Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh mùa xuân trong Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du) và Bến đò xuân đầu trại (Nguyễn Trãi)
Đề bài:
Cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân, nhà thơ Nguyễn Trãi viết:
“Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vô trời
Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
Con đò gối bãi suốt ngày ngơi”.
(Nguyễn Trãi – Bến đò xuân đầu trại)
Sau đó ba trăm năm, đại thi hào Nguyễn Du vẽ khung cảnh mùa xuân trong tác phẩm Truyện Kiều như sau:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trang điểm một vài bông hoa”.
(Nguyễn Du – Cảnh ngày xuân)
- Mở bài:
– Nêu vấn đề: Thiên nhiên xưa nay vốn là nguồn đề tài bất tận cho thơ ca, nhạc họa – đặc biệt là mùa xuân – mùa hoa trái sinh sôi, mùa tình người nảy nở,…
– Giới thiệu hai tác phẩm, hai tác giả: Bằng những rung cảm nhẹ nhàng mà tha thiết, các tác giả đã dệt nên những bức tranh xuân đầy màu sắc nghệ thuật: Ben đò xuân đầu trại (Nguyễn Trãi) và Cảnh ngày xuân (Nguyễn Du). Mỗi bài một vẻ. Cả hai khúc ca xuân sẽ gieo trong lòng người đọc nhiều cảm xúc khó quên.
– Giới thiệu hai đoạn trích:
Cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân của nhà thơ Nguyễn Trãi:
“Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vô trời
Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
Con đò gối bãi suốt ngày ngơi”.
(Nguyễn Trãi – Bến đò xuân đầu trại)
Cảm xúc trước vẻ đẹp mùa xuân của đại thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm Truyện Kiều:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trang điểm một vài bông hoa”.
(Nguyễn Du – Cảnh ngày xuân)
- Thân bài:
– Hoàn cảnh ra đời:
+”Bến đò xuân đầu trại” được viết khi quan đại thần Nguyễn Trãi (thế kỉ XV) cáo lão về ở ẩn.
+ “Cảnh ngày xuân” trích trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (thế kỉ XVIII). Hai nhà thơ, cách nhau 300 năm đã góp vào vườn thơ xuân đất nước những sắc xuân dịu dàng, tươi mới.
– Thể loại: Nguyễn Trãi chọn thể thơ tứ tuyệt Đường luật trong khi Nguyễn Du chọn thể thơ lục bát truyền thống, cả hai thi phẩm vẫn ghi lại cảnh xuân, ý xuân, tình xuân đậm đà.
– Nội dung của hai đoạn thơ: Cùng viết về mùa xuân, xuân trong “Bến đò xuân đầu trại” là xuân ở một bến sông – nơi tác giả đang sống những ngày an nhàn; còn trong “Cảnh ngày xuân”, Nguyễn Du gợi tả bức tranh xuân, dựng phông nền tươi sáng cho cuộc du xuân của ba chị em Thúy Kiều.
Cả hai bức tranh xuân đều được vẽ bằng ngôn từ tiếng Việt trong sáng giàu hình ảnh và mỗi nét trong tranh đều thắm đượm hồn quê Việt Nam.
– “Bến đò xuân đầu trại”: Cảnh xuân trên bến sông được phác họa bằng những nét đơn sơ: có cỏ xanh, mưa xuân, con đường làng, con đò. Mỗi nét vẽ đều mang đậm hồn quê.
+ “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi”: cỏ được ngắm nhìn qua làn mưa nên màu cỏ nhạt nhòa tựa như làn khói xanh êm ả mà tràn đầy sức sống, cỏ được so sánh gợi lên vẻ đẹp mơ màng huyền ảo của bến sông quê.
+ “Lại có mưa xuân nước vỗ trời”: Mưa xuân lất phất đủ làm đầy con nước. Mưa như những giọt lành ban phát cho đất, nước sông đón nước trời rồi cùng hòa nhịp vỗ lên mây. Cảnh xuân tuyệt diệu, tràn đầy sức sống.
– “Cảnh ngày xuân”: Nguyễn Du chỉ phác họa vài nét đơn sơ, mùa xuân hiện ra vẫn tràn trề sức sống dù đã vào cuối xuân. Bức tranh xuân có chim én, ánh thiều quang rạng rỡ, có cỏ non xanh mướt hòa với trời xanh, hoa lê trắng tinh khôi. Màu sắc thật tươi sáng.
“Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Dù mượn ý thơ cổ của Trung Quốc, nhưng bằng sự sáng tạo của mình, Nguyễn Du dùng đảo ngữ “trắng điểm” đã tạo được nét lung linh của hoa lê…
Ẩn trong mỗi bức tranh xuân là ý xuân, tình xuân dạt dào tha thiết, là tâm sự sâu kín của nhà thơ.
– Ở “Bến đò xuân đầu trại”:
“Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
Con đò gối bãi suốt ngày ngơi”
+ Những con đường trên đồng nội đi tới bến đò thưa vắng khách. Cảnh vật lặng lẽ thấm buồn. Mưa xuân kéo dài đã nhiều ngày. Trời mưa, không có khách qua đò. Con đò nay mồ côi, đon độc, được nhân hóa đang nằm an nhàn, gối đầu lên bãi cát mà ngủ ngon lành.
+ Con đò là một hình ảnh ẩn dụ mang hồn người. Con đò nơi bến vắng kí thác nhiều tâm sự của tác giả, gợi liên tưởng đến tâm tình nhà thơ trong những tháng ngày dài đi ở ẩn: nhàn tản, thư thái, ung dung.
– Ở “Cảnh ngày xuân”: Tâm hồn Nguyễn Du dường như trẻ lại để hòa nhập vào cảnh thiên nhiên vẽ nên bức tranh xuân với cỏ hoa xanh tươi, vẻ đẹp thiên nhiên của mùa xuân được hiện ra mới mẻ, tinh khôi, sống động.
+ Trong cánh én mùa xuân và trong ánh thiều quang rạng rỡ có tâm sự tiếc nuối của nhà thơ: Sáu mươi ngày xuân trôi qua nhanh quá ! Nhà thơ nói hộ tâm trạng tuổi trẻ – tâm trạng ba người con nhà họ Vương đang chuẩn bị một chuyến du xuân. Nguyễn Du có sự đồng cảm với tuổi trẻ một cách sâu sắc.
* Đánh giá:
+ Cả hai bức tranh xuân đều sử dụng gam màu tươi sáng, mỗi nét trong tranh đều gần gũi với làng quê Việt Nam. Nguyễn Trãi, một anh hùng lịch sử, Nguyễn Du, một thiên tài văn học, cả hai đều nặng tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước.
+ Hai nhà thơ sống cách nhau 300 năm nhưng đồng điệu tâm hồn. Dù cuộc sống đương thời của mỗi người không như ý, Nguyền Trãi và Nguyễn Du vẫn lắng đọng tâm tư để đón nhận vẻ đẹp thiên nhiên, nâng niu vẻ đẹp đó đặt lên trang thơ của mình.
* Mở rộng: Vườn thơ xuân thời trung đại còn lưu lại những vần thơ giàu cảm xúc khác như: “Cuối xuân tức sự” (Nguyễn Trãi), “Xuân hiểu” (Trần Nhân Tông), “Cáo tật thị chúng” (Mãn Giác thiền sư)… Tất cả đều cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của những bậc hiền nhân yêu đất nước, yêu thiên nhiên sâu sắc.
- Kết bài:
– Hai thi phẩm “Bến đò xuân đầu trại“ và “Cảnh ngày xuân” đã đem đến cho người đọc cái cảm giác dịu êm, thi vị của mùa xuân. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, trong sáng được gợi lên qua từ ngữ, bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình.
Tham khảo:
“Cảnh ngày xuân” là trích đoạn thuộc phần thứ nhất: “Gia biến và lưu lạc” của kiệt tác “Truyện Kiều”. Ở đoạn trích này, đại thi hào Nguyễn Du đã tái hiện một bức tranh xuân với vẻ đẹp khoáng đạt, tinh khôi:
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Bằng thể thơ lục bát dân tộc cùng ngôn ngữ giàu hình ảnh, tác giả đã phác họa bức tranh mùa xuân đất trời vào giữa tháng ba với sự xuất hiện của những cánh én chao liệng trên bầu trời cao rộng. Hình ảnh “chim én đưa thoi” – tín hiệu quen thuộc báo hiệu mùa xuân về không chỉ tạo nên sự sinh động trong khoảng không bao la mà còn mang ý niệm ẩn dụ về dòng thời gian đang không ngừng trôi chảy: “Thời gian thấm thoắt thoi đưa”, đồng thời ẩn chứa tâm trạng nuối tiếc của con người trước bước đi không ngừng nghỉ của thời gian. Bầu trời xuân được miêu tả với vẻ đẹp của những tia nắng xuân ấm áp của ánh “thiều quang”.
Chỉ bằng một nét vẽ thôi, Nguyễn Du đã gợi ra bức tranh thiên nhiên ngày xuân thật rạo rực, thật đông đúc với hàng đàn én lượn khắp trời. Bởi én là loài chim của mùa xuân, báo hiệu mùa xuân về, biểu tượng cho sự ấm áp, cho sự vui tươi. Hình ảnh cánh én còn mang ý nghĩa ẩn dụ cho những cảm nhận về sự chảy trôi của thời gian. Ngày xuân đẹp đẽ, tươi sáng vô ngần nhưng cũng vội đến vội đi như cánh én chao liệng trên bầu trời. Chẳng vậy mà ngay câu thơ thứ hai, Nguyễn Du đã nói rằng: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”
Cả mùa xuân của “chín chục” ngày, vậy mà bây giờ đã là “ngoài sáu mươi”. Quả thật, mùa xuân đang trôi đi thật nhanh, ánh sáng của mùa xuân đang trôi đi nhanh quá! Ở câu thơ này, Nguyễn Du đã khéo léo đẩy chữ “thiều quang” – “ánh sáng đẹp” cũng có nghĩa là ánh sáng của mùa xuân lên đầu câu thơ để nhấn mạnh sự chảy trôi qua nhanh của thời gian. Một mùa xuân tươi vui, ấm áp đang dần qua đi, tuy những cánh én vẫn đang còn chao lượn khắp trời nhưng chẳng mấy chốc, mùa xuân sẽ qua đi
Bằng những câu chữ mượt mà mang đầy hình ảnh của mình, Nguyễn Du đang vẽ lên bức tranh thiên nhiên ngày xuân buổi sáng sớm thật tươi tắn. Không gian mùa xuân cứ dần được gợi mở dưới nét vẽ tài hoa của ông. Vậy nên trong câu thơ tiếp theo, Nguyễn Du đã trải nét bút của mình để tạo nên một triền cỏ non xanh mát của mùa xuân Tuy nhiên, gam màu nổi bật của bức tranh xuân là sắc xanh của “cỏ non” đến “tận chân trời”, gợi nên một không gian bao la, khoáng đạt và tràn trề sức sống. Thảm cỏ với màu xanh mơn mởn, tươi non đã làm nổi bật sức xuân và sắc xuân đang tràn trề thấm vào cảnh vật. Trên gam màu chủ đạo đó, cành hoa lê xuất hiện điểm xuyết với sắc trắng tinh khôi: “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Tác giả đã vận dụng thành công bút pháp chấm phá – một thi pháp quen thuộc trong thơ ca trung đại để làm nổi bật vẻ đẹp hài hòa, trong trẻo của “Cảnh ngày xuân”.
Như vậy, bằng tài năng trong việc sử dụng ngôn ngữ kết hợp những thi ảnh ước lệ tượng trưng, tác giả Nguyễn Du đã phác họa một bức tranh mùa xuân gắn liền với không khí lễ hội ngày Thanh minh sinh động và tràn trề sức sống, mang đậm tính hội họa qua sự hài hòa, tinh tế giữa đường nét, hình khối, màu sắc.
Thơ Nguyễn Trãi đã dành cho thiên nhiên một địa vị cao sang. Màu xanh của cỏ, tiếng rì rầm của suối, bóng thông ven núi, tiếng cuốc gọi hè, vầng trăng soi vào chén rượu, cây chuối, cành mai, hoa sen trong đầm, hoa lựu thắp đỏ ngoài hiên… đã đi vào thơ Ức Trai như một mảnh tâm hồn. Đặc biệt Ức Trai có nhiều bài thơ xuân tuyệt tác. “Bến đò xuân đầu trại” là một bài thơ xuân đẹp như đóa hoa rực rỡ ngát hương trong “Ức Trai thi tập”
Bài thơ ổ có vần có đối, có cấu trúc câu văn theo thi pháp chặt chẽ.
“Cỏ xanh như khói bến xuân tươi,
Lại có mưa xuân nước vỗ trời
Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
Con đò gối bãi suốt ngày ngơi”.
(Bài thơ dịch)
Bài thơ tả cảnh một ngày mưa xuân trên bến đò đầu trại. Cảnh vật như mờ đi, chìm đi trong một không gian bao la tĩnh lặng. Ức Trai đã viết bài thơ này trong những tháng năm sống ở Côn Sơn.
Bao trùm lên không gian, lên bến đò là một màu xanh thẫm, xanh đen như khói của cỏ xuân. Vì đã cuối xuân nên sắc cỏ xanh rì, đứng xa thấy thảm cỏ xanh như khói. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh tạo nên một hình ảnh cụ thể ca ngợi vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt mùa xuân thôn dã nơi bến đò đầu trại:
“Cỏ xanh như khói bến xuân tươi”.
Sắc cỏ, thảm cỏ trong thơ Nguyễn Trãi làm ta liên tưởng đến màu cỏ xanh trong thơ Nguyễn Du sau này:
“Cỏ non xanh tận chân trời…”
(Cảnh ngày xuân – Truyện Kiều)
Câu thứ hai tả dòng sông với những con sóng “nước vỗ trời” (thuỷ phách thiên). Vì đã cuối xuân, trời mưa nhiều nặng hạt chuẩn bị cho những trận mưa rào đầu hè. Nước dòng sông dâng lên. Trời mưa, gió thổi, đứng xa ngắm cảnh thấy trên mặt sông nước bắn lên, vỗ lên ngang trời. Đó là một nét vẽ thậm xưng đặc tả con sóng trên dòng sông xuân một ngày mưa. Con sóng ấy, hình ảnh “nước vỗ trời” ấy biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của mùa xuân:
“Lại có mưa xuân nước vỗ trời”.
Mưa xuân là nét đặc trưng của mùa xuân Việt Nam bao trùm vạn vật, điều đó ai cũng có thể thấy được, nhưng cảm nhận “nước vỗ trời” trên dòng sông xuân, sự vận động của mùa xuân, bước đi của mùa xuân thì chỉ riêng Ức Trai mới biết đến và có một lối nói rất thơ.
Câu thứ ba mở rộng không gian nghệ thuật nói về những con đường trên đồng nội đi tới bến đò vắng teo hành khách. Cảnh vật lặng lẽ thấm buồn. Mưa xuân kéo dài đã nhiều ngày rồi… “Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách”.
Câu thơ thứ tư tả con đò, hình ảnh trung tâm của “bến đò xuân đầu trại”. Câu thơ chữ Hán: “Cô châu trấn nhật các sa miên” (Thuyền mồ côi suốt ngày gác đầu lên bãi mà ngủ). Trời mưa, không có khách qua đò. Con đò nay trở thành mồ côi, đơn độc. Con đò được nhân hóa đang nằm ngủ an nhan, ngon lành, gối đầu lên bãi cát mà ngủ. Mỗi câu thơ đầy thi vị, thơ mộng:
“Con đò gối bãi suốt ngày ngơi”.
Con thuyền, con đò là hình ảnh được nói nhiều trong thơ Nguyễn Trãi. Và hầu như lúc nào cũng làm cho người đọc liên tưởng đến tâm tình nhà thơ trong những tháng ngày dài đi ở ẩn: nhàn tản, thư thái, ung dung:
“Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi,
Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu”.
“Hương cách gác vân thu lạnh lạnh
Thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh…”
– “Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà nặng vạy then”.
(Quốc âm thi tập)
“Bến đò xuân đầu trại” được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Bốn nét vẽ cảnh vật nên thơ hữu tình: màu xanh của cỏ, mặt sông vỗ sóng, con đường nội, con đò mồ côi nằm ngủ. Các biện pháp tu từ như so sánh, thậm xưng, nhân hóa được vận dụng tinh tế, nhằm tạo hình và gợi cảm. Cảm tĩnh lặng, thơ mộng, bình yên thoáng một nỗi buồn cô đơn. Tâm sự của nhà thơ được giãi bày kín đáo qua những vần thơ trong sáng nhẹ nhàng, thơ mộng. Một bức tranh xuân xinh xắn nơi làng quê trong thế kỷ 15. Bài thơ xuân đẹp, giúp ta yêu thêm mùa xuân quê nhà.
Cả hai bức tranh xuân đều sử dụng gam màu tươi sáng, mỗi nét trong tranh đều gần gũi với làng quê Việt Nam. Nguyễn Trãi, một anh hùng dân tộc; Nguyễn Du, một thiên tài văn học. Cả hai đều nặng tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước. Hai nhà thơ sống cách nhau 300 năm nhưng đồng điệu tâm hồn. Dù cuộc sống đương thời của mỗi người không như ý, Nguyễn Trãi và Nguyễn Du vẫn lắng đọng tâm tư để đón nhận vẻ đẹp thiên nhiên, nâng niu vẻ đẹp đó đặt lên trang thơ của mình.