Mối quan hệ giữa văn học và tình yêu thương

moi-quan-he-giua-van-hoc-va-tinh-thuong

Mối quan hệ giữa văn học và tình yêu thương.

Giữa văn học và tình yêu thương tồn tại mối quan hệ tương hỗ và gắn bó mật thiết với nhau. Tình yêu thương vừa là nguồn cảm hứng cho văn học vừa là “cái đích” mà văn học hướng đến.

Trước hết, tình yêu thương chính là mục đích cuối cùng mà văn học hướng đến. Văn học dù ở trên phương diện nào, được thể hiện bằng cách nào cũng chỉ hướng đến tình yêu thương của con người. Bởi một tác phẩm văn học chân chính là phải hướng đến con người, phục vụ đời sống tình cảm của con người.

Văn học được coi như một đại diện của tính nhân văn, nhân đạo của con người, không chỉ mang đến sự đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia với nỗi đau thương, bất công và mất mát của con người mà còn đi tới những góc khuất trong đời sống tình cảm của họ để san sẻ. Giống như Ngô Tất Tố với những kiếp người như chị Dậu trong “Tắt đèn”, chị em Liên trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, hay Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du…

Văn học còn là những bài ca, tiếng nói ca ngợi về tình yêu thương, những phẩm chất cao đẹp của con người, vẻ đẹp giá trị và trân trọng tình cảm của con người. Ví dụ như ca ngợi về vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam có “Thương vợ” của Tú Xương, ca ngợi tư tưởng nhân đạo như “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi… Phê phán và lên án những mặt tối trong xã hội cũng chính là biểu hiện tình yêu thương của văn học, thông qua văn học những khuất tất, mặt trái của xã hội được phơi bày ra ánh sáng (Lão Hạc, Tắt đèn…), những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội được lên án mạnh mẽ (Hạnh phúc của một tang gia, Những ngày thơ ấu…), ngay cả việc lên án chế độ xã hội các thế lực chèn ép quyền sống con người cũng được triệt để qua văn học (Truyện Kiều, Chí Phèo…).

Tình yêu thương lại chính là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học, bởi trong mọi hoàn cảnh tâm lý và bối cảnh xã hội, tình yêu thương của con người vẫn luôn tồn tại. Văn học ra đời để truyền tải tình yêu thương và gìn giữ những giá trị tình yêu thương của con người, mọi khía cạnh của tình yêu thương đều được văn học khai thác triệt để để có thể gắn kết con người, đưa con người gần lại với nhau và thấu hiểu nhau hơn.

Có thể khẳng định mối quan hệ giữa văn học và tình yêu thương là một mối quan hệ gắn bó chặt chẽ không thể tách rời. Trên cơ sở tình yêu thương, văn học ngày càng phát triển đa dạng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Ngược lại, tình yêu thương của con người nhờ có văn học mà ngày càng sâu sắc và vươn tới những giá trị cao cả.

Chứng minh: Cốt tủy của văn học chính là tình yêu thương con người

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.