doc-hieu-van-ban-thong-tin-luyen-tap-cuoi-hoc-ki-1-ngu-van-8-chan-troi-sang-tao

Đọc hiểu văn bản thông tin (Luyện tập Cuối học kì 1 – Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo)

BÀI TẬP 1:

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:

1. Dòng chảy xa bờ là gì?

Dòng chảy xa bờ hay dòng rip (rip current) là dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Nơi có dòng chảy xa bờ là thường là vùng nước lặng, ít hoặc hầu như không có sóng.

2. Dòng chảy xa bờ nguy hiểm như thế nào?

Dòng chảy xa bờ được coi như là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chết đuối khi tắm biển. Nó được ví như một dòng chảy cực mạnh, kéo mọi vật rơi vào nó ra xa bờ và đưa thẳng ra biển. Trong thời gian khoảng một phút, dòng chảy xa bờ có thể cuốn người ra xa từ 150m, do đó dòng cháy xa bờ có thể đe dọa đến những người bơi giỏi.

Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên dễ làm cho mọi người hiểu lầm đó là nơi an toàn. Khi mọi người bơi vào dòng chảy xa bờ, ngay lập tức nó kéo người biết bơi ra xa bờ làm cho người biết bơi kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy xa bờ, rồi đuối nước. Bên cạnh đó, chính sự hoảng loạn khiến cho người bơi không còn khả năng phán đoán chính xác.

3. Cách nhận biết để tránh dòng chảy xa bờ.

Khu vực có dòng chảy xa bờ thường nước có màu sậm hơn vì khu vực đó nước sâu hơn bình thường, mặt nước lặng hơn và sóng nhỏ hơn. Nếu thấy bọt nước hay vật trôi nổi trên mặt nước mà bị cuốn ra xa bờ, thì khu vực đó đang có dòng chảy xa bờ.

4. Cách thoát khỏi dòng chảy xa bờ.

Nếu chẳng may bạn bị cuốn vào dòng chảy xa bờ, đầu tiên bạn tuyệt đối không được vùng vẫy vì sẽ càng bị cuốn ra xa và mất sức hơn. Tiếp đến, phải giữ bình tĩnh, không hoảng loạn, không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ vì chắc chắn sẽ rất mất sức dẫn đến đuối nước. Sau khi nhận diện rõ dòng chảy xa bờ, bạn hãy cố gắng bơi song song với bờ biển, hướng tới khu vực có sóng bạc đầu, để sóng bạc đầu đánh đưa vào bờ.

Đối với người không biết bơi, hạn chế vẫy vùng hoảng loạn mà cố gắng thả nổi cơ thể trên mặt nước và kêu cứu để nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh.

Câu 1. Xác định một yếu tố Hán Việt có trong câu văn sau và đặt câu với yếu tố Hán Việt đó: “Dòng chảy xa bờ được coi như là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chết đuối khi tắm biển”.

Câu 2: Xác định 1 trợ từ có trong câu văn: “Bên cạnh đó, chính sự hoảng loạn khiến cho người bơi không còn khả năng phán đoán chính xác”.

Câu 3. Dựa vào văn bản, hãy nêu 2 đặc điểm dễ nhận biết của “dòng chảy xa bờ”.

Câu 4. Mục đích viết của văn bản trên là gì? Những đặc điểm nào của văn bản giúp em nhận ra mục đích ấy?

Câu 5. Xác định cách trình bày thông tin của đoạn trích:

“Nếu chẳng may bạn bị cuốn vào dòng chảy xa bờ, đầu tiên bạn tuyệt đối không được vùng vẫy vì sẽ càng bị cuốn ra xa và mất sức hơn. Tiếp đến, phải giữ bình tĩnh, không hoảng loạn, không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ vì chắc chắn sẽ rất mất sức dẫn đến đuối nước. Sau khi nhận diện rõ dòng chảy xa bờ, bạn hãy cố gắng bơi song song với bờ biển, hướng tới khu vực có sóng bạc đầu, để sóng bạc đầu đánh đưa vào bờ”.

Dựa vào đặc điểm nào em có thể xác định như vậy?

Câu 6. Từ nội dung văn bản, em rút ra được bài học gì? Hãy trình bày từ 3 đến 5 câu.

BÀI TẬP 2:

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:
Mới đây, các giáo sư tâm lí học ở Trường Đại học York và Toronto đã tìm ra những bằng chứng để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt tính hơn.

Những nghiên cứu của các giáo sư đã cho thấy những người thường xuyên đọc sách văn học thường có khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng thấu cảm tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc. Sau khi đã tìm thấy mối liên hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những điều thú vị, rằng những trẻ được đọc nhiều sách truyện thường có cách ứng xử ôn hòa, thân thiện hơn, thậm chí trở thành những đứa trẻ được yêu mến nhất trong nhóm bạn.

Đọc một nội dung sâu sắc khác với cách đọc “mì ăn liền của chúng ta” khi lướt qua các trang mạng. Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.

Theo các nhà tâm lí học, việc chú tâm đọc một nội dung sâu sắc có tầm quan trọng đối với mỗi cá nhân giống như việc người ta cần bảo tồn những công trình lịch sử hay những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng”.

Câu 1: Văn bản trên có phải là văn bản thông tin không? Dựa vào đặc ddiemr nào em xác định như vậy?

Câu 2. Xác định một yếu tố Hán Việt có trong câu văn sau và đặt câu với yếu tố Hán Việt đó:
“Mới đây các giáo sư tâm lí học ở Trường Đại học York và Toronto đã tìm ra những bằng chứng để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt tính hơn”.

Câu 3: Dựa vào văn bản, hãy nêu 4 tác dụng của việc đọc sách.
Câu 4. Mục đích viết của văn bản trên là gì? Những đặc điểm nào của văn bản giúp em nhận ra mục đích ấy?

Câu 5. Xác định cách trình bày thông tin của đoạn trích:

“Những nghiên cứu của các giáo sư đã cho thấy những người thường xuyên đọc sách văn học thường có khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng thấu cảm tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc. Sau khi đã tìm thấy mối liên hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những điều thú vị, rằng những trẻ được đọc nhiều sách truyện thường có cách ứng xử ôn hòa, thân thiện hơn, thậm chí trở thành những đứa trẻ được yêu mến nhất trong nhóm bạn”.

Dựa vào đặc điểm nào em có thể xác định như vậy?

Câu 6. Từ nội dung văn bản, em rút ra được bài học gì? Hãy trình bày từ 3 đến 5 câu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang