»» Nội dung bài viết:
Cảm nhận về ba nhận vật chính trong truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
- Mở Bài:
Truyện Những ngôi sao xa xôi ở trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê,viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra các liệt. Nổi bậc lên trong tác phẩm là hình ảnh ba nữ thanh niên xung phong anh hùng, quả cảm, là hình ảnh tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
- Thân Bài:
“Những ngôi sao xa xôi“ kể về cuộc sống chiến đấu của ba cô thanh niên xung phong – tổ trinh sát mặt đường – Phương Định, Nho và chị Thao. Họ sống trong một cái hang,trên cao điểm tại một vùng trọng điểm ở tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mỹ. Công việc của họ là quan sát máy bay địch ném bom, đo khối lượng đất đá để san lấp hố bom do địch gây ra, đánh dấu những quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc nguy hiểm, luôn phải đối mặt với cái chết, nhưng cuộc sống của họ vẫn không mất đi niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thảnh thơi, thơ mộng. Họ rất gắn bó, yêu thương nhau dù mỗi người một cá tính. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, hai người đồng đội hết lòng lo lắng và chăm sóc cho Nho. Một cơn mưa đá vụt đến và vụt đi đã gợi trong lòng Phương Định bao hoài niệm, khát khao.
1. Vẻ đẹp chung của ba nữ thanh niên xung phong.
Ba cô gái thanh niên xung phong bước vào trang viết của Lê Minh Khuê vơi những nét nữ tính rất riêng biệt: Phương Định, Nho và chị Thao. Họ là những cô gái từ thành thị xung phong ra mặt trận chiến trường với ước muốn giải phóng đất nước. Họ ra đi mang theo bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ. Ba nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Họ thể hiện cho ta thấy với vẻ hồn nhiên, dũng cảm, lạc quan, yêu đời. Đó là những điểm ấn tượng cho người đọc, làm cho chúng ta cảm phục và trân trọng họ trong mỗi tình huống tác giả gắn vào.
Sức sống của tuổi trẻ thể hiện qua việc họ cùng nhau ngồi ở trong hang động gần nơi họ thường phá bom. Khi có bom nổ thì chạy lên đó, lấy một khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ nếu cần thì phá bom. Người ta gọi họ là tổ trinh sát mặt đường. Cái tên gợi sự khát vọng làm nên sự tích anh hùng. Nhiệm vụ của chung mọi người là dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Vì tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời chống mĩ cứu nước. Một cô gái trẻ trung, nhạy cảm như Phương Định càng được làm nổi bật hơn phẩm chất nữ thanh niên xung phong của một thế hệ thanh niên thời chống Mĩ qua việc rèn trong bom đạn, khói lửa của chiến tranh.
2. Vẻ đẹp riêng của mỗi nhân vật.
- Nhân vật Phương Định:
Phương định là một cô gái rất hồn nhiên hay mợ mộng và thích hát. Cô là người con gái Hà Thành, là con một trong một gia đình nề nếp, cô rất được mẹ yêu chiều.Thế mà cô gái này lại xung phong vào Trường Sơn và chọn cho mình một công việc rất nguy hiểm. Cô khá khiêm tốn khi nhận xét về mình: “là một cô gái khá cùng với sự thông minh và bản lĩnh”.
Có lẽ đây là cá tính riêng biệt không thể hòa lẫn ở nhân vật này. Ở Trường Sơn, cô được nhiều người chú ý, đặc biệt là “ các anh xe tải, xe pháo ” hay hỏi thăm, viết thư. Vì thế nên cô tỏ ra hơi kiêu kì. Thế nhưng đây không phải là sự kiêu căng hợm hĩnh mà đây là điểm riêng của Phương Định. Cô rất ngưỡng mộ “ những người mặc quân phục và có ngôi sao trên mũ ”. Một cô gái trẻ lại có một quan niệm đúng đắn về cái đẹp chân chính như vậy thật đáng trân trọng và quý biết bao.
Ở chiến trường khốc liệt, hằng ngày phải đối diện với cái chết nhưng Phương Định rất hồn nhiên. Cô thích hát những bài dân ca trữ tình. Cô hát trong những khoảnh khắc “yên lặng”, khi máy bay trinh sát “rè rè” báo hiệu cơn bảo lửa sắp ập xuống cao điểm. Cô hát để động viên Nho, Thao và cả chính bản thân mình nữa. Đúng là “tiếng hát lấn át tiếng bom” của những cố gái thanh niên xung phong khao khát làm nên những sự tích anh hùng.
Thú vị làm sao cái chi tiết cô hồn nhiên la to khi thấy mưa đá. Sau mỗi trận đánh khốc liệt hay những trận mưa rét buốt nhưng lại có chút dịu dàng, cô lại hay nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ, nhớ về mẹ, nhớ về những ngày tháng êm đềm trong căn nhà nhỏ ở góc đường. Phải chăng đây chính là sức mạnh tinh thần giúp cho cô gái trẻ Phương Định có thể sống và làm việc nơi khốc liệt này.
Ở Phương Định còn có một phẩm chất tốt nữa đó chính là cô luôn quan tâm đến đồng đội của mình. Cô bồn chồn lo lắng khi Nho và chị Thao lên cao điểm chưa về. Cô yêu thương đồng đội của mình qua chi tiết cô nhận xét về bé Nho thật dễ thương, mát mẻ như một que kem trắng. Cô hiểu từng sở thích, tâm trạng của chị Thao như việc chị thích mặt áo thêu, tích tỉa lông mày hay sợ hãi khi thấy máu. Đặc biệt có một lần bom nổ gần hầm Nho bị sập. Phương Định dũng cảm lao vào đào đất cứu Nho. Cô an ủi chị Thao khi chị hốt hoảng lo sợ vì vết thương của nho. Phương Định cũng là người sống rất tình cảm nhưng đồng thời cũng rất cần đến sự động viên của đồng đội. Chính tình đồng chí sâu nặng, sự quan tâm của họ đã giúp cô có được sức mạnh tinh thần để vượt qua sự khốc liệt của chiến tranh và hoàn thành công việc.
