Phân tích cảm hứng lãng mạn trong thơ Mới (1932-1945) qua một số tác phẩm đã học
Phong trào thơ Mới ra đời đã đem đến một nguồn cảm hứng mới cho thơ Việt: cảm hứng lãng mạn cá nhân. Cảm hứng lãng mạn là vượt lên trên thực tế, thoát li hiện thực, xây dựng một thế giới mộng tưởng. Cảm hứng lãng mạn cá nhân của thơ Mới rất phong phú và đa dạng. Không giống như thời đại cách mạng, khi lịch sử, chính trị có sức mạnh chi phối tới những nguồn cảm hứng của văn học, khi văn học chịu một áp lực không nhỏ của chính trị, thời đại thơ Mới, mỗi nhà thơ đều mang thân phận của kiếp con chim lìa đàn, những dòng cảm hứng nghệ thuật nảy sinh từ những tình cảm, cảm xúc cá nhân của mỗi nhà thơ.
Cùng một hiện thực cuộc sống nhưng cách nhìn, cách cảm khác nhau dẫn đến những hướng khác nhau của cảm hứng nghệ thuật. Đó là cảm hứng thoát li hiện tại, mơ tưởng trong một thế giới khác như trong thơ Lưu Trọng Lư. Đó là cảm hứng hướng về cuộc sống hiện tại với cái nhìn lý tưởng, lạc quan trong thơ Xuân Diệu, với cảm hứng lãng mạn mang đậm hồn quê trong thơ Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ. Đó là cảm hứng về tình yêu với muôn vàn những cung bậc cảm xúc trong thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính. Đó là cảm hứng hướng tới cái đau thương, hướng tới phần vô thức trong tâm linh con người như trong thơ Hàn Mặc Tử. Đó là cảm hứng nghệ thuật dành cho nỗi sầu buồn chất chứa trong vũ trụ, trong con người và cả trong cõi nhân sinh huyền bí trong thơ Huy Cận…
Cảm hứng lãng mạn của thơ Mới xuất phát từ sự xung đột của ý thức cá nhân với hoàn cảnh thực tại. Khi cá nhân không tìm được tiếng nói ở thực tại, khi cá nhân va đập với hiện thực cuộc sống sẽ nhanh chóng rơi vào bế tắc, chán nản, vỡ mộng. Các dòng cảm hứng đó đều hướng tới một thế giới mộng tưởng, lí tưởng để ở đó cái tôi cá nhân có thể trú ngụ, giãi bày. Không khó lí giải vì sao thơ Mới hay xuất hiện những thế giới thơ xa lạ với hiện thực cuộc sống. Thế Lữ lưu luyến cảnh tiên trong tưởng tượng, phảng phất nghe tiếng sáo tiên, mải mê ngắm những nàng tiên. Người đã “thoát lên tiên” mang theo giấc mộng của chàng Từ Thức thủa nào:
“Trời cao! Xanh ngắt ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng lai”
(Tiếng sáo thiên thai)
Tiếng reo ngỡ ngàng ngạc nhiên của chủ thể trữ tình trong cái buổi đầu thơ Mới chào đời ấy như tiếng gọi thiết tha con người hãy từ bỏ cuộc sống trần ai để đến với những giấc mộng thoát li. Một thế giới thanh khiết, vô trùng hiện lên trong thơ Thế Lữ. Thế giới ấy là cõi trời, cõi tiên. Một ảo mộng tinh thần xuất phát từ cảm hứng lãng mạn thoát li.
Sau tiếng gọi của kiếp con chim lìa đàn ấy, người ta ngày càng nghe thấy nhiều hơn tiếng đồng vọng với Thế Lữ. Vũ Đình Liên cũng đi về trên lối cỏ xưa của Thế Lữ. Xuất hiện trên thi đàn của thơ Mới, Vũ Đình Liên như vẫn không quên mang theo khăn xếp, áo the, vẫn mang theo cây bút lông thủa nào với những nét chữ “như phượng múa rồng bay”. Một trong những nguồn cảm hứng của thơ Vũ Đình Liên chính là “tình hoài cổ” (Hoài Thanh). Vũ Đình Liên là một nhà thơ có tư tưởng hoài cổ, có quan điểm mỹ học mang tính thủ cựu – coi trọng quá khứ, xa lạ và lạc lõng với hiện tại, sống khuôn phép, mực thước, từ tốn, khoan thai.
Trong thế giới nghệ thuật của Vũ Đình Liên, “ông đồ chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Hoài Thanh). Nhà thơ cứ chới với, cố nắm tay người đồ già đi giữa muôn dòng những thay đổi của xã hội và lòng người:
“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”
(Ông Đồ)
Ông đồ vẫn ngồi đấy – một hình ảnh của thời hiện tại, nhưng con người ấy cứ mờ nhòe đi trong cái lạnh lùng, vô cảm của xã hội. Nét vẽ cứ phai dần khi những làn mưa bụi đang giăng trắng xóa cả không gian. Vũ Đình Liên đang thầm khóc cho những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc đang chết dần trong buổi Tây Tàu bành trướng.
Chế Lan Viên cũng nhất định khước từ hiện tại để trở về với một nước Chiêm Thành phảng phất trong quá khứ. Những bi hùng của một dân tộc đã được dựng dậy trong thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên. Thế giới đầy sọ dừa, xương máu cùng yêu ma. Cái thế giới mà nhiều lúc nhà thơ tưởng mình đang ân ái với các vì sao, có lúc lại đứng suốt đêm với một bóng ma hay nhìn một chiếc quan tài nào đó đang đi mà tưởng thi thể mình đang trong đó:
“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!”
(Những sợi tơ lòng)
Thoát li hiện tại, nhưng không như Thế Lữ xây dựng một cõi tiên, cõi trời thanh khiết đến vô ngần, lung linh đến diệu vợi, cảm hứng nghệ thuật của Chế Lan Viên hướng tới một thế giới kì dị đến kinh dị, một thế giới của đổ nát, của chết chóc của máu và nước mắt. Nhà thơ ngụp lặn trong thế giới ấy, độc tấu âm điệu bi ai đến não nề:
“Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn”
(Xuân)
Cảm hứng lãng mạn của thơ Mới còn là cảm hứng hướng về cuộc sống trần thế của con người. Xuân Diệu đã tìm thấy một thế giới khác hẳn thế giới trong thơ Thế Lữ, Chế Lan Viên. Ông xây lầu thơ của mình trên chính mảnh đất của trần gian và hiện tại. Mở đầu Vội vàng – thi phẩm tiêu biểu nhất cho hồn thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám, là bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp được vẽ lên bằng một trái tim yêu say đắm trước cuộc đời:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Mùa xuân hiện lên ở đó là một thế giới xuân sắc, xuân tình. Ta thấy được cái sống động, nhộn nhịp của những chuyển động trong thế giới: ong bướm đang nhộn nhịp bay đi tìm hoa tạo mật cho đời, hoa đang mải mê khoe sắc, lá đang miên man ca hát trong gió xuân, yến anh đang thăng hoa trong khúc nhạc vui, thần Vui đang hồ hởi đến gõ cửa chào ngày mới mọi nhà… Ta thấy cái mới mẻ, tươi tắn của một ngày, của một mùa với những màu sắc, trạng thái viên mãn của tạo vật: đồng nội xanh rì, ngàn hoa khoe sắc, ánh sáng sớm mai chan hòa, lung linh, thanh khiết, khúc hát mùa xuân say đắm, rạo rực lòng người.
Ta còn thấy trong bức tranh đó xuân tình lang láng. Vườn xuân trở thành vườn tình, thành người tình đầy khêu gợi khi mọi vật đều đang trong trạng thái cặp đôi luyến ái, giao hòa tình tứ. Một bức tranh hoàn hảo về vẻ đẹp của cuộc sống được cảm nhận bằng một trái tim trẻ trung, ngập tràn sức sống và tình yêu, bằng cặp mắt xanh non biếc rờn của người trẻ tuổi, trẻ lòng. Thế giới hiện ra là thiên đường trên mặt đất, là bữa tiệc của trần gian với thực đơn vô cùng quyến rũ. Nhưng càng khám phá, nhất là đối với một cái tôi khao khát đến khôn cùng như Xuân Diệu thì cuộc đời trần thế đó không đủ để chứa đựng một con người khổng lồ trong tư tưởng, trong cảm xúc.
Có thể nói, Xuân Diệu đã nhiều lẫn vỡ mộng khi thế giới mà ông xây dựng, tưởng như rất thật, rất gần trong tầm tay của mọi người, mở mắt đã thấy ngay phía trước, đưa tay đã có thể cầm giữ cho mình. Nhưng thế giới ấy đặt trong hoàn cảnh hiện thời của đất nước lúc bấy giờ lại trở nên xa vời, hư ảo. Bên cạnh mảnh vườn tình ái là hoang mạc cô liêu. Bên cạnh thời tươi là thời phai. Sa mạc cô liêu là thế giới đơn côi, bất hạnh, vạn vật chia lìa, li tán, tất cả nhạt nhòa u uất, con người buồn sầu trơ trọi với cô đơn:
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”
Hay cái lặng lẽ đơn điệu đến đáng sợ của cuộc sống:
“Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối
Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành
Mây theo chim về dãy núi xa xa
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ”…
Cảm hứng thơ của thơ Mới đã đem đến cho người đọc một thế giới nhiều khi huyền bí, siêu nhiên. Nhưng đó cũng là thế giới tràn đầy cảm xúc của chủ thể trữ tình. Cảm hứng lãng mạn của thơ Mới đã thổi một luồng gió mới vào thơ, đem đến sự tươi trẻ hồi sinh cho thơ.