cam-nhan-va-suy-nghi-ve-y-nghia-bai-tho-anh-trang-nguyen-duy-10214-2

Cảm nhận và suy nghĩ về ý nghĩa bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Cảm nhận và suy nghĩ về ý nghĩa bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

  • Mở bài:

Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Khi đất nước giải phóng, ông tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển và đổi mới nền văn học nước nhà. Cuộc sống hòa bình luôn mang lại cho con người cảm giác thoải mái, yên bình, thay đổi nhiều thói quen, cách sống. Điều đó trở thành đề tài phản ánh của văn học. Đối với nhà thơ Nguyễn Duy, tuy chiến tranh đã qua nhưng vẫn còn bộn bề của ân tình sâu nặng đối với quá khứ hào hùng. Bài thơ Ánh trăng là một lời tâm sự chân thành, một lời nhắc nhở về ý nghĩa cuộc sống và sự thủy chung của người lính đối với quá khứ dân tộc.

  • Thân bài:

Trăng là cái đẹp thuần khiết của thiên nhiên, là nguồn mơ tưởng của con người. Vâng trăng ấy đi vào thi ca với ánh sáng dịu hiền, làm con người vơi bớt nỗi nhọc nhằn trên đường đời vạn khổ. Ta cũng từng bắt gặp ánh trăng ấy sáng rọi trong thơ Cảnh khuya” Hồ Chí Minh: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Hay giữa rừng khuya sương muối, người chiến sĩ đứng chờ giặc tới trong “Đồng chí” của Chính Hữu:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

(Đồng chí)

Trăng đã cùng con người, cùng đất nước vượt qua sự hủy diệt của bom đạn kẻ thù: “Rừng thu trăng rọi hòa bình”. Đến Nguyễn Duy, vầng trăng hiện lên trong bài thơ vẫn rất mới mẻ, sáng tạo, không hề bị trùng lấp. Trong thơ Nguyễn Duy, ánh trăng mang một hàm nghĩa mới. Đó là hình ảnh của quá khứ, là nhân dân, là người lính, là lý tưởng chiến đấu và khát vọng sống đẹp giữa cuộc đời vốn đã có nhiều đổi thay.

Bài thơ gây ấn tượng bởi lối sáng tạo đặc biệt. Chữ đầu mỗi câu thơ không viết hoa. Phải chăng nhà thơ muốn cho cảm xúc được dạt dào trôi theo dòng chảy của thời gian của kĩ niệm? Mở đầu bài thơ, nhà thơ bày tỏ sự gắn bó, tình nghĩa giữa người với ánh trăng:

Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ

“Hồi nhỏ” là thuở còn bé thơ, lúc tâm hồn còn hồn nhiên, trong trắng. “Hồi nhỏ” còn là hồi cuộc sống với biết bao bộn bề, khó khăn con người sống gắn kết với thiên nhiên, đất nước. Cách nói tự nhiên như lời kể chuyện với người bạn trăng. Lời thơ thủ thỉ, tâm tình đồng vọng. Cuộc sống “hồi nhỏ” hòa hợp với thiên nhiên, đất trời. Con người hòa mình với sông, với đồng, với bể và với vầng trăng sáng trên trời cao xanh. Ánh trăng chiếu rọi cả quảng đời tuổi thơ tươi đẹp. Trăng là người bạn thân thiết, là tri kỉ của con người.

Đến khi con người lên đường chiến đấu, vầng trăng vẫn dõi theo. Đêm đêm trên bầu trời cao, vầng trăng vẫn soi rọi bước người lính hành quân và chiến đấu. Chưa bao giờ trăng thôi quấn quýt với con người:

hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ

Chỉ với hai câu thơ ngắn, nhà thơ đã tái hiện những khoảng khắc đáng nhớ trong đời người lính. Hai câu thơ một tiếng, gieo vần lưng (đồng -sông), từ “với” được nhắc lại ba lần nhầm diễn tả hạnh phúc được sống gần gũi với thiên  nhiên. Cộng thêm tù “tri kỉ”, thể hiện mối liên hệ bền chặt và sâu đậm, trăng trở thành người bạn rất thân, hiểu rõ về mình, càng làm cho tình cảm giữa người và trăng càng thêm khắng khít.

Hình ảnh vầng trăng tình nghĩa, hiền hậu, gắn liền với cuộc sống con người, với cuộc kháng chiến. Trăng là một phần không thể thiếu trong không gian sống chân tình, bình dị ấy:

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa

Cách gieo vần lưng mềm mại, kết hợp với hình ảnh liên tưởng, so sánh “trần trụi” ,“hồn nhiên”, nhà thơ đã khái quát, cốt cách bình dị gần gũi giữa trăng với người lính. Dường như có một sự day dứt khi con người nói rằng “ngỡ không bao giờ quên”. Nhà thơ làm sao đoán trước những thay đổi trong tâm hồn con người. Ý thơ lay động  tâm hồn, thức tỉnh lương tâm những kẻ vô tình, nhắc nhở về “cái vầng trăng tình nghĩa”.

Khi cuộc sống còn trong gian khó, thiếu thốn và đơn độc, con người xem trăng làn người bạn thân thiết, kề cận sớm tối. Con người gửi thác vào trăng biết bao tâm tư, tình cảm và ước vọng. trăng trên trời cao dường như thấu hiểu tất cả, cảm thông và động viên con người tiến bước. Trưng với người là một. trăng là người nhà, là một phần tâm hồn của con người không thể tách rời. Thế nên, từ “ngỡ” kia hoàn toàn có ẩn ý. Cái ẩn ý sâu xa khi con người đã sớm thay lòng đổi dạ, không còn nhớ gì đến lời hứa đã khắc cốt ghi tâm thuở còn gian khó ấy. Cái “ngỡ” kia cũng là sự thản thốt, giật mình nhận ra sự thay đổi quá lớn của bản thân mình. Cái “ngỡ” xót xa và đau đớn khi nhận ra đã bao lần mình hững hờ với vầng trăng tình nghĩa năm xưa:

Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Từ hồi lên thành phố là lúc thay đổi không gian sống, thay đổi cách sống. Con người thoát khỏi cuộc chiến gian khổ và đau thương trở về với cuộc sống mới yên bình, tiện nghi và đầy đủ đã vôi quên đi những đau thương, mất mát. Lấy vật chất xoa dịu nỗi đau, bù đắp những thiết hụt của một thời nằm gai nếm mật, máu trộn bùn non. Hình ảnh ẩn dụ “ánh điện cửa gương” hoàn toàn đối lập với “hồi chiến tranh ở rừng”. Sự có mặt của đời sống vật chất tiện nghi hiên đại đã che lấp quá khứ, đã xóa nhòa một phần kí ức “ngỡ không bao giờ quên”.

Lời bộc bạch pha chút chua xót nhưng rất chân thành, gợi trong lòng người đọc bao cảm xúc. Cuộc sống tiện nghi, thuận lợi, không còn những khó khăn, thiếu thốn đã làm cho con người thay đổi nhiều đến thế nào. Trăng vẫn từng đêm đi qua bầu trời, vân từng đêm mong đợi sự hồi nhớ của con người nhưng vô vọng. Thế rồi, trăng đột ngột xuất hiện trong tầm nhìn của con người khi một tình huống bất ngờ xảy đến:

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn

Các từ “thình lình”, “vội” “đột ngột” gợi tả đầy tính biểu cảm. Trong khoảng khắc trái khoáy, con người lại bắt gặp một hình ảnh, một cảm xúc thân quen: người bạn trăng. Và chỉ đến lúc này, con người mới nhận hết vẻ đẹp của ánh trăng thân thiết một thời gắn kết. Có thể tình huống ấy là một sự thêu dệt để nhà thơ bày tỏ tư tưởng, cảm xúc. Có thể, Nguyễn Duy đã mượn cảnh nói người nhưng vầng trăng là thật, nghĩa tình là thật. Khi ánh sáng của đời sống tiện nghi vụt tắt, vật chất bất lực thì con người lại trở về với thiên nhiên trần trụi.

Qua tình huống ấy, Nguyễn Duy muốn cảnh tỉnh con người chớ chạy theo đời sống vật chất mà bỏ quên cái hồn nhiên của thiên nhiên vô tư và hiền dịu. Ánh sáng của “ánh điện cửa gương” kia chỉ là ảo ảnh, là thứ ánh sáng tạm thời được tạo nên bởi lòng tham và sự lừa dối. Ánh sáng của tâm hồn thủy chung, son sắt mới là thứ ánh sáng  chân thật và trường cửu. Thế nên, sự đối mặt giữa con người và vầng trăng làm nảy sinh niềm xúc động lớn:

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng xưa đã đến với người, vẫn “tròn” vẫn đẹp, vẫn thủy chung như thuở ban đầu. Một cái nhìn đầy ray rứt, xót xa, hòa lẫn trong nỗi ân hận tràn trề. Trăng chẳng nói, chẳng trách, không hề ca vãn nhưng người lính cảm thấy như “có gì rưng rưng”. Đó là nước mắt. Đó là sự hồi nhớ. Đó là sự thức tỉnh của tâm hồn con người vốn bấy lâu lầm lạc trong u mê. Mặt nhìn mặt hay cũng là sự đối diện với chính lương tâm của mình, không hề giả dối hay giấu giếm điều gì.

Cấu trúc song hành của câu thơ, với biện pháp tu từ so sánh, với điệp từ “là” được nhắc lại bốn lần khiến cho hình ảnh ánh trăng được tô đậm, chiếm đoạt cả không gian thực và cả không gian ảo. Chính thứ ánh sáng dung dị, hiền hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm , đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc.

Đoạn thơ hay ở chất thơ bộc bạch chân thành, hàm súc biểu cảm, giàu hình tượng dễ đi vào lòng người, khắc sâu với lời tâm sự một cách nhẹ nhàng mà thấm thía. Chính sức tỏa sáng của ánh trăng đã gợi lại những gì đã qua, đánh thức những tình cảm tốt đẹp trong mỗi con người. người lính vui sướng khi gặp tri kỷ nhưng cũng cảm thấy ăn năng vì thá độ vô tình lãng quên đi quá khứ:

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình

Trăng chưa từng thay đổi vẫn cứ “cứ tròn vành vạnh” dẫu con người có hững hờ và lãng quên. Nhà thơ đã sáu lần nhắc đến hình ảnh vần trăng. Nó trở thành một ẩn dụ hành động sự tròn đầy, thủy chung, trọn vẹn sâu sắc với nhân dân, với những người đã từng nhường cơm sẽ áo cùng người lính. Ánh trăng không thay đổi bao nhiêu thì gợi lên sự day dứt trong lòng người lính bấy nhiêu. Hai từ “giật mình” biểu thị sự thất tỉnh của quá khứ tràn đầy. Đôi khi im lặng chính là một sự trừng phạt nặng nề nhất. Con người không thể sống thiếu quá khứ, không thể không biết đứng trên quá khứ để vương đến tương lai. Nhà thơ đã nêu lên một triết lý sống thật tự nhiên, sâu sắc về cuộc sống và tình người. Có thể xem đoạn thơ cuối là tâm trạng tự thú, sám hối của con người. Nó như một lời như một lời nhắc nhở đối vói người lính với chính mình; không được vô ơn, không được lãng quên quá khứ.

Bài thơ nhẹ nhàng đi vào lòng người, đánh động tâm thức người đọc về bổn phận và trách nhiệm của mình đới với cuộc sống, với đất nước. Thể thơ 5 chữ linh hoạt, phương thức biểu đạt tự sự kết hợp với trữ tình mang lại cho bài thơ sự vận động khỏe khoắn. Cách chuyển ý nhanh gọn, đường đột, không chút cầu kì vừa như nói vừa như kể vừa như ngâm nga, có mà như không có đã dẫn dắt người đọc đi từ trạng thái này sang trạng thái khác hết sức tinh tế.

  • Kết bài:

“Ánh trăng” là một bài thơ hay khắc họa sống động và sâu lắng của người lính trong thời bình, khẳng định một quan niệm sống cao đẹp, ân tìn, thủy chung. Bài thơ là một lời tự nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Nó gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. Đọc “Ánh trăng” ta được đối diện với chính mình, đồng thời giao cảm với một tâm hồn cao đẹp. Vẫn còn trong trẻo trên cao, vầng trăng tròn vành vạch. Vẫn còn vương vấn đâu đây ánh sáng trong mát nhẹ nhàng hòa quyện trong tâm hồn mỗi người.

Qua bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, hãy làm sáng tỏ nhận định: Tác phẩm vừa là kết tinh tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang