de-thi-tot-nghiep-thpt-nhxh-y-nghia-cua-viec-bao-ton-nhung-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-trong-cuoc-song-hien-nay-nlvh-suy-nghi-cua-anh-chi-ve-su-lua-chon-tren-cua-nhan-vat-truong-ba

ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN NGỮ VĂN. NHXH: Ý nghĩa của việc bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống trong cuộc sống hiện nay. NLVH: Suy nghĩ của anh/chị về sự lựa chọn trên của nhân vật Trương Ba.

ĐỀ  THI TỐT NGHIỆP THPT
MÔN NGỮ VĂN

NHXH: Ý nghĩa của việc bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống trong cuộc sống hiện nay.
NLVH: Suy nghĩ của anh/chị về sự lựa chọn trên của nhân vật Trương Ba.

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

                                          CHÂN QUÊ

                                                     (Nguyễn Bính)

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
 
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
 
Nói ra sợ mất lòng em
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
 
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

1936

(Nguyễn Bính – Thơ và đời, NXB Văn học, 2003)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm) Xác định các từ trực tiếp thể hiện tâm trạng, cảm xúc của nhân vật “tôi”.

Câu 2 (0,5 điểm) Tìm và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ sau:

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Câu 3 (1,0 điểm) Qua văn bản, tác giả muốn gửi gắm đến người đọc thông điệp gì?

Câu 4 (1,0 điểm) Anh / chị có đồng tình với tâm sự của nhà thơ trong câu thơ “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa” không? Tại sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ đầu thế kỉ XX, Nguyễn Bính đã vì lo lắng về sự mai một của những giá trị làm nên hồn quê mà thiết tha gửi gắm trong bài thơ “Chân quê”:

Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa

Bằng tâm thế của một thanh niên đang sống những năm đầu thế kỉ XXI, anh / chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2. (5,0 điểm)

Khi hồn Trương Ba kiên quyết đòi trả xác cho hàng thịt, Đế Thích định cho hồn Trương Ba nhập vào cu Tị, hồn Trương Ba đã trả lời: “Tôi không nhập vào hình thù ai nữa! Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!”.

(Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ, trang 151 – Ngữ Văn 12 tập II, NXB GD).

Suy nghĩ của anh/chị về sự lựa chọn trên của nhân vật Trương Ba.

———–Hết———-


ĐÁP ÁN

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

CâuNội dungĐiểm
 ĐỌC HIỂU3.0
Câu 1Các từ thể hiện tâm trạng của nhân vật “tôi”: Khổ – Sợ – Vừa lòng0,5
Câu 2* Biện pháp tu từ được sử dụng: Câu hỏi tu từ

* Hiệu quả nghệ thuật:

– Tạo âm hưởng day dứt, khắc khoải cho lời thơ.

– Bản thân câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời: các vật dụng yếm lụa sồi, dây lưng đũi, áo tứ thân, quần nái đen nay đâu rồi (tức là nay không còn nữa) – diễn tả một cách kín đáo, tế nhị cảm xúc day dứt, nuối tiếc của nhân vật trữ tình trước những thay đổi đồng thời cũng là sự mất đi của những nét đẹp chân quê ở cô gái quê.

0,25

0,25

Câu 3Thông điệp: “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa” – Mong muốn thiết tha giữ gìn vẻ đẹp truyền thống của quê hương và nét đẹp mộc mạc, đơn sơ, bình dị của con người. Tác phẩm là lời thức tỉnh chúng ta về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.1,0
Câu 4 Thí sinh tùy chọn thái độ, song phải lý giải thật thuyết phục về sự lựa chọn của mình. Gợi ý:

– Tôi đồng tình với tâm sự của nhà thơ Nguyễn Bính. Bởi tâm sự đó là tiếng lòng chân thành nói lên mong muốn tha thiết của một con người trong buổi giao thời của xã hội Việt Nam. “Quê mùa” mà nhà thơ muốn “em” giữ nguyên là những gì chân chất, thuần hậu, mộc mạc thuộc về hồn quê, thuộc về nguồn cội của dân tộc. Đó còn là nét đẹp văn hóa của quê hương xứ sở cần gìn giữ, bảo vệ.

– Tôi không hoàn toàn đồng tình với tâm sự của nhà thơ. Có những giá trị văn hóa cần gìn giữ không có nghĩa chúng ta cứ đứng mãi ở nơi chốn cũ, sống mãi với những gì xưa cũ và cự tuyệt hoàn toàn với cái mới, nhất là khi cái mới ấy lại là cái tiến bộ, văn minh, có thể tạo đà cho sự phát triển của cá nhân cũng như của cả cộng đồng dân tộc. Giữ bản sắc văn hóa để không hòa tan nhưng cũng cần tiếp thu văn hóa, văn minh nhân loại để phát triển và hội nhập.

– Thí sinh có thể kết hợp cả hai ý kiến trên.

1,0
 LÀM VĂN.7.0
Câu 1Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống trong cuộc sống hiện nay2.0
 a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Bắt đầu bằng chỗ lùi vào đầu dòng, viết hoa, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. Đảm bảo yêu cầu về dung lượng (khoảng 200 chữ).0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ ý nghĩa của việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Có thể theo hướng sau:

– Bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống là gìn giữ, tôn tạo và tạo môi trường, không gian tồn tại cho những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.

– Ý nghĩa:

+ Bảo vệ bản sắc văn hóa để làm thành gương mặt tinh thần riêng của dân tộc.

+ Có được sức thu hút, hấp dẫn riêng, nhất là khi thế giới ngày càng tiến bộ, văn minh – không chỉ tôn trọng mà luôn đòi hỏi sự khác biệt, riêng biệt, độc đáo, nhất là về các giá trị văn hóa tinh thần.

+ Trong xu hướng toàn cầu hóa, việc giữ gìn bản sắc văn hóa sẽ giúp chúng ta hội nhập mà không bị hòa tan. Không đánh mất bản sắc văn hóa của mình mới có thể phát triển bền vững.

1,0

 

 

 

0,25

 

0,25

 

0,25

 

 

0,25

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt0,25
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận.0,25
Câu 2.









Viết bài văn bàn luận về vấn đề: Sự lựa chọn của nhân vật Trương Ba.5,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề; thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn; kết bài kết luận được vấn đề0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự lựa chọn của nhân vật Trương Ba khi đứng trước tình huống: chết hẳn hoặc tiếp tục sống trong thân xác người khác.0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.3,5
* Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm và vấn đề cần nghị luận

– Lưu Quang Vũ là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của VHVN hiện đại.

– Vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt là tác phẩm khai thác chất liệu dân gian, có ý nghĩa sâu sắc khi đặt ra nhiều vấn đề về tư tưởng, lối sống của con người.

– Câu nói của TB “Tôi không nhập vào hình thù ai nữa! Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!” xuất hiện trong cuộc thoại giữa Hồn TB và Đế Thích thể hiện sự lựa chọn dứt khoát của TB…

0,5
* Tình huống của nhân vật Trương Ba

– Là người làm vườn nhân hậu, trong sạch, thẳng thắn, hết lòng thương yêu vợ cơn, có tài đánh cờ nhưng bị chết oan.

– Được trả lại sự sống nhưng đó là sống nhờ trong thân xác hàng thịt thô lỗ, phũ phàng  khiến Trương Ba dần thay đổi: Hồn TB có một cuộc sống đáng hổ thẹn khi phải sống chung với phần thể xác dung tục và bị sự dung tục đồng hoá. Trương Ba kiên quyết từ chối thỏa hiệp với xác hàng thịt.

0,5
* Sự lựa chọn của nhân vật Trương Ba

– Trương Ba đã tranh luận gay gắt với hàng thịt, đối thoại với người vợ, với con dâu, với Đế Thích trong đau đớn trước khi đi đến lựa chọn cuối cùng.

– Lời thoại của Trương Ba thể hiện lựa chọn: Chấp nhận chết hẳn, không trú ngụ trong thân xác của bất kì ai.

1,0
* Bình luận

– Sự lựa chọn đau đớn vì như vậy, Trương Ba không còn được sống nhưng đó là lựa chọn đúng, giúp Trương Ba tránh được bao rắc rối trong các mối quan hệ, nhất là giữ được phẩm cách đẹp đẽ vốn có và được là chính mình, trong sự hài hoà tự nhiện giữa thể xác và tâm hồn.

– Sự lựa chọn của Trương Ba phản ánh vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của người lao động trong cuộc chiến chống lại nghịch cảnh.

– Sự lựa chọn dứt khoát của TB thể hiện chiều sâu triết lí nhân sinh sâu sắc của vở kịch: Sự sống là quý giá nhưng có một điều còn quan trọng hơn cả sự sống là sống như thế nào cho có ý nghĩa.

– Quyết định của Trương Ba được khắc họa bằng ngôn ngữ kịch giàu triết lí, chứa đựng chiều sâu nội tâm nhân vật.

1,5
d. Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.0,5

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang