Hình ảnh bóng hoàng hôn trong thi ca
Thật không thể nào nói hết được cảnh sắc mĩ lệ của những buổi hoàng hôn trong thi ca. Không chỉ là khoảnh khắc tuyệt đẹp cuối ngày mà nó còn là biểu tượng của sự tàn phai, u huyền. Khác với buổi trời chiều còn rực rỡ nắng vàng, bóng hoàng hôn là một khoảnh khắc trong đại của vũ trụ trước khi đi vào yên nghỉ.
Thơ xưa không thiếu bài hay ghi nhận khoảnh khắc ấy. Thôi Hiệu trong bài “Hoàng Hạc lâu” đã một lần miêu tả thần tình cảnh tượng hoàng hôn trên bến:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
(Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu)
Bạn lên đường từ lầu Hoàng hạc trong buổi hoàng hôn khói sương mờ mịt. người đã buồn cảnh càng thêm buồn hơn. Trước trời rộng sông dài, một mình đối diện với chính mình, đối lập hoàn toàn với không gian quá rộng. Lại thêm bóng hoàng hôn nối liền trời và đất, không gian ấy càng trải dài đến vô tận, đủ sức gây cho con người một nỗi buồn vô biên.
Đỗ Phủ trong bài “Thương đầu sông” cũng có những lời tâm cảm đầy bi thương, ảo não trước bóng hoàng hôn nơi đất khách:
“Nhân sinh hữu tình lệ triêm ức,
Giang thuỷ giang hoa khởi chung cực.
Hoàng hôn Hồ kỵ trần mãn thành,
Dục vãng thành nam vọng thành bắc.”
Dịch thơ:
Việc đời nghĩ lại lệ tuôn ướt cả ngực,
Hoa, nước trên sông… đâu cùng cực?
Ngựa Hồ về trong hoàng hôn, bụi bay đầy thành,
Ta muốn về phía nam, hoá ra lại sang phía bắc!
(Thương đầu sông – Đỗ Phủ)
Trên đường đời vạn khổ, một chiều đứng lại trước hoàng hôn cô tịch, thấy thương mình xiết bao mà dòng lệ không ngừng tuôn chảy. Có tài trí nhưng chẳng giúp ích được gì, thậm chí phận mình cũng phải nổi trôi nay đây mai đó. Hình ảnh bóng hoàng hôn chính là dòng thời gian trôi chảy sắp đến thờ khắc tận cùng sao khỏi gây cho li khách một cảm giác ảo não đến tuyệt vọng. Hoa nước trên sông cứ trôi đi không biết đâu là bến bờ. Mừng rỡ nghe tiếng ngựa Hồ về trong hoàng hôn hóa ra đó chỉ là ảo vọng. Lạc bước trên đường đời buồn càng thêm buồn.
Đỗ Phủ mang một tâm tư lớn, muốn đem sức giúp đời nhưng phận bạc nổi trôi đành gửi niềm tâm cảm vào thơ ca. Ông thường lấy bối cảnh hoàng hôn để thể hiện cái chí lớn chưa thành, điều tâm nguyện chưa đạt mà tuổi đời dần phai. Đôi khi ta cũng thấy ông bất lực trước thực tại.
Trong tập “Nhật kí trong tù”, Hồ Chí Minh đã có một điểm nhìn khác biêt:
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây lơ lửng giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng.”
(Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh)
Cũng là buổi chiều muộn, bóng hoàng hôn phủ xuống khắp đất trời nhưng đó lại là một bức trang hoàng hôn tươi vui tràn đầy sức sống. Chim về rừng tìm nơi tổ ấm, thản nhiên không có gì vộ vã, chòm mây như còn quyến luyến bầu trời không chịu rời đi, gợi ra một khung cảnh yên bình. Và khi hiện lên hình ảnh cô em xóm núi đang xay ngô tối và bếp hồng rực lửa khiến cho không gian ấm áp vô cùng. Người lữ khách không có cảm giác u buồn mà trái lại hứng khởi lên đường tìm đến nguồn sáng ấy. Thơ Hồ Chí Minh luôn hướng đến những hình ảnh chứa đựng sức mạnh truyền cảm mạnh, gây cho người đọc một niềm tin vững chắc vào sự sống đang diễn biến theo xu hướng đi lên. Đó cũng là tinh thần và bản lĩnh của người chiến sĩ Hồ Chí Minh biết vượt lên nghịch cảnh và tìm lấy một sức mạnh tự thân.
Trần Nhân Tông trong bài “Thiên Trường vãn vọng” lại thấy được cái mờ ảo vi diệu của buổi hoàng hôn trên nền cảnh đồng quê yên ả, thanh bình:
Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên
Bán vô, bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi há điền.
Dịch:
Trước thôn, sau thôn, khí trời mờ nhạt như khói,
Bóng chiều tà nửa không, nửa có.
Trẻ chăn trâu thổi sáo dẫn trâu về hết,
Từng hàng cò trắng bay xuống ruộng.
(Thiên Trường vãn vọng – Trần Nhân Tông)
Khắp đất trời mờ mịt trong khói mây. Sự mơ hồ đủ sức gợi lên trong lòng thi nhân sự rung cảm khác thường. Bóng chiều tà nửa như có nửa như không, mờ mờ ảo ảo như đang trong chốn lạ lùng nào đó. Thực sự, hoàng hôn phủ lên cảnh vật một màu sắc chưa từng có, chỉ trong khoảnh khắc thôi nhưng cũng đủ làm hồn ta đắm chìm trong ấy. Thời gian như ngừng lại trong khói biếc muôn trùng. Bỗng đâu đó tiếng sáo của trẻ chăn trâu dẫn đàn trâu về làng đánh thức con người trở lại với thực tại. Từng đàn cò trắng chao liệng hạ cánh xuống đồng. Người về, kẻ ở, thực và mơ xáo trộn trăm chiều làm cho cảnh chiều trở nên thi vị vô cùng. Ta cũng bắt gặp cảm giác nao nao gợn lên trong lòng và ẩn hiện đâu đó trong lòng Trần Nhân Tông nỗi nhớ nhà tha thiết.
Hình ảnh bóng hoàng hôn và quê hương cố xứ luôn đi sóng đôi với nhau tao nên một cặp song trùng đầy giá trị trong nghệ thuật. Chắc hẳn rằng bất cứ một thi nhân nào cũng đã từng một lần tìm đến và khao khát nắm lấy được cái hồn của nó mong tìm thấy một sức mạnh vượt trội trong biểu đạt của mình.