phan-tich-truyen-ngan-song-chet-mac-bay-cua-pham-duy-ton-duoi-goc-do-thi-phap

Cảm nhận truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn (dưới góc độ thi pháp)

Cảm nhận truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn dưới góc độ thi pháp

Sống chết mặc bay là một tác phẩm của nhà văn Phạm Duy Tốn, được viết theo thể truyện ngắn hiện đại và đăng trên tạp chí Nam Phong số 18 tháng 12 năm 1918. Đây được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Truyện lấy bối cảnh của nông thôn Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Nó được lấy bối cảnh trong một đêm khuya, một khúc đê bên sông Nhị Hà (tức sông Hồng) đang bị mưa gió làm vỡ, nhưng trong đình quan phụ mẫu vẫn ngồi chơi tổ tôm với các tên quan lại khác, không quan tâm đến đê điều.

Sức hấp dẫn của Sống chết mặc bay có nguyên nhân chính từ kết cấu thẩm mỹ của truyện. Là một trong những truyện ngắn hiện đại xuất sắc đầu tiên của văn xuôi Việt Nam, so với lối văn biền ngẫu truyền thống cũng như cách kể xuôi của cốt truyện truyền thống thì Sống chết mặc bay được kết cấu và diễn đạt bằng ngôn từ nghệ thuật khá hiện đại, mới mẻ. Trong đó, điểm nổi bật nhất là kiểu kết cấu theo trục phát triển của kịch hiện đại, mà tính tương phản và tăng cấp là những thủ pháp chính góp phần quan trọng làm nên tư tưởng và thẩm mỹ, hiện thực và nhân
văn cho thiên truyện xuất sắc này.

Kết cấu của các bước phát triển cốt truyện mang tính kịch song tuyến. Tuyến thứ nhất là cảnh hộ đê khốn khổ, cam go và nguy kịch của nhân dân, tuyến thứ hai là cảnh bài bạc bất nhân và tội lỗi của quan lại. Mỗi mảng trong thế tương phản là một tuyến, và hai tuyến liên kết, đan cài để tạo nên tính kịch chung cho
thiên truyện.

Với tuyến thứ nhất, đoạn văn đầu tiên vừa là phần mở đầu, dẫn chuyện, vừa là thắt nút: Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng (…) không khéo thì vỡ mất. Nghệ thuật kể ở đây là đi ngay vào vấn đề, tạo tình huống gay cấn, hấp dẫn và lôi cuốn sự chú ý của người đọc. Tác giả đặc tả cảnh hộ đê trong tình huống vô cùng cam go, hiểm nguy vì đê sắp vỡ, thông qua những tình tiết tiêu biểu làm nổi bật tình huống: Kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột.

Để tăng sự nguy nan của tình huống, tác giả sử dụng tình tiết tăng cấp bằng hình ảnh trái ngược giữa khả năng của sức người với sức mạnh đe dọa khủng khiếp của thiên nhiên: Tuy trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai ai cũng mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời thời mưa vẫn tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên.

Đến đây, cái nhìn nghệ thuật của tác giả di chuyển sang tuyến thứ hai với điểm nhìn về cảnh bài bạc của quan lại trong đình trên mặt đê: Trong đình, đèn thắp sáng trưng; nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ đi lại rộn ràng. Nhân vật chính được đặc tả là viên quan phụ mẫu với các đặc điểm nổi bật: Phong thái thì uy nghi chễm chện; xung quanh đầy kẻ hầu người hạ đáp ứng tất cả nhu cầu cần thiết của kẻ đánh bài; ngôn từ thì dõng dạc, vật dụng thì sang chảnh, thái độ thì lì lợm, bản chất thì tha hóa, mất hết nhân tính.

Cùng với việc đặc tả hai phân cảnh của hai tuyến trái ngược và tương phản, có nhiều chỗ, tác giả đan cài tình tiết tiêu biểu của hai tuyến vào trong cùng một câu văn, cùng một đoạn văn: Ngoài kia, tuy mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít, nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch nghiêm trang lắm: trừ quan phụ mẫu ra, mọi người không ai dám to tiếng. So với cái cảnh trăm họ đang vất vả lấm láp, gội gió tắm mưa, như đàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn nhã, đường bệ, nguy nga…

Sự tương phản của hai tuyến, hai cảnh đó cứ được triển khai song hành cho tới đỉnh điểm của mâu thuẫn và mở nút. Ở tuyến thứ nhất là tình tiết một người nhà quê mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất tả chạy xông vào thở không ra lời: Bẩm… quan lớn… đê vỡ mất rồi! Còn ở tuyến thứ hai là tình tiết viên quan phụ mẫu thắng ván ù lớn: Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười vừa nói: Ù ! Thông tôm, chi chi nảy !… Điếu, mày !

Trong kết cấu nghệ thuật, song tuyến tương phản nhau được đan cài khéo léo và tự nhiên, cái nhìn nghệ thuật của tác giả cũng hết sức linh hoạt, uyển chuyển, liên tục di chuyển điểm nhìn. Đặc biệt, đã có sự kết hợp của cái nhìn bên ngoài và cái nhìn bên trong (qua ngôn ngữ các nhân vật) nên truyện tạo ấn tượng mạnh, xúc cảm sâu.

Thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật của truyện được xây dựng tài tình, khéo léo, làm bật nổi lên được nỗi khổ đau, bất hạnh, thê thảm và tang thương của những con người cần lao trong xã hội phong kiến mà nguyên do là bọn quan lại bất nhân, tàn nhẫn, vô trách nhiệm. Các tình tiết về thời gian và không gian nghệ thuật được chọn lựa đầy chủ ý, đan cài và tương tác với nhau, làm gia tăng tính kịch của truyện: Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng X thuộc phủ X xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất. Trong đoạn văn này, câu mở đầu Gần một giờ đêm là thời gian nghệ thuật, cái thời gian mà theo lẽ thường trong nhịp sống con người thì đó là lúc họ đang ngủ say sau một ngày lao động vất vả và mệt nhọc. Thế nhưng, cũng chính vào thời gian đó, họ phải hộ đê trong cảnh đê hết sức nguy biến. Các câu còn lại trong đoạn văn thuộc về không gian nghệ thuật kết hợp với thời gian nghệ thuật như thế càng làm tăng cảnh ngộ vất vả, gian khó và hiểm nguy của những người dân hộ đê.

Về không gian, đó là cảnh hộ đê của dân quê trước nguy cơ đê vỡ vì đê yếu mà trời thì tầm tã mưa, nước sông không ngừng dâng lên. Tác giả thiên truyện chọn điểm nhìn lấy người dân hộ đê làm trung tâm bối cảnh với sức ép đến từ tất cả các phía dồn về những người dân khốn khổ và tội nghiệp: Mưa từ trời trút xuống, nước từ sông dâng lên, áp lực từ phía yêu cầu của quan lại. Mặt khác, tính tư tưởng và thẩm mỹ của không gian nghệ thuật được thể hiện rõ thông qua hai mảng đối lập giữa cảnh lao động của dân phu và cảnh cờ bạc của quan lại. Điều đó làm gia tăng tính kịch của truyện, đẩy hai mảng không gian ấy về hai phía đầu mút cực đoan của sự đối lập và trái ngược. Từ đó làm bật lên giá trị hiện thực và nhân văn, lòng thương yêu con người dân phu khốn khổ, bất hạnh và thái độ tố cáo, lên án bọn quan lại của tác giả thiên truyện.

Sức hấp dẫn của thiên truyện còn có sự đóng góp đáng kể của giọng điệu nghệ thuật. Bao trùm toàn bộ câu chuyện là giọng bi phẫn, bao gồm thương cảm tột cùng cho những người dân hộ đê và căm phẫn tột độ bọn quan lại bất nhân, vô trách nhiệm. Tác giả khéo léo kết hợp miêu tả hiện thực khách quan và bộc lộ thái độ chủ quan một cách phù hợp và thuyết phục. Các yếu tố trữ tình ngoại đề được đan xen vào các cảnh huống miêu tả hiện thực khách quan. Nói về cảnh đê thì lo lắng: Không khéo thì vỡ mất;/ Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất. Nói về người dân phu thì: Tình cảnh trông thật là thảm;/ ai ai cũng mệt lử cả rồi… Nói về quan phụ mẫu thì: Ngài mà còn dở ván bài, hoặc chưa hết hội thì dầu trời long đất lở, đê vỡ dân trôi, ngài cũng thây kệ. Như vậy, giọng điệu đã góp phần đáng kể bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang