»» Nội dung bài viết:
Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu qua bài viết “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” của Phạm Văn Đồng
- Mở bài:
Phạm Văn Đồng là một nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà văn hóa lớn của dân tọc. Ông đã có nhiều cống hiến cho đất nước và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của chính phủ. Phạm Văn Đồng không phải là người chuyên làm lí luận hay phê bình văn học. Sự nghiệp chính ông theo đuổi đó là chính trị. Tuy nhiên ông còn là một nhà giáo tâm huyết và một lí luận văn hóa văn nghệ lớn, bởi đó cùng là một cách thức để phục vụ cách mạng của ông và văn học nghệ thuật cũng là lĩnh vực mà ông quan tâm yêu thích và rất am hiểu. Tác phẩm “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” là bài viết xuất sắc của ông.
- Thân bài:
1. Con người và quan niệm thơ văn của cụ Đồ Chiểu.
+ Tác giả cho rằng “Cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là của một chiến sĩ hi sinh phấn đấu vì một nghĩa lớn. Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng.”
+ Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước, một nhà nho sống giữa cảnh đất nước lâm nguy “vua nhà Nguyễn cam tâm bán nước để giữ ngai vàng” trong khi “nhân dân và sĩ phu anh dũng đứng lên đánh giặc cứu nước”.
+ Tuy bị mù cả hai mắt nhưng Nguyễn Đình Chiểu vẫn thể hiện tinh thần yêu nước qua thơ văn của mình “nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giá và ghi lại lịch sử của một thời kì khổ nhục nhưng vĩ đại”.
+ Ở Nguyễn Đình Chiểu quan niệm về văn chương luôn thống nhất với quan niệm về lẽ sống làm người. Với ông “văn tức là người”. Viết văn đối với ông là một thiên chức. Văn thơ phải là vũ khí chiến đấu. Ông coi thường những kẻ lợi dụng thơ văn để làm việc phi nghĩa.
Tóm lại, cuộc đời và hoạt động của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương về một người chiến sĩ yêu nước, trọn đời phấn đấu hi sinh vì nghĩa lớn.
2. Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu là một vũ khí đấu tranh sắc bén.
– Phạm văn Đồng đã có những đánh giá rất cao giá trị của thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả đã đặt những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu trên cái nền của hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ để thấy được giá trị to lớn mà những tác phẩm của nguyễn Đình Chiểu đem lại.
– Một nhà văn chỉ thực sự lớn khi tác phẩm của ông ta phản ánh một cách trung thành những đặc điểm bản chất của một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với đời sống của đất nước và nhân dân. Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã hội tụ đầy đủ những đặc điểm cơ bản đó. Chính vì vậy, nguyễn Đình Chiểu xứng đán là “ngôi sao sáng trong nên văn nghệ của dân tộc”.
+ Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã “làm sống lại phong trào kháng Pháp bền bỉ và oanh liệt của nhân dân Nam Bộ từ 1860 trở về sau”.
+ Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương phản chiếu “một thời khổ nhục nhưng vĩ đại” của dân tộc và tất yếu phải là lời ca ngợi những nghĩa sĩ dũng cảm. Đồng thời là lời than khóc cho những anh hùng thất thế đã bỏ mình trong cuộc chiến đấu vì nước vì dân.
+ Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu còn là văn chương chân chính bởi nó tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của thời đại. Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu lớn lao bởi sức cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu chống thực dân bằng cách làm cho lòng người “suốt đời tận trung với nước”, “trọn nghĩa với dân”, giữ vẹn khí phách hiên ngang cho dù thất thế.
– Đặc biệt tác giả đã dành một phần nội dung khá lớn và sự hào hùng cao độ khi nói về Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nguyễn Đình Chiểu. Bởi đây là một tác phẩm sáng tạo, độc đáo mà bản chất của văn chương là sự sáng tạo và đóng góp cho cuộc đời bằng những cái độc đáo chưa từng thấy ở những tác phẩm trước đó hay cùng thời ấy. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã xây dựng thành công một hình tượng trung tâm mà lần đầu tiên trong văn học thấy xuất hiện. Đó là những người nông dân “việc cuốc việc cày vốn quen làm” đã đứng lên đánh giặc. Chính họ là những người anh hùng cứu nước.
– Tác phẩm văn chương lớn chỉ có thể sinh ra từ những tâm hồn lớn. Vì thế, khi nói đến thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, tác giả luôn chú ý để người đọc nhận ra những câu văn, những vần thơ đó chính là lòng nhiệt huyết của nhà thơ trào ra thành chữ nghĩa “ngòi bút nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu”.
– Khi nói về thơ Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Đồng đã không cho phép mình được vô tình. Chính vì thế mà ông đã viết về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu bằng một trí tuệ sáng suốt, sâu sắc và bằng cả trạng thái tình cảm xúc động mạng mẽ với những câu văn hay nhất, làm rung động lòng người nhiều nhất.
– Phạm Văn Đồng đã không viết về Nguyễn Đình Chiểu với nỗi tiếc thương của người hoài cổ, mà viết bằng sự cảm thông trân trọng của một người đang kháng chiến chống thực dân đầy đau thương mà oanh liệt đồng thời thấu hiểu hơn những giá trị đã khiến cho Nguyễn Đình Chiểu trở thành ngôi sao càng nhìn càng thấy sáng.
3. Truyện Lục Vân Tiên – một kiệt tác văn học của cụ Đồ Chiểu
– Tác giả cho thấy truyện Lục Vân Tiên là “một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa những đạo đức quý trọng ở đời ca ngợi những người trung nghĩa”. Vì vậy đòi hỏi chúng ta phải hiểu đúng để thấy hết những giá trị lớn lao của tác phẩm này.
– Tác giả cũng không hề phủ nhận sự thật về sự lỗi thời của những giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu đã ca ngợi. Khi chúng ta đánh giá theo quan điểm hiện nay bởi đó có thể là những hạn chế không thể tránh khỏi và đó cũng không phải là điều cơ bản nhất đã chứng tỏ sự trung thực và công bằng của tác phẩm khi nghị luận.
– Tuy nhiên những sự phủ nhận ấy không làm giảm đi giá trị của tác phẩm Lục Vân Tiên mà trái lại tác giả vẫn xem Lục Vân Tiên là tác phẩm lớn mang những nội dung tư tưởng đạo đức gần gũi với nhân dân cả xưa và nay “được học cảm xúc và thích thú”. Hơn thế đó còn là tác phẩm có lối kể chuyện “nôm na. dễ hiểu dễ nhớ, có thể truyền bá trong dân gian”.
- Kết bài:
Tóm lại, cơ sở đúng đắn và quan trọng nhất để Phạm Văn Đồng đánh giá tác phẩm Lục Vân Tiên đó là tác giả đã xem xét giá trị của Lục Vân Tiên trong mối quan hệ mật thiết với đời sống nhân dân. Truyện Lục Vân Tiên có giá trị bởi cả nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật đều thân thuộc với đông đảo nhân dân, được nhân dân chấp nhận và yêu mến.