Cảm nhận vẻ đẹp tình cảm gia đình trong đoạn thơ “Con cò” của Chế Lan Viên
Đề:
“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay:
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Đăng…”
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ
“Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng…”
Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”
(Con cò – Chế Lan Viên)
Cảm nhận vẻ đẹp của đoạn thơ trên. Từ đó hãy liên hệ với khổ thơ hoặc đoạn thơ khác nói về tình cảm gia đình mà em biết đế thấy điếm gặp gỡ giữa những tác giả khi viết về đề tài này.
- Mở bài:
Chế Lan Viên quê gốc ở Quảng Trị, sau 1927, nổi tiếng từ phong trào Thơ mới, là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền thơ Việt Nam thế kỉ XX với phong cách nghệ thuật rõ nét, độc đáo, đậm chất trí tuệ và tính hiện đại.
Tác phẩm được sáng tác năm 1962, in trong tập thơ Hoa thường Chim báo bão.
- Thân bài:
Nội dung:
Cánh cò từ trong lời ru đã đi vào tiềm thức tuổi thơ, trở nên gần gũi và thân thiết. Cánh cò đã trở thành bạn đồng hành từ tuổi ấu thơ trong nôi, ngủ cùng con, lớn cùng con. Qua những lời ru của mẹ, hình ảnh con cò đến với tâm hồn tuổi ấu thơ một cách vô thức, đây chính là sự khởi đầu con đường đi vào thế giới tâm hồn của con người, của những lời ru, của ca dao dân ca, qua đó là cả điệu hồn dân tộc và nhân dân. ở tuổi ấu thơ, đứa trẻ cần những lời ru dù chưa thể hiểu ý nghĩa của nó, cần được vỗ về trong những âm điệu ngọt ngào, dịu dàng ấy để đón nhận tình yêu và sự che chở của người mẹ.
Đoạn thơ khép lại bằng những giấc nồng say của trẻ thơ, bằng những hình ảnh đầy hạnh phúc của mẹ và con trong khung cảnh thanh bình của cuộc sống. Như là sự đối lập với tình cảnh vất vả, nhọc nhằn và số phận đắng cay của những người mẹ xưa trong câu ca dao “con cò mà đi ăn đêm Tình mẹ ấm áp chứa chan vẫn lắng đọng trong từng lời ru quen thuộc. Trong câu hát có hình ảnh quê hương, có hình ảnh những cuộc đời lam lũ, tảo tần một nắng hai sương nuôi con khôn lớn. Thấm đẫm trong lời hát là những xúc cảm yêu thương trào dâng trong ưái tim của mẹ. Những xúc cảm yêu thương ấy làm nên chiều sâu của lời ru, mang đến cho con giấc ngủ yên bình.
Nghệ thuật:
Thể thơ tự do dạt dào cảm xúc; hình ảnh thơ vừa mang đậm chất ca dao vừa độc đáo, gợi cảm, đầy tính liên tưởng – tưởng tượng; những câu thơ nhẹ nhàng, tha thiết gợi âm hưởng’ lời hát ru và giọng thơ nhiều suy ngẫm, triết lí. .
Mở rộng, liên hệ:
Liên hệ với bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.
“Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”
Đoạn thơ đã diễn tả một cách sấu sắc tấm lòng đôn hậu, tình thương bao la, sự chăm chút của bà đối với cháu nhỏ. Với sự bình tĩnh, vững lòng, bà đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cháu vượt qua mọi thử thách khốc liệt của chiến hanh. “Bếp lửa bà nhen ”sớm sớm chiều chiều đã sáng bừng lên thành ngọn lửa bất diệt, ngọn lửa của tình thương “luôn ủ sẵn”, ngọn lửa của niềm tin vô cùng bền bỉ và bất diệt.
Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể ở câu trên, tác giả chuyển thành hình ảnh ngọn lửa trong lòng bà. Như thế, bếp lửa không chỉ được nhen lên bằng nhiên liệu củi rơm mà còn được nhen lên từ ngọn lửa của sức sống, lòng yêu thương “luôn ủ sẵn” trong lòng bà, của niềm tin vô cùng “dai dẳng”, bền bỉ và bất diệt. Ngọn lửa là những kỉ niệm ấm lòng, là niềm tin thiêng liêng kì diệu nâng bước cháu trên suốt chặng đường dài. Ngọn lửa là sức sống, lòng yêu thương, niềm tin mà bà truyền cho cháu.
Cùng với hình tượng “ngọn lửa”, các từ ngữ chỉ thời gian:“rồi sớm rồi chiều”, các động từ “nhen”, “ủ sẵn”, “chứa” đã khẳng định ý chí,bản lĩnh sống của bà, cũng là của người phụ nữ Việt Nam giữa thời chiến. Điệp ngữ – ẩn dụ “một ngọn lửa” cùng kết cấu song hành đã làm cho giọng thơ vang lên mạnh mẽ, đầy xúc động tự hào.
Qua hình ảnh bếp lửa cụ thể, bài thơ đã gợi đến ngọn lửa với ý nghĩa trừu tượng, khái quát. Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.
Được viết bằng thể thơ tám chữ phù hợp với giọng điệu tha thiết, tình cảm xúc động bồi hồi, suy tưởng, đoạn thơ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và nghị luận, sáng tạo hình ảnh bếp lửa vừa cụ thể vừa gần gũi, vừa giàu cảm xúc vừa mang ý nghĩa biểu tượng.
Hai đoạn thơ đều ngợi ca tình cảm gia đình thiêng liêng sâu sắc, giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, cũng như thấm thìa hơn tình cảm của tác giả thể hiện trong bài thơ.