Hình tượng người phụ nữ trong Vợ nhặt (Kim Lân) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)

hinh-tuong-nguoi-phu-nu-trong-vo-nhat-kim-lan-va-chiec-thuyen-ngoai-xa-nguyen-minh-chau

Hình tượng người phụ nữ trong Vợ nhặt (Kim Lân) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)

Tiếp nhận sâu sắc và khai thác đầy đủ mọi vẻ đẹp của tác phẩm văn học là cái đích của người giáo viên dạy văn hướng đến. Đặc trưng của tác phẩm văn học là sự đa nghĩa. Để hình tượng văn học hiện lên một cách toàn vẹn nhất, chúng ta cần đứng dưới những góc nhìn khác nhau. Từ góc nhìn văn hóa, nếu bà cụ Tứ (Vợ nhặt) là hiện thân của người mẹ đầy lòng bao dung, vị tha, nhân hậu có tính truyền thống; thì người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa) vừa là sản phẩm chữ “tòng” của văn hóa Nho giáo, của chế độ phụ quyền, vừa là phản đề của văn hóa có tính truyền thống ấy. Bằng phương pháp văn hóa học kết hợp thao tác phân tích, bài viết làm nổi rõ hình tượng người phụ nữ trong hai tác phẩm. Từ đó, bài viết có thể khơi gợi một hướng tiếp cận mới về hai tác phẩm ấy.

Văn học là một bộ phận của văn hóa, nó nằm trong cái tổng thể văn hóa. Quan hệ giữa văn học với văn hóa là quan hệ có tính biện chứng giữa cái tổng thể và cái bộ phận. Cũng như cây xanh bám rễ từ đất để vươn lên bầu trời cao rộng, văn học có gốc rễ từ văn hóa dân tộc nhưng nó có xu hướng vươn tới những giá trị mới để hình thành những chuẩn mực thẩm mỹ mới. Nhưng những ngả đường dù có phong phú đến đâu nó cũng không vượt ra ngoài “khoảng trời văn hóa” mà nó tồn tại. Chính vai trò cội nguồn ấy là tiếp nhận văn học phải luôn luôn đặt trong mối tương quan với văn hóa. Bởi góc nhìn văn hóa sẽ giúp khám phá tác phẩm trong tính toàn vẹn và sâu sắc, nhất là ở phương diện bản sắc dân tộc và phong cách tác giả. Hơn thế nữa, vẻ đẹp, tư tưởng của tác phẩm không thể không bị chi phối bởi vẻ đẹp của không gian văn hóa mà tác phẩm ấy phản ánh. Tính dân tộc của tác phẩm văn học bắt đầu từ các giá trị văn hóa hiện diện trong những trang văn, từ tinh thần dân tộc thấm đẫm trong từng câu chữ.

Hiện nay các lý thuyết văn học hiện đại của thế giới đã được giới thiệu tương đối đầy đủ ở Việt Nam. Nó là một cơ sở quan trọng để hiểu và phân tích, phê bình sâu sắc và toàn diện hơn một tác phẩm văn học. Đời sống nghiên cứu văn học hiện nay đã tiếp thu được nhiều lý thuyết mới, (ngoài những lý thuyết quen thuộc như xã hội học, tiểu sử học, ấn tượng chủ quan) trong đó lý thuyết văn hóa học rất được chú ý. Văn học cũng như nhiều hình thái ý thức xã hội khác, là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa. Với đặc trưng của mình, văn học là bộ phận quan trọng nhất của văn hóa. Văn hóa chi phối rất lớn đến văn học, nên nghiên cứu, giảng dạy đều phải dựa vào cơ sở văn hóa. Là nhân tố quan trọng bậc nhất, văn học của một dân tộc góp phần làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc đó. Dòng chảy của văn học có nguồn mạch từ những giá trị văn hóa dân tộc, cho nên: “Văn học nếu có chức năng phản ánh hiện thực thì cũng không thể phản ánh trực tiếp được mà chỉ có thể phản ánh thông qua lăng kính văn hóa, thông qua “bộ lọc” của cá giá trị văn hóa. Nhờ thế, văn học tránh được sự phản ánh “gương”, phản ánh một cách trần trụi” (Đỗ Lai Thúy, 2011). Trong chương trình Trung học phổ thông, có hai truyện ngắn khá hay mà nhân vật chính là người phụ nữ, đó là “Vợ nhặt” của Kim Lân và “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Mỗi tác phẩm văn học, tùy vào nội dung mà ta có một góc nhìn phù hợp. Để khai thác hai tác phẩm này một cách sâu sắc và phong phú nhất, chúng ta cần đứng dưới góc nhìn văn hóa truyền thống lẫn hiện đại. Để thực hiện bài viết, người viết vận dụng phương pháp văn hóa học, tức là đứng từ góc nhìn văn hóa để khảo sát tác phẩm. Thao tác phân tích –tổng hợp cũng được vận dụng để tiếp cận cứ liệu nhằm xác lập luận điểm và đưa ra kết luận.

Nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.

Với mối quan khắng khít của văn học và văn hóa, nhà văn bao giờ cũng đồng thời là nhà văn hóa. Họ là sứ giả của nền văn hóa dân tộc họ, hoặc ít ra là sứ giả của văn hóa vùng mà họ sinh sống. “Bản thân nhà văn với thế giới nghệ thuật của mình là một sản phẩm văn hoá. Người đọc, với chân trời chờ đợi hướng về tác phẩm, cũng được rèn luyện về thị hiếu thẩm mỹ trong một môi trường văn hoá nhất định. Chính không gian văn hoá này chi phối cách xử lý đề tài, thể hiện chủ đề, xây dựng nhân vật, sử dụng thủ pháp nghệ thuật… trong quá trình sáng tác; đồng thời cũng chi phối cách phổ biến, đánh giá, thưởng thức… trong quá trình tiếp nhận” (Huỳnh Như Phương, 1994). Truyện ngắn “Vợ nhặt” là bức tranh quê hương, tái hiện không gian làng xóm đặc trưng của văn hóa làng quê Bắc Bộ. Kim Lân sinh ra và lớn lên ở làng chợ Giầu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nơi được xem là cái nôi của văn hóa Việt Nam. Và theo lẽ tự nhiên, hình ảnh những vùng quê Bắc Bộ yên bình, nghèo khó của một thời kỳ lịch sử đau thương đã đi vào trang văn của Kim Lân. Câu chuyện về tình người cao đẹp giữa thời người chết như ngã rạ do đói là chủ đề cơ bản của truyện. Để làm nổi lên chủ đề đó, tác giả đã đặt nhân vật trên cái nền của văn hóa làng. Đó là hình ảnh đường làng, lũy tre, lều chợ, cánh đồng, gốc đa, bánh đúc… đậm đà bản sắc văn hóa làng

Để xây dựng nên hình ảnh một gia đình nghèo khó ở vùng nông thôn không gì hơn là phải đặt họ vào xóm ngụ cư. Làng miền Bắc xưa có hai loại cư dân: chính cư và ngụ cư. “Trong xã, sự phân biệt rõ rệt nhất là phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư (còn gọi là dân nội tịch và dân ngoại tịch). Dân chính cư là dân gốc ở làng ấy, còn dân ngụ cư là dân từ nơi khác đến trú ngụ. Sự phân biệt này hết sức gắt gao: dân chính cư có đủ mọi quyền lợi, còn dân ngụ cư luôn bị khinh rẻ” (Trần Ngọc Thêm, 1999). Công việc của dân ngụ cư là đi làm thuê cho dân chính cư. Họ luôn bị dân chính cư xem thường. Họ phải chấp nhận thực hiện mọi nghĩa vụ như dân chính cư nhưng hầu như không được hưởng quyền lợi gì. Có thiệt thòi, oan ức cũng không ai bênh vực, nên họ bị xem là lớp dân nghèo hèn.

Trong nạn đói năm 1945, dân chính cư đói thê thảm, dân ngụ cư, đương nhiên, càng thê thảm hơn. Đó là lý do mà Kim Lân chọn bối cảnh là một gia đình ở xóm ngụ cư để phản ánh hiện thực, qua đó chuyển tải những thông điệp của mình. Thông điệp ấy được xây dựng trên phông nền văn hóa làng.

Tác phẩm văn chương chính là hành trình đi tìm cái đẹp của tác giả. Đó là cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của phong tục tập quán, cái đẹp trong các mối quan hệ xã hội… Nhưng quan trong nhất vẫn là cái đẹp của tâm hồn, tính cách và hình thức của con người. Trong “Vợ nhặt”, cả ba nhân vật Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ đều là những nhân vật đẹp về tính cách, tâm hồn. Tràng là một chàng trai nghèo tốt bụng, sẵn sàng mang người khó. Người vợ nhặt, dù thân phận thấp hèn nhưng luôn có lòng tự trọng. Tuy nhiên, bà cụ Tứ mới là nhân vật đẹp nhất, là người mà Kim Lân gửi gắm thông điệp rõ nhất: Tình cảm cao đẹp sẽ giúp con người vượt qua nghịch cảnh.

Người phụ nữ Việt Nam có đặc tính nổi bật là tấm lòng nhân hậu, sống quên mình để phụng sự con cháu. Tính cách này được hun đúc ngàn đời từ truyền thống văn hóa trọng nữ của dân tộc. Đối với dân tộc Việt, ngay cả trong chế độ phụ quyền, phụ nữ là người giữ “tay hòm chìa khóa” của gia đình, là người giữ được thăng bằng trong gia đình, dù họ có thể không phải trụ cột về kinh tế. Bà cụ Tứ là một người phụ nữ Việt Nam điển hình.

Khi thấy Tràng dắt vợ về, “bà lão phấp phỏng bước theo con vào nhà, đến giữa sân bà sững lại vì thấy có một. người đàn bà ở trong…”. Sự băn khoăn lo lắng của bà cụ bắt đầu hiện lên. Nhưng rồi bà cũng nhận ra, cũng hiểu: “Bà lão cúi đầu nín lặng, bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán, vừa xót xa cho số kiếp con mình. Chao ôi người ta dựng vợ gả chồng cho con là trong lúc làm ăn nên nổi, còn mình…”. Những suy nghĩ chua xót của bà lão được Kim Lân diễn tả qua một loạt động từ tình thái khiến cho cái khổ, cái đói hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Với một phản ứng thông thường của người mẹ khi con trai có vợ mà không xin phép mình, cộng với thói “mẹ chồng nàng dâu” thông thường, tưởng đâu cụ Tứ sẽ chửi cho Tràng và thị một trận lôi đình. Nếu có chửi thì cũng bình thường, vì hai lý do: Một là, ngày xưa “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, dựng vợ gả chồng là cha mẹ quyết định, đằng này Tràng tự ý dắt vợ về; hai là, tâm lý mẹ với con trai, mẹ bao giờ cũng rất thương con trai, vì nó là sở hữu của mình, nên khi con trai có vợ thì thuộc sở hữu của người đàn bà khác nên hụt hẫng, từ đó đâm ghét con dâu. Nhưng chúng ta thấy phản ứng của bà cụ rất hay, đầy tình nhân ái. Vì thương con, thương người phụ nữ tứ cố vô thân: “Bà lão nhìn người đàn bà,l òng đầy thương xót. Nó bây giờ là con dâu trong nhà rồi”mà bỏ qua tất cả để cùng nhau vượt qua khó khăn mà tạo dựng cuộc sống mới. Chính tấm lòng này của người mẹ khiến cho Tràng và người vợ mới thấy nhẹ lòng mà bước vào cuộc sống mới.

Hành động tiếp theo của bà cụ là vẽ ra một tương lai sáng sủa: “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng bay liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì con cái chúng mày về sau”. Rồi bà cụ cùng với con dâu quét dọn nhà cửa, khuyên Tràng làm chuồng gà, bưng nồi cháo cám lên với giọng bông đùa vui vẻ: “chè khóan đây, ngon đáo để cơ”. Có thểnói tinh thần, tình cảm, sựhài hước của cụđược ví như ánh nắng chiếu vào cảnh u tối của căn nhà rách nát, đói nghèo, đem lại niềm tin để họ vươn lên trong cuộc sống. Bà cụ Tứ – hình tượng người phụ nữ thấm đẫm tình thần nhân đạo được hình thành từ văn hóa truyền thống, là linh hồn của tác phẩm “Vợ nhặt”. Kim Lân với phong cách viết giản dị, sống gần gũi với đời sống của nhân dân nên ông được xem là nhà văn của làng quê. “Vợ nhặt”, bên cạnh giá trị hiện thực và nhân đạo, tác phẩm đã thực hiện xuất sắc vai trò của mình trong việc tái hiện nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam. Qua đó, tác phẩm góp phần “cấy” một cái “gien” văn hóa dân tộc vào tâm hồn mỗi bạn đọc, giúp hình thành tính cách văn hóa và tình cảm đồng bào cho mỗi người.

Nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu

“Chiếc thuyền ngoài xa” là một truyện ngắn rất thành công trong giai đoạn sáng tác thứ hai của nhà văn được xem như là người tiên phong đổi mới cho văn học Việt Nam sau 1975. Đây là một truyện ngắn được xem là xuất sắc trong cách kết cấu, trong tổ chức cốt truyện và trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, nhằm làm hiện chủ đề của truyện là con người cần phải có một cái nhìn toàn diện thấu đáo mới thấy được bản chất của vấn đề. Nhưng như thế chưa đủ, dưới góc nhìn văn hóa, chúng ta còn thấy một thông điệp khác của tác phẩm.

Tại sao tác giả lấy bối cảnh cho câu chuyện của mình là một làng ở vùng biển miền Trung làm nghề chài lưới? Trong ngư nghiệp, chài lưới là một công việc kiếm sống của người nghèo. Do nghèo, họ không sắm được thuyền lớn để đánh bắt ở khơi xa, họ chỉ sắm được ghe nhỏ hoặc mủng (thúng) giăng lưới gần bờ bắt cá nhỏ. Họ thường lấy chiếc ghe của mình làm nhà ở. Do ghe chật nên sinh hoạt vô cùng bất tiện, khó khăn. Không gian ấy cộng với sự thiếu thốn dễ khiến con người cáu ghét, nóng nảy. Lấy bối cảnh đó để làm thông điệp chuyển tải nội dung là một sự lựa chọn hiệu quả của tác giả. Dù câu chuyện gia đình người hàng chài chỉ là phương tiện để bộc lộ tư tưởng, nhưng tác giả cũng đã đem đến cho người đọc trẻ tuổi biết được một nghề vô cùng cực nhọc của người nông dân Việt Nam.

Cái khổ của gia đình hàng chài có một nguyên nhân nữa, đó là do sinh nhiều con. Bắt nguồn từ văn hóa gốc nông nghiệp trồng lúa nước cần nhiều người cho công việc, ông cha ta có quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” hay “đông con hơn nhiều của”. Con cái là của lộc trời ban cho cha mẹ, sinh con để duy trì nòi giống nên sinh nhiều con là niềm mong ước rất lớn của người Việt Nam, cho đến khi nhà nước ban hành chính sách “sinh đẻ có kế hoạch”. Người xưa cho rằng gia đình đông con là nhà có phúc, càng nhiều con cái thì gia đình càng nhiều phúc. Việc có nhiều con cái sẽ giúp đỡ đần được công việc nhà, có người chăm sóc lúc đau ốm, gia đình sống quây quần, vui vẻ, gia tộc phát triển. Tiêu chuẩn để chọn con dâu là eo thon, mông to để đẻ con dễ và nhiều. Tục “giã cối đón dâu” cũng là cầu mong con đàn cháu đống. Người đàn bà hàng chài nhận mình khổ là do “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”. Không riêng chị, các gia đình khác cũng đẻ nhiều: “một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa”. Người đàn bà hàng chài cho rằng: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Chính cái văn hóa ham con, đẻ nhiều đã đè lên số phận của người phụ nữ Việt Nam khiến họ luôn nhận phần lỗi về mình và sống cam chịu.

Trong gia đình người Việt, vợ thường chỉ là cái bóng của chồng, chấp nhận “thấp cổ bé miệng” hơn chồng. Người chồng là dương, người vợ là âm. Âm chỉ có thể phụ giúp dương mà không nên áp chế dương để hiển lộ mình, nếu không sẽ là không có “hạnh”. Khi ứng xử giao tiếp với chồng, vợ phải biết nhún nhường chồng để giữ gìn hòa khí gia đình, “chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười chúm chím rằng anh giận gì”. Thói quen ứng này là một nguyên nhân để người vợ hàng chài chấp nhận cho chồng đánh đập liên miên.

Khi nghe Đẩu và Phùng khuyên ly dị chồng, người đàn bà khẩn khoản: “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Nguyên nhân theo chị thì “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba”. Hơn ai hết, chị hiểu rõ cuộc sống ở làng chài, nghề biển mệt nhọc và vất vả thế nào nên không muốn ly hôn. Nhưng sâu xa hơn chính là tư tưởng “thuyền theo lái, gái theo chồng” có từ lâu đời. Bạn đọc trẻ đa phần không đồng tình với việc kiên quyết không bỏ người chồng của chị hàng chài, nhưng người đọc lớn tuổi lại tỏ ra thông cảm. Phản đối hay thông cảm đều xuất phát từ những tâm thức văn hóa khác nhau. Và chính tâm thức văn hóa đã tạo ra ý thức tiếp nhận. Đó là cơ sở để tác phẩm có nhiều cách hiểu khác nhau.

Sự thông cảm của người đọc lớn tuổi xuất phát từ văn hóa truyền thống. Ngoài nguyên nhân có nhiều con, cần người đàn ông, vai trò người phụ nữ; sự không ly hôn của chị hàng chài còn xuất phát từ truyền thống ngại tan vỡ gia đình của người Việt. Đối với người Việt, gia đình là một tổ chức vô cùng bền chặt được nối bằng sợi dây tình và nghĩa. Người Việt xem cái nghĩa quan trọng hơn cái tình nên nhiều người hết tình nhưng vẫn gắn bó với nhau được là nhờ cái nghĩa. Cái nghĩa đã ràng buộc chị với người chồng là lòng biết ơn người đàn ông đã không chê xấu để lấy chị làm vợ, đã cùng với chị vất vả lo cho con có miếng ăn, đã cùng chị “nhìn đàn con chúng nó được ăn no”… Vậy đó, chỉ cần bấy nhiêu cũng đã ràng buộc được người phụ nữ trong gia đình mà nhiều khi sự khốn nạn nhiều hơn hạnh phúc. Điều này là đáng trách hay đáng thương? Nguyễn Minh Châu có gửi gắm thông điệp gì thông qua câu chuyện quá đắng lòng này không, hay chỉ là vấn đề cái nhìn cuộc sống và con người?.

Dưới góc nhìn hiện thực, “Chiếc thuyền ngoài xa” đem đến cho người đọc một bức tranh hiện thực u ám của cuộc sống người nông dân nghèo vùng biển để người đọc thấy rằng, trong cuộc sống mới vẫn còn những mảnh đời nghèo khổ quẫn bách. Đó chính là tinh thần phản ánh hiện thực không phải đạo (phản ánh cả những điều tốt và xấu của hiện thực) mà Nguyễn Minh Châu khởi xướng từ năm 1978. Dưới góc nhìn văn hóa, truyện đã khái quát được những vấn đềvăn hóa gia đình có tính truyền thống của người Việt Nam. “Văn hóa không bao giờlà một hiện tượng thuần nhất. Sự đan xen văn hóa có khi dẫn đến sự pha tạp, trộn lẫn, nhưng cũng có khi dẫn đến sự kết tinh, chưng cất nên những giá trị mới. Về mặt thời gian, khi cái cũ chưa bàn giao cho cái mới, văn học có thể là nơi hội tụ của những tìm tòi cho sự chuẩn bị chuyển tiếp thời đại”(Huỳnh Như Phương, 1994). Trên tinh thần ấy, sự thủy chung của người đàn bà hàng chài là đáng ca ngợi, ủng hộ hay phê phán, phủ nhận? Đó là một dấu hỏi mà Nguyễn Minh Châu đặt ra để mỗi người tự xác định một câu trả lời cho mình. Theo chúng tôi, dựa cách kết thúc truyện, từ góc độ nhân văn, tác giả Nguyễn Minh Châu dường như bị lý lẽ của người đàn bà hàng chài thuyết phục. Sự thuyết phục ấy thể hiện qua đoạn kết của tác phẩm. Tuy nhiên, từ góc độ văn hóa, sự nhẫn nhục cam chịu ấy là một hạn chế của văn hóa truyền thống, bởi vì nó tạo sự “an phận thủ thường” dù là trong ngục tù của con người, nhất là người phụ nữ.

Theo Lê Nguyên Cẩn việc giải mã các giá trị văn hóa ở tác phẩm văn học “là một vấn đề không dễ giải quyết trong một sớm một chiều nhưng gợi mở một hướng nghiên cứu, một hướng tiếp cận tác phẩm văn chương để hiểu hơn vì sao văn học tồn tại trong đời sống con người và vì sao nhân loại cần tới văn học. Tất nhiên, khi nói văn hóa là của con người, do con người và cho con người thì văn học cũng phải mang các tính chất đó”(Lê Nguyên Cẩn, 2013). Theo đó, một trong những chức năng của tác phẩm văn học là lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Từ sự lưu giữ ấy, tác phẩm văn học trong nhà trường trực tiếp truyền bá cho thế hệ sau biết và hiểu những giá trị văn hóa của cha ông để không quên nguồn cội. Dưới góc nhìn xã hội học và đạo đức, bà cụ Tứ và người đàn bà hàng chài là những mẫu người phụ nữ đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam xưa: giàu đức hy sinh, trọn vẹn thủy chung, hết lòng phụng sự chồng con. Tuy nhiên, dưới góc nhìn văn hóa, nếu bà cụ Tứ là hiện thân của người mẹ đầy lòng bao dung, vị tha, nhân hậu; thì người đàn bà hàng chài vừa là sản phẩm chữ “tòng” của văn hóa Nho giáo, của chế độ phụ quyền, vừa là phản đề của văn hóa có tính truyền thống ấy. Phân tích hình tượng người đàn bà hàng chài không thể chỉ dựa vào văn hóa truyền thống để thấy rằng chữ “tòng” của chị ta là đúng đắn, đáng ca ngợi. Để hiểu một cách đầy đủ, chúng ta còn và cần phải dựa vào cơ sở văn hóa hiện đại để thấy sự nhẫn nhục chịu đựng của người vợ không phải là hình mẫu cho giới trẻ – thế hệ đã tiếp cận với văn hóa hiện đại Tây phương và ý thức bình đẳng giới ngày càng mạnh mẽ.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.