cam-nhan-ve-dep-nhan-cach-cua-nhan-vat-luc-van-tien-qua-doan-trich-luc-van-tien-cuu-kieu-nguyet-nga

Cảm nhận vẻ đẹp nhân cách của nhân vật Lục Vân Tiên qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Cảm nhận vẻ đẹp nhân cách của nhân vật Lục Vân Tiên qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

  • Mở bài:

Nếu Truyện Kiều của Nguyễn Du nhanh chóng chiếm lĩnh tình cảm của nhân dân ở miền Bắc và lan rộng ra cả nước sau này, thì truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng được nhân dân Nam bộ yêu mến chẳng kém gì. Làm nên giá trị đích thực của tác phẩm chính là hình tượng anh hùng hiệp nghĩa Lục Vân Tiên và tấm lòng thương người của tác giải nguyễn Đình Chiểu đã gửi gắm trọn vẹn ở trong ấy. Phẩm chất cao đẹp ấy được tác giả thể hiện rõ nét trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

  • Thân bài:

Lục Vân Tiên là người dũng cảm, can trường, võ nghệ cao cường. Gặp bọn cướp hãm hại dân lành là một thử thách, một cơ hội hành động cho chàng. Không chịu nổi cảnh bất bình, chàng đã nổi trận lôi đình, quyết “ra sức anh hào” để “cứu người”.

Chỉ một mình, không vũ khí trong khi bọn cướp đông đảo, hung tợn, lại thêm gươm giáo đủ đầy, thanh thế lẫy lừng. Lục Vân Tiên vẫn dũng cảm ra tay “Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô” để đánh cướp. Hành động mạnh mẽ của chàng trai ho Lục thể hiện cái đức của con người vì việc nghĩa quên mình, cái tài của bậc anh hùng và sức mạnh bênh vực kẻ yếu, chiến thắng thế lực bạo tàn.

Khi chiến đấu, Lục Vân Tiên thể hiện một uy thế của người anh hùng: đánh cướp công khai, đàng hoàng, gọi tên, trách mắng, bình tĩnh chiến đấu… Hành động của chàng còn tỏ rõ đức độ của người nghĩa hiệp: “Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”.

Lục Vân Tiên là người nho nhã, khiêm nhường, xem thường lợi danh. Đánh xong bọn cướp thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên đã ân cần hỏi han, an ủi họ “Ta đã trừ dòng lâu la”. Hành động của chàng thật đàng hoàng, chững chạc. Tuy có phần câu nệ nhưng vẫn là phong độ giữ lễ của một con người có văn hóa trong khi ứng xử với hai người con gái thật nho nhã: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/Nàng là phận gái, ta là phận trai”.

Kiều Nguyệt Nga thoát nạn, cảm tạ chàng và xin được đền ơn, chàng từ chối lời mời về thăm nhà của Nguyệt Nga để cha nàng đền đáp. Vân Tiên cũng đã từ chối cái lạy trả ơn, từ chối lời mời đền đáp, không nhận trâm vàng trao tặng mà chỉ nhận lời cùng Nguyệt Nga làm thơ xướng họa. Đó là biểu hiện của lòng khiêm nhường, bao dung. Trước tấm lòng muốn đáp đền ơn sâu của Kiều Nguyệt Nga, chàng cười và khảng khái đáp lời: “há dễ trông người trả ơn”, đồng thời rõ quan niệm sống của mình: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi. Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”  cho thấy chàng là một người trọng nghĩa.

Hành động hào hiệp của anh hùng Lục Vân Tiến mà cụ Đồ Chiểu ca ngợi trong tác phẩm của mình đến nay vẫn được tiếp nối bởi sự xuất hiện của các anh hùng “hiệp sĩ đường phố” trong cuộc sống hôm nay. Họ chỉ là những công dân lao động bình thường: bác xe ôm, anh sinh viên đại học, anh công nhân… Các anh, các chú sẵn sàng ra tay trừ bạo để đem đến cuộc sống bình yên cho mọi người. Những người anh hùng thầm lặng không cần được vinh danh, họ hành động cao cả xuất phát từ suy nghĩ đơn giản: Nếu mỗi người ai cũng chung tay góp sức diệt trừ cái xấu, cái ác thì cuộc sống chung sẽ tốt đẹp hơn.

  • Kết bài: 

Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” khắc họa thành công hình tượng nhân vật anh hùng Lục Vân Tiên hào hiệp, trượng nghĩa, là hình ảnh mơ ước của Nguyễn Đình Chiểu về một bậc anh hùng cứu thế trong cảnh nước mất nhà tan, đạo nghĩa bị xem thường, dân tình khố khổ. Hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên mang cái đẹp của đạo lý nhân dân. Tấm lòng ấy thật đáng ngợi ca đến muôn đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang