Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du), SGK Ngữ văn 9, tập 1

doan-trich-kieu-o-lau-ngung-bich-trich-truyen-kieu-cua-nguyen-du

Kiều ở lầu Ngưng Bích
(trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du)

Nội dung:

“Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình, nủa cảnh, như chia tấm lòng
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bờ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa?
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.

Chú thích:

[1] Khoá xuân: khoá kín tuổi xuân, ý nói cấm cung (con gái nhà quyền quý thời xưa không được ra khỏi phòng ở); ở đây nói việc Kiều bị giam lỏng.
[2] Kiều ở trên lầu cao nhìn thấy dãy núi xa và mảnh trăng như ở cùng trong một vòm trời, như cùng trong một bức tranh.
[3] Bụi hồng: bụi có sắc đỏ, do gió bốc lên. (Trong văn học cổ, bụi hồng còn có nghĩa bóng là cõi trần.)
[4] Bẽ bàng: xấu hổ, tủi thẹn.
[5] Chén đồng: chén rượu thề nguyền cùng lòng cùng dạ (đồng tâm) với nhau.
[6] Ý nói Kim Trọng không biết Kiều đã bán mình đi xa, tới nơi này còn mong chờ tin tức nàng, thật là uổng công.
[7] Tấm son: tấm lòng son, chỉ tấm lòng thủ chung gắn bó.
[8] Tựa cửa: ý nói người mẹ tựa cửa trông chờ con.
[9] Quạt nồng ấp lạnh: mùa hè, trời nóng nực thì quạt cho cha mẹ ngủ; mùa đông, trời lạnh giá thì vào nằm trước trong giường (ấp chiếu chăn) để khi cha mẹ ngủ, chỗ nằm đã ấm sẵn. Ý cả câu nói về sự lo lắng không biết ai sẽ phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ.
[10] Sân Lai: sân nhà lão Lai Tử, đây chỉ là sân nhà cha mẹ Thuý Kiều. Theo Hiếu tử truyện: Lão Lai Tử người nước Sở thời Xuân Thu rất có hiếu, tuy đã già mà còn nhảy múa ở ngoài sân cho cha mẹ xem để mua vui cho cha mẹ.
[11] Gốc tử: gốc cây tử (cây thị), chỉ cha mẹ. Cả câu ý nói cha mẹ đã già rồi (theo điển cũ nói cây dâu và cây tử là những cây do cha mẹ trồng quanh nhà).
[12] Duềnh (cũng gọi là doành): vụng (vũng) sông hoặc vụng biển.

Đoạn trích nằm ở phần thứ hai (Gia biến và lưu lạc). Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn. Tú Bà vờ hứa hẹn đợi Kiều bình phục sẽ gả chồng cho nàng vào nơi tử tế, rồi đưa Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, đợi thực hiện âm mưu mới.

LUYỆN TẬP.

Câu 1. Em hãy tìm hiểu cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu:
– Đặc điểm không gian trước lầu Ngưng Bích.
– Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều
– Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Thúy Kiều đang ở trong hoàn cảnh, tâm trạng như thế nào? Từ ngữ nào góp phần diễn tả hoàn cảnh và tâm trạng ấy?

Câu 2. Tám câu thơ tiếp theo nói lên nỗi nhớ thương của Kiều.
a. Trong cảnh ngộ của mình nàng đã nhớ đến ai? Nhớ ai trước, ai sau? Nhớ như thế có hợp lí không? Vì sao?
b. Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Em hãy phân tích nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh để làm sáng tỏ điều đó.
c. Em có nhận xét gì về tấm lòng Kiều qua nỗi nhớ thương của nàng?

Câu 3. Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạng.
a. Cảnh vật ở đây là thực hay hư? Mỗi cảnh vật có nét riêng đồng thời lại có nét chung để diễn tả tâm trạng Kiều. Em hãy phân tích và chứng minh điều đó.
b. Em có nhận xét gì về cách dùng điệp ngữ của Nguyễn Du trong tám câu thơ cuối? Cách dùng điệp ngữ ấy góp phần diễn tả tâm trạng như thế nào?

Câu 4. Thế nào là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình? Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối.

Ôn tập luyện thi văn bản: Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) – Luyện thi tuyển sinh 10

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.