Hình tượng con cò trong ca dao

hinh-tuong-con-co-trong-ca-dao

Hình tượng con cò trong ca dao.

Trong tâm thức người Việt không ai là không thuộc bài ca dao: “Con cò mà đi ăn đêm”:

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng có con.

Bài ca dao kể chuyện con cò phải đi ăn đêm, chẳng may gặp cơn hoạn nạn nên kêu cứu một cách thảm thiết. Nếu chỉ hiểu như vậy thì bài ca dao chẳng có gì giá trị cả. Thế thì vì đâu mà bài ca dao đã làm rung động bao thế hệ những người con Việt Nam? Với phạm vi tìm hiểu về quan hệ liên tưởng, người viết không có tham vọng đi sâu phân tích tác phẩm hoặc các quan hệ khác mà chỉ tập trung khai thác để làm nổi bật đặc điểm liên tưởng trong ca dao.

Việt Nam là đất nước với một nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước. Người nông dân ta quanh năm gắn với cày cấy, ruộng đồng. Trên đồng ruộng bên cạnh người nông dân luôn luôn có một hình ảnh hết sức quen thuộc, đó là con cò. Con cò trở thành hình ảnh gần gũi và là người bạn của người nông dân. Vì sao vậy? Vì những đặc điểm vốn có của loài cò: bộ lông trắng đẹp đẽ, hiền lành, cò chỉ mò tôm, bắt tép chứ không phá hoại mùa màng của người dân. Bằng chứng là người lao động bình dân thường lấy hình ảnh con cò để mở đầu cho những bài ca dao viết theo thể hứng:

Một đàn cò trắng bay tung
Hai bên nam nữ ta cùng hát vang
Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng

Dù vậy, khách quan mà nói, với 2 câu đầu ta chưa có thể nói gì ngoài hình ảnh con cò. Có một điều lạ là loài cò thường kiếm ăn vào ban ngày, ở đây lại “đi ăn đêm”, nhưng cũng có thể chấp nhận được. Thế nhưng:

Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

Con cò gặp cơn hoạn nạn, biết sẽ không thể thoát chết. Vậy mà trước khi chết vẫn van xin khẩn thiết để được xáo nước trong chứ đừng xáo nước đục mà đau lòng cò con. Rõ ràng điều này liên quan đến quan niệm chết vinh và chết nhục. Cò dù chấp nhận phải chết nhưng van xin được một cái chết trong sạch để đừng để tiếng nhơ cho con cháu mai sau. Biện pháp nhân hóa trong bài ca dao cho phép ta liên tưởng đến thân phận của người nông dân dưới chế độ phong kiến. Ta cũng có thể nói đến tâm hồn và tính cách của người nông dân: sống lam lũ, khổ cực trước bao biến cố của cuộc sống (đi ăn đêm, lộn cổ xuống ao); thế nhưng lại trong sạch và giàu đức hi sinh vô cùng (xáo nước trong, đau lòng cò con). Đau khổ, tủi nhục mà cũng trong sáng, thanh cao biết dường nào.

Cũng từ cơ chế liên tưởng đó để ta nói đến hình ảnh con cò trong bài ca dao:

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non

Là hình ảnh người phụ nữ, người phụ nữ dưới chế độ phong kiến… Từ hình tượng con cò trong xa dao, nhà thơ Tú Xương với bài thơ Thương vợ đã bày tỏ cảm thông, tri ân vợ bằng việc không chỉ so sánh mà đồng nhất hình ảnh bà Tú với hình ảnh con cò:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

Cũng như vậy, hình ảnh con cò trong bài ca dao sau đây làm ta liên tưởng đến số phận nhỏ bé, luôn luôn bị bọn cường hào ác bá ức hiếp, đày đọa của người nông dân:

Cái cò cái vạc cái nông
Ba con cùng béo vặt lông con nào
Vặt lông con mẹ cóc cho tao
Tau nấu, tao nướng, tao xào tao ăn.

Người nông dân thấp cổ bé họng nên tai mưa vạ gió có thể giáng xuống bất cứ lúc nào mà không cần đến nguyên cớ, không cần đến lời giải thích:

Cái cò cái vạc cái nông
Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà vạc đổ ngờ cho tôi
Không tin thì ông theo tôi
Mẹ con nhà nó còn ngồi đằng kia.

Có thể nói, cánh cò đã bay vào ca dao và trở thành một biểu tưởng thật đẹp của người nông dân Việt Nam. Người quân tử thường gắn với tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Nếu cần chọn một con vật làm biểu tượng cho người nông dân Việt Nam thì đó hẳn phải là con Cò.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.