chung-minh-truyen-nhung-ngoi-sao-xa-xoi-cua-le-minh-khue-luon-ton-tai-dan-xen-hai-khong-gian-tuong-chung-doi-lap-do-la-khong-gian-ac-liet-noi-chien-truong-o-mot-trong-diem-cua-tuyen-duong-truong-son

Chứng minh: Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê luôn tồn tại đan xen hai không gian tưởng chừng đối lập. Đó là không gian ác liệt nơi chiến trường ở một trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn và một không gian Hà Nội rất bình yên.

Chứng minh: Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê luôn tồn tại đan xen hai không gian tưởng chừng đối lập. Đó là không gian ác liệt nơi chiến trường ở một trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn và một không gian Hà Nội rất bình yên.

  • Mở bài:

Lê Minh Khuê là nhà văn nữ chuyên viết truyện ngắn. Trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, ngòi bút của bà trong chiến tranh luôn hướng về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. Những ngôi sao xa xôi là tác phẩm tiêu biểu nhất của Lê Minh Khuê. Đọc Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, người đọc tinh ý sẽ thấy ngay sự có mặt của một không gian Hà Nội ngay bên cạnh không gian chiến trường. Hai không gian ấy song song với nhau, vừa tương phản vừa tương hỗ, nhiều khi lẩn quất vào nhau, làm nổi bật tâm trạng của các nhân vật.

  • Thân bài:

Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như cái đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”. Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng… Đó là lời giới thiệu về mình của nhân vật Phương Định, một kiểu giới thiệu độc đáo, thu hút bởi vẻ tinh tế, tự tin, thông minh và sự ý thức sâu sắc về cá tính.

Phương Định là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong truyện còn có hai nhân vật chính nữa, Nho và chị Thao nữa – ba nữ thanh niên xung phong trinh sát mặt đường chốt ở một cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nho và chị Thao đều hiện lên qua cảm nhận của Phương Định, nhân vật xưng tôi trong truyện. Ba nữ thanh niên ấy lại là “nhân vật trung tâm” của một khung cảnh chiến đấu gian khổ và ác liệt của một đại đội thanh niên xung phong, một cung đường chiến dịch với biết bao dân công, chiến sĩ nhiều binh chủng… Và làn sóng cứ lan ra như thế, như thế.

Những ngôi sao xa xôi đã viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng, cụ thể, ngay nơi này, tại một cao điểm trong rất nhiều cao điểm chịu sự bắn phá dữ dội của quân thù thuộc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, và trừu tượng, trong âm hưởng của nó, của cả một dân tộc đang khát khao hòa bình, thống nhất.

Hà Nội luôn hiện lên trong lời nói của các nữ thanh niên xung phong, của chiến sĩ chốt cao điểm, của chiến sĩ lái xe… Hà Nội cũng hiện lên mỗi khi họ khủng hoảng nhất, gặp nhiều khó khăn nhất, cần phải vượt qua đau thương nhất. Hà Nội trong lời hát bất chợt của chị Thao, “đây Thăng Long, đây Đông Đô… Hà Nội…”. Chị cất tiếng hát về thủ đô yêu dấu để kìm nén “những tình cảm đang quay cuồng trong chị” khi phải chứng kiến Nho bị thương. Bởi dù “nhạc sai bét, còn giọng thì chua”, nó vẫn xoa dịu nỗi lòng, nó vẫn tránh cho người ta khỏi khóc. Bởi khóc trong khi cần cái cứng cỏi của nhau, với chị, “được xem như là bằng chứng của một sự tự nhục mạ”.

Nhưng không gian Hà Nội, phải ở Phương Định, mới thân thuộc và máu thịt hơn cả. Với Phương Định, Hà Nội không chỉ lẩn quất trong tiềm thức như chị Thao, không dè dặt, thì thầm như Nho trong nỗi mong ngóng “các anh ở Hà Nội sẽ vào”, mà là một thế giới thường trực, luôn hiện hữu, như hơi thở, như khí trời. Chỉ cần một phút buông thả cảm xúc, một thoáng gặp sự việc dễ liên tưởng, là lại ngân lên sợi tơ lòng, Hà Nội lại ùa về choáng ngợp. Chỉ một cơn mưa đá thoáng qua cao điểm mà đã làm sống lại cả một ấu thơ Hà Nội trong lòng Phương Định: Mưa xong thì tạnh thôi. Mà tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố. Phải, có thể những cái đó… Hoặc là cây, hoặc là cái vòm tròn của nhà hát, hoặc bà bán kem đẩy cái xe chở đầy thùng kem, trẻ con háo hức bâu xung quanh. Con đường nhựa ban đêm, sau cơn mưa mùa hạ rộng ra, dài ra, lấp loáng ánh đèn, trông như một con sông nước đen. Những ngọn điện trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong câu chuyện cổ tích nói về những xứ sở thần tiên. Hoa trong công viên. Những quả bóng sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố. Tiếng rao của bà bán xôi sáng có cái mủng đội trên đầu…

Với riêng bản thân mình, Phương Định thủ thỉ thú nhận: Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thiệt xa… Rồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi. Nhưng Hà Nội còn là của tất cả các cô, của cả đất nước. Bởi Hà Nội là thủ đô, là trái tim nước Việt, là vì sao sáng trong bầu trời đêm tăm tối để cả dân tộc đang bền bỉ tranh đấu hướng về. Hà Nội, vì thế, vừa là một Hà Nội cụ thể lại cũng vừa là một Hà Nội tượng trưng. Liệu có người chiến sĩ giải phóng quân nào không khắc sâu trong tim mình biểu tượng thiêng liêng của hồn nước? Cho nên, cất lên tiếng nói chung cho cả tập thể của mình, Phương Định dõng dạc, tự hào: Nghiêm trang, chúng tôi nhìn về hướng Bắc. Ở đó có Hà Nội. Chúng tôi xa đã lâu. Chúng tôi nhớ thành phố xanh. Chúng tôi quý sự yên tĩnh như kỉ niệm. Ở đây là nơi mà tuổi trẻ chúng tôi đang lớn lên, nhưng không lúc nào chúng tôi không nhớ tới Hà Nội.

Không ai rời xa Hà Nội mà lại không đem lòng nhung nhớ. Thế hệ các trí thức tiểu tư sản trong những năm kháng Pháp phải rời Hà Nội đã để lại một dòng văn nhung nhớ. Đó là nỗi nhớ “đêm ra đi đất trời ngút lửa” của Hà Nội cảm tử trong thơ Chính Hữu, là “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” trong thơ Quang Dũng, là nỗi nhớ “những mùa thu đã xa” của Hà Nội heo may lay thềm lá nắng trong thơ Nguyễn Đình Thi,… Nỗi nhớ ấy đã hun đúc họ, thúc giục họ lao động và chiến đấu. Và cũng như họ, trong những năm chống Mỹ, một loạt các trí thức trẻ tuổi của mái trường xã hội chủ nghĩa đã xung phong vào chiến trường, bồi đắp phù sa cho dòng văn nhung nhớ. Nỗi nhớ ấy không làm họ bi lụy, nỗi nhớ ấy tiếp thêm sức mạnh và niềm tin. Đó là ý chí: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đó là tình cảm: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây”. Đó là cuộc sống: Ở chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ. Bởi với họ, thế hệ của những Lê Mã Lương, cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù… Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Nhuận Cầm, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Lê Minh Khuê,… chính là những nhà văn xuất thân từ tầng lớp học sinh sinh viên tình nguyện đó. Họ trực tiếp là người lính chiến đấu trên chiến trường và là những nhà văn trẻ làm nên một chất giọng hùng tráng và lãng mạn rất riêng của văn học Việt Nam thời chống Mỹ.

Ngoài không gian Hà Nội làm thành kết cấu độc đáo của tác phẩm, không gian chiến trường Trường Sơn với những trận đánh, đường hành quân, với chiến sĩ, thanh niên xung phong,… cũng thể hiện nhiều nét độc đáo trong bút pháp truyện ngắn Lê Minh Khuê.  Tác phẩm ghi lại chân thực những chiến công thầm lặng của tổ trinh sát mặt đường. Tâm điểm là trong cơn mưa bom lửa. Giọng Định lại vang lên: “Anh, một quả bom trên đồi. Nho, một quả dưới lòng đường. Thao, một quả dưới chân hầm rượu cũ”. Khung cảnh chiến trường trở nên “lặng đi cảm xúc”. Cảnh tan hoang: cây cối cong queo, đất nóng, khói đen cuộn lên: Phương Định dũng cảm, bình tĩnh tiến lại gần quả bom.

Lê Minh Khuê đã lia ống kính quay chậm chậm vào một lần phá bom của Phương Định, tái hiện thật chân thực, tinh tế cảnh tượng kinh khủng đó. Mặc dù đã rất nhiều lần phá bom, nhưng với Phương Định mỗi lần làm công việc này vẫn là một thử thách với thần kinh cho đến từng cảm giác: “Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm chậm quá. Nhanh lên một tí ! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng” . Lời văn như dao nhọn, sắc lạnh đến rợn người, khiến người đọc như cảm giác đang trực tiếp trải nghiệm tham gia công việc phá bom cùng với nhân vật vậy!.

Tiếp đó là những giây phút chuẩn bị kích nổ trái bom: “Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái hố đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình…”. Những giây phút đợi chờ tiếng nổ của quả bom thật căng thẳng, “tim tôi cũng đập không rõ”, thậm chí cô còn nghĩ tới cái chết, nhưng đó là cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Cái chính lúc này là “bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai? […] nhưng quả bom nổ. Một thứ tiếng kì quái, đến vang óc. Ngực tôi nhói, mắt cay xè… mùi thuốc bom buồn nôn… Mảnh bom xé không khí, lao và rít vô hình trên đầu”... Ba tiếng nổ nữa theo sau. Mảnh bom xé toạc không trung, mặt đất rơi xuống. Định chóng mặt, đau ngực, mắt cay xè không mở được. Mồ hôi thấm vào môi, cát lạo xạo trong miệng. Nguy hiểm, căng thẳng không kể xiết.

Thao bị vấp, sẹo, dù bay trên lưng, cô vẫn cười “răng trắng, mắt to…”. Nho bị thương. Bom nổ, hầm sập. Thao và Định phải bới đất nhặt Nho. Máu tuôn ra, thấm xuống đất. Thảo nghẹn ngào. Đi rửa vết thương cho Nho, tiêm thuốc, pha sữa cho Nho… Rồi Thảo lại giục: “Hát đi Phương Định, thích bài nào nhất, hát đi!”. Đó là cuộc sống chiến đấu hàng ngày của họ.

Mỗi ngày tổ trinh sát mặt đường phá bom năm lần, bên nào ít ba lần. Phương Định nói: “Tôi đã từng nghĩ đến cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể…”. Quả là một cuộc chiến đấu không cân sức, nguy hiểm đầy ngoạn mục nhưng cô gái đã mạnh mẽ vượt qua. Đến đây, người đọc càng cảm nhận thấy sự tàn ác khốc liệt của chiến tranh bao nhiêu thì lại càng cảm phục tinh thần trách nhiệm trong công việc, lòng quả cảm vô song, sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc, vì hòa bình của những cô gái thanh niên xung phong phá bom mở đường đến bấy nhiêu. Qua đó, chúng ta mới thấy hết được ý thức, trách nhiệm công dân cao độ của những con người anh hùng sả thân vì kháng chiến, cách mạng:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc.”

Đoạn miêu tả cảnh phá bom ở đoạn cao trào là đoạn hay nhất của truyện “Những ngôi sao xa xôi”. Lê Minh Khuê đã sử dụng bút pháp hiện thực chặt chẽ để tái hiện cảnh phá bom vô cùng nguy hiểm, dựng nên một tượng đài về khí phách anh hùng của đội trinh sát mặt đường. Cô Thao, cô Nhỏ, Phương Định sáng ngời trong khói lửa. Những chiến công thầm lặng của họ là bất tử cùng năm tháng và lòng người. Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên các anh hùng liệt sĩ Đồng Lộc, những nữ anh hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn:

… “Đất nước tôi nhân hậu
Có nước trời chữa vết thương đau
Tôi nằm trong lòng đất sâu
Giống như bầu trời đã nghỉ ngơi trong trái đất
Đêm và đêm, tâm hồn tôi tỏa sáng
Những vì sao lấp lánh…”

(“Hố bom thiên đường” – Lâm Thị Mỹ Dạ)

Có thể nói, từ việc lựa chọn ngôi kể, xây dựng và phân tích miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật đến việc sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu, Lê Minh Khuê đã thể hiện rõ tài năng và sự tinh tế của mình. Một phần không khí của câu chuyện có thể xuất phát từ chính vốn sống (Lê Minh Khuê từng là thanh niên xung phong trên cung đường Trường Sơn) nhưng phần lớn thành công truyện ngắn có được có lẽ là nhờ tâm hồn dịu dàng mà bén nhạy của tác giả. Truyện ngắn của Lê Minh Khuê trong những năm chống Mỹ thường là những câu chuyện bình dị ngỡ tưởng như chẳng có gì để kể. Vậy mà các câu chuyện ấy lại gieo vào lòng người những rung động nhẹ nhàng, man mác, tươi trẻ mà vẫn rất đỗi đằm thắm, sâu lắng.

Trong Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê đã chọn ngay vai kể ở ngôi thứ nhất, đặt câu chuyện vào miệng cô gái thanh niên xung phong Phương Định thông minh và đa cảm. Qua câu chuyện của cô về cuộc sống trên cao điểm, các biến cố, sự kiện, hành động đều được hiện lên một cách chân thực, gần gũi. Các cảm nhận về ngoại cảnh, đoán định tâm lí bạn bè cũng hiện lên rất mực thân thuộc, tinh tế. Đặc biệt, các hồi tưởng, xúc cảm được thể hiện một cách tự nhiên, bồng bột, sinh động. Tất cả làm cho việc khơi mở vào tính cách và tâm lí nhân vật là một ưu điểm nổi trội của truyện ngắn.

