cam-on-nguoi-lon-nguyen-nhat-anh

Cảm ơn người lớn (Nguyễn nhật Ánh)

“Cảm ơn người lớn” (Nguyễn nhật Ánh)

“Cảm Ơn Người Lớn” là truyện dài mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm là những câu chuyện hồn nhiên, ngộ nghĩnh của cu Mùi, thằng Hải cò, con Tủn và cái Tí sún mà bạn từng gặp gỡ trong Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ cách đây 10 năm. Vẫn là nét thơ ngây, dí dỏm, đôi chỗ là những triết lí của trẻ con mà thật thấm thía, tất cả sẽ lại đưa bạn về một thế giới tuổi thơ ngày đó, dù đi xa mấy vẫn muốn quay trở về.

Mở đầu câu chuyện, hay trò chơi đầu tiên chính là trò “tập bay”. Đúng là suy nghĩ của con trẻ, cái gì cũng có thể làm được, chỉ cần tập là sẽ được. Cu Mùi và các bạn làm hai cái cánh bằng giấy, sau đó trèo lên mái nhà để tập bay. Nhưng thật không may là chú chim người đầu tiên là Hải cò, sau lần vỗ cánh đầu tiên đã bị ngã gãy tay. Người lớn (tức ba mẹ của bốn bạn) sau khi biết chuyện đã mắng một trận tơi bời, còn các bạn nhỏ thì ngậm ngùi chôn vùi ước mơ có thể bay lượn như chim trên bầu trời. Những ước mơ táo bạo, không phải bao giờ cũng trở thành hiện. Có thất bại cũng không phải nuối tiếc vì mình đã từng thử.

Không bay được, các bạn liền chuyển sang các trò chơi khác. Và có hai trò chơi hay được chơi nhất là trò làm vuatrò vợ chồng. Đứng ở cương vị nhà vua, các bạn nhận rõ, nếu có chức quyền trong tay, bạn dễ dàng có thể có được điều mà bạn muốn. Nhưng có giữ được những điều ấy bền lâu hay không, lại phải phụ thuộc vào việc bạn có vì người khác hay không. Quyền lực luôn đi kèm với trách nhiệm, quyền lực càng cao thì trách nhiệm sẽ phải càng lớn.Trong trò chơi đóng giả vợ chồng, có lẽ những suy tư của mấy đứa trẻ là suy tư của tác giả, của người lớn chứ trẻ con thì không thể nghĩ nhiều và chín chắn đến như vậy. Thế nhưng, đó là những gì sẽ xảy ra với tất cả chúng ta khi chúng ta trở thành người lớn.

Trò chơi tiếp theo trong tuổi thơ của bốn bạn chính là trò vẽ bản đồ. Nếu trong mắt người lớn, trò chơi này chỉ tổ tốn giấy tốn mực, thì đối với các bạn nhỏ, đây chính là một phương án kinh doanh. Cả bọn đã bàn nhau vẽ bản đồ sau đó bán lấy tiền, nhưng bán cho ai thì chưa kịp nghĩ tới. Trò chơi bản đồ là lời nhắc nhở cho chúng ta những dựu định, những kế hoạch, mục tiêu cần đạt tới trong cuộc đời mình. Không phải trẻ con là không biết suy nghĩ, mà ngược lại chúng có những tâm sự và quan tâm rất nhiều tới mọi người xung quanh. Hơn nữa, chúng còn có những ý tưởng thật sự táo bạo và mới mẻ.

Cuối cùng thì bốn bạn nhỏ cũng tìm được một việc mà với người lớn chính là “không chỉ để chơi”. Đó là sáng tác truyện tranh. Trò chơi này vừa thỏa sức sáng tạo, phát huy tài năng vẽ của con Tủn và tài năng viết truyện của cu Mùi mà lại vừa kiếm được tiền, nhưng dự định phát hành phần ba lại không thành vì phụ huynh và cô giáo phát hiện. Vậy là công cuộc kinh doanh chấm dứt từ đây. Thế mới thấy, sáng tạo là công việc không phải dễ và ẩn chứa nhiều rủi ro. Đó là lời nhắc nhở sâu sắc đối với chúng ta rằng cuộc sống mà không có sáng tạo, không dám sáng tạo thì sẽ thật vô vị. Và ngược lại, nếu sáng tạo mà không có mục đích rõ ràng thì rất có thể việc làm ấy sẽ gây nhiều tổn hại đối với bản thân và người khác.

Đúng như những gì Nguyễn Nhật Ánh viết ở cuối truyện. “Cảm ơn người lớn” thoạt đầu thì vui vậy đó, nhưng càng về các phần sau thì những nỗi buồn, trăn trở, những ưu tư càng nhiều. Lí do có lẽ đơn giản thôi. Vì sự xuất hiện về những câu chuyện của người lớn càng ngày càng nhiều. Nhưng nó không hề nặng nề. Vì những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh kể vẫn luôn mang màu sắc nhẹ nhàng như thế.

Câu chuyện nhẹ nhàng cuốn người đọc theo, vì chúng quá là đồng cảm với người lớn. Người đọc sẽ thấy mình đâu đó trong câu chuyện này. Từ những trò nghịch ngợm thuở ấu thơ, đến những suy nghĩ về cuộc sống, tình cảm,… khi đã hai mươi.

Mượn lời của những đứa trẻ hồn nhiên, tinh nghịch, Nguyễn Nhật Ánh luôn hoài niệm lại những điều hồn nhiên thú vị của những đứa trẻ. Để rồi buộc phải so sánh với cái nhìn hoàn toàn khác của người lớn. Phải làm người lớn rồi mới hiểu được lúc xưa mình đã ngây ngô như thế nào. Và vì có người lớn luôn che chở bảo bọc, những đứa trẻ mới có được một tuổi thở đẹp đẽ như vậy. Ai đọc rồi cũng sẽ thấy một phần mình hiện hữu trong những đoạn văn câu thơ ấy.

Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Đã là người lớn tức cũng là đã qua thời con nít, người lớn hay cằn nhằn. Người lớn hay lo và người lớn sợ đủ thứ trên đời. Đọc “Cảm ơn người lớn” và thấy mình nên bao dung hơn với con nít. Đồng thời cũng là bao dung với quá khứ cũng “oanh liệt” không kém của mình. Đọc để thấy mình cần quan sát con nít nhiều hơn. Cho con nít được chơi để trí tưởng tượng của chúng được bay bổng. Để rồi đến khi con nít thành người lớn sẽ nhớ rằng mình cũng đã từng là con nít như ai.

Nguyễn Nhật Ánh luôn hoài niệm lại những điều hồn nhiên thú vị thời thơ bé. Để rồi buộc phải so sánh với góc nhìn hoàn toàn khác của người lớn. Phải làm người lớn rồi mới hiểu được lúc xưa mình đã ngây ngô như thế nào.

Điều người lớn hơn trẻ con là kinh nghiệm qua vốn thời gian dài hơn. Đặc quyền của người lớn là có thể nhìn lại thời thơ ấu của mình rồi đối chiếu với thực tại, để chiêm nghiệm về quãng đời mà mình đã sống. Nhưng không thể bắt trẻ con phải luôn luôn hành xử cẩn trọng như người lớn được, vì trẻ con là quãng đời vui vẻ nhất của một con người, khi còn được chở che dưới đôi cánh của bố mẹ, được ăn chơi và được nghịch dại. Bắt trẻ con trưởng thành sớm cũng giống như việc giết chết quãng đời trẻ con của chúng đi vậy.

Người lớn cần giáo dục trẻ con, nhưng không bao giờ, không cần và không nên dùng bạo lực. Cả bạo lực thân thể lẫn bạo lực ngôn ngữ. Hãy quan sát các con, luôn trò chuyện và lắng nghe tâm sự như những người bạn tri kỷ. Hãy tạo không gian sáng tạo cho các con, để chúng được chơi, được nghịch, và từ những trò chơi đó lắng đọng lại trong tâm hồn non trẻ ký ức quý giá và bài học cho riêng mình.

Hãy lắng nghe trẻ con chia sẻ: “Bọn tôi còn cả cuộc đời phía trước để vật lộn, thậm chí để chịu đựng những đòn roi của cuộc sống; bọn tôi không biết tương lai của mình sẽ ra sao, cũng không biết cách chuẩn bị cho tương lai như thế nào nhưng hành động bồng bột thuở ấu thơ đó đã giúp bọn tôi hình thành một thói quen để sau này không phung phí hoặc phản bội lại những ý tưởng tốt đẹp mà tuổi thơ ban phát.” Và vì những lẽ đó, trẻ con cảm ơn người lớn khi được hiện diện trên cõi đời này, được yêu thương, được nuôi nấng bảo bọc.

Đọc “Cảm ơn người lớn”, chúng ta sẽ thấy người lớn dễ thương theo cách mà họ không biết. Còn những ai đã là người lớn sẽ học được cách bao dung với chúng ta hơn. Người lớn bao dung với trẻ con, cũng chính là bao dung với “một thời oanh liệt” của chính mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang