Dàn bài: Cảm nhận vẻ đẹp “người đồng mình” trong bài “Nói với con” của Y Phương
I. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả Y Phương: là nhà thơ dân tộc Tày, thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi
– Bài thơ “Nói với con” được làm trong lần đầu khi nhà thơ được làm cha, được in trong tập Thơ Việt Nam (1945- 1985), thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương đất nước và dân tộc mình.
II. Thân bài:
1. Ý nghĩa nhan đề:
Nhan đề “Nói với con” thể hiện hình ảnh người cha ngồi nói chuyện với người con. Nói với người con những thứ cần thiết và quan trọng.
2. Vẻ đẹp phẩm chất của “người đồng mình” được thể hiện trong bài thơ:
– Mở đầu bài thơ, nhà thơ gợi đến cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, qua đó bộc lộ niềm tự hào về sự sống bền bỉ của quê hương mình. Người cha nhắc nhở con về cội nguồn sinh dưỡng, cha muốn nhắc nhở đứa con nhớ và hướng tới tình cảm gia đình, cái nôi nuôi dưỡng con trưởng thành.
– Con lớn lên trong tình yêu thương, sự nâng niu và mong chờ của cha mẹ. Tác giả tạo ra được không khí ấm áp, quấn quýt và hạnh phúc. Từng bước đi, từng tiếng nói, tiếng cười đều được cha mẹ chăm chút, đón nhận. Con lớn lên trong câu hát, nhịp sống và lao động của người đồng mình. Tác giả diễn tả những động tác cụ thể trong lao động, vừa nói lên cuộc sống lao động gắn bó, vừa hòa quyện niềm vui. Người cha muốn nói với người con vẻ đẹp của vùng quê giàu truyền thống và nghĩa tình
– Mượn lời nói với con, Y Phương gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, qua đó bộc lộ niềm tự hào về sự sống bền bỉ của quê hương mình. Bài thơ đi từ tình cảm gia đình, mà mở rộng ra tình cảm quê hương, từ những kỉ niệm gần gũi thân thuộc nâng lên thành lẽ sống.
– Sau những gợi mở về ân tình quê hương, người cha bày tỏ niềm tự hào lớn lao khi nói về sức sống bền bỉ, mạnh mẽ mà cao đẹp của quê hương với mong muốn con tiếp nối, phát triển:
“Người đồng mình yêu lắm, con ơi!
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát”.
– Với lời nói đầy tự hào về “người đồng mình”, cách nói khác của từ người quê mình. Người cha cho thấy tình yêu vô bờ bến của mình đối với người quê mình. Cụm từ “người đồng mình” được nhắc nhiều lần khẳng định phẩm chất của người đồng mình, những người có lời nói giản dị, mộc mạc gợi sự yêu thương, gần gũi.
– Sử dụng câu cảm thán làm cho người đọc hiểu sâu sắc hơn vè tình yêu vô bờ bến của người cha dành cho người quê mình.
– “Người đồng mình” yêu lao động. Họ đan lờ, cài nan hoa, vách nhà ken câu hát chứng tỏ họ có thể vừa lao động vừa hát hò, làm cho những lần lao động lúc nào cũng vui:
“Người đồng mình thương lắm con ơi!
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”.
– Người đồng mình biết vượt qua khó khăn và gian khổ từ đó sinh ra khát vọng to lớn. Đó là lí do người cha thương người đồng mình.
– Tác giả đã ví khó khăn, gian khổ của người đồng mình cao như trời. Chứng tỏ khó khăn càng lớn ý chí, khát vọng của con người càng lớn.
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”.
– Cuộc sống khó khăn khổ cực, nhưng họ vẫn không chê. Dù nghèo khó họ vẫn không bỏ cuộc, ý chí không bao giờ cạn. Cuộc sống đôi lúc lên xuống thất thường, nhưng họ không sợ cực nhọc.
– Cách liệt kê những hình ảnh ẩn dụ “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói”, kết hợp điệp ngữ “sống” và “không chê” để nhấn mạnh ý chí và khát vọng ớn lao của người đồng mình. So sánh ý chí như “sống như sông như suối”, vận dụng câu thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” mở ra không gian sống phóng khoáng của quê hương, xứ sở.
– Kết hợp nhiều kiểu câu ngắn dài khác nhau, lời tâm tình của người cha góp phần khẳng định người miền núi tuy có nhiều khó khăn vất vả nhưng họ vẫn luôn kiên cường, sống mạnh mẽ, thiết tha với quê hương, biết chấp nhận khó khăn, thử thách bằng ý chí, nghị lực và niềm tin của mình.
– Người đồng mình mộc mạc, dung dị, giàu ý chí và niềm tin, họ có thể thô sơ da thịt nhưng không hề nhỏ bé, yếu đuối về ý chí:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”
– Lời thơ dịu dàng, xúc tích nói lên người đồng mình có thể mộc mạc, giản dị nhưng tâm hồn, ý chí thì lại to lớn.
Tác giả đã dùng những cụm từ như ” thô sơ da thịt ” để nói về sự mộc mạc của người đồng mình.
– Người đồng mình biết cách nâng cao quê hương, xây dựng và duy trì truyền thống phong tục tập quán của mình. Dù còn khó khăn, người đồng mình vẫn giữ được bản sắc nên đã làm cho quê hương mình sánh ngang với các vùng khác. Là lời nói đậm bản sắc dân tộc, đày kiêu hãnh:
“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”.
– Người cha muốn nhắn nhủ con phải biết tự hào vào truyền thống tốt đẹp và lối sống nghĩa tình của quê hương và người đồng mình. Cha mong mỏi đứa con sống cao thượng, tự trọng, chân thật dù mộc mạc, đơn sơ để xứng đáng với người đồng mình. Con tự tin bước đi, bởi sau lưng con còn có gia đình, quê hương, bởi trong tim con sẵn có những phẩm chất quý báu của “người đồng mình”:
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
– Lời dặn dò cuối cùng cha mẹ muốn nói với đứa con: “tuy thô sơ da thịt” nhưng khi rời khỏi gia đình, tự lập trong cuộc sống thì “không bao giờ nhỏ bé được”. Con người không phải máy móc, chỉ là da thịt “thô sơ” có thể chịu tổn thương, có thể ốm đau bệnh tật, mệt mỏi, nhưng phải cố gắng sống hiên ngang, không “nhỏ bé” khuất phục cái xấu, cái bất công, không “nhỏ bé” chấp nhận chịu sống cúi đầu, như ông cha ta ngàn đời nay.
III. Kết bài:
– Với thể thơ tự do, giọng thơ thân tình, mộc mạc, trìu mến, sử dụng những hình ảnh, ngôn ngữ đặc trưng của người dân miền núi, bài thơ Nói với con thể hiện sau sắc tấm lòng thấu hiểu và niềm tự hào lớn lao về “người đồng mình”. Lời thơ mộc mạc, chân thành thể hiện được hồn cốt, bản sắc của người dân tộc. Người cha nói với con chính là trao gửi tới thế hệ tiếp nối về truyền thống, niềm tự hào, khả năng sống bền bỉ của những con người dù “thô sơ”, “nhỏ bé” nhưng đầy tự trọng và kiên định.