Con thuyền
Hoàng Thảo
Như chiếc lá mỏng tanh
Xoay tròn
Nổi chìm trong bão nước
Lầm lũi
Buông mình dập dềnh
Ngược xuôi muôn ngả.
Chiều lặng gió
Dòng sông không bão tố
Thuyền vẫn lạc dòng
Ngơ ngác giữa mênh mông.
Trôi về đâu yên náu một bóng thuyền
Giữa đục ngầu dòng sông đời vẫn chảy?
Cúi xuống đằm mình trong cáu cặn
Cùng chảy?
Hay lạc loài nhánh củi kiếp phù du?
Yến Lan cũng đã từng một lần mộng ước về dòng sông, bến nước, con đò với hình ảnh ông lái đò như tiên ông, mặc khách thảnh thơi trên Bến My Lăng:
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Ông không muốn run người ra tiếng địch,
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.
Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng,
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.
Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.
Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.
Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…
Bến My lăng nào có thật ở trên đời. Có chăng là một bến nước trong diệu huyền tâm tưởng mà nhà thơ như chính ông đã nói: “những ai đã có một lần đứng đợi một chuyến đò ngang… và nhất là những ai có nỗi hy vọng lớn lao phải chờ đợi… Bến My Lăng ở trong lòng tôi và có thể ở trong lòng bạn”. Bến My Lăng ấy là ảo ảnh của tâm hồn, là tinh kết của của cái đẹp mơ hồ tuyệt hảo chỉ có thể có trong trí tưởng tượng của muôn trùng hình ảnh.
Đến nữ sĩ Anh Thơ sau bao tháng ngày rong ruổi cũng tìm về nương náu hồn thơ nơi Bến đò ngày mưa ướt mèm ủ rũ:
Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.
Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt
Mặc con thuyền cắm lại đậu chơ vơ.
Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo
Vài quán hàng không khách đứng xo ro.
Một bác lái ghé buồm vào hút điếu
Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.
Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
Và họa hoằn một con thuyền ghé chở
Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.
Hoàng Thảo đã thả một con thuyền lạc vào trang thơ trong buổi chiều hoang gió lặng, bình yên đến kì lạ:
Chiều lặng gió
Dòng sông không bão tố
Nhưng đó không phải là con thuyền “ghếch bãi suốt ngày chơi” như Nguyễn Trãi, hay con “thuyền đợi khách” như Yến Lan, cũng chẳng phải là con thuyền “trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo” như nữ sĩ Anh Thơ. mà đó là con thuyền lạc dòng “ngơ ngác giữa mênh mông”:
Thuyền vẫn lạc dòng
Ngơ ngác giữa mênh mông
Thật mấy khi con người ta có thể buông bỏ tất cả để trở về với hồn nhiên cây cỏ, đắm mình trong với không gian, lắng nghe vũ trụ chuyển luân quần vũ. Kiếp người trăm năm mà tựa như giấc chiêm bao. Hiện hữu mà như không hiện hữu. Hư vô là có thật. Phù du là có thật. Bất định cũng hoàn toàn là an định trong cuộc đời rong ruổi:
Trôi về đâu yên náu một bóng thuyền
Giữa đục ngầu dòng sông đời vẫn chảy?
Ôi, đáng sợ thay! Trong trăm năm cõi người, hạnh phúc “mỏng tanh” như chiếc lá:
Xoay tròn
Nổi chìm trong bão nước
Lầm lũi
Buông mình dập dềnh
Ngược xuôi muôn ngả.
Câu thơ đứt gãy như hơi thở nấc nghẹn, như nhịp quầng vũ của dòng xoay bão nước, như bóng đời lăn tăn những ngã đường xuôi ngược. Về đâu? Về đâu hỡi chiếc lá xanh?
Cúi xuống đằm mình trong cáu cặn
Cùng chảy?
Hay lạc loài nhánh củi kiếp phù du?
Hoàng Thảo đã thả một con thuyền lạc vào hồn ta. Bất chợt trong đêm Liêu trai, rợn người nhìn về kiếp đời “mỏng tanh”, phận người “chìm trong bão nước”, cuộc đời “đầy cáu cặn”. Ôi, kiếp phù sinh, cành củi lạc dòng mục nát.