dac-sac-nghe-thuat-trong-van-ban-me-toi-cua-et-mon-do-do-a-mi-xi

Đặc sắc nghệ thuật trong văn bản “Mẹ tôi” của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi

Đặc sắc nghệ thuật trong văn bản “Mẹ tôi” của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi

1. Tóm tắt nôi dung văn bản:

En-ri-cô đã vô tình ăn nói thiếu lễ độ với mẹ. Bố biết chuyện nên đã viết thư cho En-ri-cô với lời lẽ vừa yêu thương, vừa tức giận. Trong thư, bố nói về tình yêu thương, sự hi sinh to lớn mà mẹ đã dành cho En-ri-cô. Trước cách cư xử tế nhị, khéo léo nhưng cũng rất kiên quyết, gay gắt của bố, En-ri-cô cảm thấy rất hối hận.

2. Ý nghĩa nội dung:

– Với giọng văn tha thiết nhưng nghiêm khắc cùng với cách diễn đạt độc đáo, nhà văn đã giúp chúng ta cảm nhận được “Mẹ tôi” là bài ca tuyệt đẹp, ca ngợi vẻ đẹp cao cả, giàu đức hi sinh của người mẹ, vẻ đẹp mẫu mực của người cha và cho ta bài học sâu sắc về đạo làm con.

– Tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ hiền. Văn bản nhắc nhở mỗi người: tình yêu thương và kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ, nhục nhã cho những kẻ nào chà đạp lên tình cảm đó

3. Nghệ thuật biểu hiện:

– Văn bản chọn hình thức viết thư. Đây là nét nghệ thuật độc đáo bởi:

+ Thư là loại văn bản bình thường để bộc lộ tình cảm, cảm xúc. Những tình cảm sâu sắc, thiêng liêng thường rất tế nhị, kín đáo nhiều khi không thể nói trực tiếp được. Mượn hình thức là một bức thư, người bố đã gửi gắm được biết bao nỗi niềm, tâm trạng của mình. Đó là nỗi buồn bã, tức giận của mình, bộc lộ được nỗi xót xa, thất vọng, đau đớn khi đứa con không xứng đáng với sự trông đợi của bố. Đây cũng là cách bộc lộ khéo léo của tác giả. Mượn hình thức là một bức thư, người bố còn bày tỏ tình cảm người mẹ En- ri- cô với con. Đây là một đoạn văn hay nhất, giàu sức biểu cảm nhất, xúc động lòng ta nhất. Người bố sau khi kể lại những việc làm, tình cảm người mẹ để đi đến khẳng định: Tình mẹ con thiêng liêng sâu nặng. Đức hi sinh thầm lặng, tình mẫu tử cao cả vô cùng. Không chỉ có vậy, người bố còn dự cảm bao tình huống đau đớn, xót xa, để khẳng định một chân lý, một quy luật muôn đời về tình mẫu tử khăng khít, gắn bó, bền chặt mãi mãi.

+ Nếu nói bằng văn bản ý từ sẽ sâu sắc hơn, sự sắp xếp sẽ chặt chẽ hơn. Hơn nữa nếu viết bằng thư thì chỉ riêng người mắc lỗi biết, vừa giữ được sự kín đáo tế nhị vừa không làm người phạm lỗi bị tổn thương. Viết thư sẽ tạo cho con một thế giới riêng để con ngẫm nghĩ, đọc đi, đọc lại và thấm thía. Con có thể xem đó là một kỉ niệm, một bài học lưu lại trong đời để không bao giờ quên.

– Chọn tình huống giả định rất đặc sắc, làm nổi bật chủ đề tư tưởng của văn bản, đó là tình yêu thương sâu nặng của người mẹ.

– Lồng trong câu chuyện một bức thư có nhiều chi tiết khắc họa tận tụy, giàu đức hi sinh, hết lòng vì con

– Lựa chọn hình thức biểu cảm trực tiếp, có ý nghĩa giáo dục, thể hiện thái độ nghiêm khắc của người cha đối với con

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang