Nghị luận: Thơ là để nói chí, nhưng biểu hiện ở nơi tình

nghi-luan-tho-la-de-noi-chi-nhung-bieu-hien-o-noi-tinh

Nhà văn Nhữ Bá Sĩ cho rằng: “Thơ là để nói chí, nhưng biểu hiện ở nơi tình”. Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của mình về hai bài thơ Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi) và Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm), hãy làm sáng tỏ.

1. Giải thích:

Chí: ý chí, khát vọng, mục tiêu, quan điểm, lí tưởng… con người muốn hướng tới. Thơ là để nói chí: Khẳng định mục đích của thơ ca là để bày tỏ ý chí, khát vọng, lí tưởng, quan điểm sống… của nhà thơ trước cuộc đời.

Tình: tình cảm, cảm xúc, tấm lòng của người viết.

– Biểu hiện ở nơi tình: Thơ ca nói chí, tỏ lòng nhưng không thể hiện một cách khô khan mà thông qua con đường tình cảm, làm lay động cảm xúc, trái tim người đọc.

→ Nhận định của Nhữ Bá Sĩ khẳng định: nói chí là mục đích của thơ ca nhưng biểu hiện ở nơi tình là đặc trưng, là cội nguồn, là gốc của thể loại thơ.

2. Lí giải ý kiến:

Ý kiến của Nhữ Bá Sĩ đúng đắn và xác đáng vì:

– Xuất phát từ quan điểm về mục đích sáng tác: quan điểm thời trung đại là thi dĩ ngôn chí – dùng thơ để nói chí, tỏ lòng, cốt làm nổi bật cái hùng tâm tráng trí của con người.

– Xuất phát từ chức năng của văn học: văn học có nhiều chức năng trong đó phải kể đến chức năng giáo dục. Gắn với chức năng này, thơ văn suy cho cùng là phương tiện để nói chí, chở đạo nhằm giáo dục người đọc có lí tưởng sống, mục đích sống, quan điểm sống… lành mạnh, tiến bộ.

– Xuất phát từ khát vọng của người viết: nhà thơ bao giờ cũng muốn gửi gắm vào trong tác phẩm những tư tưởng, triết lí, lí tưởng, cảm xúc… của mình và truyền đến cho người đọc để được chia sẻ, thấu hiểu.

– Xuất phát từ đặc trưng của thơ: là tiếng nói của tình cảm mãnh liệt. Vì thế, thơ ca nói chí, chở đạo theo con đường riêng, đó là cách thể hiện giàu cảm xúc với những rung động tình cảm mãnh liệt (khác văn xuôi thiên về kể, tả sự việc…).

– Xuất phát từ thực tiễn: trong sáng tác thơ ca từ xưa tới nay, những tác phẩm có giá trị đều là những tác phẩm có tư tưởng sâu sắc được tạo nên từ trái tim giàu cảm xúc của người cầm bút.

3. Chứng minh qua Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi) và Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm).

a. Chứng minh qua Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi.

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

– Thơ là để nói chí: Bài thơ thể hiện khát vọng, lí tưởng của Nguyễn Trãi là làm sao cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc (Dân giàu đủ khắp đòi phương).

– Biểu hiện ở nơi tình: Khát vọng ấy của Nguyễn Trãi không nói một cách khô khan mà được thể hiện gián tiếp thông qua tình yêu với thiên nhiên, cuộc sống, con người, cùng mong ước của ông:

+ Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, đầy âm thanh, màu sắc (Hòe lục đùn đùn tán rợp giương/Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ/Hồng liên trì đã tiễn mùi hương…) cùng bức tranh sinh hoạt đời sống sôi động (Lao xao chợ cá làng ngư phủ) đã gián tiếp cho thấy tình cảm thiết tha của Nguyễn Trãi về một cuộc sống no đủ cho nhân dân, yên bình cho đất nước.

+ Ước mong tha thiết có chiếc đàn của vua Ngu Thuấn để gảy khúc Nam phong cho mưa thuận, gió hòa, nhân dân làm ăn no đủ, khắp mọi người, khắp mọi nơi.

– Nghệ thuật thể hiện chí và tình: ngôn ngữ trong sáng, giản dị; hình ảnh thơ sinh động; giọng điệu giàu cảm xúc; sự cách tân ở câu lục ngôn xen lẫn câu thất ngôn tạo nên sự dồn nén cảm xúc của bài thơ,… tất cả đã góp phần thể hiện cái chí của tác giả một cách rất tình khiến người đọc xúc động.

b. Chứng minh qua Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

– Thơ là để nói chí: Bài thơ thể hiện quan niệm sống, triết lí sống nhàn, lánh đục về trong của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là cái chí của những nhà nho sống trong thời loạn, họ coi trọng nhân cách, hành đạo bằng việc giữ gìn lối sống thanh cao, không chấp nhận con đường công danh, phú quý mà giành giật, hãm hại nhau, hay áp bức, bóc lột nhân dân.

– Biểu hiện ở nơi tình: Quan niệm sống, triết lí sống ấy của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được thể hiện đầy cảm xúc qua sự an nhiên, phong cách thư thái khi hòa hợp với tự nhiên, cùng thái độ vượt lên mọi cám dỗ danh lợi của một nhà nho ưu thời mẫn thế:

+ Sự ung dung, nhàn tản khi trở về với cuộc sống thuần hậu, nguyên thủy (Một mai, một cuốc, một cần câu/Thơ thẩn dầu ai vui thú nào).

+ Thái độ xa lánh nơi phồn hoa, cửa quyền (Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn, người đến chốn lao xao).

+ An nhiên hòa hợp với tự nhiên (Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao).

+ Xem công danh, phú quý tựa như giấc chiêm bao (Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống/Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao).

– Nghệ thuật thể hiện chí và tình: Thể thơ thất ngôn bát cú; ngôn ngữ trong sáng; hình ảnh giản dị, gần gũi với cuộc sống hàng ngày; cách ngắt nhịp độc đáo; sử dụng điển tích chọn lọc; giọng thơ nhẹ nhàng, thâm trầm, sâu sắc; chất trữ tình kết hợp chất triết lí nhuần nhuyễn… đã khiến cái chí của tác giả được thể hiện rất tình, có khả năng tác động sâu sắc đến tâm hồn người đọc.

4. Bình luận.

– Ý kiến đã đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa chí và tình trong thơ: quan hệ tác động qua lại, bổ sung hỗ trợ cho nhau.

+ Cái chí nâng tầm vóc, vai trò của thơ ca trong đời sống.

+ Cái tình làm cho cái chí tỏa sáng, đọng lại trong trái tim người đọc.

– Hai bài thơ Cảnh ngày hè và Nhàn được viết nên từ chí và tình của những nhà nho có tư tưởng tiến bộ là minh chứng tiêu biểu cho quan điểm của Nhữ Bá Sĩ. Cảnh ngày hè và Nhàn cũng như tên tuổi của hai tác giả luôn bất tử với thời gian.

– Ý kiến là bài học ý nghĩa:

+ Với người sáng tác: tác phẩm văn học chỉ đọng lại nơi người đọc khi nó chứa đựng những tư tưởng, triêt lí sống đáng quý cùng một tình cảm thiết tha, mãnh liệt của người sáng tạo; chí và tình cần được thể hiện bằng những phương tiện nghệ thuật phù hợp.

+ Với người tiếp nhận: cần thông qua các phương tiện nghệ thuật của tác phẩm và bằng tấm lòng đồng cảm, tri âm với người viết để hiểu được giá trị tư tưởng của tác phẩm; trân trọng tài năng của tác giả; bồi dưỡng tâm hồn vươn đến Chân – Thiện – Mĩ.

– Ý kiến không chỉ đúng với thơ mà còn đúng với các thể loại văn học khác (khuyến khích).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.