Nghị luận: “Có đạo đức mà không có tài năng cũng như có áo giáp mà không có gươm, chỉ có thể tự bảo vệ mình mà không thể che chở cho bạn bè được” (Công Tôn).
- Mở bài:
– Đức độ và tài năng là hai yếu tố quyết định sự thành công ở mỗi con người. Bàn về mối quan hệ giữa đức và tài, Hồ Chí Minh cho rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Còn với Côn Tông: “Có đạo đức mà không có tài năng cũng như có áo giáp mà không có gươm, chỉ có thể tự bảo vệ mình mà không thể che chở cho bạn bè được”.
- Thân bài:
1. Giải thích:
– “Đạo đức”: phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn, nguyên tắc mà xã hội quy định, thừa nhận, đạo đức của mỗi người được bộc lộ qua vẻ đẹp của hành vi, thái độ, cách ứng xử của người đó với cộng đồng, với xã hội.
– “Tài năng”: khả năng đặc biệt, năng lực xuất sắc để hoàn thành tốt một công việc, một yêu cầu nào đó.
– “Đạo đức – áo giáp”: đạo đức như một lực lượng tinh thần có khả năng bảo vệ con người trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
– “Tài năng – gươm”: tài năng như một công cụ sắc bén có khả năng tạo ra những tác động làm thay đổi tình trạng của những yếu tố tồn tại ngoài mình – trong đó có khả năng bảo vệ, che chở cho bạn bè.
→ Con người cần có đạo đức để tự bảo vệ mình song cũng rất cần tài năng để sống tích cực và hỗ trợ được cho người khác.
2. Lí giải:
– Vì sao đạo đức là phẩm chất giúp con người tự bảo vệ mình?
+ Vì đạo đức giúp con người phân biệt đúng – sai, tốt – xấu, hay – dở và hướng con người tránh cái sai, cái xấu, trong cuộc sống.
+ Vì đạo đức giúp chúng ta tạo dựng được những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống. Người có đạo đức luôn được mọi người yêu quý, kính trọng và sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn.
+ Sống có đạo đức, con người có thể hướng tới những giá trị tinh thần bền vững nhất, thanh cao nhất để sống một cuộc sống có ý nghĩa nhất cho chính bản thân mình và cộng đồng xã hội.
– Sống có đạo đức liệu đã đủ để mỗi người có thể tự bảo vệ mình?
+ Đạo đức chỉ có ý nghĩa cảnh giới, bản thân đạo đức chưa đủ để tạo thành một sức mạnh, chỉ có thể mách bảo chứ không thể ngăn chặn và tiêu diệt hoàn toàn cái xấu, cái ác và những điều tồi tệ trong cuộc đời.
+ Khi đạo đức không song hành với một sức mạnh thực sự để có thể đấu tranh, nó chỉ khiến con người trở nên uỷ mị và yếu đuối.
+ Khi những tác động xấu vượt quá khả năng kiểm soát của con người, người có đạo đức sẽ rơi vào tình trạng đau đớn mà bất lực, dù có giữ được phẩm giá bản thân thì cũng không phải là sự tự vệ với ý nghĩa hoàn hảo nhất.
– Vì sao tài năng là phẩm chất giúp con người che chở được cho bạn bè?
+ Tài năng giúp con người nhận biết và giải quyết có hiệu quả mọi yêu cầu của công việc để phát triển tốt nhất, gặt hái nhiều thành công nhất. Thành công chính là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh cho con người.
+ Khi có sức mạnh, con người không chỉ bảo vệ mình mà còn có thể che chở cho mọi người.
– Nếu chỉ có tài năng, con người có thể bảo vệ bạn bè không?
+ Tài năng chỉ là nhân tố quyết định thành công, tạo nên sức mạnh chứ không phải là động cơ cho những hành vi tích cực.
+ Hành động bảo vệ bạn bè là hành vi thuộc về ý thức đạo đức, là biểu hiện của tinh thần chuộng đạo lý và tình cảm đạo đức ở con người.
+ Chỉ khi ta dung hòa được giữa tài và đức hay nói cách khác ta là người tài đức vẹn toàn, khi ấy ta sẽ có đủ sức mạnh để bảo vệ bản thân mình cũng như giúp đỡ và chở che cho bạn bè.
3. Đánh giá:
– Tài và đức là những phẩm chất cần có để con người không chỉ sống mà còn sống có ích, không chỉ tạo lập quan hệ mà còn bảo vệ và phát triển những quan hệ tốt đẹp. Tuy nhiên, ở mỗi cá nhân cụ thể, quan hệ và giữa tài và đức lại được xem xét, đánh giá rất khác nhau: người trọng tài, người trọng đức…
– Câu nói của Côn Tông thể hiện một quan điểm đúng nhưng chưa thật toàn diện vì mới chỉ nhìn thấy vai trò của đạo đức và tài năng trong ý nghĩa tương đối, trong sự tồn tại độc lập của nó chứ chưa làm rõ mối quan hệ gắn bó không thể và không nên tách rời của nó trong việc chi phối hành động và hiệu quả hành động của con người.
– Việc phân tích ưu – nhược điểm trong câu nói này sẽ giúp mỗi người có một gợi ý trên con đường phấn đấu của bản thân: bên cạnh việc rèn đức còn cần luyện tài, người đã có tài thì ngoài việc phát triển tài năng còn cần tu dưỡng đạo đức bởi chỉ khi tài và đức sóng đôi, hỗ trợ cho nhau con người mới có thể sống tích cực và có ý nghĩa nhất.
- Kết bài:
– Khẳng định lại quan điểm của bản thân về ý kiến của Côn Tông:
– Liên hệ bản thân: Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước. Việc tu dưỡng đạo đức và nâng cao tri thức, học tập tốt cần được chú trọng. Ý thức được điều đó, mỗi học sinh, mỗi thanh niên cần hành động ngay để trở thành người “tài đức vẹn toàn”, cống hiến cho đất nước. Đồng thời ngành giáo dục cũng cần đẩy mạnh việc giáo dục song hành giữa đạo đức và kiến thức phổ thông.