»» Nội dung bài viết:
Chủ đề hạnh phúc
Đề bài 1:
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi :
“…Một người hạnh phúc không nhất thiết phải là người có mọi thứ tốt nhất, mà là người biết tận hưởng và chuyển biến những gì đang xảy đến với mình trong cuộc sống một cách tốt nhất. (1)
Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết rơi lệ khi tổn thương, biết đau đớn khi mất mát, biết khao khát và nuôi dưỡng những giấc mơ, biết cố gắng làm lại khi thất bại, bởi vì chỉ có như vậy, mọi người mới biết trân trọng những gì đã và đang đến trong cuộc đời mình.” (2)
(Theo Hạt giống tâm hồn, tập 3, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2013)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?
Câu 2. Theo tác giả, một người hạnh phúc là người như thế nào ?
Câu 3. Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn (2): “ Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết rơi lệ khi tổn thương, biết đau đớn khi mất mát, biết khao khát và nuôi dưỡng những giấc mơ, biết cố gắng làm lại khi thất bại, bởi vì chỉ có như vậy, mọi người mới biết trân trọng những gì đã và đang đến trong cuộc đời mình.”
Câu 4: Trình bày suy nghĩ của bản thân về hạnh phúc đối với mỗi con người được nêu ra trong văn bản?
* Gợi ý trả lời:
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận (0,5)
Câu 2: Theo tác giả, một người hạnh phúc là người: biết tận hưởng và chuyển biến những gì đang xảy đến với mình trong cuộc sống một cách tốt nhất. (0,5)
Câu 3: (1,0)
– Biện pháp: điệp từ, lặp cấu trúc
– Hiệu quả:
+ Nhấn mạnh: ý nghĩa, giá trị của hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi con người.
+ Tạo âm hưởng và nhịp điệu riêng cho câu văn.
Câu 4: (1.0)
– Hạnh phúc không tự nhiên đến trong cuộc sống của mỗi con người.
– Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết cố gắng và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
– Biết trân trọng những gì mình đang có.
Đề bài 2:
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“ …Trồng cây hạnh phúc cũng giống như trồng một cái cây xanh. Bạn sẽ phải vất vả chăm bón, tỉa tót, tưới tắm lúc nó còn nhỏ, và tận hưởng cái cảm giác sung sướng khi nó lớn lên, đơm hoa kết trái. Còn gì hạnh phúc hơn khi được ngồi dưới bóng mát của cái cây do chính tay mình vun trồng và tận hưởng vị ngọt thơm mát từ hoa trái của nó?
Một cây hạnh phúc có thể lớn mạnh phải cần đến một vùng đất tốt, hay nói cách khác là môi trường sống tốt. Với sự tấn công ngày càng mạnh mẽ của các loài “sâu bọ”, hay đất đai ngày càng trở nên “cằn cỗi”, việc tìm cho cái cây của bạn một môi trường sống xung quanh tốt là một điều hết sức quan trọng. Đó là việc mà bạn phải tự tay bạn làm mới được.
Đôi khi bạn dành quá nhiều thời gian cho cái cây bạn bè, cây công việc, cây mua sắm, cây truyền hình… mà bạn quên mất rằng cái cây hạnh phúc của bạn đang ngày càng khô héo vì thiếu sự chăm sóc. Thường thì chúng ta chẳng để ý cho đến khi sự cố xảy ra hay “khi cây hạnh phúc chợt ngưng lá xôn xao” như Lê Uyên Phương từng viết: Chỉ khi yếu đau chúng ta mới nhận ra rằng những ngày tháng khoẻ mạnh thật đáng quý biết bao, chỉ khi tình đã đi xa ta mới thấy mình cần tình biết bao nhiêu…
Vậy ta phải làm gì để trả lại cho cái cây hạnh phúc sự xanh tươi vốn có của nó? Không khó lắm đâu, hãy làm những việc tốt, hãy làm cho người khác hạnh phúc, hãy sống vị tha… Có rất nhiều người nhầm tưởng rằng hạnh phúc có thể mua được. Họ đâu biết rằng hạnh phúc chính là sự cho đi, là sự hy sinh vì tha nhân, là tình yêu đồng loại… Đó chính là những “gầu nước mát” giúp cho cây hạnh phúc mãi xanh tươi, đơm hoa kết trái và mang lại hoa thơm quả ngọt.”
(Trích “Trồng cây hạnh phúc”- Phạm Thị Hồng Hạnh)
Câu 1: Theo tác giả, ta cần phải làm gì để trả lại cho “cái cây hạnh phúc sự xanh tươi vốn có của nó”?
Câu 2: Vì sao trong văn bản trên, tác giả lại cho rằng “Trồng cây hạnh phúc cũng giống như trồng một cái cây xanh”?
Câu 3: Theo anh (chị) hạnh phúc có thể mua được không? Vì sao?
Câu 4: Anh (chị) sẽ làm gì để trồng cây hạnh phúc cho mình?
* Gợi ý trả lời:
Câu 1: Theo tác giả, để trả lại cho “cái cây hạnh phúc sự xanh tươi vốn có của nó”, ta cần: làm những việc tốt, làm cho người khác hạnh phúc, sống vị tha…
Câu 2: Tác giả cho rằng “Trồng cây hạnh phúc cũng giống như trồng một cái cây xanh” vì: Bạn sẽ phải vất vả chăm bón, tỉa tót, tưới tắm lúc nó còn nhỏ, và tận hưởng cái cảm giác sung sướng khi nó lớn lên, đơm hoa kết trái.
Câu 3: HS có thể trả lời với những cách khác nhau nhưng cần nêu được hạnh phúc cần được vun trồng, chăm sóc.
Câu 1: HS trình bày quan niệm của riêng mình, có thể có những ý sau:
– Sống biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ, quan tâm đến người khác.
– Biết cho biết nhận, vị tha, khoan dung, nhân hậu.
– Biết trân trọng, giữ gìn những gì đang có…
Đề bài 3:
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
(1) Có thể lâu nay chúng ta vẫn nghĩ về từ “hạnh phúc” như một từ sáo rỗng, bởi không thể xác định được một cách cụ thể nó bao hàm điều gì. Là thành đạt, giàu có? Là được tôn vinh? Là được hưởng thụ bất kỳ điều gì ta muốn? Là chia sẻ và được chia sẻ? Là đem đến niềm vui cho người khác? Hay chính là sự hài lòng của riêng bản thân mình?
(2) Có thể, chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề “riêng tư” và “cá nhân”. Nhưng không phải vậy. Nếu bạn lo buồn hay gặp bất trắc thì ít nhất, thầy cô, cha mẹ, bạn bè đều cảm thấy xót xa, lo lắng cho bạn. Còn nếu bạn vui tươi, hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn.
(3) Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác. Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa. Tôi thích nghĩ về mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương. Mỗi người là một nguyên tử cacbon trong cấu trúc đó, có vai trò như nhau và ảnh hưởng lẫn nhau trong một mối liên kết chặt chẽ. Một nguyên tử bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra. Chúng ta cũng có thể vô tình tác động đến cuộc đời một người hoàn toàn xa lạ theo kiểu như vậy.
(Trích Đơn giản chỉ là hạnh phúc, Sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn…, Phạm Lữ Ân, NXB Hội Nhà văn, 2016, trang 40-41)
Câu 1. Xác định các thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn văn (3) (0,5 điểm)
Câu 2. Vấn đề chính được trình bày trong đoạn trích trên là gì?(0,5 điểm)
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn (1) (1.0 điểm)
Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao? (1,0 điểm)
* Gợi ý trả lời:
Câu 1: Các thao tác lập luận sử dụng trong đoạn văn (3): bình luận và so sánh
Câu 2: Vấn đề được trình bày trong đoạn trích: hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân, riêng tư mà còn ảnh hưởng, tác động đến nhiều người khác, từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè tới cả những người xa lạ.
Câu 3: Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn (1):
+ Câu hỏi tu từ (học sinh chỉ ra 6 câu hỏi tu từ).
+ Lặp cấu trúc cú pháp 6 lần (cấu trúc “ Là” + một tiêu chí – biểu hiện của hạnh phúc)
– Tác dụng:
+ Mỗi câu hỏi nêu ra, khẳng định một điều đem lại hạnh phúc cho con người. Biện pháp lặp cấu trúc: khẳng định có rất nhiều điều khác nhau đem lại hạnh phúc.
+ Qua đó, tác giả khắc họa nỗi băn khoăn trong suy nghĩ của mỗi người và ngầm bày tỏ suy nghĩ của bản thân: quan niệm nào về hạnh phúc được nhắc đến cũng đúng, nhưng tách riêng từng tiêu chí là chưa đủ, mà phải kết hợp hài hòa tất cả mới đem lại hạnh phúc trọn vẹn của mỗi cá nhân và cho mọi người.
Câu 4: Đây là câu hỏi mở, cho phép học sinh tự chọn lựa thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân. Câu trả lời của học sinh cần đạt các yêu cầu:
– Thông điệp được gợi ra từ đoạn trích, có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp đối với nhận thức, quan niệm, lối sống của thí sinh nói riêng và mỗi người nói chung.
– Lí giải lí do lựa chọn và ý nghĩa của thông điệp một cách ngắn gọn, thuyết phục.