hinh-anh-the-he-tre-viet-nam-trong-su-nghiep-chong-mi-cuu-nuoc-qua-mot-so-tac-pham-da-hoc-trong-chuong-trinh-ngu-van-9

Hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước qua một số tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 9

Hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước qua một số tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 9

I. Mở bài:

– Giới thiệu tinh thần chiến đấu chống đế quốc Mĩ của dân tộc và các tác phẩm văn học thời kì này:

+ Cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng thời với nhiệm vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc của dân tộc ta đã viết nên những trang lịch sử hào hùng, vĩ đại. Văn học kháng chiến lấy hiện thực cuộc sống chiến đấu kiên cường và lao động hăng say của nhân dân làm chất liệu sáng tác, dệt nên những khúc ca hào hùng, có sức mạnh cỗ vũ to lớn.

– Các tác phẩm Đồng chí,  Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long ra đời trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Mặc dù vậy, các tác giả không đi sâu miêu tả những đau thương mất mát, những vất vả khó khăn của dân tộc mà tập trung khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam trong chiến đấu cũng như trong lao động.

II. Thân bài:

– Các tác phẩm làm hiện lên hình ảnh những con người rất đỗi bình dị, tâm hồn trong sáng, có lòng yêu nước thiết tha, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm chiến đấu với kẻ thù, hăng say lao động để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Họ đã tạo nên một tập thể anh hùng trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, trong đó mỗi nhân vật đều có vẻ đẹp riêng hòa vào vẻ đẹp chung của dân tộc.

1. Hình ảnh thế hệ trẻ thời chống Mĩ trong chiến đấu:

– Họ luôn hiên ngang, dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, gian khổ:

+ Bài thơ về tiểu đội xe không kính: Trên những chiếc xe không kính, những người lính lái xe có tư thế ung dung, bình tĩnh đến lạ thường (Ung dung buồng lái ta ngồi..). Họ chấp nhận thử thách như một tất yếu (ừ thì có bụi, ừ thì ướt áo…), với một thái độ bất chấp mọi hiểm nguy và hết sức ngang tàng (chưa cần rửa, chưa cần thay…).

+ Những ngôi sao xa xôi: Những thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn hàng ngày phải phơi mình trên trọng điểm sau những trận bom, đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và phá bom. Công việc vừa đồ sộ vừa nguy hiểm, cái chết luôn rình rập họ từng phút, từng giờ nhưng họ vẫn luôn chủ động, bình tĩnh trong mọi tình huống, gan dạ, dũng cảm, không quản ngại khó khăn nguy hiểm.

– Họ là những con người trẻ trung, yêu đời, tâm hồn lãng mạn, nhiều ước mơ, khát vọng:

+ Bài thơ về tiểu đội xe không kính: Những người lính lái xe rất trẻ trung, sôi nổi, lạc quan yêu đời (Thấy sao trời và đột ngột cánh chim, Như sa như ùa vào buồng lái; phì phèo châm điếu thuốc; nhìn nhau mặt lấm cười ha ha; Lại đi, lại đi trời xanh thêm…)

+ Những ngôi sao xa xôi: Những cô gái thanh niên xung phong là những người yêu đời, dễ rung cảm, giàu ước mơ. (Phương Định, Nho, chị Thao là những cô gái hồn nhiên, nhạy cảm, lãng mạn và mơ mộng,…).

– Ở họ luôn có một tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, thân thiết:

+ Bài thơ về tiểu đội xe không kính: Hoàn cảnh chiến tranh đã gắn kết những người lính lái xe trong tình thân đồng đội như anh em ruột thịt, cùng sẻ chia với nhau trong cuộc sống thiếu thốn, hiểm nguy. (Bếp Hoàng Cầm; Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy…).

+ Những ngôi sao xa xôi:Trong khói lửa đạn bom, những cô thanh niên xung phong cũng gắn bó, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau bằng tình cảm chân thành, thắm thiết của những người đồng đội. (Phương Định và chị Thao chăm sóc Nho khi Nho bị thương…)

– Họ có lý tưởng sống cao đẹp, có tình yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

+ Bài thơ về tiểu đội xe không kính: Họ chiến đấu vì đất nước. Trong trái tim người lính lái xe luôn sáng ngời lý tưởng cao đẹp. Vì nhiệm vụ chiến đấu, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, họ không ngại khó khăn, gian khổ, hi sinh.

+ Những ngôi sao xa xôi: Những cô gái trẻ vì tình yêu tổ quốc thiết tha đã sẵn sàng rời bỏ cuộc sống bình yên đi chiến đấu. Trong nhiệm vụ, họ đã quên mất bản thân, chỉ nghĩ đến việc hoàn thành nhiệm vụ cho thật tốt. Trước bom đạn của kẻ thù, tình yêu tổ quốc đã giúp họ chiến thắng nỗi sợ hãi, vượt qua cái chết, hành động một cahcs bình tĩnh, chính xác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

2. Hình ảnh thế hệ trẻ thời chống Mĩ trong lao động:

– Hình ảnh thế hệ trẻ thời chống Mĩ trong lao động được tập trung thể hiện trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Tác phẩm như một bài ca về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của những con người lao động tưởng chừng như bình thường mà cao cả, luôn quan tâm và có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước. Họ lặng lẽ, âm thầm, ngày đêm cống hiến hết mình cho đất nước.

– Họ là những người nhiệt tình và hăng say lao động. Trong điều kiện khắc nghiệt, những người lao động ấy vẫn mang hết sức lực của mình để cống hiến cho Tổ quốc. (Anh thanh niên với những suy nghĩ đúng đắn, sâu sắc về công việc, có tinh thần trách nhiệm, biết vượt lên khó khăn và gian khổ của hoàn cảnh sống để làm việc. Anh cán bộ nghiên cứu khoa học luôn sẵn sàng trong tư thế suốt ngày chờ sét,…).

– Họ là những người sống có lí tưởng và tràn đầy lạc quan. Anh thanh niên, anh cán bộ nghiên cứu khoa học,… đã thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc trong công việc lao động đầy gian khổ. Họ làm việc và lo nghĩ cho đất nước. Lí tưởng sống của họ là vì nhân dân, vì đất nước.

– Họ có lối sống giản dị, khiêm tốn, giàu tình cảm: anh thanh niên là người có tâm hồn cởi mở, chân thành, quý trọng tình cảm, khát khao được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người; biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống một cách chủ động, ngăn nắp; khiêm tốn, trân trọng sự hi sinh thầm lặng của những người xung quanh… Cuộc gặp gỡ đầy thú vị giữa anh thanh niên, người họa sĩ, cô kỹ sư và bác lái xe bộc lộ tình cảm đáng trân trọng của họ.

3. Đánh giá, khái quát:

– Với cảm hứng ngợi ca, hình ảnh những người lính, những nữ thanh niên xung phong, những người lao động thời kỳ chống Mĩ hiện lên chân thực, sinh động, cao đẹp; gieo vào lòng người đọc niềm trân trọng, cảm phục xen lẫn tự hào.

– Qua đó, chúng ta hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, về thế hệ cha anh với lí tưởng sống cao đẹp, sẵn sàng hi sinh xương máu, hi sinh tuổi thanh xuân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ trẻ hôm nay cần kế thừa và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thế hệ cha anh đi trước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

III. Kết bài:

Khắc họa vẻ đẹp con người trong chiến đấu và lao động thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, các nhà văn, nhà thơ vừa tôn trọng hiện thực vừa có chút cách điệu hóa khiến hình tượng nhân vật vừa chân thực vừa lung linh. Mỗi tác phẩm là một khúc ca hào hùng, phấn khởi. Qua vẻ đẹp phẩm chất và lí tưởng của thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, người đọc càng thêm tự hào về sức sống mãnh liệt của dân tộc, dù kẻ thù có hung bạo đến chừng nào, con người Việt Nam vẫn luôn đứng vững, chiến đấu và chiến thắng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang