»» Nội dung bài viết:
Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: “người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp”.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
Hướng dẫn làm bài:
- Mở bài:
Quang Dũng một nghệ sĩ đa tài, nhưng trước hết là một thi sĩ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, tài hoa. Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng và thơ ca chống Pháp; tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến. Bàn về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: “người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước“. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp”.
- Thân bài:
Giải thích ý kiến:
– “Dáng dấp tráng sĩ thuở trước” là nói đến những nét đẹp trượng phu giàu tính ước lệ kiểu văn chương trung đại trong hình tượng người lính.
– “Mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp” là muốn nói ở hình tượng người lính có nhiều nét đẹp thân thuộc chắt lọc từ đời sống chiến trường của những anh vệ quốc quân thời chống Pháp.
→ Đây là hai nhận xét khái quát về hai bình diện khác nhau của hình tượng người lính Tây Tiến: ý kiến trước chỉ ra vẻ đẹp truyền thống, ý kiến sau chỉ ra vẻ đẹp hiện đại.
Phân tích, bình luận, chứng minh ý kiến.
– Vẻ đẹp người lính mang dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước trong bài thơ Tây Tiến:
+ Người lính trong Tây Tiến có dáng vẻ oai phong, lẫm liệt, đầy hào khí; tinh thần chinh chiến kiêu dũng, xả thân; thái độ ngang tàng, ngạo nghễ, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.
+ Hình tượng người lính đặt trong miền không gian đầy không khí bi hùng cổ xưa với cuộc trường chinh vào nơi lam chướng nghìn trùng, với chiến trường là miền viễn xứ chốn biên ải, gắn với chất liệu ngôn ngữ trang trọng, hình ảnh ước lệ, …
– Hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp trong bài thơ Tây Tiến:
+ Người lính với tinh thần vệ quốc của thời đại chống Pháp cảm tử cho tổ quốc quyết sinh: không tiếc đời mình, không thoái chí sờn lòng, không bỏ cuộc; đời sống quân ngũ gian khổ mà vẫn trẻ trung, tinh nghịch; lăn lộn trận mạc đầy mất mát hi sinh mà vẫn đa cảm đa tình; dồi dào tình yêu thiên nhiên, tình quân dân và tình đôi lứa.
+ Hình tượng người lính gắn chặt với một sự kiện lịch sử là cuộc hành binh Tây Tiến; một không gian thực là miền Tây, với những địa danh xác thực, những cảnh trí đậm sắc thái riêng của xứ sở vốn hiểm trở mà thơ mộng; với ngôn ngữ đậm chất đời thường của những người lính trẻ…
– Hai ý kiến đều đúng, tuy có nội dung khác nhau, tưởng đối lập, nhưng thực ra là bổ sung nhau, cùng khẳng định những đặc sắc của hình tượng người lính Tây Tiến: đó là sự hoà hợp giữa vẻ đẹp tráng sĩ cổ điển với vẻ đẹp chiến sĩ hiện đại để tạo nên một hình tượng toàn vẹn.
– Hình tượng có được sự hoà hợp đó là do nhà thơ đã kế thừa thơ ca truyền thống, sử dụng bút pháp lãng mạn, đồng thời đã mang được vào thơ không khí thời đại, hiện thực chiến trường, đời sống trận mạc của bộ đội Tây Tiến mà tác giả vốn là người trong cuộc.
- Kết bài:
Sự kết hợp tài tình giữa bút pháp lãng mạn và cái nhìn hiện thực, Quang Dũng đã làm nổi bậc hình tượng người lính Tây Tiến vừa có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước vừa mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.