Cảm hứng chủ đạo của văn học hiện thực phê phán từ 1930 đến 1945

Cảm hứng chủ đạo của văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945

Văn học hiện thực 1930 – 1945 vận động trên dòng phát triển của thời cuộc. Sống và viết trong giai đoạn có nhiều biến động về lịch sử, các nhà văn hiện thực phải nhạy bén nhận thức những chuyển biến xã hội. Hiện thực phong phú của đời sống đã làm nảy sinh cảm hứng sáng tạo ở người nghệ sĩ. Mỗi nhà văn nhận thức và phản ánh hiện thực theo một cách cảm hứng riêng.

Cảm hứng trào phúng được xem là chủ đạo trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác hai nhà văn này cũng có nét khác nhau.

Với Nguyễn Công Hoan, cảm hứng ấy là sự phê phán kịch liệt xã hội thực dân phong kiến đương thời với những sản phẩm thối nát của nó. Đồng thời là thái độ bênh vực những người nghèo khổ. Qua những truyện ngắn trào phúng của mình tác giả làm nổi bật thực trạng xã hội Việt Nam trước cách mạng xây dựng trên sự bóc lột của người giàu đối với người nghèo, phơi bày tất cả sự giả dối, những mâu thuẫn trớ trêu, nghịch cảnh phi đạo lí. Tiếng cười trào phúng đã đánh trúng vào bọn thực dân tư, tư sản và bọn nhà giàu ở thành thị, bọn cường hào ác bá ở nông thôn, bọn quan lại ở các phủ huyện. Ông đặc biệt căm ghét bọn quan lại ôm chân đế quốc để kiếm ăn trên lưng những kẻ nghèo hèn. Những truyện ngắn trào phúng có tính đả kích sâu cay của Nguyễn Công Hoan như: “Đồng hào có ma”, “Tinh thần thể dục”

Dưới con mắt của nhà văn trào phúng bậc thầy Vũ Trọng Phụng, cuộc đời như một tấn bi hài kịch. Ở tiểu thuyết “Số đỏ”, nghệ thuật trào phúng đã chứng tỏ ở Vũ Trọng Phụng một bản lĩnh nghệ thuật già dặn, một tài năng nghệ thuật độc đáo. Cảm hứng ấy chính là lòng căm thù mãnh liệt đối với bọn thực dân, quan lại, địa chủ, tư sản… những loại người đểu giả và lố lăng. Mặt khác, còn là niềm say mê khám phá các thói tật, các mặt xấu, những cái vô nghĩa lý đáng cười ở con người. Với tài nghệ bậc thầy Vũ Trọng Phụng đã làm bùng lên trên sân khấu đại hài kịch “Số đỏ” tiếng cười mỉa mai, hài hước, khi châm biếm, đả kích, khi căm phẫn hằn học cái xã hội bẩn thỉu, giả dối, vô luân. Có thể nói lòng căm thù chính là sức mạnh nghệ thuật của tài năng văn chương ở nhà văn mệnh yểu này.

Văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 cùng với cảm hứng trào phúng còn có cảm hứng bi kịch cũng được xem là cảm hứng chủ đạo. Cảm hứng ấy thấm nhuần trong các sáng tác của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao. Trong “Tắt đèn”, nhà văn không chỉ quan tâm tới nỗi khổ lớn của người nông dân về mặt vật chất mà còn đặc biệt quan tâm tới nỗi khổ về tinh thần của họ. Cảm hứng bi kịch thấm đẫm trong từng trang viết của nhà văn. Ngòi bút nhân đạo của Ngô Tất Tố tập trung thể hiện tấn bi kịch tâm hồn với những tình cảm phong phú, sâu sắc của chị Dậu, người phụ nữ giàu lòng vị tha, yêu chồng, thương con hết mực bị đẩy vào hoàn cảnh éo le. Để có tiền nộp sưu, cứu chồng khỏi hoàn cảnh cùm trói chị đã dứt ruột bán đứa con mình. Không có nỗi đau nào lớn hơn như thế nhưng chị đã không thể làm khác.

Cảm hứng bi kịch khiến Ngô Tất Tố đã xoáy sâu vào cảnh bán con…Chính lúc này chị Dậu mới phát hiện ra ở đứa con của mình đức tính mà lúc thường chưa bộc lộ hết. Còn cái Tí càng thương cha, càng quyến luyến lũ em, nó càng nhận ra tình thế không sao tránh khỏi bị đem bán của mình. Ban đầu nó van xin, khóc lóc rồi khi hiểu ra nó cắn răng chịu đựng, chấp nhận để mẹ bán cho nhà Nghị Quế. Tác giả đã sử dụng thủ pháp kéo căng thời gian nghệ thuật để làm dậy lên những tình cảm xót thương trong lòng người đọc.

Nguyên Hồng vốn là một nhà văn hay đa sầu đa cảm. Trong sáng tác của mình ông đã thể hiện sâu sắc nỗi đau khổ uất ức của người dân lao động nghèo, trước hết là người phụ nữ và trẻ em bất hạnh. Ở Nguyên Hồng có một tình cảm vừa nồng nàn, sôi nổi, vừa mãnh liệt, thống thiết đối với người cùng khổ, qua đó thể hiện niềm tin của mình vào phẩm chất tốt đẹp ở người lao động. Có thể nói, trên những trang viết của Nguyên Hồng nồng nàn hơi thở của đời sống cần lao.

Viết văn bằng sự tỉnh táo của lí trí và sự yêu thương tha thiết của trái tim, cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Nam Cao là niềm khát khao đến cháy bỏng làm sao để con người được sống xứng đáng với hai chữ CON NGƯỜI. Đó là được sống lương thiện, được phát huy khả năng của loài người chứa đựng trong mỗi con người. Mong muốn này đã dẫn đến nỗi đau khôn nguôi trước tình trạng con người bị xúc phạm về nhân phẩm, bị huỷ hoại về nhân tính, bị bóp chết những ước mơ, bị đẩy vào tình trạng sống mòn, không lối thoát. Từ khát vọng về một cuộc sống có ý nghĩa mà dưới cái nhìn của Nam Cao nhân loại đang lâm vào tình trạng huỷ hoại về nhân tính, chết ngay khi đang sống. Cảm hứng chủ đạo này đã chi phối cả thế giới nhân vật trong sáng tác của nhà văn.

Cảm hứng chủ đạo của văn học hiện thực 1930 – 1945 khá đa dạng. Trong sáng tác của mỗi nhà văn hiện thực, cảm hứng chủ đạo cũng có những tính chất, đặc điểm khác nhau. Tất cả đều hướng đến tập trung thể hiện bản chất thối nát,tính chất vô nhân đạo của xã hội Việt Nam trước cách mạng, thái độ phê phán xã hội dẫn tới yêu cầu khách quan phải thay đổi. Điều này cho thấy mặt tích cực, tiến bộ của trào lưu văn học này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang