Đánh thức trái tim và lan tỏa yêu thương bằng tình đời, tình người qua những câu chuyện ý nghĩa

Đánh thức trái tim và lan tỏa yêu thương bằng tình đời, tình người qua những câu chuyện ý nghĩa

Phần 1: Tác phẩm văn học là gì?

Tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật ngôn từ, kết quả của tiến trình lao động nghệ thuật (hoạt động sáng tác) của cá nhân nhà văn hoặc kết quả của nỗ lực sáng tác tập thể.

Tác phẩm văn học có thể tồn tại dưới phương diện là ngôn bản truyền miệng hoặc hình thức văn bản được ghi lại bằng văn tự cụ thể; có thể được tạo thành bằng văn vần (và thơ) hoặc văn xuôi; và được xếp vào các thể loại nhất định (như tự sự, trữ tình, kịch, nhật ký, ký, tùy bút) hay một thể tài văn học nhất định (như hài kịch, bi kịch, thơ trào phúng, thơ tự do, truyện tiếu lâm, truyện ngắn, tiểu thuyết v.v.).

Mỗi tác phẩm là một hệ thống phức tạp bao gồm hàng loạt các yếu tố thuộc những bình diện khác nhau như đề tài, chủ đề, tư tưởng, kết cấu, ngôn ngữ, nhân vật, hình tượng, cốt truyện. Sự kết hợp và tác động lẫn nhau giữa các yếu tố này khiến tác phẩm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật, mang tính thống nhất hữu cơ giữa nội dung thẩm mỹ và hình thức nghệ thuật.

Phần 2: Chức năng giáo dục và chức năng thẩm mĩ của tác phẩm văn học trong vấn đề giáo dục nhân cách và bồi dưỡng tâm hồn học sinh.

Mỗi tác phẩm văn chương phản ánh sâu sắc hiện thực của cuộc sống. Nó có thể đem đến cho người đọc một thế giới tri thức mênh mông về đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân loại từ xưa đến nay; về vẻ đẹp thiên nhiên ở nước mình và trên khắp thế giới. Văn chương là bộ sách giáo khoa về đời sống.

Các tác phẩm văn học lành mạnh, có giá trị nội dung và nghệ thuật cao sẽ đem lại sự thư giãn cho con người sau những giờ làm việc căng thẳng, góp phần tái tạo sức khỏe và duy trì niềm vui, niềm tin trong cuộc sống. Thực tế cho thấy không ít người có thói quen tốt là đọc sách và coi sách là món ăn tinh thần không thể thiếu hằng ngày.

Vượt lên trên những chức năng ấy, văn học còn có chức năng cải tạo, làm thay đổi hay kiện toàn con người (chức năng giáo dục; hay tạo ra trong con người tình yêu cái đẹp, cái cao cả mà bấy lâu trước hiện thực cuộc sống họ không thể cảm nhận hoặc tìm thấy được (chức năng thẩm mĩ)

1.    Chức năng giáo dục của tác phẩm văn học:

Chức năng giáo dục của văn học là làm thay đổi hoặc nâng cao tư tưởng, quan điểm, nhận thức của con người theo chiều hướng tiến bộ hoặc cách mạng. văn học giúp cho con người từ chỗ tán thành đến hành động theo lí tưởng nhân vật hoặc lí tưởng tác giả. Hoặc bằng những hình tượng nghệ thuật sinh động và hấp dẫn, tác giả giúp con người phân biệt được tốt xấu, đúng sai. Từ đó liên hệ đến mình và xác định cho mình một thái độ, một lập trường nhất định theo những điều đã hấp thụ qua tác phẩm.

Văn học nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tư tưởng, đạo đức, tình cảm của con người. Văn học luyện cho người đọc thói quen cảm thụ tinh tế, mài sắc khả năng nhận ra cái thật, cái giả, cái thiện, cái ác trong cuộc sống.

Nhà văn M.Gorki từng khẳng định mạnh mẽ: “Văn học là nhân học”. Trước hết, ông muốn nhấn mạnh đến mục đích của văn học là giúp con người hiểu được chính mình. Văn học nâng cao niềm tin vào bản thân và làm nảy sinh trong con người một khát vọng hướng tới chân lí. Văn học cổ động con người biết đấu tranh với cái xấu, biết tìm tòi và hướng tới cái đẹp của con người và cái đẹp cuộc sống.

Văn học nâng đỡ cho nhân cách, giúp hình thành nhân cách, giáo dục con người tình cảm đúng đắn, trong sáng, biết yêu cái tốt, ghét cái xấu, dám xả thân vì nghĩa và biết sống đúng đạo lí làm người. Đặc điểm của văn học là thông qua sự kiện, hình tượng trong tác phẩm để khơi gợi, kích thích người đọc về mặt tình cảm, buộc họ phải bày tỏ thái độ và suy nghĩ để có hành động đúng. Mặt khác, văn học giúp con người tự giáo đục, tự hoàn thiện để sống tốt đẹp hơn, hữu ích hơn cho xã hội.

Văn học thực hiện chức năng giáo dục đối với bạn đọc ở những phương diện sau:

– Học tập, nâng cao trình độ văn hóa.
– Rèn luyện, trau dồi giác quan thẩm mĩ
– Tu dưỡng đạo đức, phẩm chất.
– Cải tạo thế giới quan và quan điểm chính trị – xã hội.

Bất cứ tác phẩm văn chương nào cũng có thể có tác dụng này hay tác dụng khác đối với người đọc có tác dụng tiêu cực, có tác dụng tích cực, có tác dụng nhất thời, có tác dụng vĩnh cửu.

Văn học thực hiện chức năng giáo dục bằng cách, trước hết, là ở tư tưởng của nhà văn thể hiện ngay trong việc nhận thức và phản ánh hiện thực. Tác phẩm văn chương là sản phẩm ý thức nhà văn, là kết quả hoạt động có mục đích của nhà văn. Qua tác phẩm người sáng tác bao giờ cũng gửi gắm ký thác, truyền đạt một cái gì đó cho người đọc. Ðó là lập trường quan điểm, tư tưởng, ý nghĩ và những lời giải đáp cùng những ước vọng của người sáng tác trước cuộc sống. Những điều gửi gắm đó nếu rung động được lòng người thì giúp họ nhận thức được đúng đắn cuộc sống và khiến họ đi đến những suy nghĩ và hành động đúng.

Thứ đến là nội dung tư tưởng, ở khuynh hướng tuyên truyền, động viên và giáo dục của tác phẩm từ các nhân vật điển hình đại diện cho tư tưởng tác giả thông qua tâm tư, suy nghĩ, triết lí sống của nhân vật được trình bày dưới dạng này hay dạng khác. Hình tượng Từ Hải trong Truyện Kiều ngoài ý nghĩa là mơ ước tự do và công lí của Nguyễn Du, nó còn có tác dụng khơi dậy ở người đọc ý chí độc lập tự do, ý thức không cam tâm làm nô lệ, ý thức tháo củi sổ lồng đạp bằng mọi bất công ở con người. Hình tượng Kiều lại giáo dục con người ta lòng hiếu nghĩa với cha mẹ, lòng chung thủy vợ chồng, ý thức luôn luôn khơi dậy trong cuộc sống.

Nó còn thể hiện ở tính thẩm mĩ của tác phẩm. Tức là ở lí tưởng thẩm mĩ và hình thức nghệ thuật mà tác giả vận dụng để truyền đạt có hiệu quả nhất những tư tưởng và kiến giải của mình đến người đọc.

Văn chương có nhiệm vụ xây dựng những hình tượng nghệ thuật mang lí tưởng thẩm mĩ, đó là cuộc sống đáng sống và con người đáng có. Hình tượng Từ Hải là một hình tượng mang lí tưởng thẩm mĩ của tác giả: Lí tưởng về con người anh hùng đầy lòng nhân đạo, bình đẳng, bác ái và ý chí quật cường không cam tâm làm nô lệ. Từ Hải còn là niềm vui mừng, nỗi ước muốn của quần chúng lao động. Nếu như Mác Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh … là những hình tượng làm cho người đọc căm ghét thì Từ Hải lại là nhân vật làm cho người ta thương yêu, trân trọng, đấy chính là mặt trái và mặt phải của tác dụng thẫm mĩ của hình tượng văn học.

Văn chương là một nghệ thuật. Tác dụng cải tạo của nó còn ở hình thức nghệ thuật. Nghệ thuật trong sáng giản dị tạo cho người ta cảm giác nhẹ nhõm, nghệ thuật sinh động phong phú, hấp dẫn làm con người ta trở nên yêu cuộc sống hơn.

Lịch sử văn chương đã chứng tỏ rằng có những tác phẩm nghệ thuật có sức sống trường cửu, có sức cải tạo lớn lao là do lí tưởng nhà văn gắn bó với lí tưởng thời đại đó, lí tưởng nhân loại cần lao lúc đó.

Ðặc trưng chức năng giáo dục của văn chương là ở chỗ: văn chương giáo dục con người thông qua con đường tình cảm. Từ xúc động, lay động về tình cảm mà người đọc liên hệ đến bản thân, tự giác nhận ra đúng, sai. Nghệ thuật giáo dục con người bằng biện pháp tự giác. Giáo dục nghệ thuật không phải bằng biện pháp cưỡng bách, hành chính gò ép mà hoàn toàn tự giác, thoải mái. Nghệ thuật giáo dục bằng hình thức hấp dẫn vui tươi, cuốn hút. Ở đây, tưởng như giáo dục vui chơi, giải trí là một. Tác dụng giáo dục của nghệ thuật thật là lâu bền ; từ từ nhưng vô cùng sâu sắc.

Cải tạo giáo dục con người có rất nhiều hình thức, đó có thể bằng luân lí, đạo đức học, bằng chính trị và bằng hành chính v.v… Nhưng biện pháp nhẹ nhàng mà sâu sắc, tinh tế mà mạnh mẽ là biện pháp nghệ thuật. Nghệ thuật trực tiếp tác độngvào tình cảm con người để giáo dục, cải tạo con người.

2. Chức năng thẩm mĩ của tác phẩm văn học:

Bên cạnh chức năng giáo dục con người, văn học còn mang lại sự hưởng thụ lành mạnh, bổ ích cho tâm hồn. Đặc điểm của hưởng thụ thẩm mĩ là nâng cao con người lên trên những dục vọng và lợi ích vật chất tầm thường.

Đi vào thế giới của văn học, người đọc chia sẻ buồn vui, sướng khổ với nhân vật. Yêu kẻ này, ghét kẻ kia hoàn toàn không dính dáng gì đến lợi ích vật chất nào ngoài đời. Những giờ phút sống với tác phẩm là những giờ phút tâm hồn trong sáng, thanh thản nhất. Do đó văn học đem đến cho con người một niềm vui tinh thần hoàn toàn vô tư nhưng không bàng quan, vô trách nhiệm.

Văn học làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ, phát triển năng lực, thị hiếu của người đọc bằng vẻ đẹp ngôn từ, vần điệu, bằng kết cấu khéo léo, lôi cuốn của từng tác phẩm. Nó làm cho tâm hồn chúng ta rung động trước những hình tượng nhân vật điển hình, trước cách cảm, cách nghĩ của nhà văn về con người và cuộc đời. Cũng tức là, nghệ thuật làm thỏa mãn nhu cầu về lí tưởng, ước mơ, sự hoàn thiện hoàn mĩ của con người trước thế giới.

Văn học khám phá, phát hiện phản ánh cái đẹp trong tự nhiên và xã hội. Cái đẹp là cái khả năng đưa đến cho người ta một khoái cảm, một thích thú, một niềm xúc động khi con người nhìn thấy hoặc thưởng thức. Cái đẹp được phản ánh qua tác phẩm văn học không những đã được lựa chọn góc nhìn có tính thẩm mĩ cao mà còn được bao bọc trong một hình thức nghệ thuật phù hợp, có khả năng làm con người rung động. Nhà văn chân chính lấy tâm hồn chân thành của mình để soi sáng những cảnh đời tối tăm, vỗ về người đau khổ, lên tiếng vạch trần cái xấu, cái ác, ca ngợi phẩm chất cao đẹp… Những điều đó có tác dụng rất lớn tới quá trình cảm thụ và hướng tới những giá trị Chân, Thiện, Mĩ của người đọc.

Chức năng thẩm mĩ của văn học làm cho tầm vóc con người lớn hơn, đời sống tinh thần trong sáng, phong phú hơn. Nhưng sự hưởng thụ thẩm mĩ chỉ xuất hiện khi tác phẩm có nội dung sâu sắc và tính nghệ thuật cao, vì chỉ khi đó văn học mới bảo đảm thỏa mãn tối đa về mặt tinh thần cho người đọc.

Nghệ thuật xây dựng cho con người lí tưởng thẩm mĩ. Con người, sản phẩm đẹp nhất của tạo vật là đối tượng của nghệ thuật. Nghệ thuật đã chọn cho mình một đối tượng đặc biệt: tinh hoa của trời đất, “người ta là hoa đất” (Tục ngữ), “Con người làcái đẹp nhất trong thế giới mà chúng ta cảm giác được” (Tchernychevski), “Con người là lí tưởng của cái đẹp” (Kant). Nhưng nghệ thuật vẫn xây dựng những con người lí tưởng. Ðó là lí tưởng thẩm mĩ. Vì mục đích nghệ thuật là không phải chụp lại , hay tái hiện tất cả những gì về phẩm chất mà con người hiện có. Con người trong nghệ thuật là con người sẽ có, cần có. Ðó là con người lí tưởng. Do bản thân con người không bao giờ tự thỏa Mácn với mình mà luôn luôn có nhu cầu vươn lên cái cao xa hơn – vươn lên con người lí tưởng.

Nghệ thuật đào tạo năng khiếu thẩm mĩ, tức là tạo ra năng lực sáng tạo, đánh giá cái đẹp của con người. Năng lực thẩm mĩ là một sự trao truyền, học tập lẫn nhau qua nhiều thế hệ. Không ai có thể sáng tạo hay thưởng thức được nghệ thuật nếu không biết đến nghệ thuật là gì. Chỉ có tôi luyện trong nghệ thuật thì năng lực nghệ thuật mới phát triển. Có vấn đề tài năng trong lĩnh vực này, nhưng tài năng đó là cả một sự hun đúc của nhiều thế hệ. Nghệ thuật hun đúc cho con người khả năng cảm thụ tinh tế, đánh giá chính xác cái đẹp trong cuộc sống. Ðồng thời, hình thành cho con người một nhận thức sâu sắc về cái đẹp.

Thưởng thức nghệ thuật đồng thời là sự tiếp nhận giáo dục về nghệ thuật. C. Mác viết: “Nếu anh muốn hưởng thụ nghệ thuật, thì anh phải là con người có kiến thức về nghệ thuật”. 

Phần 3: Mục đích và ý nghĩa của việc đọc sách

Phần 4: Các bước thực hiện việc đọc sách ở thư viện trong quan điểm “Đánh thức trái tim và lan tỏa yêu thương bằng tình đời, tình người qua những câu chuyện ý nghĩa”.

Bước 1: Lựa chọn một quyển sách viết về chủ đề những câu chuyện ý nghĩa trong cuộc sống.

Bước 2: Lựa chọn và đọc một câu chuyện ý nghĩa tại thư viện. Đó là câu chuyện về tình đời, tình người trong cuộc sống.

Bước 3: Tìm kiếm thông điệp cảm động về tình đời, tình người từ câu chuyện ý nghĩa vừa đọc. Suy ngẫm sâu sắc về thông điệp ấy.

Bước 4: Viết một bài cảm nhận về thông điệp đã suy ngẫm.

Bước 5: Lan tỏa ý nghĩa câu chuyện ấy trong và ngoài trường học.

Giáo viên sẽ hướng dẫn và hỗ trợ cho học sinh thực hiện lần lược các bước trên.

Đầu tiên là việc lựa chọn một quyển sách phù hợp. Để thực hiện thuận lợi việc tìm sách, giáo viên định hướng chủ đề đọc sách từ trước. Học sinh sẽ nhanh chóng tìm thấy quyển sách mà mình dự định tìm kiếm.

Sau khi đã lựa chọn một quyển sách phù hợp, học sinh tiến hành đọc sách. Việc đọc sách nên tiến hành theo cách đọc sơ lược nội dung các câu chuyện. Sau đó chọn một câu chuyện mà mình thích nhất, tâm đắc nhất, dễ dàng thấu nhận nhất.

Phần 5: Bài cảm nhận của học sinh sau khi đọc một câu chuyện ý nghĩa.

1 bình luận trong “Đánh thức trái tim và lan tỏa yêu thương bằng tình đời, tình người qua những câu chuyện ý nghĩa”

  1. Pingback: Nghị luận về vai trò của tình yêu thương - Theki.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang