dong-vai-ong-hoa-si-ke-lai-cau-chuyen-lang-le-sa-pa

Đóng vai ông họa sĩ kể lại câu chuyện Lặng lẽ Sa Pa

Đóng vai ông họa sĩ kể lại chuyến lên lào Cai trong Lặng lẽ Sa Pa.

  • Mở bài:

Ngồi nhìn bức vẽ phác họa, thành quả của chuyến đi thực tế lên Lào Cai, tôi không ngừng suy nghĩ. Bức tranh là hình ảnh một anh thanh niên có tầm vóc nhỏ bé từ trên sườn đồi chạy xuống. Nét mặt anh đầy phấn khởi cùng nụ cười rạng rỡ, ánh mắt háo hức khiến người ta nhìn thấy được một cái gì đó rất hấp dẫn ở anh. Có lẽ đó là niềm say mê sống, say mê làm việc.

  • Thân bài:

Anh thanh niên vốn quê ở thị xã Lào Cai. Anh mang trong mình một tình yêu tổ quốc thiết tha và tình yêu cuộc sống cuồn cuộn chảy. Mấy năm trước, hai bố con anh cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận chiến đấu. Làm trai giữa thời chiến, chắc chắn đó sẽ là lựa chọn đầu tiên. Bố anh được chọn, ngày hôm sau thì nhập ngũ rồi vào miền Nam. Anh hụt hẫng đến mấy ngày.

Thanh niên sức dài vai rộng lẽ nào lại có thể ngồi không, hững hờ với tổ quốc. Anh muốn được làm cái gì đó có ý nghĩa cho đất nước. Anh muốn gắn chặt mình với nhiệm vụ của nhân dân, của đất nước. Không bỏ cuộc, anh xung phong lên làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu ở Sa Pa.

Cuộc sống thật kì diệu. Ẩn sâu ở đâu đó, trong cuộc sống bề bộn này, cái đẹp luôn hiện hữu. Ở khắp mọi miền đất nước, cái đẹp đang chờ đợi được khám phá. Chân tôi vẫn còn khỏe. Dĩ nhiên là tôi sẽ tiếp tục đi, đi đến khi nào không thể đi được nữa mới thôi.

Nơi anh làm việc là đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét. Trên núi đặt cả một hệ thống dàn máy quan trắc khí tượng. Anh làm việc một mình. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đô chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Cong việc nghe chừng công việc có vẻ đơn giản nhưng kì thực rất vất vả. Để có số liệu chính xác và báo cáo kịp thời, cứ bốn tiếng đồng hồ anh đi ghi số liệu một lần. Gian khổ nhất là lên ghi và báo về lúc một giờ sáng. Trời Tây Bắc rét căm căm như cắt vào da thịt. Gió tuyết và sự lặng im đáng sợ của chốn rừng núi hoang vu quả thực là một trở ngại to lớn thử thách lòng dũng cảm trong anh. Nhưng cứ đều đặn, lúc nào anh cũng có số liệu chân thục báo về.

Càng nghĩ về cuộc sống và công việc của anh mà tôi càng thêm nể phục. Thật ít khi ta phải sống một mình. Mà dẫu khi ta có sống một mình đi chăng nữa thì xung quanh ta luôn còn có mọi người. Như anh lại sống một mình nơi đỉnh cao vắng lặng không một bóng người như thế này quả thật là một người dũng cảm, không biết sợ là gì.

Chưa cần đến nỗi cô đơn vì vắng bóng người. Như bác lái xe đã kể, anh thèm gặp người ghê lắm. Vì muốn được nói chuyện được nhìn ngắm con người mà anh đã nghĩ ra một cái trò thật hay ho. Đó là lăn các khúc gỗ ra chặn đường xe đi. Để rồi khi có xe nào dừng lại, anh hò hởi chạy tới phụ khiên khúc gỗ bỏ ra. Được nói chuyện, hỏi han, cười vui là anh mãn nguyện rồi.

Càng đáng sợ hơn nữa là ở một mình như anh. Nếu lỡ có ốm đau bệnh tật gì biết kêu ai. Hay như gặp phải rắn rết biết làm thế nào. Chốn Lào Cai cũng lắm hổ dữ, gấu hoang. Nỗi hiểm nguy lúc nào cũng cứ rình rập khắp nơi. Chưa nói đến lương thực, thuốc men thiếu thốn, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến người ta lạnh cả người mà sớm bỏ về thôi.

