Cảm nhận đoạn thơ: “Bên kia sông Đuống… Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”

cam-nhan-doan-tho-ben-kia-song-duong-mau-dan-toc-sang-bung-tren-giay-diep

Cảm nhận đoạn thơ: “Bên kia sông Đuống… Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”:

“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm, Văn học 12, tập 1, NXB Giáo dục, tái bản 2004, tr.79)


Bài làm:

  • Mở bài:

Hoàng Cầm viết “Bên kia sông Đuống” năm 1948. Bài thơ là dòng chảy tâm trạng, là suối nguồn tình yêu quê hương, dân tộc và ý chí căm thù quân giặc hung tàn. Sức sống văn hóa dân tộc vẫn “sáng bừng”dâu cho kẻ thù có giày xéo, hủy diệt. Vẻ đẹp ấy được nhà thơ khắc họa qua đoạn thơ:

“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

  • Thân bài:

Mở đầu đoạn trích, hình ảnh “Bên kia sông Đuống” vang lên như một lời giới thiệu. Đây chính là thôn Lạc Thổ – xã Song Hồ – huyện Thuận Thành – tỉnh Bắc Ninh, nơi bờ nam sông Đuống của nhà thơ đang bị giặc chiếm đóng. Nơi ấy là nơi lưu giữ những hồi ức, những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm của tác giả giờ đây đã trở thành máu thịt của tâm hồn, trở thành một mảng ký ức của nỗi đau.

Con sông quê hương với bờ cát trắng phẳng lỳ từ quá khứ xa xưa chảy về hiện tại là một dòng sông trữ tình, lấp lánh lung linh, sống động, êm đềm, thơ mộng. Nhìn xa có dáng nghiêng nghiêng. Dáng nghiêng nghiêng ấy là một phát hiện, độc đáo của Hoàng Cầm. Ông đã đưa vào thơ hình ảnh một con sông như bao con sông khắp mọi miền quê, vừa có một dáng vẻ yêu kiều, duyên dáng không thể trộn lẫn.

Nhà thơ ngược dòng thời gian về với ký ức để sống lại ngày xưa với bên kia sông Đuống một thuở bình yên. Vậy là một thế giới Kinh Bắc dường như hiện ra sắc nét trong hoài niệm của ông. Thế giới ấy có truyền thống văn hoá lâu đời mang vẻ đẹp cổ kính được thể hiện đậm nét trước hết ở nền nghệ thuật dân gian với tranh làng Hồ đậm sắc màu dân tộc:

“Quê hương ta lúa nếp thơm nồng”.

Bức tranh quê hương hiện lên với phong cảnh đồng ruộng, bát ngát, hương thơm bay thoang thoảng của lúa nếp. Đọc đến đây ta thấy quê hương của Hoàng Cầm có gì đó thật gần gũi với mọi làng quê Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng thốt lên:

“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”

(Bài thơ Hắc Hải)

Nói về quê hương, tác giả tràn ngập một niềm vui sướng tự hào. Cụm từ “quê hương ta” đứng ngay đầu câu thơ gợi ra một niềm tự hào, kiêu hãnh về quê hương của tác giả. Một quê hương tươi đẹp và trù phú, ấm no và yên bình. Hình ảnh “lúa nếp thơm nồng” không chỉ gợi ra một khung cảnh quê hương giàu đẹp, ấm no, mùa màng tốt tươi mà còn gợi lên truyền thống của quê hương.

Đó chắc hẳn là một làng quê giàu truyền thống hội hè, đình đám, những lễ hội. Một Kinh Bắc cổ kính lâu đời. Không chỉ có vậy hình ảnh lúa nếp thơm nồng còn làm cho ta nhớ tới những sự tích “bánh chưng, bánh dày”, ta liên tưởng đến những con người hiếu nghĩa, hiếu thảo. Có thể cái “nồng” ấy còn là cái nồng của cảm xúc của tình cảm tác giả.
Quê hương Kinh Bắc đâu chỉ có ấm no, trù phú ở đó còn có truyền thống văn hóa lâu đời. Đó chính là tranh Đông Hồ một nét văn hóa dân gian nổi tiếng của quê hương Kinh Bắc.

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Những bức tranh dân gian với đề tài bình dị, thân thuộc không thể thiếu được vào dịp tết đến xuân về. Tranh lợn gà, đánh đu, hứng dừa, đám cưới chuột, tranh Bà Trưng cưỡi voi ra trận, Phù Đổng thiên vương Những bức tranh ấy sáng bừng trên giấy điệp – trên nền giấy dó láng một lớp điệp mỏng làm nền, được chắt luyện từ vỏ sò tạo nên nhiều màu sắc lóng lánh, tươi vui, rực rỡ Tất cả làm sáng bừng lên một hồn quê, tình quê. Đó là bức quốc hoạ của dân tộc, là ước mơ về cuộc sống hạnh phúc thanh bình không chỉ của người dân Kinh Bắc mà còn là của dân tộc.

Quê hương Hoàng Cầm là ở thôn Lạc Thổ, xã Song Hồ – một làng nghề làm tranh dân gian lâu đời. Người Kinh Bắc thuở xưa thường làm tranh để gửi vào đó những ước mơ, khát vọng của mình về một cuộc sống ấm no. Câu thơ trên giới thiệu những bức tranh quê hương với nét vẽ “gà lợn”. Đó là cuộc sống của người dân, những con vật gần gũi với cuộc sống của người dân. Tất cả đều được đưa vào tranh, trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Câu thơ tràn ngập niềm tự hào của tác giả khi nhớ về quê hương. Cái “sáng bừng” ấy là cái sáng bừng của cảm xúc, của lòng tự hào kiêu hãnh. Một quê hương giàu đẹp như thế làm sao không khỏi tự hào, kiêu hãnh cơ chứ và cũng làm sao không khỏi đau đớn, xót xa khi mất đi quê hương ấy cơ chứ. Dòng hoài niệm còn đưa người đọc về miền quê Kinh Bắc Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên. Mảnh đất ấy có bề dày lịch sử lau đời.

Đậm nét trong nỗi nhớ về Kinh Bắc, xứ sở của ngàn năm văn vật là con người, là truyền thống văn hóa lâu đời ở vùng quê này. Chỉ mấy câu thơ thôi mà Hoàng Cầm gợi được cái hồn cốt của con người nơi đây, chứa đựng bao ước mơ khát vọng đời đời của người lao động.  Chỉ cảm qua thơ đã thấy nao lòng. Đó là một cách nhìn, cách cảm rất riêng của Hoàng Cầm càng làm lung linh thêm vẻ đẹp thế giới Kinh Bắc.

Nhưng khác với Hoàng Cầm, Nguyễn Khoa Điềm lại khám phá đất nước ở một khía cạnh khác. Đó chính là tư tưởng đất nước của nhân dân, do nhân dân làm ra. Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Trường ca Mặt đường khát vọng của ông được viết trong những ngày tháng nóng bỏng của chiến trường Bình – Trị – Thiên, đó là sự thức tỉnh của thế hệ trẻ về vai trò của nhân dân, về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với cuộc kháng chiến của dân tộc.

Nguyễn Khoa Điềm đã thấm nhuần đất nước là máu xương của mình, đã “gắn bó và san sẻ”, đã “đi trả thù mà chẳng sợ dài lâu”. Cho nên ta có thể thấy tư tưởng thấu suốt trong chương thứ năm của trường ca “Mặt đương khát vọng” là đất nước của nhân dân, do nhân dân. Tư tưởng này được thể hiện rõ trong đoạn trích:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha”.

(“Đất nước” – Nguyễn Khoa Điềm)

Đó là sự cảm nhận đất nước về phương diện địa lý. Tất cả những dáng núi, hình sông trên đất nước ta đều do nhân dân làm ra. Tác giả đã thể hiện tư tưởng này qua một động từ, đó là “góp”. Mọi người đều góp phần xây dựng đất nước. Chủ thể của động từ ấy là những người vợ nhớ chồng, cặp vợ chồng yêu nhau, gót ngựa Thánh Gióng, người học trò nghèo và cả những người dân bình thường… Họ đều là những con người hiếu nghĩa, thủy chung, cũng giàu truyền thống hiếu học và cũng kiên cường, anh dũng lắm thay: những núi Vọng Phu đất Tổ Hùng Vương, núi Bút, non Nghiên, ông Đốc, bà Điểm…

Dường như bàn chân nhân dân đi đâu, bàn tay nhân dân xây đắp những gì nhân dân đều hà hơi, thổi linh hồn mình vào đấy. Thế nên đất nước chứa đựng linh hồn của nhân dân, chính là tâm hồn nhân dân đó. Tác giả còn khắc sâu tư tưởng đất nước của nhân dân khi diễn tả những thứ nhân dân làm ra: đều có núi Bút, núi Vọng Phu, có Non Nghiên, có dòng sông, ao đầm nơi nào cung có bàn tay nhân dân xây đắp.

Đất nước và nhân dân hòa vào nhau tạo nên một đất nước vừa thực vừa linh thiêng. Một đất nước vừa địa linh và nhân kiệt. Đây là một tư tưởng rất mới mẻ, khẳng định vai trò của nhân dân với đất nước. Biết bao thế hệ người dân ta từ già, trẻ, trai, gái đều đã ngã xuống, máu của họ tạo thành sông suối, xương của họ tạo lên dáng núi và tâm hồn của họ thành hồn sông núi, hồn xứ sở. Họ là người làm ra đất nước.

Qua hai đoạn thơ trên ta thấy cả Hoàng Cầm và Nguyễn Khoa Điềm đều rất tinh tế, tài hoa và sâu sắc trong việc khám phá những điều kỳ diệu về đất nước. Thế nhưng, nhà thơ đều có những sự khám phá thú vị của mình, đều tìm ra những nét khác nhau về đất nước muôn màu và thăng hoa thành những cảm xúc, những vần thơ tuyệt đẹp.
Hoàng Cầm khám phá đất nước trong nỗi nhớ thương, tiếc xót. Khi mà đau đớn đến quá đột ngột lại cộng với tâm hồn tài hoa và nhạy cảm đã tạo nên những câu thơ về đất nước đầy cảm xúc.

Có thể nói, với Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm đã đưa vào bài thơ cả một thế giới Kinh Bắc với con người, cảnh vật và đời sống văn hoá một cách vừa sống động, chân thực vừa lung linh, huyền diệu. Thế giới Kinh Bắc đã làm nên vẻ đẹp thẩm mỹ của bài thơ Bên kia sông Đuống. Nếu thơ ca là tiếng vọng của lòng người vào năm tháng, để thương để nhớ cho đời thì Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm đã vượt qua thử thách thời gian để đến với mỗi chúng ta hôm nay./.

Khác với Hoàng Cầm, Nguyễn Khoa Điềm với tư tưởng đất nước của nhân dân đã phải trải qua một quá trình chiêm nghiệm thực tế mới rút ra được. Nhưng cả hai nhà thơ đều chung nhau là tìm về những giá trị truyền thống của quê hương đất nước, những nét văn hóa của làng quê phong cảnh đất nước và cả hai thi sĩ đều có chung một cảm xúc đầy tự hào và yêu thương.

  • Kết bài:

Đề tài về đất nước luôn luôn là một cảm hứng cho mọi nền văn học nhất là nền văn học của một dân tộc mà tình yêu nước luôn luôn bị đem ra thử thách. Thành công về đề tài này đã nhiều nhưng Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm vẫn có một tiếng nói riêng, một sự khám phá riêng với một phong cách riêng. Hai mặt đất nước của nhân dân và đất nước giàu truyền thống, góp vào vườn thơ về đất nước như hai bông hoa đẹp nhất tỏa hương thơm đến muôn đời, muôn thế hệ.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Vẻ đẹp Kinh Bắc trong bài thơ "Bên kia sông Đuống" của nhà thơ Hoàng Cầm - Theki.vn
  2. Dàn bài: Phân tích 10 câu thơ đầu trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm - Theki.vn
  3. Đọc thêm: Bên kia sông Đuống (Hoàng Cẩm) - SGK Ngữ văn 12, tập 1 - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.