Cảm nhận hình ảnh quê hương Kinh Bắc qua bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm
Cái nhìn toàn cảnh “bên kia sông Đuống” từ “bên này”. Mở đầu bài thơ là một tiếng gọi đồng thời là một lời an ủi: “Em ơi buồn làm chi”. Em ở đây là một nhân vật phiếm chỉ, nhưng có phần chắc là một cô gái vùng Kinh Bắc. Nhà thơ cần có một người nào đó để thổ lộ những tình cảm chứa chất trong lòng mình:
“Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc”
Cái nhìn toàn cảnh bên kia sông Đuống bao quát cả không gian và thời gian. Con sông Đuống từ quá khứ xa xưa hiện về với “bờ cát trắng phẳng lì” mang dấu ấn của một thời bình yên, thơ mộng. Con sông quê hương từ xa xưa trôi chảy về thời hiện tại hiện lên trong tâm trí nhà thơ như một dòng sáng “lấp lánh”, trù phú những màu xanh của bãi mía, nương dâu.
Sông Đuống hiện lên trong một khoảng không gian tâm tưởng: Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì. Tình cảm sâu nặng với quê hương cùng với trí tưởng tượng phong phú đã giúp cho nhà thơ sáng tạo một hình ảnh độc đáo, đầy ấn tượng về một dòng sông, xáo trộn cả không gian với thời gian. Cái dáng nằm “nghiêng nghiêng” đã tượng hình lên con sông Đuống, làm cho nó hiện ra như một sinh thể sống động.
Từ bên này, nhà thơ đau đáu hướng cặp mắt nhìn về phía bên kia sông Đuống, nơi quê hương đã bị quân giặc chiếm. Đoạn thơ kết thúc bằng một hình ảnh diễn tả rất cụ thẻ nỗi đau xót vô hạn của nhà thơ. Có thể nói tâm trạng ở đây đã đạt tới mức độ điển hình:
“Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”
Hồn thơ Hoàng Cầm vốn gắn chặt tới mức máu thịt với vùng quê Kinh Bắc. Nhà thơ sinh ra và lớn lên ở đây. Kinh Bắc là một vùng đất cổ với biết bao di tích lịch sử, đền đài, miếu mạo. Gắn liền với những di tích ấy là những truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích cùng với những hội Gióng, hội Lim, hội chùa Dâu… đã trở nên quen thuộc đối với người Việt Nam.
Kinh Bắc với truyền thống văn hoá nghệ thuật lâu đời, với một vẻ đẹp cổ kính ấy đã đi vào thơ Hoàng Cầm. Trong đoạn thơ thứ nhất thuộc phần thứ hai của bài thơ Bên kia sông Đuống Hoàng Cầm đã dựng lại bức tranh của vùng quê Kinh Bắc thuở thanh bình và khi quân giặc tới:
“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?”
Cảm hứng chủ đạo ở đây là nỗi đau, sự nuối tiếc, xót xa, căm giận trước cảnh quê hương thanh bình, đông vui, tươi đẹp, hết sức đáng yêu với những truyền thống văn hoá lâu đời, nay đang bị giặc tàn phá, giày xéo.
Hoàng Cầm đã miêu tả thật xúc động những cảnh tượng của quê hương khi Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn, làm nổi bật sự tương phản giữa cảnh yên vui của quá khứ đối với cảnh tan hoang của thời hiện tại. Những câu hỏi dồn dập (Bây giờ tan tác về đâu? Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu? Bây giờ tan tác về đâu?) vang lên như những điệp khúc rất gợi cảm, xoáy sâu vào tâm trí người đọc.
Thế giới Kinh Bắc, đặc biệt là ở bên kia sông Đuống được gợi lên trong trí nhớ của nhà thơ với những gì tươi đẹp nhất, thân thiết nhất, yêu quý nhất và tiêu biểu nhất của quê hương mình.
+ Trước hết là những bức tranh Đông Hồ với những màu sắc, đường nét tươi sáng, sinh động, ngộ nghĩnh, đậm đà màu sắc dân tộc. Hoàng Cầm đã gợi lên được cái hồn của những bức tranh: từ chất liệu đến đề tài, tư tưởng, nghệ thuật đều rất dân gian và cũng rất dân tộc:
“Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
“Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu”
Nhà thơ đã miêu tả thật xúc động cảnh tượng của quê hương khi quân giặc tràn tới: ruộng khô, nhà cháy, đâu đâu cũng thấy những cảnh tan tác, chia lìa:
“Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu.
“Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu, về đâu?”
“Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu, về đâu?”
“Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?”
Mượn hình ảnh trong tranh để diễn tả cảnh tượng thật ngoài đời, nhà thơ đã lay động sâu xa tình cảm của những con người vốn gắn bó máu thịt với truyền thống văn hoá hàng ngàn đời của quê hương Kinh Bắc.
+ Tiếp theo là hình ảnh vùng quê hương Kinh Bắc với những đền chùa cổ kính, những hội hè đình đám.Tác giả đã dựng lại không khí đông vui nhộn nhịp của những hội chùa mùa xuân có đủ cả trẻ già trai gái, gắn liền với những kỉ niệm về một thời bình yên, hạnh phúc:
“Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài”
Vậy mà “giấc mộng bình yên” mấy trăm năm bị tan vỡ. Con người bị tan tác, chia lìa, không biết đi đâu về đâu. Chỉ còn tiếng chuông chùa”văng vẳng” càng làm tăng thêm sự hoang vắng của quê hương.
+ Tác giả đi ngược thời gian, sống lại cái cảnh tượng lao động, buôn bán sầm uất của một vùng quê. Trong tâm trí nhà thơ, hình ảnh những cô gái Kinh Bắc giăng tơ, dệt lụa, buôn bán tảo tần hiện lên với những nét xinh đẹp, dịu dàng, duyên dáng và biết bao tình tứ:
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
Cảnh buôn bán làm ăn tấp nập đông vui ấy khi quân giặc kéo đến thành ra tan tác cả. Những cô gái xinh đẹp ấy bây giờ không biết đi đâu về đâu, câu hỏi ấy vang lên như một nỗi niềm xót xa, nuối tiếc.
+ Hoàng Cầm đã dành những tình cảm sâu nặng nhất cho những bà mẹ thân yêu. Những bà mẹ “già nua”, “còm cõi gánh hàng rong” đã vất vả trong thời bình càng khốn khổ hơn khi quân giặc đến:
Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm
Hình bóng bà mẹ tảo tần trở đi trở lại ba lần trong một đoạn thơ ngắn. Hình ảnh bà mẹ tóc bạc phơ bước thấp bước cao trên con đường trơn mưa lạnh in trên nền trời có một cánh cò trắng bay “vùn vụt” lướt ngang dòng sông Đuống đã nói lên thật thấm thía thân phận tội nghiệp của những người mẹ nghèo trong chiến tranh:
Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ
Đáng thương nhất là hình ảnh những em nhỏ. Những đứa trẻ thơ ngây bị đói khát, bị cái chết đe dọa cả khi thức lẫn khi ngủ.
Bên kia sông Đuống chỉ nói về một vùng quê cụ thể nhưng đã động tới tình quê hương của người Việt Nam. Hình ảnh của vùng quê Kinh Bắc hiện lên với những tên đất, tên núi, tên chùa cụ thể, với những con người của một vùng quê văn hiến đông vui, sầm uất, mặc dù có màu sắc địa phương đậm nét nhưng cũng rất tiêu biểu cho những làng quê Việt Nam. Tình cảm gắn bó với quê hương, với người mẹ, với trẻ thơ v.v… vốn là tình cảm thường tình của con người. Vả lại, cảnh tượng quê hương bị giặc tàn phá cũng là cảnh ngộ chung của nhiều người Việt Nam trong kháng chiến. Chính vì thế, mặc dù viết về một vùng quê Kinh Bắc, bài thơ của Hoàng Cầm vẫn có sức lay động sâu sắc tình cảm quê hương của con người Việt Nam.