- Nhân vật Thao:
Thao là tổ trưởng, một chị gái chân thành, sống và làm theo cách mình thích, từng trải và dự tính về tương lai thiết thực hơn nhưng không mất đi những khát khao rung động của tuổi trẻ. Vì đóng vai trò là một tổ trưởng của đội nên chị Thao có tính cách kiên định, bình tĩnh và mạnh mẽ. Bằng chứng cho thấy khi máy bay của địch đến, chị vẫn thản nhiên ăn bánh quy.
Thao phán đoán và quyết định nhanh,nhưng lại mắc chứng ám ảnh tâm lý sợ máu. Tuy nhiên, chị Thao vẫn luôn quan tâm tới các cô em nhỏ của mình, ân cần và chu đáo dù trong chiến tranh khốc liệt. Điều đó cho ta thấy rằng dù quyết liệt hay mạnh mẽ thì đối với các đồng đội nhỏ hơn chị vẫn luôn ân cần, dịu dàng như người mẹ của những đứa con.
- Nhân vật Nho:
Nho là một thành viên nhỏ tuổi nhất trong đội nên vậy cô có một vẻ đẹp tươi trẻ tràn đầy sức sống hơn các chị lớn vì vậy tác giả đã ví cô bé trông như một que kem trắng mát tươi. Sau khi đọc vào câu chuyện đã cho ta thấy rằng Nho là một cô bé có tính cách nhanh nhảu, hoạt bát tuy nhiên vì cô bé còn nhỏ nên vẫn có đôi nét hồn nhiên, vô tư điều đó được thể hiện qua lúc ngồi cạnh Phương Đinh bên con suối nhỏ sau khi làm ướt người xong, bé Nho liền nói nhỏ với chị rằng mình muốn được ăn kẹo.
Có những lần Nho đi làm nhiệm vụ gần như nằm trong vòng tay của thần chết nhưng cô vẫn cố gắng từng ngày cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ đại đội trưởng đã ủy thác cho cả bọn… Nhưng đôi khi cuộc sống là những biến số khôn lườn, rồi bỗng một ngày trong lúc Phương Định đang thực hiện nghĩa vụ trên phần đất được giao cho, thì biến số đã xảy ra, khi Phương Định vừa phá được 3 quả bom liên hoàn cũng là lúc bé Nho rơi vào “hố sâu của sự sống còn”. Dù cho sau đấy được tiêm thuốc và chăm sóc vết thương, nhưng một điều chắc rằng cô bé phải đau lắm!
3. Đánh giá về giá trị nghệ thuật.
Lê Minh Khuê đã thật tỉ mỉ và tha thiết khi miêu tả thật sâu sắc về tính cách, hình thức cũng như tâm hồn của ba nữ thanh niên xung phong. Trong câu chuyện tác giả đã khéo léo giúp nhân vật Phương Định kể lại câu chuyện với ngôi kể thứ nhất một cách tự nhiên, sống động và chân thật.
Đặc biệt là mỗi nữ nhân vật chính trong câu chuyện đều được ông đặt trong các hoàn cảnh để diễn tả yếu tố tâm lý tột cùng những cảm xúc trong tình cảnh nguy khốn mà chỉ có thể đứng nhìn đồng đội đau đớn hay nói lên dòng tâm sự, suy tư từ đó thể hiện cho ta thấy một cái nhìn khác về thế giới nội tâm của các nhân vật mang khuynh hướng đa màu sắc.
Và một điểm nữa thực sự đặc sắc thư hút người đọc là cách kể chuyện sinh động, trẻ trung kết hợp với các vẻ đẹp của chị đội trưởng dung mãnh nhưng sợ máu, bé Nho đáng yêu hồn nhiên nhưng lại có thể chấp nhận bao đau đớn của bom đạn hay rủi ro để những người ở lại có cuộc sống tốt hơn hay là vẻ đẹp tâm hồn đặc biệt của nhân vật Phương Định. Tất cả đã cấu tạo nên một câu chuyện chứ không cần nhiều!
Tuy nhiên, từ một góc nhìn nào đó của câu chuyện, ta thấy rằng Phương Định là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ mai sau của Việt Nam tiến đến trong tương lai. Song song với điều đó, vẻ đẹp của 3 nữ hiệp thể hiện tiêu biểu để giúp cho thế hệ trẻ cũng như độc giả cảm nhận được vẻ đẹp trong công cuộc bảo vệ quê hương và biết cách san sẻ, yêu thương với người khác.
- Kết Bài:
Vẻ đẹp và tình đồng đội của ba nữ thanh niên xung phong thật đáng ngưỡng mộ. Dù chiến tranh đã trôi qua nhưng khi em đọc lại tác phẩm vẫn cảm thấy say mê nét đẹp và sự anh dũng của các cô gái. Và đôi lúc nó lại làm ta liên tưởng đến chàng thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa”, chàng trai cô độc giữa núi rừng Sa Pa lạnh buốt, chàng trai không bao giờ có giấc ngủ nào hơn bốn tiếng đồng hồ hay chàng trai hy sinh hạnh phúc bản thân để giúp cho quê hương đất nước,…. nhưng dù thế nào thì Phương Định, Nho, Thao và chàng trai trong “Lặng lẽ Sa Pa” chỉ có một mục đích duy nhất là bảo vệ những thứ mà họ yêu quý, những người đang sống trong mảnh đất có thể bị tàn phá bởi quân địch,… họ đều cao cả!
Phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê