Cảm nhận vẻ đẹp tình người trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Dàn bài:
- Mở bài:
Kim Lân là nhà văn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Tuy ông sáng tác không nhiều nhưng có nhiều tác phẩm xuất sắc. Kim Lân có sở trường về truyện ngắn và am hiểu sâu sắc về đời sống nông thôn. Ông viết về cuộc sống, con người nông thôn bằng tình cảm và tâm hồn của người gắn bó mật thiết với nông thôn. “Vợ nhặt” là tác phẩm xuất sắc của Kim Lân và của nền văn học Việt Nam thế kỷ 20. Qua cuộc đời của các nhan vật, tác phẩm hiện rõ vẻ đẹp tình người ngay trong hoàn cảnh khốn khó nhất. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng.
- Thân bài:
Tác phẩm “Vợ nhặt” lấy bối cảnh nước ta những năm đầu 1940, khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Nhân dân ta lâm vào tình thế một cổ hai tròng. Ở miền Bắc, phát xít Nhật bắt nhân dân nhổ lúa trồng đay. Trong khi đó, thực dân Pháp tăng thuế và ra sức vơ vét, bóc lột. Đầu năm 1945, nhân dân ta lâm vào nạn đói chưa từng thấy. Từ Lạng Sơn đến Quảng Trị hơn hai triệu người chết đói thê thảm. Nỗi đau này làm xúc động mãnh liệt lòng người. Tác phẩm được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nạn đói đầu năm 1945 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến các tầng lớp nghèo trong xã hội.
Tác phẩm xoay quanh câu chuyện lấy vợ của nhân vật Tràng. Tràng là thanh niên chưa vợ, sống ở xóm ngụ cư. Trong lúc cái đói đang hoành hành khắp nơi, Tràng dắt về nhà một người phụ nữ làm mọi người ngạc nhiên và làm thay đổi bộ mặt của xóm. Người đàn bà về làm vợ Tràng từ một lời đùa giỡn, chị cũng rất nghèo đói rách rưới.
Mẹ Tràng hết sức bất ngờ, nhưng vẫn chấp nhận dâu mới. Bà mừng cho con nhưng lại buồn tủi vì nghèo nên không có nổi mâm cơm ra mắt cho con. Có nàng dâu mới, gia đình Tràng ấm cúng hẳn. Tràng cũng ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình; nhưng cái đói đã thể hiện trong bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới với bữa ăn cháo cám.
Dù vậy, họ vẫn thấy đầm ấm, tràn đầy niềm tin và hạnh phúc. Bà cụ Tứ luôn khuyên con những lời khuyên chí tình và luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Qua thông tin cúa vợ, Tràng mới biết Việt Minh phá kho thóc Nhật để chia thóc cho người đói. Tràng thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ và trong óc Tràng, hình ảnh lá cờ đỏ bay phất phới.
Thông qua câu chuyện cảm động của gia đình Tràng, truyện ca ngợi những người lương thiện trong tai họa đói kém khủng khiếp do thực dân Phát xít gây ra vẫn cưu mang đùm bọc nhau, vẫn khao khát mái ấm gia đình, tin tưởng vào tương lai và hi vọng vào sức mạnh giải phóng của Cách mạng.
Nhan đề “Vợ nhặt” đã gợi cho người đọc cảm động về cành đời, số phận của người lao động nghèo trước Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. “Nhặt” là lượm được, nhặt được vu vơ. Xưa nay người ta nhặt đồ vật, nhặt một cái gì đó chứ chưa ai từng “nhặt vợ”. Chi tiết ấy nói lên hoàn cảnh, số phận của người nghèo đói, đồng thời thể hiện tinh thần nhân đạo đáng quý của người lao động: họ sẵn sàng cưu mang, quan tâm, chăm sóc nhau dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất.
Truyện cũng khắc họa thành công thảm họa của dân tộc do thực dân phát xít gây ra. Nạn đói khủng khiếp đưa con người đến tình cảnh khốn cùng (cảnh người chết đói và những khuôn mặt u tối của người dân xóm ngụ cư). Do đó, giá trị của con người cũng rẻ mạt. Họ không hơn một vật tầm thường nhặt được. Tác phẩm lên án xã hội thực dân nửa phong kiên tàn bạo đã đây nhân dân ta vào nạn đói khủng khiếp năm 1945.
Qua tình cảm và hành động của Tràng với cô vợ, bà cụ Tứ với hai con và của cô vợ với gia đình Tràng, tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp tình người thắm thiết. Họ luôn sẵn lòng cưu mang, nương tựa, quan tâm chăm sóc nhau trong cảnh khốn cùng. Trong nghịch cảnh, sống chét chưa biết thế nào, họ chấp nhận bên nhau. Họ đều tìm được hạnh phúc cho mình. Nghịch cảnh có thể khốc liệt và khó khăn còn tiếp tục kéo dài, thế nhưng, trong trái tim của họ luôn nồng cháy khao khát tình yêu thương, mái ấm gia đình, hạnh phúc. Chưa bao giờ họ thôi tin tưởng vào cuộc sống. Họ hi vọng vào tương lai trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nhà văn Kim Lân đã rất thành công khi xây dựng được một tình huống truyện gây cấn, độc đáo, giàu ý nghĩa, có tác dụng làm nôi bật giá trị tư tưởng của tác phẩm. Cách trần thuật cũng hết sức tự nhiên, hấp dẫn. Bố cục câu chuyện đơn giản nhưng chặt chẽ. Kim Lân cũng tỏ ra có thế mạnh khi vận dụng giọng văn mộc mạc, giản dị, ngôn ngữ gần khẩu ngữ của người bình dân nhưng đã có sự chọn lọc kĩ càng. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật chân thật, sinh động, sắc sảo, đi vào chiều sâu nội tâm với những vận động đa diện, phức tạp.
- Kết bài:
“Vợ nhặt” đã gợi cho người đọc cảm động về cành đời, số phận của người lao động nghèo trước Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo và cách nhìn đúng đắn của nhà văn đối với người lao động. Đồng thời, nhà văn cũng gợi ra được cách giải quyết tốt nhất cho số phận của người lao động: đi theo Cách mạng khi cơ hội đến.
- Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
- Phân tích hình tượng bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
- Cảm nhận vẻ đẹp tình người trong truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân)