»» Nội dung bài viết:
Hướng dẫn viết đoạn văn nghị luận xã hội (NLXH) 200 chữ trong đề thi THPT.
1. Cấu trúc đoạn văn NLXH 200 chữ.
– Đoạn văn bao gồm nhiều câu, liên kết với nhau cùng xoay quanh, làm rõ câu chủ đề đã cho.
– Đoạn văn gồm 01 câu mở đoạn (Gọi là câu chủ đề); nhiều câu triển khai ý của câu chủ đề và câu kết đoạn.
– Nội dung của đoạn văn bao gồm:
+ Giải thích câu chủ đề.
+ Bàn luận về vẫn đề được nêu ra ở câu chủ đề.
+ Bài học nhận thức và hành động từ vẫn đề được nêu ra ở câu chủ đề.
2. Yêu cầu viết đoạn văn NLXH
– Căn cứ vào tỉ lệ điểm và thời gian làm bài của môn Ngữ văn trong Kì thi THPT Quốc gia 2017, nên giành cho câu viết đoạn văn nghị luận khoảng 30 phút (vì trong đề câu này chiếm 2,0 điểm, ở mức độ vận dụng cao).
– Đoạn văn phải đảm bảo yêu cầu về mặt hình thức: viết liền mạch, có một đến hai câu mở đoạn, sau đó là các câu thân đoạn và cuối cùng là một đến hai câu kết đoạn.
– Triển khai viết đoạn:
- Phần mở đoạn nên chọn cách vào trực tiếp, tránh dài dòng, lan man.
- Phần thân đoạn, cũng là phần trọng tâm cần phải đảm bảo yêu cầu: Giải thích vấn đề nghị luận; Bàn bạc về vấn đề được nêu ra (bằng cách trả lời các câu hỏi: Vấn đề đó tại sao đúng, tại sao sai? Biểu hiện của vấn đề trong đời sống thực tế như thế nào?), đồng thời lật lại hoặc bổ sung, mở rộng vấn đề; Cuối cùng là phần rút ra bài học về nhận thức và hành động.
- Phần kết đoạn có thể dùng phần bài học được rút ra.
– Vấn đề nghị luận theo cấu trúc Đề thi minh họa là một câu được rút ra từ ngữ liệu đã cho ở phần Đọc hiểu. Bởi vậy có thể linh hoạt sử dụng lí lẽ và dẫn chứng ở trong bài đọc hiểu để làm bài viết đoạn nghị luận xã hội này.
3. Thực hành viết đoạn văn
Cho văn bản:
Những chị lúa phất phơ bím tóc
Những cậu tre bá vai nhau thì thầm đứng đọc
Đàn cò trắng
Khiêng nắng
Qua sông
Cô gió chăn mấy trên đồng
Bác mặt trời đạp xe qua đỉnh núi
(Trần Đăng Khoa, Em kể chuyện này)
Đoạn thơ gợi cho ta nhớ về những vùng quê, nơi lưu giữ những kí ức tuổi thơ đẹp đẽ của mỗi người. Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Ý nghĩa của những kí ức tuổi thơ đối với mỗi người.
* Yêu cầu:
1. Về hình thức: viết đoạn văn khoảng 200 chữ; Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…
2. Về nội dung:
– Kí ức tuổi thơ là một phần đẹp đẽ trong cuộc đời mỗi con người
– Kí ức tuổi thơ giúp bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nên nhân cách mỗi người.
– Kí ức tuổi thơ là một miền sáng, ấm áp để con người tìm về, cân bằng cuộc sống khi khó khăn, va vấp.
– Kí ức tuổi thơ thường gắn với tình cảm gia đình, là cội nguồn hình thành tình yêu quê hương, đất nước.
– Phê phán những con người lãng quên tuổi thơ chạy theo cuộc sống vật chất hiện tại.