Điểm nhìn nghệ thuật nghệ thuật trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Trong Hai đứa trẻ, nhà văn đã lựa chọn được điểm nhìn rất phù hợp với câu chuyện. Tác phẩm được kể chuyện từ điểm nhìn của nhân vật Liên là một cô bé có tâm hồn nhạy cảm. Hoàn cảnh và trải nghiệm của Liên có ảnh hưởng đến điểm nhìn là gia đình vốn ở Hà Nội, vì thầy Liên mất việc, gia đình sa sút nên phải về quê. Mẹ Liên làm nghề hàng xáo và giao cho hai chị em trông coi một gian hàng tạp hóa nhỏ thuê lại của bà lão móm. Cuộc sống hàng ngày ở nơi phố huyện nghèo nàn, bế tắc, tù đọng đã khiến tâm hồn Liên trở nên có nhiều suy tư.
1. Điểm nhìn từ không gian, thời gian trong truyện.
Điểm nhìn kể chuyện đã dẫn đến kiểu phương thức kể chuyện nhà văn giấu mình và dựa vào điểm nhìn của nhân vật để kể chuyện. Bởi vậy, trong tác phẩm nhà văn trước hết đó là điểm nhìn thể hiện trong không gian, thời gian. Khách thể chịu sự chi phối của điểm nhìn nghệ thuật là bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người ở phối huyện nghèo từ lúc chiều muộn đến lúc đêm khuya. Nhà văn đi sâu vào mọi ngõ ngách nội tâm của nhân vật để miêu tả cảm nhận, tâm trạng của Liên trước bức tranh thiên nhiên, đời sống và tâm trạng đợi tàu, tâm trạng khi đoàn tàu đi qua.
a. Bức tranh thiên nhiên, đời sống hiện lên qua điểm nhìn của nhân vật Liên (Điểm nhìn trong không gian, thời gian)
– Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người lúc chiều muộn.
– Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người lúc đêm tối.
b. Thế giới nội tâm của nhân vật Liên Điểm nhìn xuất phát từ cảm xúc, tư tưởng, trải nghiệm, vốn sống… của một cô bé có tâm hồn nhạy cảm)
– Tâm trạng lúc chiều muộn.
– Tâm trạng lúc đêm tối.
– Tâm trạng khi chờ tàu.
– Tâm trạng khi tàu đến.
– Tâm trạng khi tàu qua.
3. Điểm nhìn thể hiện phong cách nghệ thuật nhà văn Thạch Lam và chiều sâu nội dung, tư tưởng.
– “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Lựa chọn điểm nhìn nghệ thuật của một nhân vật nhà văn đã nhập thân vào nhân vật, tựa vào nhân vật để kể chuyện, kể, tả, bình luận với tầm nhìn của nhân vật. Vì thế truyện ít sự kiện, hành động, không có cốt truyện, không tạo ra những tình huống truyện éo le, nghịch cảnh mà đi sâu vào thế giới nội tâm của hai đứa trẻ, đặc biệt là của nhân vật Liên với những rung động, cảm xúc mơ hồ, mong manh mà thật tinh tế. Lối viết văn mềm mại, trữ tình, trong sáng, giàu hình ảnh và nhạc điệu cùng các hình ảnh có tính biểu tượng rất hấp dẫn. Tác phẩm như một “bài thơ trữ tình đượm buồn”, là một tiếng nói trữ tình thầm kín, nhẹ nhàng nhưng thấm thía vô cùng.
– Thể hiện chiều sâu tư tưởng, nội dung và quan điểm văn chương tiến bộ của Thạch Lam: Thông qua tâm trạng đợi tàu của chị em Liên và Anh, tác phẩm thể hiện giá trị hiện thực, tư tưởng nhân đạo sâu sắc và kín đáo thể hiện tinh thần yêu nước. Nhà văn thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của những con người nghèo khổ, muốn văn chương trở thành thứ vũ khí thanh cao và đắc lực làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn.
Bài văn tham khảo:
Thạch Lam – một nhà văn lớn của khuynh hướng văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Các tác phẩm của ông chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ, nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã từng nhắc văn chương nhà văn Thạch Lam như thế này: “Sáng tác của Thạch Lam đem lại một cái gì đó nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu”. Ta bắt gặp những dòng cảm xúc ấy không chỉ ở “Dưới bóng hoàng lan”, “Gió lạnh đầu mùa” hay “Cô hàng xén”, và với “Hai đứa trẻ” nhà văn lại một lần nữa dắt ta vào thế giới trẻ thơ nơi có những cảm xúc êm nhẹ, buồn thương. Với điểm nhìn đa dạng, linh hoạt, qua lời kể chuyện của người thứ ba, hành động của các nhân vật được diễn tả chi tiết mang tính ẩn dụ hòa cùng tâm lí lại như một cánh cổng thần bí cần đọc giả phải tự mình khám phá.
Truyện ngắn Hai đứa trẻ được rút ra trong tập truyện ngắn “nắng trong vườn” (1938). Bức tranh trong câu chuyện mang đến một màu sắc u tối dưới cái nhìn nhạy của cô bé Liên – nhân vật chính trong câu chuyện. Tương tự như nhân vật “Tôi” trong truyện ngắn Bên kia sông, gia đình của Lan cũng xảy ra biến cố, hai đứa trẻ theo mẹ về quê ngoại ở một phố huyện nghèo. Ngày ngày hai chị em Liên và An đều trông coi căn hàng xén nho nhỏ với vài ba bao thuốc, dăm bánh xà phòng… và chờ đợi đoàn tàu đi ngang phố huyện. Người ta thường nói trẻ con không biết dối, vậy đôi mắt thì sao? Cuộc sống nơi phố huyện nghèo hiện lên trong con mắt ngây thơ sạch sẽ ấy thật chân thực, sống động. Đó là mảng màu u tối trong một không gian chật hẹp, tù túng tồn tại những con người chậm chạp, vô hồn và nghèo đói.
Để làm nên tác phẩm mang đậm vẻ u sầu của thời xưa, nhà văn sử dụng điểm nhìn phiến diệm để chiêm nghiệm khám phá cuộc sống nặng nề một cách chi tiết. Thời gian khắc họa nên tác phẩm tuy ngắn ngủi, song mọi thứ chỉ diễn ra bắt đầu từ buổi chiều tối cho tới đêm. Cảnh chiều tàn nơi đây, mở ra bởi màu “đỏ rực” của phương Tây, màu “ánh hồng” của mây trời, màu “đen sẫm” của tre làng, theo chân ánh mặt trời đang dần biến mất dưới bầu trời đen huyền ảo, khung cảnh mang đến vẻ đẹp yên ả, bình dị, thơ mộng nhưng không kém phần thê lương, ảm đạm.
Hai chị em Liên sống nơi phố huyện nghèo, gọi là phố huyện là thế, nghe thật giàu sang, nhưng nó cũng không khác cái chợ xép nhỏ là bao “Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn lại rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”. Không còn là “lao xao chợ cá làng ngư phủ”, phiên chợ buổi vãn chiều thưa thoáng người, vắng sự náo nhiệt, tô đậm vẻ buồn hiu quạnh, một phiên chợ tàn của những kiếp người tàn.
Không giống với những khung cảnh đau thương nặng nề về tiếng trống thúc thuế tai ương mỗi lần vang lên kéo theo những tiếng kêu ai oán của kiếp người nhỏ bé bất lực như trong sáng tác của Ngô Tất Tố hay Nam Cao. Truyện của Thạch Lam mang đến hơi thở của hiện thực về những kẻ vô danh, sống lụi tàn trong một xã hội đen tối mù mịt, không chịu sự áp bức của siu thuế đến cùng cực nhưng lại chịu một cuộc đời nghèo túng, không bước ra được ánh sáng.
Sự xuất hiện của những con người nơi đây như là minh chứng rõ ràng về dáng vẻ của phố huyện nghèo. Những đứa trẻ nhà nghèo “cúi lom khom” nhặt nhạnh những thanh tre thanh nứa còn sót lại trên nền chợ, mẹ con chị Tí với quán hàng bán chẳng được bao nhưng đêm nào cũng dọn, bà cụ Thi với tiếng cười ghê rợn đi lần vào trong bóng tối, bác Siêu với gánh phở ế ít người vào ăn, là gia đình bác xẩm với tiếng đàn bầu run bần bật trong đêm. Họ đều là những phận người nhỏ bé, sống lê lết từng ngày trong sự tù đọng quẩn quanh trên cái “ao đời phẳng lặng”. Hai đứa trẻ – đang trong lứa tuổi ngây thơ, ngày ngày nô đùa vui vẻ thì giờ đây lại phải đối mặt với lo toan về cuộc sống, giúp mẹ bán những món đồ ở cửa hàng nhỏ. Chúng phải giam mình trong không gian u tối của phố huyện, tự cầm cố lấy sức sống, và có thể sẽ chẳng bao giờ biết đến nhưng điều mới mẻ rực rỡ ngoài kia.
Song là người có trái tim nhân hậu đồng cảm với những kiếp người nhỏ bé, Thạch Lam sẽ không dừng lại ngòi bút của mình dưới phản ánh hiện thực khốc liệt, tàn nhẫn mà sẽ chấm lên một vết tích ánh sáng, khơi gợi ánh sáng mà nơi mà không ai ngờ tới để làm điểm nhấn cho cả một bức tranh điêu tàn. Giữa phố huyện nghèo xác xơ ấy, nhân vật Liên chính là viên ngọc tỏa sáng, cô bé mang trong mình xúc cảm tinh nhạy đối với cảnh vật thiên nhiên“buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”, “một đêm mùa hạ êm như nhung” liệu có mấy ai sống ở nơi nghèo nàn, túng quẫn lại còn có thể bình thản mà cảm nhận những điều đó đây?.
Sẽ chả có ai được như thế. Cũng sẽ không có ai lại có thể giàu lòng trắc ẩn, đồng cảm với những kiếp người nhỏ bé như Liên. Cô bé là đứa trẻ tinh tế, tốt bụng không vì hoàn cảnh khấm khá hơn ai mà vạch ra thái độ, khép lòng thương người với những đứa trẻ nghèo, không bớt đi lời quan tâm hỏi han mẹ con chị Tí, chẳng ngại rốt đầy cốc rượu cho bà cụ Thi cungc chẳng bao giờ thờ ơ với gánh phở bác Siêu, gia đình bác xẩm. Có phải chăng đây chính là sự đồng cảm, bao dung của nhà văn dưới hình thể nhân vật mà mình viết ra?.
Sinh thời, Thạch Lam từng tâm niệm: “Xét cho cùng, ở đời ai cũng khổ. Người khổ cách này, người cách khác. Bí quyết là biết tìm cái vui trong cái khổ.” Hai đứa trẻ có nhau, chúng không có được những thứ khiến chúng vui vẻ ở nơi đây, nên cùng nhau trở về dòng chảy quá khứ, những năm tháng mà hai chị em trải qua trên mảnh đất Hà Nội hoa lệ. Hay những lần ngước lên bầu trời đầy sao, tìm kiếm dòng sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông, đó chính là lúc chúng để cho lòng mình lặng theo mơ tưởng. Nhưng có lẽ khát khao và trọn vẹn nhất, chúng đều gửi vào đàon tàu, Không chỉ có mình hai chị em Liên mà “từng ấy người trong bóng tối trông đợi một cái gì tươi sáng hơn cho sự sống nghèo khổ của họ”, và có lẽ đoàn tàu chính là nguồn sáng mãnh liệt nhất, có thể chiếu rọi được mảnh đời tăm tối nơi đây.
Sự xuất hiện của đoàn tàu – hoạt động cuối cùng của một ngày trong mắt hai đứa trẻ cùng những người dân phố huyện nghèo nó chính là động lực cho họ bám víu lấy cuộc sống này. Đoàn tàu mang theo cả ánh sáng rực rỡ, mang theo âm thanh náo nhiệt, chứ không tù đọng, vắng lặng như không gian phố huyện, không leo lét như ngọn đèn của chị Tí hay ánh lửa của bác Siêu. Nó như một tia hồi quang, đưa hai chị em ngược dòng trở lại về quá khứ về với Hà Nội thân thương lưu giữ biết bao kỉ niệm vui vẻ bất tận đồng thới nó cũng là chuyến tàu đưa tới hi vòng thắp sáng cả tương lai. Từ mọi góc độ, chính đoàn tàu lại càng tô đậm nên cuộc sống bế tắc của những người nông dân, khi mà niềm vui đối với họ là ngồi chờ đợi nhìn chuyến tàu đi qua, chẳng thể làm gì thoát khỏi sự vô vộng, khốc liệt,tù đọng đang ôm trùm, nhuộm đen cả một đời người.
Từ Điểm nhìn tác giả đã hòa trộn vào điểm nhìn nhân vật, dịch chuyển từ bên ngoài vào bên trong để dễ dàng phát hiện ra những tâm tư ẩn kín trong tâm hồn nhân vật. nhà văn Thạch Lam – một người nhân hậu, luôn đồng cảm thương xót cho những mảnh đời nhỏ bé đã thật sự thành công khi từ điểm nhìn cá nhân kết hợp với tài năng văn chương nhẹ nhàng, tinh tế, sâu lắng lay động đến người đọc về câu truyện ngắn mang giá trị nghệ thuật nhân bản sâu sắc, thể hiện một niềm khát khao to lớn của những con người nhỏ bé nơi phố huyện nghèo này.