Nội dung:
Quan niệm về thời gian trong văn học trung đại.
I. Thời gian là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt, “thời gian là một phạm trù triết học, cùng với không gian là hình thức tồn tại của vật chất, của thế giới. Không có sự vật hiện tượng nào tồn tại ngoài nó, chỉ trong thời gian và không gian thì sự vật mới có tính xác định” Từ định nghĩa trên chúng ta có thể thấy rằng thời gian là một phạm trù triết học, là hình thức tồn tại của thế giới vật chất, nhờ có thời gian mà thế giới vật chất trở nên xác định. Được xác định bởi thời gian, thế giới vật chất vận động, biến đổi không ngừng.
II. Thời gian nghệ thuật.
1. Thời gian nghệ thuật là gì?
Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật.
2. Đặc điểm của thời gian nghệ thuật.
Khác với thời gian khách quan được đo bằng đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược, quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo dài cái chốc lát thành vô tận. Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức: sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa khác,… tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm. Như vậy, thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật.
Thời gian nghệ thuật là nhân tố nằm trong mạng lưới nghệ thuật của tác phẩm văn học. Nó buộc thời gian cú pháp và quan niệm triết học về thời gian phải phục vụ cho những nhiệm vụ nghệ thuật của nó. Thời gian nghệ thuật là một phạm trù thuộc về thi pháp tác phẩm. Đây là một hình thức hiện hữu, vừa là một hình thức tư duy của con người được diễn đạt bằng ngôn từ trong quá trình miêu tả tính cách, hoàn cảnh, con đường đời của nhân vật .
Thời gian nghệ thuật là phương tiện nghệ thuật để tác giả nhận thức và phản ánh đời sống. Do đó, thời gian nghệ thuật chịu ảnh hưởng nhiều bởi tính chủ quan. “Thời gian nghệ thuật luôn mang tính cảm xúc (tâm lý) và tính quan niệm, do đó đầy tính chủ quan”. Tính chủ quan của thời gian nghệ thuật được thể hiện ở cách cảm nhận, miêu tả thời gian của tác giả. Ở đây, tác giả có toàn quyền sử dụng, tái hiện thời gian theo nhu cầu và mục đích của riêng mình mà không gặp bất cứ một cản trở nào.
Không có thời gian vật chất, tác phẩm nghệ thuật không tồn tại được. Nhưng thời gian khách quan đó chưa phải là thời gian nghệ thuật. Bởi thời gian nghệ thuật là hình thức tái hiện thời gian một cách đặc biệt. qua tác phẩm, ta có thể trải qua một cuộc đời, một ngày, trải qua nhiều thế hệ, hoặc quay về quá khứ, hay nhảy vượt tới tương lai, hoặc sống với thời gian cõi tiên như Từ Thức. Nhìn chung, thời gian nghệ thuật là là thời gian có các đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, thời gian nghệ thuật là thời gian hữu hạn. Tác phẩm nào cũng có mở đầu và kết thúc. Bài thơ là cảm xúc bột phát trong giây phút. Dù viết đến 111 năm như Tam Quốc diễn nghĩa cũng chỉ là một đoạn nhắm, một tích tắc trong vô tận thời gian.
Thứ hai, thời gian nghệ thuật có tính liên tục của thời gian sự kiện, có độ dài với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian: hiện tại, quá khứ, tương lai, thời gian đồng thời, đồng hiện hoặc vĩnh cữu. Đồng thời với tính liên tục này phải thấy thời gian nghệ thuật có tính gián đoạn, bởi nghệ thuật không có ý và cũng không thể tái hiện toàn bộ chiều dài của thời gian, mà chỉ chọn lấy những đoạn có ý nghĩa rồi lien kết lại. Vì thế giữa các sự kiện luôn có các đoạn thời gian bị bỏ qua, bị tỉnh lược, khiến cho nhà văn có điều kiện diễn giải lí do, phân tích tâm lí của các nhân vật. (Ví dụ mười năm sau, chiều hôm sau, hoặc đến chỗ gay cấn thì dừng lại, chuyển sang sự kiện khác.). Nếu không có gián đoạn thì nhà văn sẽ bị lệ thuộc vào dòng thời gian khách quan của sện được tính nghệ thuật.Có thể nói thời gian nghệ thuật có tính liên tục của những thời đoạn khác thời. Do tính gián đoạn mà ngắt thời gian ra, để nó có thể lặp đi lặp lại, có thể hồi cố, hồi tưởng, có thể kể theo hai mạch, ba mạch khác nhau.
Thứ ba, thời gian nghệ thuật do nghệ thuật sáng tạo ra nên mang tính chủ quan, tự do, ước lệ, nhanh chậm gắn với thời gian tâm lý. Nhà văn có thể bắt đầu hay kết thúc ở đâu cũng được, miễn là có ý nghĩa. Nó có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian thực tế. Nó có thể đảo ngược hay vượt tới tương lai. Nó có thể dừng lại, hoặc vĩnh viễn. Thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo của tác giả bằng các phương tiện nghệ thuật nhằm làm cho người thưởng thức cảm nhận được: hoặc hồi hộp đợi chờ, hoặc thanh thản vô tư, hoặc đắm chìm vào quá khứ. Thiếu sự cảm thụ, tưởng tượng của người đọc thì thời gian nghệ thuật không xuất hiện. Nhưng thời gian nghệ thuật cũng không phải là một hiện tượng của tâm lý cá nhân người đọc, muốn cảm thụ nhanh chậm thế nào cũng được. Thời gian nghệ thuật là một sáng tạo khách quan trong chất liệu. Nếu như một tác phẩm có thể gây hiệu quả hồi hộp đợi chờ thì đối với ai, lúc nào, khi cảm thụ, thời gian ấy đều xuất hiện.
Thứ tư, thời gian nghệ thuật là một biểu tượng, một tượng trưng, thể hiện một quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người. Cuộc đời có thể như chớp mắt, như giấc mộng. Cuộc đời có thể chỉ là cuộc đày ải vô tận. Cuộc đời có thể chỉ như con thoi đưa mà không có sợi chỉ, hoàn toàn vô nghĩa. Cuộc đời có thể là cuộc hành quân đi tới tương lai hoặc dẫm chân tại chỗ… Thời gian nghệ thuật là phạm trù có nội hàm triết lý. Chỉ cần lưu ý tới quan niệm thời gian trong thơ Xuân Diệu, trong thơ Chế Lan Viên, trong thơ Tố Hữu, ta sẽ thấy ý nghĩa của phạm trù thời gian trong thơ ca và văn học nói chung. Xuân Diệu viết “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua, Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”…Thời gian trôi quá nhanh, vượt quá mức bình thường, khiến tuổi trẻ quá ngắn ngủi. Chế Lan Viên viết: “Cả quá khức là chuỗi mồ vô tận, cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành, Và hiện tại biết cùng chăng hỡi bạn, Cũng đang chon mòn mỏi chuỗi ngày xanh”. Thời gian chỉ là nấm mồ. Còn Tố Hữu chỉ thấy có một tương lai chắn chắn như đinh đóng cột: “Ngày mai đây tất cả sẽ là chung, Tất cả sẽ là vui và ánh sáng”. Ông nói với cô gái giang hồ trên sÔng Hương: “Ngày mai cỗ sẽ từ trong tời ngoài, Thơm như hương nhuỵ hoa lài, Sạch như nước suối ban mai giữa rừng. Ngày may bao lớp đời dơ, Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay”… Tiếc thay lời hứa của ông hoá ra là hứa suông. Trước mắt chỉ là một thời ảo tưởng.
Thứ năm, là thời gian của tính sáng tạo rất đa dạng. Là hình thức của hình tượng nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học, bởi vì nó thể hiện thực chất sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu và kết thúc tác phẩm, có thể kể nhanh hay chậm, có thể kể xuôi hay đảo ngược, có thể chọn độ dài một khoảnh khắc hay nhiều ngày, nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời. Thời gian thể hiện ý thức sáng tạo chủ động, tự do, chủ quan của nghệ thuật.
Thứ sáu, là thời gian nghệ thuật có thể được xét trên nhiều bình diện. Viện sĩ D.S. Likhachev nói: “Thời gian là đối tượng, là chủ đề, là công cụ miêu tả – là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian xuyên suốt toàn bộ văn học”. Như thế có thể xem xét thời gian từ nhiều góc độ, từ chủ đề đến các biểu hiện nghệ thuật.
3. Các bình diện của thời gian nghệ thuật.
Thời gian nghệ thuật tự bản thân nó đã là “một hiện tượng ước lệ trong thế giới nghệ thuật”, một phạm trù trừu tượng trong thế giới nghệ thuật, có thể nhận biết qua sự vận động, biến đổi của chuỗi các hiện tượng, sự kiện. Là một hiện tượng ước lệ, cho nên thời gian nghệ thuật cũng rất khó xác định.
Thời gian nghệ thuật thể hiện sự tự cảm thấy của con người trong thế giới. Có thời gian nghệ thuật không tách rời với chuỗi biến cố cốt truyện như cổ tích, có thời gian nghệ thuật xây dựng trên dòng tâm trạng và ý thức như tiểu thuyết, có tác phẩm dừng lại chủ yếu trong quá khứ, khép kín trong tương lai, có thời gian nghệ thuật “trôi” trong các diễn biến sinh hoạt, có thời gian nghệ thuật gắn với các vận động của thời đại, lịch sử, lại có thời gian nghệ thuật có tính “vĩnh viễn”, đứng ngoài thời gian như thần thoại.
Thời gian nghệ thuật phản ánh sự cảm thụ thời gian của con người trong từng thời kì lịch sử, từng giai đoạn phát triển, nó cũng thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong thế giới. Trong thế giới nghệ thuật, thời gian nghệ thuật xuất hiện như một hệ quy chiếu có tính tiêu đề được giấu kín để miêu tả đời sống trong tác phẩm, cho thấy đặc điểm tư duy của tác giả. Gắn với phương thức, phương tiện thể hiện, mỗi thể loại văn học có kiểu thời gian nghệ thuật riêng.
Phạm trù thời gian nghệ thuật cung cấp một cơ sở để phân tích cấu trúc bên trong của hình tượng văn học, cũng như nghiên cứu loại hình các hiện tượng nghệ thuật trong lịch sử.
II. Quan niệm thời gian trong văn học trung đại.
Khác với quan niệm thời gian một đi không trở lại của văn học hiện đại, văn học trung đại quan niệm thời gian xoay tròn, tuần hoàn, không mất đi mà quay trở lại nguồn gốc. Chính quan niệm đó đã chi phối không nhỏ đến hình thức thời gian nghệ thuật trong văn học nói chung và trong thơ ca trung đại nói riêng
1. Các hình thức thời gian trong thơ trung đại.
a. Mô hình chung của thời gian trong thơ ca trung đại.
Thời gian, không gian là hình thức tồn tại của thế giới, của cuộc sống con người. Không có gì có thể tồn tại ngoài không gian và thời gian. Do vậy mọi cảm nhận về tồn tại của con người đều gắn liền với cảm nhận của không gian và thời gian. Con người cảm nhận thời gian từ sự đổi thay của chính mình và của thế giới xung quanh.
Thơ ca Việt Nam hình thành trước hết là bộ phận thơ chữ Hán, rồi sau mới có bộ phận thơ chữ nôm làm theo luật Đường. Đối với người Việt Nam thơ chữ Hán là một tử ngữ, muốn làm thơ thì phải học, từ mô phỏng tới sáng tạo, chữ không thể làm hồn nhiên như sinh ngữ được. Do vậy ảnh hưởng của mô hình tư duy, cảm nhận thế giới là một điều tất yếu. Khó có thể nói tới thời gian không gian trong thơ Việt Nam mà không nói tới các phạm trù ấy trong thơ Trung Quốc như những mẫu gốc trong tâm trí. Lẽ dĩ nhiên, người Việt Nam luôn luôn có sự lựa chọn của mình.
Lấy con người làm bản vị, với tinh thần trách nhiệm tiến thủ, nhà nho luôn cảm thấy lo lắng, bối rối trước thời gian trôi nhanh vô tình. Trong thơ “Ly Tao”, Khuất Nguyên luôn đối lập xưa nay, sớm tối.
Ta vội vàng dường chẳng kịp a,
Sợ tuổi xanh ta không trở lại
Sớm bẻ mộc lan núi Tỹ a,
Chiều túc mục bãi sông hái.
Ngày tháng vùn vụt cùng dừng a,
Đắp đổi hết xuân rồi lại thu…
Cảm thức thời gian này thống nhất với cảm thức của Khổng Tử khi đứng bên bờ sông: “Cái mất đi như thế sao, bất kể ngày đêm!” Con người luôn cảm thấy sức ép của thời gian đè nặng lên mình. Lấy thiên nhiên vũ trụ làm bản vị đạo gia chỉ thấy thiên nhiên vũ trụ là vĩnh hằng, vô hạn, vô thủy, vô chung, còn con người, muôn vật đều ngắn ngủi, hữu hạn, vô nghĩa. Chỉ có quên mình hữu hạn, hòa mình vào thiên nhiên, vũ trụ vô cùng con người mới có được tự do, thư thái. Trong thiên “Chí Lạc”, Trang Tử nói: “xưa có con chim biển đáp xuống ngoài thành nước Lỗ. Vua Lỗ ngự ra bắt nó, rước về thái miếu, đặt tiệc mừng nó, cho tấu nhạc Cũng thiều, làm lễ thái lao khoản đãi. Nhưng con chim dớn dác, âu sầu, không ăn một miếng thịt, không uống một giọt rượu, ba ngày sau thì chết. Đó là lấy cách nuôi dưỡng mình mà nuôi chim. Muốn lấy cách nuôi chim mà nuôi chim thì phải cho nó ở trong rừng sâu, tự do dạo trên đồng lầy, trôi nổi trên sông hồ…”
Trở về với thiên nhiên, cảm giác vô thời gian là cảm giác sung sướng, Trang Tử đã làm cho người ta thấy cuộc đời ngắn ngủi, chóng tàn và hướng họ về một thời gian tự nhiên tĩnh tại, bất biến. Thơ thời Hán Ngụy đầy nỗi buồn đau về đời người ngắn ngủi, ngày tháng phôi pha. Đào Tiềm ngoài nỗi đau đời ngắn còn cảm được sự an nhàn yên tĩnh của cuộc đời vô sự.
Cảm nhận thời gian của con người ngắn ngủi, chóng tàn với thời gian vũ trụ tĩnh tại, bất biến là hai chủ đề thời gian tiêu biểu trong thi ca Trung Quốc và gắn liền với chúng là những chủ đề nhỏ và hình thức biểu hiện sự đa dạng. Thời gian lịch sử là sự hung phế, đổi thay triều đại, là sự mở rộng thời gian của con người. Thời gian siêu nhiên, tiên cảnh là một dạng đặc thù của thời gian vũ trụ của Đạo giáo. Thời gian sinh hoạt với sáng, trưa, chiều, tối cũng là biểu hiện vừa của thời gian vũ trụ khách quan, vừa của hoạt động con người.
Ngoài các đặc điểm trên thơ ca trung đại còn chịu sự quy định của quy luật cảm thụ toàn vẹn, nhìn mọi sự với toàn bộ quá trình; hình thức tuần hoàn của thời gian thiên nhiên, như ngày đêm, bốn mùa, sống chết; ý niệm lý tưởng hóa thời cổ xưa, một thời hoàng kim trong quá khứ, sự chuyển hóa qua lại của cảm nhận không gian và thời gian.v.v…
b. Thời gian vũ trụ bất biến trong thơ.
Điểm nổi bật trong cảm xúc thức thời gian trong thơ Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XVII là vị trí chủ đạo của thời gian thiên nhiên của vũ trụ bất biến, tĩnh tại. Thơ thiền lẽ dĩ nhiên hướng về một thời gian niết bàn tịch mịch, bất biến; thơ các nhà nho (nho quân, nho thần) từ vua tôi nhà Trần, nhà Lê cho đến các bài Vịnh, bài văn của Hoàng Sĩ Khải, Đào Duy Từ thế kỉ XVII chủ yếu đều đắm chìm vào thời gian vũ trụ vĩnh viễn. Đặc điểm này làm cho thơ Việt Nam giai đoạn này gần với thơ đời Tấn với Đào Tiềm, thơ đời Tống như Tô Đông Pha hơn là gần với thơ đời Hán, Đường.
Nhà Hán học Nga L.Âyđơlin trong công trình nghiên cứu giới thiệu thơ Trung Quốc và Việt Nam đã có nhận xét khái quát rằng các mùa trong năm (xuân, hạ, thu, đông) tượng trưng cho thời gian trôi vô tình. Chúng gây xúc động cho con người hơn bất cứ hiện tượng nào khác. Chúng đến với con người rồi bỏ đi. Chúng khi thì bạn bè, khi thì thù địch với con người, chúng là cái nền trữ tình phổ biến. Cái “vạn cổ”, “thiên cổ” không được cảm thụ như một cái gì cổ xưa đã lùi về dĩ vãng, mà là một cái gì đó tồn tại ngay bên cạnh, như là một cái hiện tại đã được lý tưởng hóa. Thời gian chỉ hướng cho người ta chú ý về quá khứ vì nó trôi nhanh, và bốn mùa đến rồi đi, vẫn là bốn mùa ấy. Tương lai là phạm trù ít được quan tâm. Thời gian hóa vào không gian. Một mặt trăng trên trời có thể chiếu cả nam cả bắc, cả quá khứ, cả tương lai và thống nhất mọi sự trong một thời gian bất biến trên tầm cỡ vũ trụ. Ví như thời gian trong thơ thiền là một loại vô thời gian, bất biến, thường trụ vì không sinh không diệt. Ngũ đăng hội nguyên có chuyện vấn đáp của các nhà sư như sau:
“Lại hỏi: Đường ra núi đi về phía nào?
Sư đáp: Theo dòng nước xuôi”
Một đoạn khác:
“Hỏi: Hòa thượng ở đây bao lâu rồi?
Sư đáp: Không quá xuân thu.
Lại hỏi: Hòa thượng ở đây trước hay núi ở trước?
Sư đáp: Không biết”.
Cũng Ngũ đăng hội nguyên có đoạn:
“Hỏi: Thế nào là người một mình trên đỉnh núi cao trơ trọi?
Đáp: Mặt trời sáng nửa đêm, gõ canh ba lúc đúng ngọ”.
Mặc dù nhìn nhận thời gian trần tục một cách tiêu cực, trên thực tế, thơ thiền đã thấy tính bi kịch của thời gian cá nhân và tìm cách vượt qua. Và thời gian tịch diệt, vô sắc tướng là cảm quan trá hình của thời gian vũ trụ. Thật vậy, trong các bài thơ trên tuy cũng nói đến các đơn vị thời gian như suốt ngày (Dã tình chung nhật lạc vô dư), quá trưa, canh ba, vui đến sáng…nhưng chúng chỉ là các đơn vị thời gian tĩnh tại trong khoảng vô tận. Do vậy ở đây không có quá khứ, không có tương lai, chỉ có một thời hiện tại vĩnh viễn.
Bên cạnh thơ thiền, thơ nhà nho cũng tràn đầy thời gian tĩnh tại bất biến. Thời gian vũ trụ tĩnh tại trước hết thể hiện ở các nhan đề thơ nói về một thời điểm: vãn cảnh, triêu cảnh, mộ cảnh, dạ vũ, xuân đán, sơ hạ, xuân hàn, thu nhật, hiểu than…Các bài thơ phong cảnh thường miêu tả cảnh sắc trong một thời điểm tĩnh tại, ví dụ như bài Cảm hứng núi Chí Linh của Chu An:
Núi xanh muôn lớp họa bình che
Ác xề soi lên rạng nửa khe.
Bụi rậm đường sâu người vắng vẻ
Trong mây chim khách gọi le le.
Trong cảnh sắc thời gian người ngừng trôi.
Trong Hồng Đức quốc âm thi tập thời gian bốn mùa, năm canh 12 tháng đều trở thành đối tượng ngâm vịnh. Thời gian được ý thức trong từng đơn vị ở một khía cạnh nào đó, trạng thái nào đó, nhưng thời gian thì không vận động, mặc dù có thể đổi thay. Ví dụ bài Vịnh cảnh mùa hè, thời gian xem như một đối tượng tĩnh:
Nghi ngút ngàn mây tán lửa che,
Rùng người thay bấy gọi là hè.
Hồng bay lựu, màn vây liễu,
Hương nức sen, bóng rợp hòe.
Tường nọ nhặt khoan vang tiếng cuốc,
Cành kia dắng dỏi gẩy cầm ve.
Lầu cao gió mát, người vô sự,
Khúc Nam huân văng vẳng nghe.
Tính tĩnh tại, bất biến còn được thể hiện ở thời gian lịch sử trong thơ tương quan với thời gian vũ trụ. Đặc điểm nổi bật của văn học thời gian lịch sử trong thi ca văn học trung đại là thời gian không gian hóa, tính bất biến của lịch sử hóa thân vào dấu tích.
Trong thơ, các dấu tích lịch sử được cảm nhận cũng như tồn tại trong hiện tại, trong không gian. Phạm Ngũ Lão trong bài Thuật Hoài nhắc tới Vũ Hầu: “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu” như là người cùng thời. Đặng Dung nhắc tích “Đồ điếu” – Hàn Tín câu cá và Phan Khoái làm thịt chó mà không cảm thấy xa xưa. Trần Minh Tông trong bài Bạch Đằng giang thấy lịch sử còn biểu hiện trong ảo giác:
Nước dòng sông chiếu bóng mặt trời đỏ ối,
Tưởng máu người chết trận chưa khô.
Lịch sử ở đây hiện ra như một niềm mơ ước về chiến công hay bài học lịch sử đắt giá. Điển cố trong thi ca chẳng khác gì hơn là làm sống lại quá khứ để cổ vũ cho tương lai. Lý Bạch trong Hành lộ nan đang lúc khó khăn nhớ tới: “Nhàn lai thủy điếu bích khê thương / Hốt phục thừa chu mộng nhật biên”. Thơ Nguyễn Trãi cũng có nhiều câu như thế:
Kham hạ Trương Lương chăng khứng ở,
Tìm tiên để nộp ấn phong hầu.
(Tự giới bài 35)
Đầu non Thiếu đất đen bằng mực
Dòng nước liêm khê lục nửa chàm
(Tự giới bài 27)
c. Thời gian con người trong thơ ca.
Trong văn học trung đại, thời gian con người được ý thức trước thực tế tuổi tác, thọ yểu và sự bất lực của con người. Thơ ca nói đến cái hữu hạn của đời người: Sự nhỏ bé của kiếp người bé của kiếp người để khẳng định con người, nêu bật tính chất tồn tại của cá nhân, cá thể con người. Thời gian cá nhân làm nảy sinh các đề thơ: thương xuân, thương thệ, các chủ đề sinh không gặp thời, nhân sinh như mộng
Trong thơ Hồ Tông Thốc, Trần Nguyên Đán, Lê Cảnh Tuân, Đặng Dung vang lên mô-típ tiếc đời mau qua: “Đời mấy tuổi thanh niên”, “đầu bạc tuổi già”, “Quốc thù chưa trả đầu bạc trước”.
Thời gian cá nhân được cảm thấy rõ nhất là thời gian của cá nhân xuất chúng, các anh hùng. Thời gian của họ quá ngắn ngủi trước thời gian vô hạn như bài Văn hứng, Cửa bể Bạch Đằng, Quan hải… của Nguyễn Trãi. Qua cửa Thần phù ông than:
Giang sơn như cũ anh hùng biến mất.
Ông làm thơ “tích cảnh” mà thực ra tiếc thời gian, tuổi trẻ:
Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lẽ xuân qua tuổi tác thêm.
Tiếc một tuổi tre bình thường của con người để hưởng thụ đầy đủ cuộc sống. Có lẽ Nguyễn Trãi là nhà thơ Việt Nam đầu tiên tính thời gian bằng ngày, những đơn vị nhỏ: Ba xuân thì được chín mươi ngày.
Tuy vậy phải nói rằng do chỉ sống với cá thể tinh thần, cảm thức thời gian của con người còn hết sức mờ nhạt. Chưa thấy có những nỗi buồn đau vò xé vì thời gian trôi chảy mất. Phải sang thời kì ý thức cá nhân được khẳng định ở bình diện thân xác như đã nói, ý thức thời gian con người mới được biểu hiện rõ nét trong thơ và đến thời nay con người trong thơ mới bắt được cái mạch trong thơ các thời Ngụy, Hán, Đường. Nguyễn Du cảm nhận được sự nhỏ nhoi của con người trước thời gian:
Gió thu xế bóng lòng quá rộn
Nước chảy mây bay nghiệp bá mờ.
(Trông vời nước Sở)
Nhưng bao trùm lên hết thảy là một cảm thức thời gian tàn tạ, phôi pha. Đối với Nguyễn Du các đơn vị đo thời gian như năm, tháng, ngày, trăm năm không thật có ý nghĩa. Cái ý nghĩa sâu sắc là sự đổi thay nhanh chóng, cho nên không phải ngẫu nhiên mà thơ ông đầy mùa thu, buổi chiều, trời đêm, tóc bạc, lá rụng…mọi thứ phôi pha, tàn tạ mà không cách gì dừng lại được.
Chùa cổ lá vàng thu phủ kín,
Triều xưa mây trắng sãi già rồi.
(Trông chùa thiên thai)
Thời gian chỉ hủy diệt cuộc đời:
Thu cúc xuân lan thành chuyện hão,
Hạ nồng đông rét giục ngày tàn.
(Tạp thi kì một)
Nhà thơ đau điếc từng giờ:
Cuộc sống trăm năm coi mấy chốc,
Chuyện vui tuổi sớm tiếc từng giờ.
(Cảm hứng lan man)
Thời gian như giấc mộng:
Mở mắt trăm năm trong giấc mộng,
Tựa lan muôn dặm chạnh lòng đau.
(Một mình trên thủy sông La Phù)
Trong cảnh đổi thay vùn vụt ấy con người cá nhân hầu như không còn gì để bấu víu. Nếu so với thời gian vũ trụ thanh bình, với thời gian cá thể là nhỏ nhoi, hữu hạn. Giờ so với sự đổi thay lịch sử, có thể trở thành vô nghĩa! Nhà thơ cảm thấy kinh sợ thời gian.
Nhưng cảm quan thời gian trong thi ca thế kỉ XIX đã có nhiều thay đổi. Nguyễn Công Trứ thay đổi thái độ đối với thời gian, ông chỉ coi trọng thời hiện tại:
“Nắng đắc kỉ thời khai khẩu tiếu.
Cư chư toàn phụ thử quang âm!”.
(Nợ phong lưu)
Ý thức cuộc đời ngắn ngủi để chủ động hưởng thụ:
“Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc!
Hạn lấy tuổi để mà chơi lầy,
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy
Nếu không chơi thiệt ấy ai bù”.
(Chơi xuân kẻo hết xuân)
Ông tìm cách làm chủ thời gian, hiểu sự huyễn hoặc của đời người
“Xáo trời đất cổ kim, kim cổ,
Mảnh hình hài không có, có không”.
(Vịnh nhàn)
Tuy là biết:
“Qua ngày mai lại có ngày mai”
(Vịnh say rượu)
Song:
“Này phút chốc kim rồi lại cổ,
Có hẹn gì sau chẳng bằng nay”.
(Kiếp nhân sinh)
Và ông tính từng ngày từng tháng cái thời gian cá thể tự nhiên. Thời gian của ông đóng khung trong thời gian hiện tại. Bà Hồ Xuân Hương cũng thương xót, cố níu cái hiện tại một cách bất lực:
“Tài tử văn nhân ai đó tá,
Thân này đâu đã chịu già tom!”
Trong bài thơ Cao Bá Quát, thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương nổi lên như một thời gian kéo dài, không có viễn cảnh tương lai. Bài đêm dài của Tú Xương báo hiêu sự sốt ruột đợi chờ thời thay đổi.
Yếu tố cảm thụ cá nhân đã làm cho thời gian trong thơ đa dạng và biến đổi rõ nét. Trong các khúc trữ tình lớn của giai đoạn này như “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”, “Văn chiêu hồn”, “Ai tư vãn”… do mở rộng dung lượng trữ tình mà thời gian nghệ thuật có thêm nhiều hình thức mới phong phú.
Chinh phụ ngâm là nỗi nhớ nhung triền miên muốn bộc lộ với chồng, là câu hỏi về số phận tuổi trẻ. Thời gian trong tác phẩm là một thời hiện tại mong nhớ kéo dài vô tận. Một mặt là thời gian dài đằng đẵng:
“Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc như miền ải xa”.
Người chinh phụ luôn tính độ dài từng buổi, từng ngày, từng tháng, từng mùa, từng năm, tính cách nào cũng không vơi được lòng mong nhớ:
“Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu (xuân)
…
Chiều lại tìm nào có tiêu hao (chiều)
Ngập ngừng gió thổi áo bào,
Bãi nam tuôn dẫy nước trào mênh mông (hôm)
Sau đó tác giả còn tính năm, tính ngày”.
Hình thức kéo dài thời gian còn biểu hiện ở đoạn hồi tưởng về buổi tiễn đưa: tiễn đưa riêng (“Nhủ rồi tay lại cầm tay”…), tiễn đưa trong tâm tưởng (“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy”), một cuộc tiễn đưa mà như ba lần tiễn đưa. Đó là thời gian tâm lý, bên cạnh đó, khúc ngâm còn thể hiện mâu thuẫn thời gian khách quan với thời gian tuổi xuân, niềm thương tiếc hiện tại tuổi trẻ:
“Thoi đưa ngày tháng ruổi mau
Người đi thấm thoắt qua màu xuân xanh,
Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở,
Tiếc quang âm lần lửa gieo qua”.
Tuy cũng nói tương lai ngày trở về “Xin vì chàng xếp bào cởi giáp”, nhưng khẳng định giá trị của thời gian hiện tại mới là đặc sắc của khúc ngâm.
Khác với “Chinh phụ ngâm”, trong “Cung oán ngâm khúc“, người cung nữ tiếc quá khứ và cảm thấy cuộc đời hư huyễn, vô nghĩa:
“Ai ngờ bỗng một năm một nhạt,
Nguồn ân kia ai tát mà vơi.
Suy đi đâu biết cơ trời,
Bỗng không mà hóa ra người vị vong”.
Đối với người cung nữ thì chỉ có quá khứ mới là cái đáng mong ước. Trong Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân xuất hiện thời gian ảo giác là hình bóng huy hoàng của một triều đại vừa sụp đổ:
“Khi trận gió hoa bay thấp thoáng,
Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu.
Vội vàng sửa áo lên chầu,
Thương ôi quạnh quẽ, trước lầu nhện giăng!
Khi bóng trăng lá in lấp lánh,
Ngỡ tán vàng nhớ cảnh ngự chơi.
Vội vàng dạo bước tới nơi,
Thương ôi vắng vẻ giữa trời tuyết sa!”
Thời gian ảo huyễn cũng thể hiện trong cách đối lập: “Xưa sao…giờ sao…”
Như vậy, cùng với không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là “hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật, thể hiện tính chỉnh thể của nó”. Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật mang tính chủ quan của nhà văn và là một hình tượng nghệ thuật ước lệ. Nó được đo bằng những thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn của các hoạt động đời sống được ý thức: Sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay…mùa này, mùa khác…tạo nên đặc trưng riêng trong mỗi giai đoạn, mỗi thể loại văn học.