chung-minh-chi-co-tinh-cam-cha-con-la-khong-the-chet-qua-truyen-ngan-chiec-luoc-nga-13198-2

Chứng minh: Chỉ có tình cha con là không thể chết được qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Chứng minh: Chỉ có tình cha con là không thể chết được qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

  • Mở bài:

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn gắn bó sâu sắc với cuộc sống và chiến đấu anh dũng của nhân dân Nam bộ. Văn ông nhẹ nhàng, đằm thắm như chính tính cách của người nông dân hiền lành chất phác nhưng đôi khi cũng không kém phần quyết liệt. Chiếc lược ngà là truyện ngắn xuất sắc của ông được viết ngay lúc cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam đang ở trong thời kì quyết liệt nhất. Truyện làm tỏa sáng tình cảm gia đình, khẳng định sự sống bất diệt của tình cha con ông Sáu như lời nhân vật bác Ba đã nhận xét: chỉ có tình cha con là không thể chết được“.

  • Thân bài:

Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng nếu xét về kết cấu câu chuyện thì không có gì đặc sắc. Viết về tình cảm gia đình trong thời kì chiếc tranh hầu hết các nhà văn đều có tác phẩm hay. Cái hay còn đọng lại trong người đọc sau khi đọc xong truyện Chiếc lược ngà đó là sức sống mãnh liệt của tình cảm cha con ông Sáu. Ý nghĩa ấy có sức ám ảnh và nâng cánh tâm hồn người đọc sau khi đã tường tận và thấu hiểu hoàn cảnh gia đình ông Sáu trong hoàn cảnh chung của dân tộc.

Chuyện kể về nhân vật ông Sáu, một cán bộ cách mạng. Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến lúc bé Thu, con gái anh, chưa tròn một tuổi. Bỏ lại vợ trẻ con thơ ở nhà giữa lúc quân giặc đang điên cuồng khủng bố, ông Sáu hết sức đau lòng. Nhưng đất nước đang cần, vì tương lai của dân tộc, ông Sáu đã mạnh mẽ lên đường. Cuộc chiến ác liệt, kẻ thù man rợ, tàn ác, bảy năm sau ông mới có dịp trở về. Bảy năm đằng đẵng là khoảng thời gian có thể làm mờ nhạt mọi thứ. Bảy năm chờ đợi được nhìn mặt con gái trở thành sức mạnh thôi thôi thúc nóng bỏng trong ông. Như cánh chim bay từ đại ngàn trở về, ông Sáu háo hức vô cùng. Như lời chị Sáu, bé thu con gái anh cũng rất mong nhớ ông. Nó sẽ ôm chặt lấy ông và khóc thảm thiết.

Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn trái ngược với nhưng gì ông mong đợi. Bé Thu lạnh lùng cự tuyệt ông, không nhận ông là cha chỉ vì vết sẹo trên mặt ông. Điều đó ông vì quá nóng lòng nên ông không nghĩ ra được. Nhờ bà ngoại giải thích, bé Thu hiểu ra và tha thiết gọi ông thì cũng là lức ông phải trở về cứ. Dù rất cảm động và yêu thương con nhưng ông Sáu phải đi và hứa với con sẽ trở về. Thế nhưng, viên đạn ác nghiệt của kẻ thù đã cướp ông mãi mãi. Ông đã hi sinh nhưng tình yêu thương con vẫn sống. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức để trăn trối lại điều gì, ông chỉ kịp gửi lại cho bác ba, người đồng đội của ông, cây lược, món đồ mà ông làm tặng cho bé Thu. Ngay lúc ấy, bác Ba nhận thấy: “hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được”.

Bác Ba, người đồng đội đã cùng ông Sáu vào sinh ra tử bao nhiêu năm, lại là người chúng kiến tình cảm yêu thương, mong nhớ của gia đình ông Sáu nên rất thấu hiểu ông. Tình yêu thương con của ông Sáu không chết theo sự sống của ông. Trọn cuộc đời ông đã chiến đấu vì đất nước. Ông không làm tròn bổn phận của người cha. Ông cũng chưa thực hiện được lời hứa với con. Bởi thế, ông chưa thể yên tâm mà ra đi được.

Tình cha con trong ông Sáu không thể chết bởi đó là tình cảm thiêng liêng và sâu nặng nhất của ông dành cho con. Tình cảm đó đã được trải qua thử thách và trở nên bền vững vô cùng. Tình cảm ấy đã dồn nén trong bảy năm mong nhớ và chờ đợi. Có những lúc đắng cay, ngậm ngùi và đau khổ. Đó là lúc bé Thu nhất định từ chối, phản ứng quyết liệt và còn vô lễ, nói trống không với ông Sáu. Có những lúc ngọt ngào, tha thiết, tràn đầy yêu thương. Đó là lúc bé Thu chịu nhận ông Sáu là ba. Trên bến sông, tiếng khóc của bé Thu nghe đứt lòng đứt ruột. Nhưng dù trong điều kiện nào, tình cảm đó vẫn luôn mãnh liệt.

Trên chiến khu, ông Sáu đã dành trọn tình cảm đó vào cây lược tặng con. Tìm được khúc ngà voi, ông mừng vội đem về khoe với bác Ba. Tuy không thể thấu hiểu hết nỗi lòng của ông Sáu nhưng bác Ba rất cảm động và trân trọng. Rồi ông Sáu gò mài từng chút một, chiếc lược dần hiện hình. Mỗi chiếc răng lược là biết bao tình cảm mến yêu và mong nhớ mà ông dành tặng cho con. Làm xong, ông thường đem ra chải lên tóc cho cây lượt thêm bóng mượt. Ông mường tượng bé Thu sẽ nhảy cẫng lên sung sướng khi cầm lấy cây lược ấy. Ông nghĩ tới lức con bé chải lên mái tóc rối của nó mà yêu mến vô cùng.

Có thể nói, cây lược gói gọn tình cảm thiết tha của ông Sáu dành cho con gái của ông. Nó khẳng định sức sống mãnh liệt của người dân Nam bộ. Dù kẻ thù có hung bạo đến chừng nào cũng không thể ngăn cản con người yêu thương. Dù chiến tranh có thể giết chết đi bản thân họ nhưng không thể nào giết chết được tình cảm cha con thiêng liêng, trong trái tim họ. Sức mạnh chiến đấu và tình yêu gia đình, tình yêu tổ quốc của ông Sáu tiếp tục được giữ gìn, gửi lại và kế thừa bởi bé Thu sau này.

Sức mạnh ấy còn tiếp sức thêm cho đồng đội kiên cường chiến đấu để sự hi sinh của ông không là vô nghĩa. Bác Ba “không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy” vì đó là cái nhìn đặc biệt. Trong cái nhìn ấy chứa đựng bao điều cần nói mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được. Nó như một lời trăn trối, là sự trao gửi đầy tin cậy của ông Sáu với người bạn, người đồng chí đồng đội của mình. Ông Sáu trao cây lược nhưng cũng chính là trao lại tình cảm và trách nhiệm của người cha cho người bạn thân thiết của mình với sự cầu khẩn và tin cậy. Cái nhìn của ông Sáu còn là cái nhìn hối tiếc, cái nhìn uất hận, căm thù kẻ thù tàn bạo đã nhẫn tâm chia cách cha con ông mãi mãi.

  • Kết bài:

Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công khi lựa chọn ngôi kể thứ nhất để trần thuật lại câu chuyện. Nhân vật bác Ba đóng vai người kể chuyện, đồng thời cũng là người chứng kiến và tham gia vào câu chuyện nên có điều kiện thuận lợi để giải bày, nhận xét giúp cho người đọc có thể thâm nhập vào câu chuyện và cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh gia đình ông Sáu. Chính tình cảm thiêng liêng ấy thanh lọc tâm hồn ta, giúp biết quý trọng hơn những khoảnh khắc sống bên gia đình. Qua tình yêu thương con của ông Sáu, nhà văn mạnh mẽ khẳng định: “chiến tranh có thể giết chết con người nhưng không thể nào hủy diệt được tình yêu thương trong họ. Chỉ có tình cha con là không thể chết được”. Đó cũng là suy nghĩ mà nhà văn đã kín đáo gửi gắm đến người đọc hôm nay.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang