Suy nghĩ về nhận định: Sức mạnh lớn nhất của câu thơ là sức gợi (Nguyễn Đình Thi).

suy-nghi-ve-nhan-dinh-suc-manh-lon-nhat-cua-cau-tho-la-suc-goi

Suy nghĩ về nhận định: Sức mạnh lớn nhất của câu thơ là sức gợi (Nguyễn Đình Thi).

1. Giải thích:

– Một câu thơ là một đơn vị trong tổ chức của bài thơ trữ tình, là một tổ chức ngôn từ để hình thành ý thơ, thường là một dòng hoặc hai dòng (thơ lục bát); câu thơ hay muốn nói đến câu thơ có sự đặc sắc, thú vị, giàu giá trị thẩm mĩ, có thể đem lại khoái cảm thẩm mĩ đặc biệt cho người đọc; sức gợi muốn nói đến sự mở rộng khả năng thể hiện ra ngoài giới hạn của ngôn từ. Thơ và ngôn ngữ thơ phải cô động, giàu sức biểu hiện, sự tìm tòi công phu, cân nhắc kĩ lưỡng, chọn lọc có sáng tạo của nhà thơ với phương tiện phong phú và biến hóa.

– Câu nói là nhận định đúng đắn, sâu sắc, đề cao nghệ thuật thể hiện và ý tưởng sáng tạo của người nghệ sĩ.

2. Bình luận và chứng minh.

Bình luận:

– Thơ là một thể loại văn học thuộc phương thức biểu hiện trữ tình. Thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú; thơ được phân chia thành nhiều loại hình khác nhau, nhưng dù thuộc loại hình nào thì yếu tố trữ tình vẫn giữ vai trò cốt lõi trong tác phẩm. Thơ tuy biểu hiện những cảm xúc, tâm sự riêng tư, nhưng những tác phẩm thơ chân chính bao giờ cũng mang ý nghĩa khái quát về con người, về cuộc đời, về nhân loại, đó là cầu nối dẫn đến sự đồng cảm giữa người với người trên khắp thế gian này.

– Thơ thường có dung lượng câu chữ ngắn hơn các thể loại khác (tự sự, kịch). Hệ quả là nhà thơ biểu hiện cảm xúc của mình một cách tập trung hơn thông qua hình tượng thơ, đặc biệt thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, qua dòng thơ, qua vần điệu, tiết tấu… Nhiều khi, cảm xúc vượt ra ngoài cái vỏ chật hẹp của ngôn từ, cho nên mới có chuyện “ý tại ngôn ngoại”. Do đó, thơ có thể tạo điều kiện cho người đọc thực hiện vai trò “đồng sáng tạo” để phát hiện đời sống, khiến người đọc phải suy nghĩ, trăn trở để tìm kiếm ý đồ nghệ thuật của tác giả cũng như những điểm đặc sắc trong tư duy nghệ thuật của mỗi nhà thơ.

– Ngôn ngữ thơ chủ yếu là ngôn ngữ của nhân vật trữ tình, là ngôn ngữ hình ảnh, biểu tượng. Ý nghĩa mà văn bản thơ muốn biểu đạt thường không được thông báo trực tiếp, đầy đủ qua lời thơ, mà do tứ thơ, giọng điệu, hình ảnh, biểu tượng thơ gợi lên. Do đó ngôn ngữ thơ thiên về khơi gợi, giữa các câu thơ có nhiều khoảng trống, những chỗ không liên tục gợi ra nhiều nghĩa, đòi hỏi người đọc phải chủ động liên tưởng, tưởng tượng, thể nghiệm thì mới hiểu hết sự phong phú của ý thơ bên trong.

– Mỗi câu thơ đọc lên cảm giác như được viết ra một cách rất tự nhiên, nhưng thực ra đều có sự cân nhắc thích hợp với từng đối tượng và từng trạng thái tình cảm. Ngôn ngữ thơ ca đòi hỏi sự chọn lọc chính xác tinh tế và có sáng tạo. Thông qua sự chọn lọc này, nhà thơ vừa phải tuân thủ một cách đầy đủ những quy tắc của ngôn ngữ đời sống lại vừa thể hiện tính chất chủ động trong sáng tạo

– Những cách sử dụng ngôn ngữ có chọn lọc và sáng và sáng tạo mới đem lại cho ngôn ngữ thơ ca nhiều phẩm chất đáng quý. Ngôn ngữ chân chất, mộc mạc nhưng vô cùng trong sáng của thơ ca đã kết tụ lại ở những câu ca chứa chan thi vị và giàu sức biểu hiện.

– Đọc câu thơ hay ta như không còn thấy câu chữ nữa. Cái hay nằm trong sự giản dị. Nếu cố làm duyên làm dáng, điểm phấn tô son, đánh bóng ngôn từ sẽ sa vào xu hướng “vị nghệ thuật” thuần túy. Mây gió, cỏ hoa xinh tươi đến đâu hết thảy cũng đều từ trong lòng người nảy ra (Ngô Thời Nhậm). Có xúc cảm tốt, tìm được tứ thơ mới lạ nhưng nếu vốn ngôn ngữ nghèo nàn thì khó có được thơ hay.

Chứng minh.

– Qua truyện Kiều của Nguyễn Du để chứng minh rằng đó là những câu thơ hay, và cái hay đó được tạo nên bởi sức gợi của thơ ( Phân tích được tính chất “hé lộ” trong thơ, làm rõ được “thế giới” mà thơ gợi ra). Từ đó khẳng định tài năng, tâm hồn của Nguyễn Du.

– Qua Tây Tiến của Quang Dũng làm rõ ý kiến.

3. Mở rộng, nâng cao, khái quát vấn đề.

– Sáng tác được những câu thơ giàu sức gợi là tài năng, tâm huyết của nhà thơ. Người cầm bút phải từ đặc trưng này của thơ mà làm thơ như mọt hoạt động sáng tạo công phu và nghiêm túc, viết nên những vần thơ giàu giá trị nghệ thuật, diễn tả được những tình cảm tinh tế, mãnh liệt, lắng sâu.

– Người đọc thơ cảm nhận nội dung, ý nghĩa bài thơ qua câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu, kết cấu, các biện pháp tu từ… nhưng quan trọng nhất là sự liên tưởng, suy tưởng, cảm thụ… những điều mà nhà thơ gợi ra trong quá trình cảm thụ thơ.

– Tiêu chí một câu thơ, một bài thơ hay vốn không phải mang tính quy ước, bất biến. Mỗi nhà thơ, mỗi người cảm thụ có “gu” và thiên hướng riêng, bởi vậy, cũng không nên cứng nhắc, khuôn mẫu trong việc đánh giá, nhận định về thơ…

– Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, toả ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là sức gợi ấy.

→ Bằng cách diễn đạt hình ảnh rất cụ thể và sinh động, Nguyễn Đình Thi đã nhấn mạnh và làm nổi bật một đặc trưng bản chất của thơ ca: ngôn ngữ trong thơ, vấn đề chữ và nghĩa. Tác giả vừa khẳng định vừa cắt nghĩa, lí giải sức mạnh lớn nhất của thơ nằm ở sức gợi.

Xem thêm:

Nghị luận: Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi (Lưu Trọng Lư)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.