Đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”
Từ một sự kiện lịch sử có thật ở thế kỉ XVI, Nguyễn Huy Tưởng đã dùng tài năng của mình hư cấu, sáng tạo nên vở kịch hiện đại “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” với 5 hồi mang đậm nỗi trăn trở của mình về số phận của cái đẹp, số phận của người nghệ sĩ trước thực trạng của xã hội phong kiến lúc bấy giờ.
Chỉ là một đoạn trích nhưng có đủ các yếu tố của một vở kịch : có thắt nút (xung đột), xung đột cao trào và mở nút (giải quyết xung đột). Không khí, nhịp điệu của sự việc được diễn tả theo chiều tăng tiến mức độ dồn dập đã thể hiện được tính chất gay gắt của mâu thuẫn và dần đẩy xung đột kịch lên cao trào. Cửu Trùng Đài và Vũ Như Tô là cái nút của mâu thuẫn. Xung đột đã được giải quyết bằng sự ra đi vĩnh viễn của cả hai. Với cả vở kịch, đoạn trích này là phần cao trào, rồi giải quyết mâu thuẫn lớn nhất của cả vở kịch.
Đoạn trích thể hiện rất rõ đặc sắc nghệ thuật kịch của Nguyễn Huy Tưởng: Ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao. Đặc biệt, nhà văn đã dùng ngôn ngữ, hành động của nhân vật để khắc họa tính cách, cũng như dẫn dắt vở kịch. Từng đoạn hội thoại, từng ngôn ngữ mà nhân vật phát ra đều khắc họa được cảm xúc, tình cảm mà họ dành cho nhau, cũng như chính bản chất con người của họ lúc gặp biến cố.
Nhịp điệu kịch càng lúc càng tăng tiến, nhất là lúc gần đến cao trào và cuối cùng là ở thắt nút cho thấy được khung cảnh dồn dập lúc đó của câu chuyện. Bên cạnh đó, còn có những đoạn chú thích được tác giả in nghiêng trong ngoặc đơn, giúp cho người đọc có thể hình dung rõ hơn về diễn biến, nội dung xung đột kịch cũng như hành động của nhân vật, qua đó nó càng thể hiện rõ nét hơn về từng cá nhân nhân vật.
Cụ thể. Ở lớp I hay lớp V, đối với Vũ Như Tô và Đan Thiềm. Là sự tôn trọng dành cho nhau của cả hai người. Đan Thiềm gọi Như Tô là “ông cả” với đầy sự kính trọng, bà lo lắng khi có biến cố. “Ông nghe tôi! Ông trốn đi! Ông nghe tôi! Ông phải trốn đi mới được!” hay “tránh đi! Trốn đi”. Lời nói ngắn gọn nhưng gấp gáp cùng với những dấu châm than thể hiện sự lo lắng cũng như điều mình nói là hoàn toàn chắc chắn, phải làm theo của Đan Thiềm, cho thấy được tình cảm chân thành của bà dành cho Vũ Như Tô.
Khác với sự lo lắng của Đan Thiềm, lại là sự bình tĩnh hết sức của Vũ Như Tô, ông khẳng khái tuyên bố “Phá Cửu Trùng Đài? Không đời nào! Mà tôi thì không làm gì nên tội. Họ hiểu nhầm” hay “Bà ở đây, vậy tôi cũng ở đây, nguy biến ta cùng chịu.” lời văn ngắn gọn nhưng bao quát được cả tấm lòng cũng như con người của từng nhân vật. Đan Thiềm lo lắng cho số phận của con người bà quý mến – con người tài giỏi, Vũ Như Tô khẳng khái tin chắc rằng công lí sẽ bảo vệ những điều mà ông luôn cố gắng vì tiếng vang của non sông đất nước. Và là một người bạn tốt, có hoạn nạn cùng chia sẻ.
Mỗi một đoạn hội thoại ngắn lại là cả một tâm trạng, một cảm xúc lớn lao của nhân vật. Ngôn ngữ dung dị, đời thường giữa những người thân quen với nhau, nhưng vẫn thể hiện được cảm xúc hiện có của từng người một cách tinh tế, sâu sắc. Nhân vật chính ở đây là Vũ Như Tô – một người nông dân có tài, vì nghệ thuật, cố gắng dùng nghệ thuật để phục vụ cho đất nước và bảo vệ đến cùng lí tưởng nghệ thuật của ông đã được khái quát rõ chỉ bằng một vài câu hội thoại ngắn. Đặc biệt, ở lớp IX, điều này đã được thể hiện rõ, khi quân sĩ dẫn Vũ Như Tô ra pháp trường, tác giả đã dùng ngôn ngữ nhân vật để khắc họa thêm mâu thuẫn giữa con người nghệ sĩ và con người công dân trong ông qua các câu đối thoại, độc thoại, qua hành động:
“VŨ NHƯ TÔ (nhìn ra, rú lên) – Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giậc! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đại!” Vũ Như Tô bàng hoàng đau đớn trước đứa con tinh thần mà mình đặt hết tất cả vào gây dựng bị thiêu rụi và dĩ nhiên là những gì ông tin rằng mọi người sẽ công nhận những cống hiến của ông cũng trở nên là một điều gì đó hết sức xa xỉ ngay lúc này.
Tới đây thì ta có thể thấy rõ được tác dụng của ngôn ngữ kịch! Ngắn gọn nhưng mang tính tổng hợp cao, nhịp điệu gấp gáp chóng vánh với các dấu chấm than, dấu phẩy, dấu chấm hỏi… như chính cảm xúc của nhân vật, từ thay đổi này tới thay đổi khác, hết bình tĩnh, tới lo lắng, tới hi vọng và cuối cùng là tuyệt vọng. Cùng với đó là những chú thích, những hành động, những tiếng reo, tiếng thét, những từ dùng để diễn tả bộ dạng “thở hổn hển, hất hàm, rú lên, khóc, nóng ruột, giậm chân gắt, quỳ xuống, cười ha hả” hay diễn tả cảm xúc “hi vọng, khinh bỉ, thất vọng”… đều phản ảnh một cách chân thực khung cảnh náo loạn, xung đột cao trào lúc đó, cũng như sự giằng xé cảm xúc trong từng nhân vật kịch.
Đoạn trích còn thể hiện được cái tài của Nguyễn Huy Tưởng khi xây dựng kịch, các lớp kịch ngắn, thay đổi liên tục nhưng vẫn bao quát được diễn biến của câu chuyện, thể hiện được bản chất của kịch. Ngoài ra, việc đặt nhân vật trong không gian cung cấm với các tên đất, tên người cụ thể ít nhiều có yếu tố sử sách làm cho vở kịch hoành tráng, có không khí lịch sử, mang tính chân thực, gợi cảm hứng cho người đọc, người xem.