm giường đời.
Ai đi đưa, xin đưa đến tận nơi,
Chớ quay lại nửa đường mà làm tủi

Người đã chết – Một vài ba đầu cúi,
Dăm bảy lòng thương xót đến bên mồ
Để cho hồn khi sắp xuống hư vô
Còn được thấy trên mặt người ấm áp

Hình dáng cuộc đời từ đây xa tắp.
Xe tang đi, xin đường chớ gập ghềnh!
Không gian ôi, xin hẹp bớt mông mênh,
Ảo não quá trời buổi chiều vĩnh biệt!

Và ngươi nữa, tiếng gió buồn thê thiết
Xin lặng giùm cho nhẹ bớt cô đơn.
Hàng cờ đen là bóng quạ chập chờn
Báo tin xấu, dẫn hồn người đã xế…

Cái chết vốn là quy luật tự nhiên của trời đất. Dòng chuyển dịch của thời gian vận động guồn quay sinh, trụ, dị, diệt của đời người. Cái chết vốn nảy sinh từ cái sống. Có sinh có diệt ấy là thường tình có gì phải phải buồn. Cái chết được thể nghiệm sâu xa sẽ trở thành cái khả năng vô thượng của con người mang một cái sống phù du, biến cái bình thường thành cái phi thường, thậm chí là bất tử.

Thế nhưng, sự đoạn diệt nào mà không khiến người ta đau lòng. Huy Cận chừng kiến một đám tang mà liên tưởng đến kiếp đời mong manh, còn vũ trụ thì trùng trùng biến diễn. Nhỏ bé quá, nhỏ bé đến đáng sợ. Rồi mai đây ta sẽ chết. Cảnh tượng này sẽ là sự hồi có của linh hồn ta khi rời khỏi xác thân héo lạnh. Ngựa ơi xin đằm bước chân nhịp, người ơi xin hãy đưa đến tận nơi để cho linh hồn kẻ xấu số không côi lạnh trong ngày đông tận thế này. Và đâu nữa đường dài xin chớ gập ghềnh, không gian xin hãy bớt mênh mông và gió ơi xin hãy lặng im, còn đất sâu xin hãy nhận lấy xác thân để người ra đi con được yên bình, trước lúc mãi mãi lặng im trong lòng đất mẹ còm cảm chút ấm áp của tình người, tình đời.

Tiếng khóc không thôi, câu hỏi không ai trả lời, tất cả lặng lẽ đi vào trong cõi buồn vô tận:

Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế?
Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương
Của cuộc đời? Ai rút tự trong xương
Tiếng nức nở gởi gió đường quạnh quẽ!
Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế!

Một mình đối diện với cảnh tang thương thức ngộ trong nhà thơ nỗi niềm sinh ly tử biệt, cảm thấy quá bơ vơ, không có gì để nương tựa, hụt hẫng như vừa đánh mất linh hồn mình. Nhạc sầu quả là một bài thơ khiến ta sầu chất ngất. Không chỉ từ đề tài bi thảm mà tiếng thơ có sức mạnh dội vào niềm tâm cảm đánh thức nguồn sống vốn tiềm tàng vốn đã khô kiệt từ lâu. Đọc bài thơ ta không muốn dừng lại, cứ như bị hồn ma dẫn dụ theo đuổi từ đầu đến cuối cho đến khi đám đưa ma khuất bóng phía mịt mù.

Huy Cận giống như một lão phù thủy đã dùng ma thuật ngôn từ làm cho ta mê mị. Ta cũng khóc, cũng than, cũng đau thương gào rú lên. Từ cõi Vô Ngôn của Bồ Tát tới cõi Vô Ngôn của Khổng Tử chúng ta trở lại với Kiều, “Lửa thiêng”, sẽ nhận ra một chân lý mà không có sách vở học giả ru rú nào có thể chỉ vẽ ra (Bùi Giáng).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.