»» Nội dung bài viết:
Đặc trưng ngôn ngữ tác phẩm văn học trung đại.
Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, là hình thức biểu hiện của văn học. Ngôn ngữ văn học trung đại Việt Nam thuộc phạm trù trung đại, mang những đặc trưng riêng của nó, phân biệt với ngôn ngữ hiện đại. Ngôn ngữ văn học trung đại có những đặc trưng đáng chú ý sau:
1. Ngôn ngữ tác phẩm văn học trung đại chuộng về hình thức bên ngoài.
– Ngôn từ cũng được hiểu như những dấu hiệu biểu hiện hơn là lời nói, phát ngôn.
– Xem ngôn ngữ là bức gấm thêu, được “dệt” bằng các “chữ” (tự) có âm thanh (bằng trắc), có chủng loại, màu sắc…theo các quy luật đối, niêm nhất định.
– Ngôn từ được ví với nhạc, họa nhiều hơn là phát ngôn lời nói.
– Làm thơ văn bắt đầu bằng luyện ý, luyện chữ, luyện câu…để đạt được cái tự do trong khuôn khổ gò bó. Ngôn từ được biểu đạt bằng “ý tại ngôn ngoại”.
Ví dụ:
Sử dụng những từ ngữ trang trọng mang tầm vóc vũ trụ chỉ hình ảnh người trai và quân đội nhà Trần:
Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
(Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão)
Vẽ lên bức tranh khung cảnh đèo Ngang với những ngôn từ khắc họa hình ảnh, sự vận động trong cảnh:
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
(Qua đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)
Nguyễn Du đã lựa chọn những từ ngữ giàu hình ảnh, sắc thái biểu hiện khi nói về tài “cầm kì thi họa” của Thúy Kiều:
Khi Kim Trọng khen Kiều khi nàng làm một bài thơ viết lên bức tranh Kim Trọng mới vẽ:
Khen tài nhả ngọc phun châu,
Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này!
Khi miêu tả tài đánh đàn của Kiều:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Những đặc điểm ngôn ngữ trên của tác phẩm văn học trung đại xuất phát từ quan niệm về “văn chương” của người trung đại. Khái niệm “văn” dùng để chỉ văn hóa, học vấn, học thuật, rồi sau chỉ vẻ đẹp hình thức (văn của trời, văn của hổ, báo), chỉ sự trang sức cho đẹp, nhã; “văn chương” chỉ học vấn, vẻ đẹp bề ngoài. Phan Kế Bính quan niệm: “Văn là gì? Văn là vẻ đẹp; chương là gì? Chương là vẻ sáng. Lời của người ta rực rỡ, bóng bẩy, tựa như ta có vẻ đẹp, vẻ sáng, cho nên gọi là văn chương.”
Chính quan niệm ngôn ngữ văn học này làm cho văn xuôi phát triển chậm vì họ cho rằng văn xuôi gắn với ngôn ngữ phàm tục, ngôn ngữ đời sống.
2. Ngôn ngữ mang tính nghi thức, khuôn mẫu, công thức khuôn sáo trong diễn đạt.
– Biểu hiện ở tính chất ước lệ, tượng trưng của tác phẩm văn học trung đại. Đó là việc sử dụng công thức khuôn sáo, sử dụng điển tích điển cố. Xuất phát từ quan niệm “sùng cổ” của nhà nho, tôn sùng cổ nhân, khái quát hiện thực theo khuôn mẫu có sẵn mà cổ nhân đã đặt ra.
Ví dụ:
Khi nói về chí nam nhi:
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)
(Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão)
Trong vũ trụ đã đành phận sự,
Phải có danh mà đối với núi sông.
(Chí nam nhi – Nguyễn Công Trứ)
Mượn hình ảnh cây thông để chỉ người quân tử:
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
(Cây thông – Nguyễn Công Trứ)
– Điều này dẫn đến việc sử dụng những câu, mẫu có sẵn, những lời lẽ nghi thức gặp ở khắp nơi, tạo thành những hình tượng “đấng”, “bậc” trong tác phẩm văn học trung đại.
Ví dụ: quan niệm đấng bậc và quân vô loài trong “Truyện Kiều”:
Dùng từ Hán Việt khi nói về các nhân vật đấng bậc:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Dùng từ Nôm khi nói về nhân vật thuộc quân vô loài:
Thoắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao!
– Tính nghi thức đòi hỏi phải được đào tạo để biết dùng “chữ”, tỏ ra “hay chữ”.
Đặc điểm này làm cho ngôn ngữ văn học trung đại thường trở thành sáo ngữ, nặng chất sách vở, xa với lời nói hàng ngày.
3. Ngôn ngữ tác phẩm văn học trung đại mang tính trang trí.
Khi mục đích ngôn chí, chỉ đạo chủ yếu đòi hỏi văn từ phải đạt, nhã, trung hậu, lập thành thì cái đẹp thường là điểm xuyết và người ta hình dung nó ở vị trí trang trí. Nhu cầu trang trí đòi hỏi đưa ra các hình ảnh hoán dụ bóng bẩy, vui mắt, vui tai:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
(Truyện Kiều)
Trai du gối hạc lom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
(Đánh đu – Hồ Xuân Hương)
Chim oanh vườn cũ đương bay nhảy
Chồi quế sân sau muốn thập thò.
(Nguyễn Khuyến)
– Tính trang trí biểu hiện ở tính chất cân đối, hài hòa, thích sử dụng văn biền ngẫu, khai thác các thể loại mang tính hài hòa bằng việc sử dụng các hình thức đối (hình thức, thanh điệu, tiểu đối,…). Các loại chơi chữ, các kiểu đối ngẫu đều có tác dụng trang trí, tạo thú vui tao nhã, mở rộng không gian cảm thụ.
Đặc trưng 2+3 xuất phát từ xã hội trọng lễ nghi, xã hội có trật tự ổn định và ngôi thứ rõ ràng.
4. Ngôn ngữ tác phẩm văn học trung đại thường cốt đắc thể, phù hợp phong cách thể loại, tình huống biểu cảm.
– Mỗi thể loại thường có loại phong cách ngôn ngữ thể hiện riêng.
Như nhận xét của Lê Quý Đôn: “Các nhà thơ đều có sở trường riêng. Người đài các, thị tụng thì thơ phải êm dịu, dồi dào, kẻ ở nơi quán thành, biên thú thì thơ phải hoang lạnh, hào tráng. Nhà thơ ưa cảnh vật các mùa thì thơ phải có thú nhàn rỗi, phóng khoáng. Thơ đạo chí (nói chí hướng) thì phải trang trọng, thơ điếu cổ (viếng cảnh cổ, người xưa) thì phải cảm khái, thơ đầu tặng (đưa tặng cho người khác) thì phải dịu dàng… Phải dàn xếp ý thơ trước rồi mới đặt lời thơ sau, sao cho không làm thể thơ này lẫn với thể thơ khác thì mới là tinh, là thục. Nếu chuộng nặn nọt, ưa mới lạ, gò gẫm từng chữ, từng câu, thơ làm ra sẽ kém”.
Ví dụ:
+ Bài “Nhàn” (Nguyễn Bỉnh Khiêm) ngôn từ giản dị, tự nhiên mà cô đọng, giàu ý vị thể hiện cái thú nhàn dật, ung dung tự tại của một trí sĩ
+ Bài “Thu điếu” (Nguyễn Khuyến) với những ngôn từ bình dị, trong sáng, giàu hình ảnh vẽ nên một bức tranh quê đẹp, thanh sang và trong trẻo
Quan niệm trên về ngôn ngữ giúp ngôn ngữ thơ được trau chuốt, phù hợp với thể loại nhưng cũng mang tính công thức máy móc, hạn chế cá tính sáng tạo của các tác giả.
– Mỗi tác giả có từng phong cách riêng sẽ tạo ra hệ thống ngôn từ diễn đạt riêng phù hợp với từng thể loại sáng tác.
Ví dụ: ngôn ngữ trong thơ của Hồ Xuân Hương khác với ngôn ngữ thơ của Bà Huyện Thanh Quan, ngôn ngữ trào phúng của Nguyễn Khuyến khác với ngôn ngữ trào phúng của Tú Xương,…
Những đặc trưng trên làm cho ngôn ngữ trong tác phẩm văn học trung đại khác hẳn hiện nay.