Gặp lại con đò
Hoàng Thảo
Tình cờ gặp lại con đò
Thanh xuân lỗi hẹn, tiếng hò bơ vơ
Đã quên rồi, những vần thơ
Những ngày ngược nẻo đón chờ hương cau
Kỉ niệm xưa đã úa nhàu
Nấm mồ chôn chặt tên nhau giữa đời…
Nào ngờ con nước đầy vơi
Đò xưa không hẹn, không mời mà sang
Bỗng nghe xao xác tiếng đàn
Bỗng nghe sóng vỗ mênh mang trời chiều…
Vườn Kiều lối cũ phong rêu
Đò nay có bến sớm chiều đón đưa
Đã tan rồi… những giấc mơ…
Thôi! Đừng đứng đó… ngẩn ngơ gọi đò…
(Chiều 4/7/ 2017)
Xưa Nguyễn Trãi nằm mơ trên bến sông xuân, hồn chìm lẫn trong làn hơi mỏng, bóng xuan xanh, mờ ảo như bồng lai, đượm màu tựa tiên cảnh. Quả thực cảnh xuân trên bến nước không khỏi khiến người ta cảm thấy yên bình, tịnh độ trong cõi vắng:
“Cỏ xuân như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời
Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
Con đò ghếch bãi suốt ngày chơi”.
(Bến đò xuân đầu trại – Nguyễn Trãi)
Hoàng Thảo còn trẻ lắm. Trái tim Hoàng Thảo tràn đầy nhịp đập yêu đương. Trái tim Hoàng Thảo chưa bao giờ thôi khao khát. Và vì thế, tiếc nuối và hoài niệm thường tìm vềẩy rứt không nguôi mỗi khi nàng “tình cờ gặp lại”:
“Tình cờ gặp lại con đò
Thanh xuân lỗi hẹn, tiếng hò bơ vơ”.
Gặp lại, lẽ ra phải hân hoan lắm. Thế mà Hoàng Thảo không có cảm giác ấy. Con đò trên bến cũ là cái nguyên cớ để nhớ về ngày tháng xa xưa vừa buồn vừa tủi. “Thanh xuân lỗi hẹn, tiếng hò bơ vơ”, hay chính lòng nàng đang bơ vơ. Dù lòng người không mong ước nhưng nó cứ tàn nhẫn ùa về:
“Những ngày ngược nẻo đón chờ hương cau
Kỉ niệm xưa đã úa nhàu
Nấm mồ chôn chặt tên nhau giữa đời…”.
Đời người trong kiếp trầm luân vui ít buồn nhiều. Hoàng Thảo có lần cũng đã tự thán rằng cuộc đời:
Như chiếc lá mỏng tanh
Xoay tròn
Nổi chìm trong bão nước
Lầm lũi
Buông mình dập dềnh
Ngược xuôi muôn ngả
(Con thuyền – Hoàng Thảo)
Chợt nhớ đến cuộc đời nàng Kiều Trong buổi chiều đứng trên lầu Ngưng Bích nhìn về đất trời xa xăm, nghĩ về tương lai mà thấy vô vọng: “Hoa trôi man mác biết là về đâu”. Bế tắc trong bi cảnh cùng cực, Kiều rơi vào trạng thái bấn loạn tinh thần, không còn khả năng nhận thức thực tại. Cái nhìn xa xăm lại là cái nhìn vào sâu trong tâm tưởng:
“Buồn trong gió cuốn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sống kêu quanh ghế ngồi”.
Chắc có lẽ, Hoàng Thảo cũng đã ở trong không gian tâm trạng não nề ấy nên nàng giật mình nhận ra:
“Bỗng nghe xao xác tiếng đàn
Bỗng nghe sóng vỗ mênh mang trời chiều…
…….
Đã tan rồi… những giấc mơ…
Thôi! Đừng đứng đó… ngẩn ngơ gọi đò…”