gioi-thieu-nha-tho-han-mac-tu

Những đóng góp của nhà thơ Hàn Mặc Tử đối với nền thơ Việt Nam

Những đóng góp của nhà thơ Hàn Mặc Tử đối với nền thơ Việt Nam

Cuộc đời ngắn ngủi ở kiếp nhân gian nhưng Hàn đã đi một con đường thơ dài và tương đối trọn vẹn, từ thơ Đường luật với tập “Lệ Thanh thi tập ” đến Thơ mới với những tập thơ: “Đàu thương”, “Xuân như ý”; “Thượng thanh khí”; “cẩm châu duyên”; hai vở kịch “Duyên kì ngộ,“Quần tiên hội”; tập thơ văn xuôi “Chơi giữa mùa trăng”… cái thú vị của thơ Hàn là còn mới hơn cả Thơ mới.

Trong số những thi phẩm trên tập “Đau thương” (Điên) đạt đến một giá trị nghệ thuật siêu việt, khẳng định tên tuổi Hàn Mặc Tử sừng sững như ngày hôm nay. “Đau thương” có ba phần: “Hương thơm”; “Mật đắng”; “Máu cuồng và hồn điên”.

1. Phong cách cá nhân:

Nội dung: Đọc thơ Hàn Mặc Tử ta bắt gặp một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống, yêu thiên cảnh, yêu con người đến khát khao, cháy bỏng; một khát vọng sống mãnh liệt đến đau đớn tột cùng. Trong thơ Hàn, nhiều bài thơ mang khuynh hướng siêu thoát vào thế giới siêu nhiên, tôn giáo, nhưng đó là hình chiếu ngược của khát vọng sống, khát vọng giao cảm với đời. Một số bài thơ cuối đời của thi sĩ họ Hàn còn đan xen những hình ảnh ma quái — đấu ấn của sự đau đớn, giày vò về thể xác lẫn tâm hồn. Đó là sự khủng hoảng tinh thần, bế tắc và tuyệt vọng trước cuộc đời:

“Ta còn trìu mến biết bao người
Vẻ đẹp xa hoa của một thời
Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng
Ôi giờ hấp hối sắp chia phôi. ”

Hàn Mặc Tử trải nghiệm đau thương bằng cả tâm hồn lẫn thể xác, bằng cả điên lẫn tỉnh, bằng cả mơ lẫn thực. Thơ được phóng xuất ra từ đấy, được phóng xuất ra như thế. Trong ngôn ngữ và cả trong im lặng. Nguồn thơ đó băng ra từ tiếng kêu thống thiết và lâm lụy của đời mà vẫn đầy yêu thương. “Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế” (Thánh nữ đồng trinh Maria).

Tuy nhiên, càng về cuối đời, thơ ông càng tha thiết, thanh thoát, an nhiên, chấp nhận, không còn chất gào thét điên cuồng dữ dội như đã trút hết cơn “lâm lụy” nơi trần thế, dọn sạch mình để chuẩn bị đi vào cõi vĩnh hằng viên mãn một vườn Xuân như ý, cầu nguyện để lại “ra đời” làm một Á Thánh cưỡi “Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao ” (Đêm xuân cầu nguyện).

Nghệ thuật: Biểu tượng Trăng, Hồn và Máu đã trở thành biểu tượng nghệ thuật bất biến, thường trực và xuyên suốt trong thơ Hàn Mặc Tử. Từ lúc bắt đầu làm thơ cho đến những ngày cuối đời ông, biểu tượng này đã theo ông bay lên “Trên thiên triều ngời chói vạn hào quang”:

“Trăng đang nằm trên sóng cỏ
Cỏ đùa trăng đến bên ao
Trăng lại đẫm mình xuống nước
Trăng nước đều lặng nhìn nhau.

(Bắt Chước)

“Ta trút lỉnh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn môi trong cây”

(Trút linh hồn)

Hay:

“Máu tim ta tuôn ra làm bể cả
Mà sóng lòng dồn dập như mây trôi
Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ
Dâng cao lên, cao tột tới trên trời ”

(Biển hồn ta)

Ngôn ngữ thuần Việt được sử dụng một cách sáng tạo, được nâng lên một trình độ rất cao nên rất “mới” nhưng cũng rất “Việt Nam”. Nói cách khác, Hàn Mặc Tử bao giờ cũng dùng tiếng Việt một cách “đắt” và táo bạo nhất:

“Làn môi mong mỏng tươi như máu
Đã khiến môi tôi mấp máy thèm”

Mỗi bài thơ của Hàn Mặc Tử vừa mang cấu trúc chặt chẽ vừa vận động hết sức ừôi chảy và thường là rất mãnh liệt. Thơ ông khi thì như một dòng suối, nhưng thường thì giống như một dòng thác, một vệt sao băng, chứng tỏ một khí lực thơ hết sức dồi dào và nhất quán. Chính vì thế, ngươi đọc thơ Hàn Mặc Tử như bị một “ma lực” lôi cuốn vào một dòng rung cảm sôi sục của tim và óc.

Hàn Mặc Tử đã đưa vào Thơ mới những sáng tạo độc đáo, những hình tượng ngôn từ đầy ấn tượng, gợi cảm giác liên tưởng và suy tưởng phong phú. Ngoài bút pháp lãng mạn, nhà thơ còn sử dụng bút pháp tượng trưng và yếu tố siêu thực.

2. Vai trò Hàn Mặc Tử đối với công cuộc hiện đại hóa văn học dân tộc:

Những thành công: Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tiên phong trong việc cách tân thi pháp của phong trào Thơ mới. Ông đã góp phần làm cho nền văn học dân tộc phát triển đa dạng hơn. Sự đóng góp tích cực của Hàn Mặc Tử phải kể đến việc lập nên “ Trường thơ loạn Bình Định”, mà ở đó thi sĩ họ Hàn là vị chủ soái.

Ma lực của “Thơ điên” mạnh mẽ đến nỗi cuốn hút được cả những nhà thơ tài ba của thời đại Thơ mới đến nhập cuộc: Bích Khê và Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan. Một số nhà thơ đương đại cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của “Thơ điên”, viết những bài thơ “phá phách”, những câu thơ dữ dội kiểu Hàn Mặc Tử. “Thơ điên” còn là một thành tựu đặc sắc vào bậc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại mà Hàn Mặc Tử là người có công đầu.

Hàn Mặc Tử – con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Thi nhân ra đi khi còn quá trẻ và sự nghiệp văn thơ cũng vừa mới bắt đầu. Tuy nhiên, dù chỉ có hơn 10 năm từ khi chập chững bước vào làng thơ cho đến khi rời xa cõi đời, Hàn Mặc Tử cũng đã kịp cho xuất bản hơn 10 tập thơ với hàng chục bài thơ đặc sắc; không chỉ có vậy, thi nhân để lại trong lòng hàng triệu người hâm mộ trên khắp mọi miền tình cảm mến thương và tiếc nuối khôn nguôi.

Những hạn chế: Sự nghiệp thơ ca của Hàn Mặc Tử là một tháp ngà kiêu sa, tráng lệ, ánh hào quang của nó tỏa sáng chói lòa nhân thế… vì vậy những hình tượng thơ của người đời khi khiến người đọc khó đến gần, khó nắm bắt và có khi khó hiểu. Âu đó cũng có thể được xem là những hạn chế nhất định của thơ Hàn.

Lên đầu trang