Để vượt qua tất cả khó khăn ấy, anh thanh niên vừa tự lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ vừa tự an ủi mình bằng một lí tưởng cao đẹp. Anh ấy không hề thấy cô độc. Anh thấy xung quanh anh có biết bao người đang ngày đêm làm việc như thế. Dù họ ở rất xa nhưng anh lại cảm thấy đang rất gần. Một khi tổ quốc nằm trong trái tim thì không có nơi nào là xa xôi, nhân dân nằm trong trái tim thì không ai còn xa lạ nữa. Lí tưởng của anh cũng là lí tưởng của bao nhiêu thanh niên trai trẻ khác đang từng ngày từng giờ dâng hiến cho đất nước. Anh hòa mình vào nhịp sống của đất nước, thực sự cảm nhận nhịp sống của cả dân tộc trong từng nhịp đập con tim.

Anh thanh niên là người có lối sống gọn gàng, sạch sẽ, tính tình cởi mở, lại rất hiếu khách. Khi đoàn chúng tôi ghé thăm căn nhà nhỏ của anh, anh đã xuống tận nơi để đón và rộn ràng kể chuyện cho chúng tôi nghe. Anh gửi tặng bác lái xe củ tam thất để bồi dưỡng sức khỏe vợ bác. Anh thật là chu đáo.  Mấy hôm trước bác lái xe có bảo vợ ông bị ốm, thế là anh vội đi tìm tam thất làm quà.

Ấn tượng nhất với tôi lúc đó là giữa sự im lặng của đại ngàn lại có một người năng động, vui tươi đến thế. Anh hoàn toàn đối lập với hoàn cảnh xung quanh. Gặp anh tôi có cảm giác anh vừa bước ra khỏi một cuộc vui nào đó, sự nhộn nhịp của nó vẫn còn lan tỏa trong anh. Khi bước lên nơi anh ở, tôi kinh ngạc vô cùng. Nó không như những gì tôi đã tưởng tượng khi nghe bác lái xe kể. Một căn nhà sạch sẽ, với một bộ bàn ghế bằng tre nứa. Trên bàn, một ấm trà nóng đã sẵn. Mấy bộ quần áo móc ở góc nhà. Còn có mấy quyển sách được xếp gọn gàng ở đầu giường. Anh còn trồng rau, trồng hoa và nuôi gà nữa chứ. Có lẽ, thời gian rãnh rỗi, anh tăng gia sản xuất cho bớt nhàm chán như là tìm thú vui trong cuộc sống đơn điệu này.

Anh thanh niên vô cùng tinh tế khi tranh thủ chạy lên trước. Tôi cứ ngỡ là anh chạy lên dọn dẹp đồ đạc trong nhà cho đàng hoàng để đón chúng tôi. Nhưng không phải, anh lên trước để cắt hoa tặng cô gái. Thật không thể kể hết niềm vui sướng và ngượng ngùng của cô kĩ sư khi nhìn thấy vườn hoa rực rỡ giữa mùa hè. Cô chỉ biết “ồ” lên một tiếng rồi quên mất e lệ, cô chạy đến bên người con trai đang cắt hoa

Tôi nhanh chóng bị cuốn hút vào câu chuyện của anh sau đó. Thú thật, lúc đó tôi chỉ biết ngồi mà láng nghe. Mỗi lời nói của anh như chảy thằng vào lòng tôi. Tôi như đã bắt gặp một cái gì đó mà bấy lâu toi ao ước. Đúng rồi! Đó là nghệ thuật, là cái đẹp ở đời. Ôi, một nét thôi cũng đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác. Một nét mới đủ là giá trị của một chuyến đi dài.

Tôi vừa nói chuyện vừa hí hoáy viết vào cuốn sổ tì lên đầu gối. Bác lái xe và cô kĩ sư cũng tranh thủ khám phá cuộc sống xung quanh anh. Tôi không thể vẽ, cũng không thể làm gì tốt hơn là cố viết thật nhanh, ghi lại những gì mình nghĩ. Hội họa thực sự bất lực trước cuộc đời. Hội họa có thể ghi lại cái hình dung của anh nhưng không làm sao có thể ghi được cái niềm tin, lí tưởng và tình yêu cuộc sống đang cuộn chảy trong anh. Tôi bỗng thấy ngòi bút lúc này cũng trở nên bất lực. Tôi quay trở ra vẽ.

Thế nhưng vẽ bây giờ cũng là một việc làm khó, nặng nhọc và gian nan. Phải làm sao và bằng cách nào làm cho người ta hiểu được anh ta mà không phải như hiểu một ngôi sao xa? và làm thế nào để đặt được chính tâm hồn tôi ở trong đó? Chao ôi, bắt gặp được một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác. Nhưng hoàn thành sáng tác là một chặng đường dài. Mặc dù nghĩ vậy nhưng tôi cũng cố vẽ, chấp nhận thử thách khắc nghiệt này. Dù người thanh niên đã có giới thiệu một vài người khác nhưng vẫn ngồi yên cho tôi vẽ.

Tôi vẽ anh. Tôi vẽ cái tinh thần của anh. Nhưng dường như tôi không đang vẽ. Tôi đang kể chuyện bằng nét vẽ. Toi không đủ tài năng để vẽ hết được điều tôi đang nghĩ. Nó thật quá lớn lao. Nó vượt quá sự dung chứa của tâm hồn tôi. Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.

Tôi lại boăn khoăn suy nghĩ. Người thanh niên đáng yêu thật nhưng làm tôi nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh, về những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét khi ra gặp người. Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong đầu óc người khác. Có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng.

Buổi gặp gỡ ngắn ngủi kết thúc. Ba mươi phút trôi qua như chớp nhoáng. Tôi thấy tiếc quá, tôi muốn ở lại thêm chút nữa nhưng không được. Bác lái xe thúc giục chúng tôi lên đường. Ra đến cửa, tôi cầm tay anh lác lắc nói sẽ quay lại và sẽ ở chơi trò chuyện với nah mấy hôm. Anh mỉm cười thật tươi gật đầu đồng ý. Lần lượt cô kĩ sư trẻ và bác lái xe cũng từ biệt anh. Ra đến cửa, anh ấn cái làn trứng vào tay tôi, nói làm quà và không thể tiễn chúng tôi xuống tới xe, vẻ mặt khó hiểu.

  • Kết bài:

Kết quả của chuyến đi thực tế lên Lào Cai thật ý nghĩa. Tôi sẽ dành thời gian để hoàn thiện bức tranh này. Tôi sẽ làm cho mọi người hiểu rõ và trân trong anh, trân trong tất cả những con người đang âm thầm làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh không người. Họ thực sự là những anh hùng. Cuộc chiến của học không tiếng súng, không đổ máu nhưng không kém phần hiểm nguy và đáng sợ. Họ cần phải được biết đến, cần trân trọng và tôn vinh. Nhất định rồi, tôi sẽ làm tốt điều đó. Tôi sẽ trở lại nơi ấy một lần nữa. Và biết đâu, thế nào tôi cũng về ở hẳn ở đấy.


Bài tham khảo:

Phân tích nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa.

Sống và viết – đó là hành trình khổ cực mà vĩ đại của người nghệ sĩ. Để một tác phẩm thành hình và ra đời, người nghệ sĩ phải trả giá bằng máu huyết và bằng chính cuộc đời mình, như con trai ôm ấp bao đau đớn mà dâng hiến hạt ngọc quý cho đời. Phải chăng trong cuộc hành trình ấy, niềm hạnh phúc lớn lao nhất chính là tìm được cho mình nguồn cảm hứng sáng tạo – nguồn cảm hứng bắt mạch từ chính cuộc sống mênh mông rộng lớn? Những tâm sự về nghệ thuật và cuộc sống ấy đã được Nguyễn Thành Long gửi gắm qua hình tượng nhân vật ông họa sĩ, một nhân vật độc đáo trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”.

Nguyễn Thành Long viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp, chuyên viết truyện ngắn và kí. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè 1970 của tác giả. Truyện trích trong tập “Giữa trong xanh” in năm 1972. Nhan đề truyện ngắn gợi nhắc đến bức tranh thiên nhiên Sa Pa vừa thơ mộng, lãng mạn, nhưng vừa tĩnh lặng, trầm buồn. Nhan đề còn gợi nhắc đến những con người lao động bình dị, âm thầm cống hiến nơi mảnh đất Sa Pa nói riêng và trên đất nước Việt Nam nói chung. Từ đó, nhan đề đề cao vẻ đep của người lao động và khẳng định ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” có một cốt truyện khá đơn giản. Trên chiếc xe từ Lào Cai lên Sa Pa, qua sự giới thiệu của bác lái xe, ông họa sĩ già và cô kĩ sư nông nghiệp làm quen với anh thanh niên 26 tuổi đang công tác một mình trên đỉnh Yên Sơn 2600 mét. Anh mời họ lên thăm nhà và dùng nước. Anh thanh niên tặng hoa cho khách, tự giới thiệu về công việc của mình: đo nắng, đo mưa, tính gió, tính mây, ngày báo 4 lần mà gian khổ nhất là lúc một giờ sáng. Công việc của anh nói chung là thầm lặng nhưng anh đã xác định được vai trò của mình, biết sắp xếp cuộc sống để yên tâm công tác. Anh lại rất khiêm tốn giới thiệu với ông họa sĩ những người khác xứng đáng hơn anh. Đến lúc phải chia tay, ông họa sĩ hẹn ngày quay lại, anh thanh niên lấy li do sắp đến giờ “ốp” không tiễn khách, mà chỉ tặng trứng gà cho khách ăn dọc đường. Anh đã mang lại những ý nghĩ tốt đẹp cho ông họa sĩ và cô kĩ sư.

Đoạn trích ghi lại những cảm nhận của ông họa sĩ trong cuộc trò truyện với anh thanh niên, từ đó cho thấy những quan niệm sâu sắc của ông họa sĩ về nghệ thuật và cuộc đời. Ông họa sĩ là một người yêu nghề, có những quan niệm nghệ thuật đúng đắn.Trong cuộc hành trình đến Sa Pa, mục đích của ông họa sĩ là tìm kiếm cho mình một nguồn cảm hứng sáng tạo. Duyên kì ngộ giữa ông và anh thanh niên đã thắp lên ngọn lửa cảm hứng ấy. Cho nên, khi trò chuyện với anh thanh niên, ông “bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì lên đầu gối”. Đó là thứ cảm hứng bất chợt, nhưng mãnh liệt và rất tự nhiên. Chính những vẻ đẹp tâm hồn của anh thanh niên hiện ra qua lời tâm tình chân thành của anh đã khơi dậy mạch nguồn nghệ thuật nơi người họa sĩ.

Ông họa sĩ hiểu rõ mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: “ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại của cuộc đời.” “Ông thấy ngòi bút của ông bất lực trên từng chặng đường đi nhỏ của ông”. Phép ẩn dụ “hành trình vĩ đại của cuộc đời” đã khái quát được tầm vóc lớn lao vô tận của hiện thực cuộc sống. Quả đúng như vậy, dù nghệ thuật có vẻ đẹp lung linh huyền ảo riêng của nó, thì nghệ thuật cũng bắt đầu từ cuộc đời và phải hướng tới cuộc đời, tác phẩm nghệ thuật có thể hoàn tất nhưng cuộc đời thì luôn tiếp diễn, cho nên có những lúc nghệ thuật không thể phản ánh hết cuộc sống, có những vẻ đẹp của cuộc sống nghệ thuật không thể truyền tải trọn vẹn. Và chính khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống ấy là một sự thử thách gian nan đối với bất kì người nghệ sĩ chân chính nào. Đối với cuộc hành trình vĩ đại là cuộc đời, thì sự sáng tạo của người nghệ sĩ đôi khi cũng chỉ là “từng chặng đường đi nhỏ” nhưng đầy thử thách.

Nhưng một khi dám dũng cảm dấn thân trên con đường nhiều chông gai ấy, tâm hồn người nghệ sĩ sẽ trở nên cao đẹp hơn. Ông họa sĩ nhận ra con đường nghệ thuật “như là một quả tim nữa của ông”. Đây là phép so sánh đặc sắc, nghệ thuật giống như một thứ ánh sáng thần kì khiến cho tâm hồn người nghệ sĩ trở nên mới mẻ hơn, phong phú hơn như một vườn hoa đầy hương sắc. Đồng thời, con đường nghệ thuật ấy cũng là “quả tim cũ được ‘đề cao’ lên”. Ngọn lửa thử vàng của nghệ thuật sẽ giúp chất vàng mười trong trái tim người nghệ sĩ hé lộ và chói ngời.

Có thể thấy, sự nhận thức sâu sắc và đúng đắn về nghệ thuật chính là biểu hiện của một người nghệ sĩ chân chính, giàu tâm huyết với nghề. Bởi lẽ, con đường nghệ thuật “nặng nhọc, gian nan” vì từng tác phẩm nghệ thuật cần phải chuyên chở tâm huyết của người nghệ sĩ. Điều đó thể hiện qua một loạt câu hỏi như giày vò tâm trí người họa sĩ:  “Làm thế nào làm hiện lên được mẫu người ấy? Cho người xem hiểu anh ta, mà không phải hiểu như một ánh sao xa? Và làm thế nào để đặt được chính tấm lòng người họa sĩ vào bức tranh đó?”. Các câu hỏi vang lên như tiếng gọi của lương tâm người nghệ sĩ, nó vừa truyền tải thông điệp về thiên chức của người nghệ sĩ với cuộc đời, đồng thời nó cũng truyền tải thông điệp về sứ mệnh của hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung: cần phải khơi phá được những vẻ đẹp của cuộc sống, cần phải khiến những vẻ đẹp ấy chạm được vào trái tim công chúng, khiến vẻ đẹp ấy thật gần gũi để có thể cộng hưởng với tâm hồn mọi người để cái đẹp cứ thể nảy nở, sinh sôi trong cuộc sống.

Vẻ đẹp ấy cụ thể trong trường hợp này chính là anh thanh niên, một chàng trai đáng yêu say mê lý tưởng. Ôngc họa sĩ muốn mọi người hiểu được anh, yêu mến anh và cảm thấy anh gần gũi, chứ không phải chỉ đơn thuần ngưỡng vọng anh như một “ngôi sao xa”. Hình ảnh “ngôi sao xa”  có tính chất biểu tượng, nó xuất hiện hai lần trong tác phẩm. Lần thứ nhất, ở đầu tác phẩm, hình ảnh ngôi sao xa hiện lên qua lời nói của anh thanh niên gợi tới một vẻ đẹp khiêm nhường, lẻ loi nhưng cao quý. Cho nên, nguyện vọng của ông họa sĩ muốn vẽ bức chân dung của anh thanh niên để người xem không hiểu anh “như một ngôi sao xa” mang mong muốn khiến cho ánh sao lẻ loi, cô độc ấy được thấu hiểu, giúp người xem hiểu hơn về anh thanh niên, về công việc và lý tưởng của anh, từ đó trân trọng, quý mến anh. Ông họa sĩ muốn làm cho ánh sao xa xôi ấy trở nên thật gần gũi và ánh sáng lấp lánh của nó có chạm tới trái tim mọi người. Tức là, khiến cho những việc tốt, những suy nghĩ đẹp, lý tưởng sống cao cả của anh dễ được mọi người đồng cảm, noi theo và nhân rộng trong cuộc sống. Phải chăng mục đích vẽ tranh của ông họa sĩ cũng chính là mục đích của nhà văn Nguyễn Thành Long khi sáng tác nên thiên truyện ngắn đầy chất thơ này?

Những suy tư trăn trở ấy đã khơi dậy những xúc cảm trong tâm hồn ông họa sĩ. Câu cảm thán “Chao ôi!” cất lên như một sự xúc động, như một sự vui mừng. Bởi lẽ ông đã tìm được nguồn cảm hứng sáng tác mà ông cho là “hãn hữu” và cũng nhận ra rằng để đi hết con đường nghệ thuật ấy không phải là dễ dàng. Thế nhưng, ông “đã chấp nhận sự thử thách”. Thái độ mạnh mẽ, quyết tâm ấy thể hiện một tình yêu tha thiết với nghề và một bản lĩnh nghệ thuật vững vàng, đáng quý trọng.

Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống. Người nghệ sĩ có quan niệm nghệ thuật đúng đắn sâu sắc, cũng là một người từng trải, có những nghiêm nghiệm sống sâu sắc Khi vẽ bức chân dung anh thanh niên, đồng thời bác họa sĩ cũng nhận ra những ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Người thanh niên ấy để lại ấn tượng tốt trong lòng ông, ông nhận ra “người con trai ấy đáng yêu thật”, nhưng đồng thời lại khiến ông “nhọc quá” bởi những suy nghĩ trăn trở mà anh gợi ra trong tâm hồn ông. Những vẻ đẹp của anh thanh niên được nhà văn Nguyễn Thành Long khéo léo xây dựng trên hình thức cuộc đối thoại, cho nên những góc nhìn khác nhau những, tư tưởng khác nhau, “những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh” và “những điều anh suy nghĩ” cứ soi chiếu, cộng hưởng với nhau làm nên những trăn trở, suy tư về cuộc đời trong ông họa sĩ.

