Cảm nhận bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh dưới góc độ thi pháp
Cảnh khuya được sáng tác vào năm 1947 – năm đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ chỉ huy kháng chiến đóng ở chiến khu Việt Bắc. Như nơi hội tụ của nhiều vẻ đẹp khác nhau, Cảnh khuya thể hiện sinh động quan điểm thẩm mĩ, nhân sinh cao đẹp, phong cách nghệ thuật độc đáo của một chiến sĩ cách mạng vĩ đại đồng thời là một nhà thơ lớn.
Thi pháp Cảnh khuya có sự đan cài của họa, nhạc và thơ. Bài thơ là một bức tranh, nhưng không phải tranh tĩnh vật, bởi bên cạnh các yếu tố tĩnh còn có yếu tố động; tĩnh và động không tương phản mà tương tác, bổ sung để làm nên vẻ đẹp hoàn mỹ của bức tranh.
Về mặt cấu trúc thẩm mỹ, sự hài phối của thời gian và không gian nghệ thuật là điểm quan trọng làm nên tính thẩm mỹ của hình tượng thơ. Không gian ở đây là không gian rừng núi, và thời gian là về đêm – đêm khuya với ánh trăng soi chiếu bao trùm cảnh vật rừng khuya tạo nên nét thực và ảo, hình khối và đường nét, sắc màu và âm thanh trong một bức tranh thống nhất.
Với thời gian như thế nên tiếng suối mới trong như tiếng hát xa, nếu là vào một thời gian khác trong ngày thì tiếng suối không thể trong như tiếng hát xa được. Bởi vì vào thời gian ban ngày, giữa bao nhiêu tạp âm của rừng, nhất là tiếng chim kêu với hàng trăm giọng thì khó có thể nghe thấy tiếng suối, nhất là tiếng suối xa. Nên khi khuya về, các sinh vật chìm trong giấc ngủ, thì lúc đó các tạp âm lắng lại, chìm khuất, còn lại lảnh lót và ngân vang tiếng suối. Và là tiếng hát xa nên lúc bổng, lúc trầm. Đó là đặc điểm thực tế của tiếng suối. Tuy nhiên, cái tài của người nghệ sỹ là đã tạo nên một so sánh sáng tạo, mới mẻ, mang đến cho hình ảnh thơ một sắc thái thẩm mỹ mới: So sánh tiếng suối với tiếng hát, mà tiếng hát ấy trong, và xa.
Trong văn chương, hình ảnh suối, tiếng suối cũng đã xuất hiện nhiều. Chẳng hạn, Nguyễn Trãi ví tiếng suối với tiếng đàn: Côn Sơn suối chảy rì rầm,/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai (Côn Sơn ca); Nguyễn Du so sánh tiếng đàn với tiếng suối: Trong như tiếng hạc bay qua,/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời (Truyện Kiều); Thế Lữ cũng so sánh tiếng hát với tiếng suối: Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền (Tiếng hát bên sông)… Trong cảnh khuya, cách nói mới đã lạ hóa đối tượng miêu tả, không chỉ mang lại cho tiếng suối nét đẹp mới, sức quyến rũ mới mà còn làm ấm áp, nồng đượm cả cảnh rừng khuya, một khi tiếng suối phổ vào không gian sự ấm áp của tình người trong âm hưởng lãng mạn, như tiếng hát xa.
Nét thứ hai trong cấu trúc thẩm mỹ bài thơ là sắc màu, đường nét, hình khối: Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa. Sắc màu bao trùm toàn bộ cảnh vật trong bức tranh thơ là ánh sáng trăng. Trong văn chương, trăng vốn là một đề tài, một đối tượng thẩm mỹ khá quen thuộc. Với Hồ Chí Minh, trăng luôn gần gũi, thân mật, tâm giao với nhà thơ:
Trong thơ Bác, trăng với hoa là bạn (Hoàng Trung Thông). Đúng thế, trong thơ Hồ Chí Minh, tần số trăng xuất hiện khá cao, mỗi lần hiện diện là một lần trăng có những diện mạo, sắc thái riêng. Có lúc trăng chủ động tìm đến với thi nhân: Trăng vào cửa số đòi thơ,/ Việc quân đang bận, xin chờ trăng ơi. Có lúc trăng và thi nhân cùng ngắm nhau: Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ. Có lúc ánh trăng bát ngát và tỏa rạng, phủ đầy con thuyền của chiến sỹ – thi nhân: Giữa dòng bàn bạc việc quân,/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền… Trong bài thơ Cảnh khuya, tình tiết trăng lồng cổ thụ tạo nên vẻ đẹp vốn mạnh mẽ, cường tráng của cổ thụ, lại có thêm sắc màu trăng lãng mạn, đặc biệt, các tình tiết này lại lồng vào nhau. Và cũng nhờ trăng, bên cạnh hình khối của cổ thụ chan đầy ánh trăng ấy, có thêm đường nét giao thoa của bóng lồng hoa.
Như vậy, cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ thể hiện ở những điểm nhìn không chỉ tiêu biểu mà còn tương tác, bổ sung, hài phối với nhau làm nên bức tranh tuyệt mỹ: Có âm thanh diệu kỳ, lãng mạn của tiếng suối trong như tiếng hát xa; có sắc màu mát dịu, huyền diệu của trăng; có hình khối vững chãi, chắc chắn của cổ thụ được trăng vàng lồng vào cành lá; có đường nét mềm mại, uyển chuyển của bóng và hoa lồng vào nhau.
Nét thứ ba là con người. Chính sự hiện diện của con người ở đó đã làm cho cảnh được tôn thêm giá trị và sức hấp dẫn bởi cảnh rừng khuya đẹp nhưng không lạnh lẽo, hoang vắng mà nồng đượm hơi ấm con người. Đặc biệt, con người ở đây xuất hiện vừa với tâm hồn thi sỹ, vừa với nhân cách, tư tưởng của người chiến sỹ
cách mạng:
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Đến đây, tư tưởng và thẩm mỹ thơ có sự phát triển tạo nên một bất ngờ mới cho người tiếp nhận: cảnh đẹp như vẽ, nhưng thi nhân không phải vì cảnh đẹp nên chưa ngủ, mà chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. Thì ra, trong những tháng ngày cách mạng Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy thử thách và cam go, trong đêm khuya thanh tĩnh giữa rừng Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã thức, cũng như Cả cuộc đời bác ngủ có yên đâu (Thanh Hải) để lo cho cách mạng, cho hạnh phúc muôn dân. Và chính trong cảnh huống đó, trước thiên nhiên diệu kỳ, trái tim người nghệ sỹ cách mạng Hồ Chí Minh ngân rung thành áng thơ Cảnh khuya tuyệt tác. Đây là một nét đẹp trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh được thể hiện thống nhất trong nhiều thi phẩm của người. Chẳng hạn, khi ở trong tù, dù khốn khổ và cơ cực vô cùng, nhưng trước cảnh đẹp, trái tim Người vẫn rung lên thành thơ: Trong tù không rượu cũng không hoa,/ Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ; hoặc trong cảnh bị trói cả chân tay trên đường chuyển lao, người vẫn thưởng lãm thiên nhiên bằng cái nhìn và tâm hồn thi sỹ: Mặc dầu bị trói chân tay,/ Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng./ Vui say ai cấm ta đừng,/ Đường xa âu cũng bớt chừng quanh hiu.
Tóm lại, Cảnh khuya là một tuyệt tác được dệt nên nhờ tài nghệ quan sát, miêu tả và thể hiện của chủ thể thẩm mỹ về đối tượng cảnh khuya. Sự phối kết nhuần nhị giữa các bình diện thuộc về thơ, nhạc, họa làm nên tính thống nhất; sự tương tác và bổ sung của cảnh và người, người và cảnh làm nên tính vẹn toàn của bức tranh thiên nhiên mỹ lệ nồng đượm hơi ấm và tư tưởng con người. Do vậy, bài thơ với tựa đề là viết về cảnh khuya, nhưng trong đó không chỉ có cảnh của thiên nhiên, vũ trụ đơn thuần, mà còn có cả tư tưởng nhân văn cao cả của bậc lão thành cách mạng đang lo nghĩ vì dân, vì nước Việt Nam. Ánh sáng tư tưởng và tình cảm từ nhân cách văn hóa của chủ thể trữ tình Hồ Chí Minh và ánh sáng từ thiên nhiên, vũ trụ của đối tượng trữ tình trong cái nhìn nghệ thuật khai sáng của tác giả bài thơ đã giao thoa, hòa quyện với nhau làm nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn và giá trị đặc sắc cho Cảnh khuya.