Phương Định là nhân vật được nhà văn chăm chút trong việc xây dựng tính cách và những biến đổi tâm lí. Ngay từ mở đầu truyện ngắn, bằng những câu văn ngắn, thái độ của nhân vật rõ ràng, thẳng thắn, cởi mở, thỉnh thoảng đan xen một chút tinh nghịch hay lãng mạn bay bổng, người đọc đã ít nhiều hình dung ra tính cách của nhân vật xưng tôi. Đến khi tác giả cho nhân vật tự giới thiệu về mình, tính cách tự tin có chút ít kiêu ngầm bởi vẻ xinh xắn của ngoại hình, trí thông minh lanh lẹ đã thực sự được xác nhận. Đó là một nữ sinh thủ đô vừa tròn hai mươi tuổi nhiều mơ mộng. Nhưng ngay sau đó, khi phải đối mặt với cuộc chiến, phải ngồi đợi chờ những đồng đội của mình đang trinh sát dưới làn bom đạn của kẻ thù, cô gái ấy đã ít nhiều trở nên “già” trước tuổi. Cô gắt gỏng, buồn bực, sốt ruột, lo lắng rồi mừng rỡ “muốn la toáng lên vì thích thú” khi thấy có tiếng súng yểm trợ cho đồng đội.

Nếu không có phút vui mừng muốn hét lên thì có lẽ không ai dám nghĩ cô còn rất trẻ trung nữa. Nhưng những thanh niên xung phong một thời là như vậy, vẫn thoắt vui thoắt buồn, lúc tinh nghịch lúc ưu tư, nhưng khi vào công việc thì gác hết nỗi niềm riêng lại. Nếu có, chỉ thoảng qua thôi, ý thức về cá nhân mình lại là làm sao để cho bản thân càng trở nên đẹp đẽ trong mắt bạn bè đồng đội. Phá bom, trong cái im lặng đến phát sợ của chiến trường, cô vẫn muốn “không đi khom” bởi ở bên kia, các anh lính cao xạ “không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Còn khi đã tập trung vào công việc rồi thì sẽ quên đi mọi thứ, quên sự sợ hãi, quên cả cái chết chỉ để toan tính cho hoàn thành công việc.

Và khi đối mặt với đau thương mất mát, họ lại càng gắng gượng giữ vững niềm tin, chế định cảm xúc. Họ muốn quên đi nỗi thương đau để tiếp thêm cho nhau sức mạnh. Họ không muốn để lộ sự mềm yếu của mình ra ngoài. Nhưng họ sẵn sàng cho những phút giây lãng mạn, bay bổng. Chỉ cần một cơ hội là họ lại trở về với tuổi trẻ của mình, sống trong niềm vui tươi, ước mơ, hoài bão tuổi trẻ của mình. Họ bộc lộ say mê về điều đó, họ sẻ chia niềm vui ấy cho tất cả mọi người. Đó là những giờ phút nghỉ giải lao, những lúc đoàn xe ra tiền tuyến đi qua cung đường họ đang làm việc, những lúc chờ đợi quân thù suy tính xem phải đánh phá họ ở những nơi nào…. Thậm thí, với Phương Định, rất đơn giản, chỉ cần là… một cơn mưa đá: “Mưa đá! Cha mẹ ơi! Mưa đá!Tôi chạy vào, bỏ trên bàn tay đang xòe ra của Nho mấy viên đá nhỏ. Lại chạy ra, vui thích cuống cuồng”.

Công việc đầy nguy hiểm trên chiến trường ác liệt, nơi mà sự sống và cái chết là ranh giới mong manh. Những cô gái thanh niên xung phong như Phương Định hiện lên rất đỗi lạ thường. Đó là vẻ đẹp tâm hồn của những cô gái dành thanh xuân, tuổi trẻ của mình để cống hiến cho Tổ quốc. Giữa thiên nhiên núi rừng và cả khoảng cách xa xôi, chắc hẳn ở những cô gái như Định sẽ không nguôi nỗi nhớ nhà. Và những lúc như thế, Định lại nghĩ về gia đình, nghĩ về Hà Nội thân yêu với những con đường nhựa lấp lánh ánh đèn, quảng trường lung linh ánh điện, vườn hoa trong công viên , hay tiếng rao đêm thân thuộc của những người bán hàng rong,… tất cả dường như rất đỗi thân thương trong tâm hồn cô gái trẻ trung này.

Phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang