»» Nội dung bài viết:
Hình ảnh nhân vật Tấm (truyện cổ tích Tấm Cám) trong quá trình đấu tranh giành hạnh phúc. Bài học mà tác giả dân gian muốn gửi tới người đọc qua truyện Tấm Cám?
* Quá trình đấu tranh giành hạnh phúc của tấm:
– Cuộc đấu tranh của Tấm để giành và giữ hạnh phúc
+ Tấm về giỗ cha bị hại chết → cái thiện hiền lành, ngây thơ, cả tin bị hại chết bất ngờ, bị cướp đoạt hạnh phúc.
+ Mẹ con Cám hại chết Tấm đưa Cám vào cung thay chị → Cái ác sẵn sàng và đầy dã tâm, dối trên lừa dưới để tiêu diệt cái thiện, đoạt hạnh phúc của cái thiện.
+ Tấm hóa thành con chim vàng anh nhưng chim vàng anh bị Cám giết. Tấm lại hóa thành cây xoan đào thì Cám chặt cây xoan đào đóng thành khung cửi. Tấm hiện thân qua tiếng kêu của con ác bằng gỗ trên khung cửi thì Cám đã đốt khung cửi đổ tro ở nơi xa. Từ đống tro mọc lên một cây thị lớn, chỉ có một quả, Tấm tái sinh trở về làm vợ vua → Cái thiện kiên trì, bền bỉ đấu tranh để giành và giữ hạnh phúc của mình. Cái ác không từ 1 thủ đoạn nào liên tục hại chết cái thiện để cướp đoạt hạnh phúc
Ý nghĩa sự hóa thân của Tấm:
+ Biểu hiện quan niệm về lẽ công bằng xã hội và hạnh phúc: người lương thiện phải được hưởng hạnh phúc, kẻ ác bị trừng trị. Người lao động tìm và giữ hạnh phúc ở ngay cõi này trần thế chứ không phải cõi niết bàn xa xôi nào đó.
+ Tác giả dân gian sử dụng mô típ hóa thân để cho thấy cuộc đấu tranh không khoan nhượng để giành hạnh phúc. Chim vàng anh,khung cửi, xoan đào,quả thị không thay Tấm trong cuộc đấu tranh mà chỉ là nơi Tấm tạm thời ẩn mình để trở về đấu tranh quyết liệt hơn → Hạnh phúc không đến ngay, không tự dưng mà có. Hạnh phúc chỉ bền chặt khi ta biết dũng cảm giành và giữ lấy
+ Niềm tin về sức sống mãnh liệt của con người, của cái thiện: con người sẽ không chịu khuất phục, đầu hàng trước cái ác, cái xấu mà sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ công lí
Hành động Tấm trả thù mẹ con Cám:
+ Tấm là nhân vật chức năng mà qua đó nhân dân ta gửi gắm bài học về công lý. Tấm có bước phát triển mạnh mẽ về tính cách: từ thụ động trở nên mạnh mẽ,chủ động đoạt lấy hạnh phúc của mình. Tấm không tranh giành mà chỉ giữ lấy những gì thuộc về mình.
+ Tư tưởng cốt lõi mà dân gian muốn gửi đến người nghe, đọc là : thiện luôn thắng ác, “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. Với suy nghĩ như thế, dân gian không cho rằng hành động của Tấm là độc ác thậm chí là cần thiết đối với Cám tức là kẻ ác cần bị trừng trị đích đáng.
+ Quan niệm về cái thiện: hiền trong quan niệm của dân gian là “Đi với Bụt mặc áo cà sa. Đi với ma mặc áo giấy”. Hiền không đồng nghĩa với nhút nhát, sợ hãi, chịu khuất phục trước cái ác, cái xấu.
* Bài học tác giả dân gian gửi gắm qua truyện Tấm Cám:
– Mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác. Chiến thắng của cái thiện trước cái ác, cái ác trước sau cũng sẽ phải trả giá đích đáng, “ác giả ác báo”, cái thiện sẽ được tôn vinh “ở hiền gặp lành”.
– Quan niệm của nhân dân về hạnh phúc: Hạnh phúc không tồn tại ở đâu đó xa xôi, trừu tượng mà có ngay ở cõi đời này. Người bình dân xưa không tìm hạnh phúc ở cõi nào khác mà tìm và giữ hạnh phúc thực sự ngay ở nơi trần thế.
– Ước mơ của nhân dân: Xã hội công bằng, công lý được thực hiện. Tức là người lao động chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng sẽ được hưởng hạnh phúc; kẻ tham lam, độc ác, giết người sẽ bị trừng trị thích đáng.