Câu văn: “Và về những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển, cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người” tuôn dài miên man đầy chất thơ. Nó gợi tới hoàn cảnh làm việc “cô độc nhất thế gian”, một mình lẻ loi trên đỉnh Yên Sơn của anh thanh niên. Đồng thời, nó cũng khiến ta nhớ lại những suy tư xúc động, đầy ý nghĩa của anh về công việc, về trách nhiệm, về lý tưởng: “Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia”, “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc”. Con người chỉ có thể sống có ý nghĩa khi biết cống hiến, khi chan hòa với cộng đồng, khi biết góp sức xây dựng quê hương.

Những bài học cuộc sống giản dị mà sâu sắc ấy lại được nói ra bởi một người trẻ tuổi như anh thanh niên, chính điều ấy đã khiến ông họa sĩ xúc động mạnh. Ông đúc kết ra một chân lý: “Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác, có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng”. Anh thanh niên trở thành những âm vang trong lặng lẽ, gọi thức những suy nghĩ đúng đắn, tốt đẹp không chỉ trong tâm hồn cô kĩ sư trẻ, mà ngay cả trong tâm trí bác họa sĩ già, từng trải.

Đại thi hào Nguyễn Du từng tâm niệm: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, đó là một định nghĩa đúng đắn về người nghệ sĩ. Và định nghĩa ấy cũng đúng với ông họa sĩ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Qua đoạn trích trên, ta nhận ra được ở ông họa sĩ sự trăn trở và tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật và một tấm lòng nhân hậu, yêu con người, yêu cuộc sống.

Qua nhân vật ông họa sĩ, Nguyễn Thành Long truyền tải những triết lý sâu sắc về cuộc đời và nghệ thuật. Đối với nhà văn, nghệ thuật là một cuộc dấn thân phải trả giá bằng máu huyết, nhưng một khi người nghệ sĩ chân chính có can đảm theo đuổi cuộc hành trình ấy, tâm hồn anh ta sẽ được tôi luyện để trở nên phong phú hơn, cao đẹp hơn. Phải chăng ý nghĩa tồn tại thật sự của hai tiếng nghệ-sĩ cũng chính là cuộc hành trình vĩ đại ấy? Những hành động đẹp, những suy nghĩ đẹp, những tình cảm đẹp luôn có sức lan tỏa trong cuộc sống, nó như một thứ ánh sáng dịu dàng ấm áp gọi thức những đóa hoa đẹp trong tâm hồn mọi người.

Hình tượng nhân vật ông họa sĩ được xây dựng bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc, xây dựng tính cách nhân vật chủ yếu qua độc thoại nội tâm. Câu chuyện được kể qua góc nhìn của ông họa sĩ, và do vậy nhà văn có thể nắm bắt được những chi tiết đặc sắc giàu sức gợi thông qua quan sát tinh tường của nhân vật. Ngôn ngữ truyện ngắn đậm chất thơ, với những câu văn giàu nhạc điệu và những hình ảnh có tính chất biểu tượng “gợi những chiều sâu chưa nói hết”. Cách kết cấu hệ thống nhân vật của Nguyễn Thành Long rất đặc sắc, qua góc nhìn của ông họa sĩ nhà văn đã làm bật lên vẻ đẹp của nhân vật trung tâm là anh thanh niên, đồng thời vẫn xây dựng nhân vật ông họa sĩ thật sống động, có cá tính và suy nghĩ riêng, chứ không phải chỉ là một bức nền vô hồn tôn vinh nhân vật chính.

Một trang văn in bóng một cuộc đời, mỗi nhân vật hằn in tâm tình người nghệ sĩ. Phải chăng Nguyễn Thành Long đã âm thầm gửi gắm tâm huyết nghệ thuật một đời mình vào hình tượng ông họa sĩ, một người họa sĩ đã dấn thân và không ngừng dấn thân trên cuộc hành trình nghệ thuật đầy khổ nhọc mà cũng đầy vinh quang?

Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long

6 bình luận trong “Đóng vai ông họa sĩ kể lại câu chuyện Lặng lẽ Sa Pa”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang